Siết chặt công tác chống buôn lậu những tháng cuối năm

PV.

Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao cũng là khoảng thời gian các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng kém chất lượng gia tăng. Do vậy, thời gian tới cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng để công tác này đạt hiệu quả tích cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Buôn lậu có xu hướng gia tăng những tháng cuối năm

Thời gian qua, nhìn chung các hiện tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả đã được hạn chế do sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương… Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quy mô, thủ đoạn khác nhau.

Đặc biệt hơn, trong những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn của người dân nên hoạt động buôn lậu càng diễn biến phức tạp và tinh vi.

Đáng chú ý, tình trạng buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá điếu và đường cát tiếp tục diễn ra phức tạp tại khu vực biên giới miền trung và miền Tây Nam Bộ. Buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại thực phẩm tươi sống như gia cầm, sản phẩm gia súc vẫn còn xảy ra chủ yếu ở các tỉnh biên giới phía bắc.

Dịp cuối năm là thời điểm hoạt động buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, được tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, mặt hàng, đối tượng.

Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng đường tiểu ngạch. Mặt khác, các đối tượng còn lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đặt hàng hóa từ nước ngoài giả xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ.

Cần phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng

Nhằm từng bước đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác, trong những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Trương Hòa Bình chỉ đạo, công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại phải đi đôi với việc đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để công tác này đạt hiệu quả cao, phải kiên quyết không cho phép có "vùng cấm" trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Đồng thời, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh việc tăng cường, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm liên quan buôn lậu hàng giả, hàng nhái. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường cần tập trung tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, hàng hóa, giá cả, nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân để sẵn sàng đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra.

Chủ động kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán giá theo niêm yết, xử lý kịp thời các trường hợp đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, từ đó hình thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể cho mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi DN và người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, các lực lượng cần rèn luyện tác phong, nề nếp, kỷ luật, kỷ cương để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.