Sẽ xử lý nghiêm doanh nghiệp chây ỳ giảm cước vận tải
Hai lần trong một tháng, Bộ Tài chính phải ra văn bản đề nghị kiểm soát chặt giá cước vận tải. Đến nay, đã có một số doanh nghiệp (DN) giảm cước, nhưng vẫn hết sức khiêm tốn so với tổng số hàng nghìn DN đang hoạt động trong ngành.
Cước vận tải đã "rục rịch" giảm
Theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, hiện nhiều đơn vị vận tải trên địa bàn thành phố đã kê khai giảm giá cước với mức giảm cụ thể đối với taxi bình quân 3%, tuyến vận tải cố định 3 - 5%. Tuy nhiên vẫn còn một số DN chưa thực hiện kê khai giảm cước như Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải dầu khí Cửu Long, Công ty cổ phần Vận chuyển Saigontourist, Công ty cổ phần Taxi Gas Petrolimex, Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hai Bảy Bảy, Hợp tác xã Vận tải du lịch 27-7 và Hợp tác xã Vận tải Minh Đức.
Tại Hà Nội, trước sự chây ỳ của các DN vận tải, cuối tuần qua, gần 200 DN trong tổng số 300 DN vận tải của thành phố đã phải ký cam kết với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội kê khai lại giá cước vận tải phù hợp biến động giảm của giá nhiên liệu.
Hiện tại có khoảng 70% đơn vị vận tải đã nộp hồ sơ kê khai giá cước, trong đó có 25 DN đã thực hiện giảm giá cước. Mức giảm giá của các DN phổ biến từ 500 - 1.000 đồng đối với taxi và giảm khoảng 3 - 17% đối với loại hình vận tải cố định. Hạn cuối để các DN đã ký cam kết giảm giá cước là ngày 16/9/2015. Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau thời điểm này nếu DN nào không thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm.
Còn tại Hải Phòng, thông tin từ Sở GTVT thành phố cho biết, đã có 53 đơn vị vận tải hành khách trên địa bàn thực hiện việc giảm giá cước vận tải hành khách ở mức từ 3% - 11%. Theo đó, các DN vận tải khách theo tuyến cố định có 32/35 đơn vị đã đăng ký giảm giá cước; các DN vận tải khách bằng xe taxi có 24/26 đơn vị đã đăng ký giảm giá cước; vận tải khách công cộng bằng xe buýt có 1/4 đơn vị đã đăng ký giảm giá cước.
Tuy nhiên so với con số 1.175 DN hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe container; 26 DN hoạt động vận tải taxi; 35 DN tuyến cố định; vận tải hành khách bằng hợp đồng là 474 DN… với tổng 13.239 xe đang hoạt động trên địa bàn Hải Phòng, số lượng các đơn vị đăng ký giảm giá cước là rất nhỏ.
Xử lý nghiêm công khai rộng rãi
Theo thống kê sơ bộ, tính từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng Ron 92 đã được điều chỉnh tăng 4 lần với tổng mức tăng là 5.040 đồng/lít và điều chỉnh giảm 7 lần với tổng mức giảm 5.590 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S điều chỉnh tăng 2 lần với tổng mức tăng 1.210 đồng/lít và điều chỉnh giảm 9 lần với tổng mức giảm 4.890 đồng/lít.
Trong đó, kể từ tháng 7/2015 đến nay, giá xăng, dầu có xu hướng giảm khá rõ rệt, trong đó từ ngày 4/7 đến nay, giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm 5 đợt, xăng giảm 3.380 đồng/lít, dầu điêzen 0,05S giảm 2.760 đồng/lít. Như vậy, so với thời điểm đầu năm 2015 thì giá xăng Ron 92 giảm 550 đ/lít, điêzen 0,05S giảm 3.680 đồng/lít.
Trước bối cảnh giá xăng, dầu có xu hướng giảm nêu trên, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ GTVT với chức năng quản lý giá chuyên ngành, UBND tỉnh với chức năng quản lý giá tại địa phương triển khai tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn. Trong đó, có yêu cầu giám sát chặt chẽ việc kê khai giảm giá cước đối với dịch vụ vận tải bằng xe ôtô.
Trao đổi với phóng viên chiều 15/9, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã một lần nữa khẳng định, những đơn vị kinh doanh vận tải bằng ôtô đã kê khai tăng giá tại thời điểm giá xăng, dầu tăng trong những tháng đầu năm 2015 phải xem xét giảm ngay. Đồng thời, các cơ quan quản lý giá chuyên ngành đang theo dõi chặt chẽ việc kê khai giá cước của các DN phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu từ đầu năm 2015 đến nay.
Trường hợp những đơn vị này cố tình không chịu giảm giá cước, để đảm bảo minh bạch, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra ngay, xử lý nghiêm theo quy định và công bố công khai để toàn xã hội và người tiêu dùng biết.
Trước tình trạng DN chây ỳ giảm cước, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã yêu cầu thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Các đoàn sẽ thực hiện kiểm tra công tác quản lý và kê khai, niêm yết giá cước vận tải bằng xe ô tô tại các khu vực, đồng thời kiểm tra giá dịch vụ vận chuyển hàng không trong cả nước. Được biết, Bộ GTVT cũng đã mời đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cùng tham gia các đoàn kiểm tra này.
Trong đợt giảm giá xăng dầu vào cuối năm 2014, nhờ sự tích cực của hai ngànhTài chính - GTVT, sau Tết Nguyên đán 2015, hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải trên cả nước đã kê khai giảm giá cước, tỷ lệ số lượng đơn vị giảm giá đạt từ 63 -100%, phần lớn các địa phương đạt 100%, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải giảm giá 2 đến 3 đợt.
Tỷ lệ giảm giá đối với vận tải hành khách tuyến cố định từ 2 - 32,5% (phổ biến khoảng 10%) tùy từng tuyến, đối với vận tải hành khách bằng xe taxi từ 2 - 35% (phổ biến khoảng 11 - 13%) tùy loại xe và số km.