Sóc Trăng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới


Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, điện, nước... nông thôn, nhằm phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị.

Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng). Ảnh: Xuân Nguyên
Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng). Ảnh: Xuân Nguyên

Theo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng, từ nguồn vốn Chương trình đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 164 công trình giao thông dài 209.264m, 20 cây cầu dài 496m, với tổng kinh phí 351.243 triệu đồng.

Đến nay, 96% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 78% đường ấp và đường liên ấp được cứng hóa đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện quanh năm; 83% đường ngõ, xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm; 64% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.

Về thủy lợi, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư 594.438 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa, nạo vét các công trình thủy lợi, thực hiện 1.174 công trình thủy lợi nội đồng kết hợp giao thông nông thôn với tổng khối lượng đào, đắp, nạo vét 3.677.972m với tổng kinh phí 93.035 triệu đồng.

Tỉnh cũng đã rà soát, lập kế hoạch nâng cấp, cải tạo và phát triển lưới điện trên địa bàn các huyện, thị xã. Theo đó, đã đầu tư 82 công trình với tổng vốn đầu tư trên 526.800 triệu đồng. Hiện tại, 100% ấp đã có lưới điện quốc gia về tới trung tâm, 99,3% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn.

Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa và thể thao cấp huyện, xã được quan tâm đầu tư. Đến nay, 80/80 xã có nhà văn hóa, trong đó có 3 xã có trung tâm văn hóa - thể thao, 41 thư viện xã nông thôn mới, 575/582 ấp có nhà văn hóa. Sóc Trăng hiện đã hoàn chỉnh thủ tục triển khai Dự án Chương trình phát triển y tế cơ sở vùng khó khăn tỉnh Sóc Trăng với quy mô xây mới 28 trạm y tế và nâng cấp, sửa chữa 18 trạm y tế (dự kiến triển khai thực hiện trong năm 2024), hiện 80/80 xã có trạm y tế đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, 5/10 trung tâm y tế cấp huyện đạt chuẩn quốc gia.

Trong 3 năm 2021 - 2023, Sóc Trăng đã xây dựng mới 6 trạm cấp nước tập trung trên địa bàn các xã Châu Khánh, Tân Hưng, Kế Thành, Mỹ Thuận, Lâm Tân và Châu Hưng; xây dựng 1 trạm bơm cấp nước công suất 480m/ngày đêm; nâng cấp, mở rộng tuyến ống mạng cấp nước dài 491.572m, phục vụ cấp nước cho 12.060 hộ. Lắp đặt mới 20.377 đồng hồ nước trên địa bàn nông thôn, tổng sản lượng nước tiêu thụ 49.652.312m3. Đến nay đã có 57,03% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung.

Cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư. Ngoài 1 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung để thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công suất thiết kế là 320 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, tỉnh đã đưa vào vận hành 36 bãi rác tập trung trên địa bàn 10 huyện, thị xã và đầu tư thí điểm 5 lò đốt rác thải sinh hoạt với tổng công suất xử lý khoảng 50 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, cơ bản đáp ứng nhu cầu thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Đồng thời tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt quy mô tập trung cấp huyện và liên huyện, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp, trong đó Công ty Cổ phần Kỹ thuật môi trường Kỷ Nguyên đã thực hiện Dự án Nâng cấp và kết nối hoàn thiện với Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu Công nghiệp An Nghiệp giai đoạn 1, nâng công suất từ 4.000 lên 10.000m3/ngày đêm; một số địa phương đã có doanh nghiệp thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt như: Hợp tác xã Thành Đạt, Công ty TNHH Công nghệ môi trường Xanh và Sạch Toàn Cầu... Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề đạt 61,9%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại đạt 100%...

Có thể nói, theo tinh thần “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, Sóc Trăng tiếp tục phát huy kết quả đạt được để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, trong đó tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại.

Theo Xuân Nguyên/Báo Sóc Trăng