Số phận sẽ được định đoạt?
Chủ đề Brexit liên tục chiếm sóng truyền thông thế giới thời gian gần đây, bởi mỗi diễn biến cập nhật của nó đều có tác động bước ngoặt không chỉ với bản thân xứ sở sương mù mà cả khối liên minh lâu đời của châu Âu. Vì vậy, việc Thủ tướng Anh Theresa May vừa giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Đảng Bảo thủ mới đây được hy vọng sẽ giúp cho nhiệm vụ Brexit của bà trở nên dễ dàng hơn.
Sự ủng hộ của “người nhà”
Thủ tướng Anh Theresa May đã giành được 200/317 phiếu ủng hộ bà tiếp tục lãnh đạo đảng Bảo Thủ. Điều này cũng có nghĩa là nữ chính trị gia sẽ thoát hiểm trong ít nhất 1 năm trước sự soi xét của các nghị sĩ đảng nhà. Trước đó, thách thức đối với vị trí lãnh đạo của bà May được đưa ra sau khi 48 lá thư yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm được gửi đi từ các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ.
Thực tế, Nghị trường Anh liên tục căng thẳng từ đầu tuần, sau khi Chính phủ của bà Theresa May cho hoãn cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit dự kiến phải diễn ra hôm 11/12 sang ngày 21/1/2019. Brexit bắt đầu từ tháng 6.2016 và vẫn chưa kết thúc. Do đó, với việc các nghị sĩ đảng cầm quyền đồng lòng sát cánh với Thủ tướng, họ đã loại bỏ nguy cơ trì hoãn Brexit hoặc làm hỏng tiến trình này. Bởi Thủ tướng mới sẽ không đủ thời gian đàm phán với EU và dẫn dắt Brexit vì Anh dự kiến ra khỏi EU từ 29/3/2019.
Đảm trách vị trí Thủ tướng trong bối cảnh đất nước vừa trải qua cuộc trưng cầu dân ý, trong đó 52% người dân ủng hộ tạm biệt EU so với 48% mong ở lại, bà May đã cam kết sẽ thực hiện nguyện vọng của người dân tới cùng trong khi vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với liên minh để hàn gắn những chia rẽ trong nước. Tuy nhiên, kể từ đó bà cũng vấp phải vô vàn chỉ trích, thậm chí ngay trong đảng mình.
Chính vì vậy, chiến thắng trên có ý nghĩa đặc biệt trong thời điểm bà May phải khẳng định uy tín trước sức ép từ mọi phía để tranh thủ thêm sự ủng hộ của các nghị sĩ Bảo thủ đối với thỏa thuận Brexit đạt được giữa Anh và EU hồi tháng 11. Trước khi hoãn bỏ phiếu tại Nghị viện, có tới hơn 100 nghị sĩ trong đảng Bảo thủ khẳng định sẽ bỏ phiếu chống, một thất bại cầm chắc cho thỏa thuận.
Brexit là quyết định kinh tế và chính trị quan trọng bậc nhất của nước Anh kể từ Thế chiến II. Những người theo trường phái thân châu Âu lo ngại, việc Anh rời đi có thể làm suy yếu phương Tây nhất là khi nó đang vật lộn với nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như sự nổi lên mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc.
Kết quả hậu Brexit có thể sẽ định hình nền kinh tế trị giá tới 2,8 nghìn tỷ USD của xứ sở sương mù, mang đến những hậu quả sâu rộng đối với sự thống nhất của Vương quốc cũng như xác định London có còn giữ vị trí là một trong hai trung tâm tài chính hàng đầu toàn cầu hay không.
Những người ủng hộ Brexit thừa nhận ban đầu có thể sẽ nhiều khó khăn nhưng về lâu, về dài, nước Anh sẽ hoàn toàn tự do, không bị ràng buộc vào liên minh lá cờ xanh để tự mình đàm phán các thỏa thuận thương mại với những đối tác khác ngoài EU.
Đầu xuôi, đuôi có lọt?
Qua được cửa ải của đảng Bảo thủ, bà May tiếp tục phải đối mặt với cửa ải lớn và khó khăn hơn nhiều tại Nghị viện. Vì vậy, nữ lãnh đạo này sẽ phải giải quyết khá nhiều việc để bảo đảm chiếc thuyền của Anh rời bến EU đúng thời hạn vào cuối tháng 3 năm sau. Trước hết, đó là thuyết phục các nhà lãnh đạo EU nhượng bộ.
Được biết, trong cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 2 ngày bắt đầu từ thứ 5, bà May phải hết sức cố gắng dùng tài ngoại giao để làm dịu bớt thỏa thuận “ly hôn”. Điều này cực kỳ cần thiết bởi những điều khoản với EU chưa phù hợp chính là nguồn cơn của làn sóng phản đối tại tất cả các đảng phái chính trị trong nước. Thực tế, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vừa rồi chính là phản ứng gay gắt ngay trong nội bộ đảng cầm quyền.
Điểm gây tranh cãi nhất kể từ khi bắt đầu đàm phán chính là vấn đề biên giới hậu Brexit giữa Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) và Ireland (vốn là quốc gia thành viên của EU). Cho tới nay, những người phản đối không hài lòng với cách mà thỏa thuận hiện tại đề xuất để giải quyết việc kiểm tra hải quan, thuế và các vấn đề thương mại mà Vương quốc Anh trước đó không phải xem xét khi còn là thành viên EU.
Một khó khăn khác mà bà May cũng phải tính đến là nguy cơ trở thành đối tượng của một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khác tại Hạ viện. Lãnh đạo phe đối lập Công đảng Jeremy Corbyn đã ám chỉ về khả năng đảng này sẽ kêu gọi một cuộc bỏ phiếu như vậy. Thậm chí một số đảng nhỏ hơn còn gây áp lực để ông Corbyn sớm thách thức bà May.
Theo nhiều nhà phân tích, diễn biến mới nhất trên chính trường Anh có thể đoán được trước nhưng thực tế nó là “chiến thắng trong thất bại”. Bởi tuy được người nhà ủng hộ nhưng có tới hơn 1/3 số nghị sĩ đảng Bảo thủ cho rằng đương kim Thủ tướng không còn là nhà lãnh đạo phù hợp để dẫn dắt quá trình Brexit. Thực tế, để nhận được “cái gật đầu” các nghị sĩ người nhà còn đắn đo, trước cuộc bỏ phiếu, bà May đã thông báo sẽ không tham gia cuộc tổng tuyển cử năm 2022.