Sinh viên trong vòng xoáy tiền ảo

Theo Chánh Tài/sgtiepthi.vn

Bất chấp các vụ tin tặc ăn cắp tiền ảo trị giá hàng triệu đô la và những lời cảnh báo về mô hình kinh doanh này, giới trẻ ở Hàn Quốc, đặc biệt là sinh viên vẫn lao đầu vào đầu tư bitcoin và các tiền ảo khác, theo hãng tin Reuters.

Một sinh viên kiểm tra biểu đồ giá của một đồng tiền ảo. Nguồn: Reuters
Một sinh viên kiểm tra biểu đồ giá của một đồng tiền ảo. Nguồn: Reuters

Đắm chìm trong tiền ảo

Trong một buổi tối gần đây ở Đại học Sungkyunkwan tại thủ đô Seoul, khoảng 10 sinh viên túm tụm trong một phòng học để chia sẻ các bí quyết mua bán tiền ảo với hy vọng sẽ trở thành những nhà đầu tư sành sỏi và kiếm những khoản lợi nhuận trong mơ.

Các sinh viên này chăm chú nghe một sinh viên khác giảng giải về cách đọc dữ liệu tài chính và dự báo các xu hướng tương lai của tiền ảo.

“Tôi không muốn trở thành giáo viên toán nữa. Tôi đã nghiên cứu tiền ảo hơn 10 giờ mỗi ngày trong những tháng qua và tôi tin chắc chắn rằng đây là tương lai của tôi”, sinh viên Eoh Kyong-hoon, 23 tuổi, người sáng lập câu lạc bộ đầu tư tiền ảo Cryptofactor nói.

Đứng trước triển vọng kinh tế không sáng sủa, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao gấp ba lần so với mức trung bình toàn quốc, nhiều sinh viên Hàn Quốc đang đổ xô mua bán tiền ảo bất chấp các rủi ro. Hiện tượng này đang gây lo lắng cho các nhà quản lý tài chính và lãnh đạo của xứ sở kim chi.

Hôm 28/12 vừa qua, chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ đưa ra quy định cấm mở tài khoản giao dịch tiền ảo ẩn danh, đồng thời sẽ ban hành luật cho phép các cơ quan quản lý đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo trong các trường hợp cần thiết.

Thông báo này có đoạn: “Hiện tượng đầu cơ tiền ảo đã nóng quá mức ở Hàn Quốc. Chính phủ không thể để tình trạng đầu cơ bất thường này tiếp tục kéo dài. Chính phủ đã cảnh báo nhiều lần rằng tiền ảo không thể đóng vai trò như tiền tệ thực sự và có thể gây ra các khoản thua lỗ lớn vì giá của chúng biến động quá mạnh”.

Tại một cuộc họp nội các vào tháng 11, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon nói: “Giới trẻ và sinh viên đang đổ xô giao dịch tiền ảo để kiếm lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn. Đã đến lúc chính phủ phải hành động vì điều này có thể dẫn đến các hiện tượng bệnh lý nghiêm trọng nếu không kiểm soát”.

Các lo ngại về an ninh và các vụ tiền ảo bị mất cắp do tin tặc cũng đang tăng lên. Youbit, một sàn giao dịch tiền ảo ở Seoul, gần đây đã đóng cửa và nộp đơn xin phá sản sau khi bị tin tặc tấn công hai lần trong năm nay. Trong vụ tấn công đầu tiên vào tháng 4, Youbit mất số tiền ảo trị giá 35 triệu đô la. Vụ tấn công thứ hai vào tháng 12 khiến gần 20% khách hàng của Youbit bị lấy cắp sạch tiền ảo có trong tài khoản.

Eoh Kyong-hoon cho biết những bàn luận của chính phủ về việc tăng cường quản lý tiền ảo không làm lung lay kế hoạch của anh, đặc biệt sau khi các khoản đầu tư tiền ảo của anh tăng 20 lần sau sáu tháng qua. Eoh Kyong-hoon cho biết nhiều sinh viên mang laptop đến lớp học để theo dõi các biến động giá của các khoản đầu tư cũng như đặt các lệnh mua bán. “Thậm chí, họ làm điều này ngay cả khi giáo sư giảng bài trước mặt họ”, anh nói.

Mô hình đầu tư Ponzi

Giới trẻ Hàn Quốc đặc biệt bị cuốn vào những đồng tiền ảo khác ngoài bitcoin vì chúng thường được giao dịch với giá thấp, tạo ra những kỳ vọng tăng giá hàng chục lần.

Iota, một trong những đồng tiền ảo tăng giá nhanh, được giao dịch ở mức 0,82 đô la Mỹ/đồng vào cuối tháng 11 nhưng đến ngày 29-12 đã tăng lên 3,89 đô la Mỹ/đồng, mang về cho các nhà đầu tư khoản lợi nhuận 375%. Energo (TSL), một đồng tiền ảo khác cũng đã tăng 400% trong cùng thời gian.

Một số sinh viên cho biết họ thức đến hai giờ sáng mỗi đêm để theo dõi và mua bán tiền ảo. Các thành viên của Cryptofactor thường gọi điện cho nhau để cùng thực hiện quyết định quan trọng. Họ xem việc chia sẻ thông tin như vậy là cách để tồn tại trên các thị trường tiền ảo đầy biến động.

“Tôi chẳng biết gì về tiền ảo hay nền kinh tế. Mọi người trong câu lạc bộ dạy cho tôi rất nhiều”, nữ sinh viên ngành thể thao Lee Ji-woo, 22 tuổi, cho biết. Giờ đây, tiền ảo đang giúp Lee Ji-woo mạnh dạn mơ về một tương lai khác. “Tôi có thể có hai công việc sau này, một nghề là vận động viên thể thao và nghề còn lại là nhà đầu tư”, cô nói.

Shin Dong-hwa, Giám đốc sàn giao dịch tiền ảo Korea Blockchain Exchange, cho rằng tình hình cạnh tranh việc làm gay gắt ở Hàn Quốc có thể sẽ khiến giới trẻ ngày càng bị cuốn vào vòng xoáy đầu tư tiền ảo, đặc biệt là khi họ chứng kiến những người khác “kiếm đậm” nhờ đồng tiền này.

“Bất cứ khi nào họ vào các mạng xã hội, họ có thể dễ dàng thấy nhiều tấm gương là những người trẻ như họ kiếm được những khoản tiền khổng lồ nhờ tiền ảo”, ông Shin Dong-hwa nói.

Tuy nhiên, các quan chức quản lý ngành tài chính Hàn Quốc nói rằng những hy vọng này không có cơ sở.

Hôm 25/12, ông Kim Yong-beom, Phó chủ tịch Hiệp hội dịch vụ tài chính Hàn Quốc, nói rằng lý do duy nhất giúp tiền ảo tăng giá là vì mỗi nhà đầu tư đều kỳ vọng người mua sau sẽ xếp hàng để trả giá cao hơn. “Đây thực sự là một mô hình đầu tư lừa đảo Ponzi (lấy tiền của nhà đầu tư thứ cấp trả cho người đầu tư sơ cấp”, ông cảnh báo.

Sinh viên Hàn Quốc đầu tư tiền ảo dường như tập trung vào cách làm giàu nhanh chóng, chứ không quan tâm đến các giá trị công nghệ và tài chính đứng đằng sau tiền ảo. “Chẳng có cách nào để xác định giá trị thực của tiền ảo, nhưng sinh viên lao đầu vào chúng vì tin rằng họ có thể dễ dàng gặp một vận may lớn”,  Yun Chang-hyun, Giáo sư kinh tế ở Đại học Seoul nhận định.