Số dư margin vượt đã vượt 300 triệu USD
(Tài chính) Trong khi nhà đầu tư tổ chức ít tham gia thị trường, thì nhà đầu tư cá nhân đang tham gia rất tích cực, đặc biệt mức độ sử dụng đòn bẩy (margin) đã tăng mạnh.
Bản tin thị trường của một công ty chứng khoán (CTCK) gửi các nhà đầu tư cho biết, nhà đầu tư tổ chức thời gian gần đây ít tham gia thị trường, lượng giao dịch của họ chiếm khoảng 10 - 15% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường do họ đã tích lũy cổ phiếu từ trước hoặc do giá cổ phiếu đã tăng nhiều và họ muốn chờ thị trường điều chỉnh mới tham gia.
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân đang tham gia rất tích cực, đặc biệt mức độ sử dụng đòn bẩy (margin) đã tăng mạnh. Nhiều CTCK cho biết, thị trường sôi động hơn đã khiến nhu cầu sử dụng margin của khách hàng tăng lên.
Có ý kiến cho rằng, mức độ sử dụng đòn bẩy tăng có thể khiến nhiều CTCK hết dư địa cho vay, và điều đó có nghĩa các CTCK sẵn sàng bán cổ phiếu của khách hàng và thu nợ nếu có điều chỉnh.
Thực tế, một số CTCK không chỉ dùng các nguồn vốn chính thức của mình để cấp margin cho khách hàng, mà còn có những “cánh tay nối dài” như công ty quản lý quỹ, ngân hàng…
Theo quy định hiện hành, tỷ lệ margin ban đầu tối đa là 50%, tức nhà đầu tư muốn vay tiền từ CTCK để mua cổ phiếu với giá trị là 100 triệu đồng thì trong tài khoản phải có (ký quỹ) tiền mặt hoặc chứng khoán có giá trị tối thiểu là 50 triệu đồng.
Để tạo sự hấp dẫn, qua đó lôi kéo khách hàng, có tình trạng CTCK vượt rào, cho tỷ lệ margin cao hơn. Để làm điều này, CTCK và “đối tác” của mình là công ty quản lý quỹ hoặc ngân hàng… ký “hợp đồng hợp tác đầu tư” 3 bên với nhà đầu tư.
Theo đó, “đối tác” của CTCK sẽ bỏ tiền vào tài khoản của nhà đầu tư để “cùng đầu tư” và chia lời (thực tế là cho vay và nhà đầu tư trả lãi cố định trên số tiền này). CTCK đứng ra giám sát và xử lý tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư… khi giá cổ phiếu xuống và nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ của mình.
Thực ra, muốn lách trần margin 50% không khó, có rất nhiều cách làm. Ví dụ, CTCK muốn cho khách hàng mức margin 70%, trước hết CTCK làm bình thường theo quy định, cho vay ký quỹ 50%, còn lại 20% CTCK chuyển qua một tổ chức và tổ chức đó “hợp tác đầu tư” với nhà đầu tư.
Theo bản tin thị trường của CTCK nêu ở phần đầu, số dư cho vay ký quỹ dù tăng mạnh nhưng còn tương đối thấp, ước tính toàn thị trường hiện vào khoảng 300 triệu USD với sai số 10%, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng. Nếu so với tổng vốn hóa thị trường là 52 tỷ USD thì dư nợ cho vay ký quỹ này chỉ chiếm 0,58%. Năm 2009, tổng dư nợ cho vay ký quỹ lên đến 700 triệu USD, là nhân tố quan trọng đấy thị trường tăng điểm mạnh từ tháng 2 - 10/2009.
Tuy nhiên, con số ước nêu trên chưa phản ánh chính xác tình hình thực tế, vì như đã phân tích, số tiền giao dịch thông qua “những cánh tay nối dài” chưa được tính đến.
Hiện nay, những CTCK cho vay ký quỹ đúng quy định, hoàn toàn không lách luật, cảm thấy “hơi khó chịu” vì khách hàng của mình đang bị chèo kéo.
Thông tin từ một CTCK lớn khác cho biết, Ủy ban Chứng khoán có mời một vài CTCK lớn họp để đóng góp ý kiến sửa đổi quy định hiện hành về cho vay ký quỹ, song thông tin chi tiết không được tiết lộ. Sẽ rất khó để kiểm soát số dư giao dịch ký quỹ của CTCK qua “những cánh tay nối dài” vì không có cơ sở. Nhưng nếu muốn biết CTCK nào đang lách trần margin thì không khó, chỉ cần đến mở tài khoản là có thể biết.