Sớm hoàn thành các dự án đầu tư công trên địa bàn ít chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Trần Huyền

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021 đến nay vẫn rất thấp. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này trong các tháng cuối năm 2021, một trong những nội dung được Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện là thúc đẩy hoàn thành sớm các công trình triển khai tại các bộ, địa phương ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tỷ lệ giải ngân mới đạt 47,38% kế hoạch

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2021 đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (56,33%). Trong đó, vốn trong nước đạt 51,74% (cùng kỳ năm 2020 là 60,88%), vốn nước ngoài đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 24,65%).

Có 04 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%; một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Thái Bình (79,72%), Thanh Hóa (77,66%), Hà Nam (72,9%), Văn phòng Quốc hội (71,44%), Nam Định (70,41%), Tiền Giang (67,96%), Ngân hàng Chính sách xã hội (67,31%), Hà Tĩnh (66,88%), Hưng Yên (65,5%)...

Ngược lại, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 36/50 bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, trong đó có 20 bộ và 02 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 bùng phát thời gian qua. Dịch bệnh tác động làm việc cung cấp vật tư gặp khó khăn, nhất là các hàng hóa cần nhập khẩu; không huy động được nhân lực cho các công trình cũng như triển khai thi công do giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố.

Riêng các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề hơn do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, tư vấn xây dựng thiết kế kỹ thuật; thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án, giá cả một số hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới biến động mạnh... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.

Bên cạnh dịch COVID-19, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công còn do chậm triển khai giải phóng mặt bằng, tái định cư; khó khăn trong công tác đấu thầu và thi công; vướng mắc trong khâu giao kế hoạch và phân bổ chi tiết; thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, hiệp định vay; chậm chễ trong xác nhận khối lượng hoàn thành, hoàn thiện thủ tục thanh toán...

Sớm điều chuyển kế hoạch vốn cho các dự án có khả năng giải ngân

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm 2021, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, trình cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021.

Cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2021 sẽ được điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Công văn số 6547/VPCP-KTTH ngày 16/9/2021 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định cho phép các bộ, cơ quan, địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy hoàn thành sớm các công trình triển khai tại các bộ, địa phương ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, chủ động rà soát các dự án có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn dưới 60% để kịp thời có phương án điều chỉnh vốn cho các dự án khác cần vốn và có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Căn cứ Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần triển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2021 cho các dự án khởi công mới đủ điều kiện, đảm bảo phân bổ 100% số kế hoạch năm 2021 đã được giao, đồng thời nhanh chóng thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án.