Sống chung với Covid

Theo Đầu tư Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng điểm 3 phiên đầu tuần trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư, bởi các thông tin về diễn biến dịch Covid còn rất tiêu cực và đỉnh dịch vẫn đang ở phía trước.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Trong bản tin phát hành ngay sau khi thị trường đóng cửa phiên đầu tuần, Công ty Chứng khoán BSC ghi nhận, VN-Index ở trong sắc xanh từ đầu phiên và dòng tiền đầu tư tăng mạnh khi có tới 18/19 nhóm ngành tăng điểm.

Trong khi đó, khối ngoại mua ròng trở lại trên sàn HOSE và bán ròng nhẹ trên sàn HNX. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên cuối tuần trước, độ rộng ở trạng thái tích cực cho thấy, nhà đầu tư lạc quan khi bước sang tháng giao dịch mới.

“Tuy vậy, VN-Index vẫn đang trong khu vực biến động mạnh và áp lực bán trở lại có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nhất là khi chỉ số kiểm tra vùng kháng cự 815-825 điểm” như BSC nhận định.

Có thể thấy, thị trường tăng điểm trở lại do nhiều cổ phiếu đã giảm, tiệm cận đến vùng quá bán hoặc ngưỡng hỗ trợ. Nhiều cổ phiếu thị giá nhỏ thậm chí còn tăng trần như HHS, HQC hay cổ phiếu có câu chuyện như HSG.

Tâm lý nhà đầu tư đã dần quen với tác động của Covid đến hoạt động của các doanh nghiệp, hay nói một cách cụ thể hơn, sau lần giãn cách xã hội đầu tiên và mùa công bố kết quả kinh doanh quý II, nhà đầu tư đã có thể tiên lượng được tác động của Covid 19 đến hiệu quả của doanh nghiệp.

Không còn hốt hoảng, không còn lo sợ sự bất định, nhà đầu tư không có động cơ bán tháo bằng mọi giá như lần trước, khi phát hiện ca bệnh Covid số 17 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, phân tích kỹ thuật đang chỉ ra vùng kháng cự 815-825 điểm cũng tương ứng với tâm lý của nhiều nhà đầu tư hiện nay.

Ðó là tham gia thị trường theo các chỉ báo kỹ thuật khi cổ phiếu tiếp cận vùng kháng cự, nhưng cũng sẵn sàng chốt lời ngắn hạn để tránh rủi ro khi thị trường còn nhiều yếu tố khó lường.

Rủi ro lớn nhất hiện nay là khả năng dịch bệnh có nguy cơ lan rộng sang các tỉnh thành phố lớn trên cả nước, dẫn đến khả năng phải thực hiện giãn cách xã hội.

Ngay từ khi chưa giãn cách thì tâm lý phòng thủ của người tiêu dùng đã tác động đến hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ của đại đa số doanh nghiệp.

Một cuộc khảo sát trong phạm vi nhỏ của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán về tác động của thời gian giãn cách xã hội lần 1 đến hoạt động của doanh nghiệp sản xuất cho thấy, hoạt động sản xuất về cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều (trừ những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khi các cảng ngừng hoạt động).

Ảnh hưởng lớn nhất là hoạt động bán hàng, tiêu thụ sản phẩm. Sức mua của thị trường sụt giảm mới chính là nỗi sợ lớn nhất của doanh nghiệp.

Bởi thế, trên TTCK mới có chuyện, một công ty chứng khoán huỷ bỏ các khuyến nghị về cổ phiếu của mình khi có thông tin về dịch Covid tái xuất hiện trong cộng đồng ở Ðà Nẵng.

Hiện tại, dù có thể tạm yên tâm rằng, tâm lý vững vàng hơn của nhà đầu tư sẽ khiến thị trường khó xuất hiện cảnh bán tháo trắng bên mua, nhưng niềm tin về việc dòng tiền lỏng sẽ trụ lại kênh chứng khoán vẫn còn rất mỏng.

Nhà đầu tư tham gia TTCK tính bằng con số hàng triệu, nhưng thực tế dòng tiền luân chuyển trong kênh cổ phiếu chỉ dao động quanh mức 5.000 tỷ đồng.

Với nhà đầu tư, trong bối cảnh này, lựa chọn cổ phiếu nào và thời điểm đặt lệnh mua bán để kiếm mức lợi nhuận ngắn hạn đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm giao dịch.

Còn việc đầu tư nắm giữ dài hạn cần phải có sự chọn lọc kỹ, chỉ phù hợp với cổ phiếu của những doanh nghiệp có sức bền tốt hay doanh nghiệp có giá trị thị trường chiết khấu ở mức thấp, đủ hấp dẫn so với giá trị thực của doanh nghiệp.