Singapore 'cách ly xã hội' để kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu tác động về kinh tế
Trong khi cách ly xã hội được thảo luận sôi nổi trên toàn thế giới, Singapore biến cụm từ này từ 1 khái niệm mơ hồ thành các chỉ dẫn rất cụ thể. Theo đó, Singapore không thực hiện phong tỏa hà khắc mà sử dụng mô hình cách ly xã hội để kiểm soát dịch bệnh thành công và đã giảm thiểu được tác động về kinh tế.
Từ New York dến Bangkok hay New Delhi, hàng loạt các thành phố lớn nhất thế giới đã bị phong tỏa để chống lại virus corona chủng mới. Nhưng Singapore là 1 ngoại lệ.
Ít nhất thì cho đến nay thành phố (cũng là quốc gia) này đã tránh được các lệnh giới nghiêm hà khắc và các chính sách đóng cửa các cơ sở kinh doanh trên diện rộng - điều mà chúng ta đang chứng kiến ở khắp nơi trong lúc đại dịch bùng nổ như hiện nay.
Bí quyết của Singapore là kiểm soát biên giới rất chặt chẽ và theo dấu các bệnh nhân một cách rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên có 1 chìa khóa quan trọng khác: chiến dịch “cách ly xã hội” (social distancing) hay “cách ly an toàn” (safe distancing) được chính phủ Singapore áp dụng rất hiệu quả trên khắp cả nước.
Tại các nhà hàng ăn uống, ghế được kê so le nhau để nhắc nhở khách hàng cần phải giữ khoảng cách với nhau. Tại máy bán vé ở trạm tàu điện ngầm và các quầy thu ngân ở siêu thị, có sơn kẻ các hàng ngang cách nhau khoảng 1m, như 1 chỉ dẫn để mọi người biết nên đứng xếp hàng chờ như thế nào.
Chính phủ liên tục đưa ra các chỉ đạo mới. Đến thứ 5 tuần trước, các nhà hàng phải kê các bàn cách nhau ít nhất 1m, và giới hạn các nhóm ăn tối cùng nhau tối đa 10 người.
Tuần trước nữa, chính phủ Singapore yêu cầu các bộ phận quản lý những địa điểm công cộng phải đảm bảo khách phải đứng cách nhau 1m. Và tại nơi làm việc, các chủ ông chủ được khuyến cáo nên thực hiện các biện pháp nhằm giảm tương tác gần giữa các nhân viên với nhau, ví dụ như nên họp qua điện thoại và thay phiên nhau làm theo ca.
Trong khi cách ly xã hội được thảo luận sôi nổi trên toàn thế giới, Singapore biến cụm từ này từ 1 khái niệm mơ hồ thành các chỉ dẫn rất cụ thể. Ví dụ, các ông chủ nên chia giờ làm việc theo ca, mỗi ca ít nhất 3 giờ, và “không được để quá 50% tổng số nhân viên làm việc tại cùng 1 chỗ” trong mỗi ca.
Lawrence Wong, người đứng đầu Bộ phát triển quốc gia, chia sẻ với báo giới hôm 20/3 rằng các biện pháp cách ly xã hội là “hàng rào phòng thủ thứ ba” giúp ngăn chặn virus chết người. Hai hàng rào đầu tiên gồm hạn chế nhập cảnh - cấm du khách và người bản địa từ ngoài vào phải cách ly đủ 14 ngày - và theo dõi hết sức chặt chẽ bệnh nhân cùng các ca nghi ngờ với sự giúp sức của cảnh sát.
Ở giai đoạn đầu, Singapore cảnh báo không nên bắt tay, không lâu sau đó cấm tụ tập từ 25 người trở lên. Nhưng Wong cho rằng cách ly xã hội nên được thực hiện một cách nghiêm khắc hơn để bảo vệ đất nước.
Trên thực tế thì bất chấp tất cả những nỗ lực này, số ca nhiễm vẫn tăng lên. Vì thế tuần trước, các biện pháp tiếp tục được tăng cường.
Ngoài các biện pháp mới đối với nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và các điểm giải trí sẽ phải đóng cửa. Các trung tâm mua sắm vẫn có thể mở cửa nhưng với điều kiện họ phải hạn chế được lượng khách. Chính phủ nói rằng không có nơi nào nên “có hơn 1 người trên mỗi 16m2 diện tích có thể sử dụng”.
Theo Eugene Tan, giáo sư luật tại Singapore Management University, các biện pháp này có thể đem lại những lợi ích lớn khác ngoài chuyện đảm bảo sức khỏe của người dân. “Trong thời kỳ khó khăn này, cuộc sống ít bị xáo trộn nhất có thể sẽ tạo ra tâm lý thoải mái. Và sự kiên cường của xã hội sẽ hữu ích, vì đại dịch có thể kéo dài, làm xói mòn ý chí và niềm tin của mọi người”.
Singapore cũng không loại trừ khả năng đi theo các nước láng giềng châu Á đã phong tỏa các thành phố lớn. Malaysia ngừng gần như toàn bộ các hoạt động kinh doanh và tuần trước đã kéo dài lệnh kiểm soát di chuyển đến ngày 14/4. Ấn Độ bắt đầu phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần từ thứ 4 tuần trước. Bangkok đóng cửa toàn bộ trung tâm thương mại và nhà hàng. Kể cả Tokyo cũng khuyến cáo người dân nên tránh ra ngoài vào cuối tuần.
Nhưng miễn là sự lây lan của virus vẫn được kiểm soát tương đối, Singapore sẽ không muốn những biện pháp hà khắc sẽ bóp nghẹt nền kinh tế. Cho đến nay đơn giản là chính phủ thôi thúc người dân ở trong nhà càng nhiều càng tốt và khi đi ra ngoài thì phải giữ khoảng cách.
“Những tháng tới có rất nhiều thách thức. Chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc cuộc sống thường ngày bị đảo lộn”, Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong phát biểu trước Quốc hội mới đây.