Số hóa hoạt động kiểm soát chi ngân sách nhà nước

Đức Huy

Kiểm soát chi là nghiệp vụ “xương sống” của Kho bạc Nhà nước (KBNN) để nguồn vốn ngân sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng, mang lại hiệu quả cao cho phát triển kinh tế - xã hội. Kể từ khi trở thành kho bạc điện tử, nghiệp vụ này đã có nhiều cải cách, hiện đại. Tuy nhiên, với mục tiêu trở thành Kho bạc số vào năm 2030, công tác kiểm soát chi đòi hỏi phải tiếp tục được cải cách, hiện đại hóa nhiều hơn nữa ...

Kho bạc Nhà nước luôn chú trọng đổi mới công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước
Kho bạc Nhà nước luôn chú trọng đổi mới công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước

Nhiều cải cách rõ rệt trong công tác kiểm soát chi

Trong tiến trình cải cách, hướng đến Kho bạc số, công tác kiểm soát chi của KBNN đã có nhiều cải cách rõ rệt, chất lượng ngày càng được nâng cao. Trong đó, cải cách rõ rệt nhất là về cơ chế, chính sách. Cụ thể, ngày 20/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN. Theo đó, các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kiểm soát chi NSNN qua KBNN đã được đơn giản hóa rất nhiều. Song song với đó, trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quy trình chi ngân sách cũng được phân định rõ, từ đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, KBNN.

Về nghiệp vụ kiểm soát chi, các khoản chi NSNN đã được kiểm soát theo ngưỡng. Cụ thể, KBNN thực hiện kiểm soát các khoản chi có hợp đồng và có giá trị hợp đồng hơn 50 triệu đồng; thực hiện kiểm soát nội dung chi đối với những khoản chi dưới ngưỡng 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, KBNN linh hoạt thực hiện 2 phương thức thanh toán đó là “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần; khi hợp đồng được thanh toán đến 80% giá trị được chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau”. Nhờ vậy, đã giảm được 70% tổng số món chi nhưng vẫn kiểm soát được 99% tổng giá trị chi NSNN.

Đặc biệt, về phương thức gửi hồ sơ giao dịch với KBNN, gần 100% chứng từ chi NSNN được đơn vị gửi ra KBNN theo phương thức điện tử qua Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); tương tác giữa KBNN và đơn vị sử dụng ngân sách được thực hiện hầu hết theo phương thức điện tử.

Đồng thời, đã có sự kết nối, liên thông dữ liệu giữa đơn vị sử dụng ngân sách với hệ thống công nghệ thông tin của KBNN. Nhờ đó, thời gian giải quyết hồ sơ của KBNN là từ 1-3 ngày làm việc; đặc biệt khi thực hiện hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” chỉ còn 1 ngày làm việc. Tính đến hết năm 2023, hệ thống DVCTT của KBNN đã được kết nối liên thông với phần mềm kế toán của gần 25% tổng số đơn vị sử dụng ngân sách trong cả nước.

Một số khoản chi thường xuyên có tính chất định kỳ như điện, nước, viễn thông đã được KBNN thực hiện thanh toán tự động theo ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách. Quy trình thanh toán tự động hóa hoàn toàn, không có sự can thiệp của con người đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực kiểm soát hồ sơ, công chức kho bạc giảm áp lực tiếp nhận, xử lý trên DVCTT, có thêm thời gian kiểm soát các hồ sơ có tính phức tạp hơn.

Tiếp tục cải cách kiểm soát chi phù hợp với kho bạc số

Với mục tiêu trở thành Kho bạc số vào năm 2030 như chiến lược phát triển đã đề ra, các yêu cầu về đổi mới công tác kiểm soát chi cũng được đặt ra như: đổi mới cơ chế quản lý cam kết chi NSNN; cung cấp đầy đủ thông tin cam kết chi NSNN phục vụ cho việc lập, phân bổ và thực hiện kế hoạch ngân sách trung hạn, hàng năm theo thông lệ quốc tế; Thống nhất đầu mối, quy trình và số hóa công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN.

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển, KBNN cũng đưa ra những lộ trình cụ thể để thực hiện, trong đó có lộ trình đổi mới nghiệp vụ kiểm soát chi. Theo đó, để đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cam kết chi NSNN phục vụ cho việc lập, phân bổ và thực hiện kế hoạch ngân sách trung hạn, hàng năm theo thông lệ quốc tế, trong thời gian tới, KBNN sẽ thực hiện nâng cấp hạ tầng truyền thông đảm bảo kết nối thông suốt, ổn định song song với việc đẩy nhanh lộ trình số hóa hồ sơ, chứng từ; thực hiện chia sẻ và liên thống dữ liệu số toàn trình.

Trong đó, hệ thống thông tin và quản lý ngân sách cùng với kế toán nhà nước số đóng vai trò là hệ thống lõi; có sự kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống khác có liên quan NSNN, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng NSNN.

KBNN cũng đổi mới phương thức kiểm soát chi NSNN theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, gắn với việc tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị sử dụng ngân sách và tương ứng với mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương; đi đôi với kiểm soát rủi ro, tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với hệ thống KBNN hiện nay là phạm vi hoạt động nghiệp vụ rộng, liên quan đến tất cả các bộ, ngành, địa phương. Vì thế, để số hóa các hoạt động nghiệp vụ hướng tới Kho bạc số rất cần sự phối hợp của tất cả các đơn vị liên quan. Trong khi đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về chuyển đổi số còn rất hạn chế. Thêm vào đó, mặt bằng dân trí giữa các khu vực còn chưa đồng đều và thiếu các yếu tố về công nghệ, phương tiện, kỹ thuật.

Khắc phục những khó khăn này, KBNN cũng yêu cầu các cấp ngân sách tại địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao dân trí, giảm bớt khoảng cách về khả năng, cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại nhằm tạo nền tảng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các phương thức thanh toán điện tử trong chi trả NSNN cho các đối tượng thụ hưởng là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.

 

Để kiểm soát chi đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, hệ thống KBNN đang tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Cụ thể, KBNN sẽ tiếp tục bám sát chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính để giải ngân kịp thời, đúng tiến độ, đúng thời gian quy định các khoản chi NSNN. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các quy định mới, cũng như ưu điểm, tính năng của các chương trình ứng dụng mới của KBNN liên quan đến kiểm soát chi, qua đó, giúp các đơn vị sử dụng ngân sách thuận lợi khi phối hợp thanh toán, giao dịch với KBNN.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2024