Siết chặt quản lý thị trường trong nước
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2017, cùng với siết chặt quản lý bán hàng đa cấp, ngành sẽ tập trung làm tốt hơn công tác quản lý thị trường trên cơ sở Pháp lệnh Quản lý thị trường được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2016.
Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên cho biết, ngay từ đầu năm 2017, ngành công thương thành phố đã tập trung 8 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thị trường, thương mại xuất nhập khẩu và quản lý thị trường, trong đó có việc bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu đang cận kề.
“Các doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng hóa để phục vụ Tết trên địa bàn TP. với số tiền hơn 17.086 tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng tương đương 5,3% so với cùng kỳ. Qua kiểm tra thực tế, đến nay các chương trình đã hoàn thành kế hoạch sản xuất và chuẩn bị đủ nguồn hàng. 87 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đã bảo đảm đủ hàng hóa cung ứng từ 30-40% cho thị trường. Có nhiều mặt hàng bảo đảm nguồn cung ứng tới 50-60% so với thị trường”. Cũng theo đánh giá của Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, sẽ không thiếu hàng, không có biến động giá trong dịp Tết Nguyên đán.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, có rất nhiều việc ngành công thương phải làm mạnh mẽ trong năm 2017. Cùng với siết chặt quản lý bán hàng đa cấp, ngành sẽ tập trung làm tốt hơn công tác quản lý thị trường - trên cơ sở Pháp lệnh Quản lý thị trường đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2016.
“Công tác quản lý thị trường trong năm qua vẫn còn có những bất ổn, bất cập mà chúng ta thấy rất rõ. Hàng loạt các lĩnh vực, các mặt hàng lưu thông trên thị trường vẫn đang có sự kiểm soát chưa tốt, thể hiện qua việc hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng nhập lậu... vẫn xuất hiện trên thị trường. Nó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ở trong nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của người tiêu dùng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết. Theo ông, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, trong đó có cả nguyên nhân về thể chế. “Pháp lệnh Quản lý thị trường mới đây được thông qua cho chúng tôi cơ hội có những giải pháp mới, hoàn thiện, mà trong đó, trước tiên là phải tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường, củng cố cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ này”.
Pháp lệnh Quản lý thị trường đã xác định rõ quyền lợi của những người tham gia quản lý thị trường, kể cả lực lượng làm công tác quản lý nhà nước cũng như đối tượng được kiểm tra, kiểm soát trên thị trường. Đặc biệt, quyền lợi của lực lượng quản lý thị trường đã được đề cập một cách thỏa đáng. Đây là cơ sở để lực lượng này thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tốt hơn.
Theo ông Trần Tuấn Anh, trong năm 2017, Bộ Công thương sẽ tập trung củng cố, tổ chức để lực lượng này; đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật… làm cơ sở để lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng chấp pháp khác thực hiện tốt công tác quản lý đối với các sản phẩm hàng hóa, đấu tranh với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng gắn với bảo đảm lợi ích của các ngành sản xuất, thị trường và người tiêu dùng.
Theo Kế hoạch kiểm tra thường xuyên năm 2017 của Cục Quản lý thị trường đã được Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt, việc siết chặt kiểm tra hàng hóa trên thị trường bắt đầu từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/10/2017. Kế hoạch sẽ tập trung chủ yếu vào các nội dung như việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, hóa đơn chứng từ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xăng, dầu, khí, phân bón vô cơ, dược phẩm, mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi trên thị trường...
Thông qua việc kiểm soát chặt chẽ hàng hóa sẽ góp phần phát triển sản xuất, bình ổn thị trường, mở rộng giao lưu hàng hóa, dịch vụ; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng. Đồng thời, qua kiểm tra phát hiện những bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục cũng như phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, việc kiểm tra, kiểm soát không gây phiền hà, trở ngại cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ; bảo đảm các hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp được diễn ra bình thường.