Sở hữu đất vàng, cổ phiếu Thăng Long GTC có nóng rẫy?

Theo Baodautu.vn

Sở hữu quyền sử dụng những mảnh đất có vị trí đắc địa và có cổ phần tại những thương hiệu lớn, Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC có chào bán cổ phần IPO với giá thấp khi giá khởi điểm chỉ là 10.600 đồng/cổ phần?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sự kiện đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư tài chính là ngày 13/8 tới, 33.882.300 cổ phần (tương đương 27,59% vốn cổ phần) của Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC sẽ phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) với giá khởi điểm 10.600 đồng/cổ phần.

Phiên IPO càng khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn khi Thăng Long GTC chọn Công ty TNHH Thung lũng Vua làm đối tác chiến lược, nắm 27% vốn điều lệ. Đây là đơn vị thành viên thuộc BRG Group - tập đoàn gắn liền với tên tuổi nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga, chủ sở hữu của nhiều khách sạn lớn như Hilton Opera Hanoi, Hilton Garden Inn và các sân golf lớn như Doson Seaside Golf Resort, Legend Hill Golf Resort, Kings’ Island Golf Course.

Theo bản công bố thông tin của Thăng Long GTC, đây là đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Du lịch Hà Nội, có vốn điều lệ 811 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải lữ hành, khách sạn, kinh doanh cho thuê bất động sản…

Báo cáo tài chính từ năm 2011 đến 2014 cho biết, Thăng Long GTC có kết quả kinh doanh khá ổn định, doanh thu tăng trưởng qua từng năm, lãi hàng năm đạt 20 - 50 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2014, chiếm tới 55% doanh thu của Thăng Long GTC là từ hoạt động kinh doanh nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu sản xuất bia và inox nguyên liệu. Khách hàng chính là Công ty TNHH Hòa Bình - thương hiệu gắn liền với tên tuổi đại gia Đường “bia”.

Nhưng điều khiến Thăng Long GTC trở thành “hàng hot” là, ngoài kết quả kinh doanh ổn định và có tiềm năng phát triển tốt, doanh nghiệp này còn sở hữu quyền sử dụng tại nhiều mảnh đất ở vị trí đắc địa và nắm cổ phần lớn tại những thương hiệu lớn qua phần vốn góp từ quyền sử dụng đất. Theo phương án cổ phần hóa, UBND TP. Hà Nội đã cho phép Thăng Long GTC đưa tài sản trên đất và các khoản đầu tư tài chính dài hạn tính vào giá trị doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hóa.

Theo quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa Thăng Long GTC của UBND TP. Hà Nội, tại thời điểm ngày 1/10/2014, giá trị doanh nghiệp theo sổ sách kế toán và giá trị doanh nghiệp xác định lại lần lượt là 878,19 tỷ đồng và 1.372,56 tỷ đồng, tức vênh nhau tới 494,37 tỷ đồng. Trong số vênh này, 432,81 tỷ đồng là do xác định lại giá trị đầu tư tài chính dài hạn.

Cụ thể, Thăng Long GTC góp vốn vào 6 công ty liên doanh bằng quyền sử dụng đất tại Pan Horizon Hotel (157 - Xuân Thủy, Cầu Giấy), InterContinental Hanoi Westlake (1A Nghi Tàm, Tây Hồ), siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy), Hilton Hanoi Opera Hotel (số 1 - Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm), Dự án Times Square Hanoi (Phạm Hùng, Cầu Giấy), Dự án Khu phức hợp Giảng Võ (Ngọc Khánh, Ba Đình). Đây đều là các mảnh đất có diện tích lớn, tọa lạc tại những vị trí đắc địa của Thủ đô.

Trong đó, phần vốn góp tại 2 khách sạn là InterContinental Hanoi Westlake và Hilton Hanoi Opera Hotel của Thăng Long GTC là 6,95 và 7,41 triệu USD (tương đương 25% và 30% vốn điều lệ). Theo tính toán của CTCP Chứng khoán Bảo Việt qua các giao dịch mua bán, sáp nhập khách sạn tại Việt Nam, giá trị thị trường của 2 khách sạn này hiện lần lượt là 171,33 và 117,78 triệu USD.

Ngoài 4 dự án đã kinh doanh hoạt động từ lâu, đáng chú ý là phần góp vốn bằng quyền sử dụng 40.000 m2 đất tại Dự án Times Square Hanoi được tính giá trị vỏn vẹn 1,61 triệu USD (tương đương 35 tỷ đồng). Nếu so sánh với dự án gần đó là FLC Complex 36 - Phạm Hùng, cái giá 1,61 triệu USD giá trị quyền sử dụng đất sẽ là “món hời”, bởi FLC đã phải bỏ ra 198 tỷ đồng để mua lại 4.000 m2 đất dự án 36 - Phạm Hùng.

Đối với phần góp vốn bằng quyền sử dụng 12.066 m2 đất tại Dự án Khu phức hợp Giảng Võ được tính giá trị 4,93 triệu USD (tương đương 108 tỷ đồng), nếu đem so sánh với 1.500 tỷ đồng mà Vingroup phải bỏ ra để mua 90% cổ phần IPO Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam để được quyền xây trung tâm thương mại trên khu đất Triển lãm Giảng Võ (7.000 m2) thì đây cũng là món hời lớn.

Thăng Long GTC cũng nắm quyền sử dụng đất tại nhiều khu đất có vị trí đẹp, thời gian thuê dài hạn nhưng không được tính vào giá trị doanh nghiệp như 27 - Quốc Tử Giám (kinh doanh Khách sạn Eastin Easy GTC tiêu chuẩn 3 sao); 94 - Lý Thường Kiệt (cho VinaCapital thuê 20 năm để kinh doanh Khách sạn Mercure tiêu chuẩn 3 sao) và 4.003 m2 đất tại Lô E (ô C4) Xuân Đỉnh.

Theo ông Tạ Minh Hùng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC, trong giai đoạn từ nay đến năm 2019, Công ty sẽ xem xét thanh lý các địa điểm kinh doanh khách sạn không hiệu quả; chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng đất như 70 - Nguyễn Khuyến và 105 - Lê Duẩn, đầu tư khách sạn tại 115 - Lê Duẩn; triển khai, hoàn thiện các hạng mục đầu tư tại Dự án Times Square Hanoi và Khu phức hợp Giảng Võ; khởi động xây dựng Dự án Chung cư tại Xuân Đỉnh.

Ngoài việc dự kiến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khoảng 20%/năm trong 3 năm tới, Thăng Long GTC cũng dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 50% từ năm 2015 đến 2018.

Nếu so sánh với với những phiên IPO diễn ra gần đây liên quan đến “đất vàng” như Giày Thượng Đình hay người anh em của Thăng Long GTC là Hanoi Toserco (sở hữu 30% khách sạn 4 sao Hanoi Hotel và 35% khách sạn 5 sao Pullman), mức giá khởi điểm của Thăng Long GTC có cao hơn đôi chút.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, phiên IPO này mới chỉ nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân. Một số quỹ đầu tư cho biết đã tìm hiểu về Thăng Long GTC và có thể đầu tư vào cổ phần của Thăng Long GTC khi cổ phiếu này chính thức lên sàn UpCom sau 90 ngày IPO.

Tuy nhiên, với tiềm năng từ giá trị các khoản đầu tư dài hạn và quyền sử dụng các mảnh đất vàng, phiên IPO Thăng Long GTC nhiều khả năng cũng sẽ nóng như những phiên IPO của Giày Thượng Đình và Hanoi Toserco.