Sự cần thiết của tiêu chuẩn hóa quốc gia

Linh Nguyễn

Việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 là hết sức cần thiết, là chính sách quan trọng ở đất nước ta trong thời gian tới.

Cần có chiến lược để có đội ngũ chuyên gia tiêu chuẩn hóa mạnh, giỏi trong các lĩnh vực mà Việt Nam cần ưu tiên để tạo ra các tiêu chuẩn có giá trị, có ưu thế.
Cần có chiến lược để có đội ngũ chuyên gia tiêu chuẩn hóa mạnh, giỏi trong các lĩnh vực mà Việt Nam cần ưu tiên để tạo ra các tiêu chuẩn có giá trị, có ưu thế.

Trong bối cảnh kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, Việt Nam đang trong tiến trình hòa nhập mạnh mẽ với thế giới, nhu cầu thị trường áp dụng tiêu chuẩn trên nhiều lĩnh vực ngày càng đa dạng, tăng cao.

Ở Việt Nam, việc chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở khiến việc tra cứu, áp dụng tiêu chuẩn đối với các đối tượng có nhu cầu như doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn.

Để nắm được thông tin về các tiêu chuẩn cho các sản phẩm, hàng hóa, quy trình… theo mong muốn, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thường xuyên phải liên hệ với cơ quan nhà nước về tiêu chuẩn để được đáp ứng nhu cầu.

Thực tế cho thấy, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam thời gian qua chưa được hoạch định và thực hiện một cách tổng thể đủ tầm chiến lược. Các bộ ngành hiện nay xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) chưa có định hướng dài hạn.

Trong khi đó, các Nghị quyết, Quyết định gần đây của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đều nêu rõ là các mục tiêu, định hướng của các ngành, lĩnh vực phải theo phù hợp với quy định của các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, công nghiệp 4.0…

Như vậy, có thể thấy, hoạt động tiêu chuẩn hiện nay của Việt Nam chưa phát huy được tính dẫn dắt, chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội do phần lớn việc xây dựng tiêu chuẩn căn cứ theo nhu cầu thực tại.

Theo kinh nghiệm quốc tế, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như: Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn Châu Âu CEN/CENELIC hoặc các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… thì việc ban hành Chiến lược tiêu chuẩn hóa sẽ xác định rõ các nguyên tắc, định hướng cơ bản, thiết lập chương trình hành động tổng thể, phát triển hệ thống tiêu chuẩn trung và dài hạn trên phạm vi toàn cầu hoặc quốc gia.

Trước thực trạng này, việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 là hết sức cần thiết. Đây là chính sách quan trọng mang tính định hướng, nền tảng để triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong hoạt động tiêu chuẩn một cách tổng thể đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động tiêu chuẩn có tầm nhìn, kế hoạch tổng thể rõ ràng, xuyên suốt, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tuân thủ cam kết hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế phát triển tiêu chuẩn quốc tế và các nước tiên tiến trong khu vực.

Theo Tổng cục Đo lường Chất lượng, muốn làm được điều này cơ quan chức năng cần định hướng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia giai đoạn đến năm 2030, trong đó có một số nội dung cần tập trung để đưa ra định hướng cụ thể.

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về hoạt động tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp đến năm 2030. Sau hơn 15 năm triển khai Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn Kỹ thuật và Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa, đây là thời điểm cần rà soát tổng thể hoạt động tiêu chuẩn hóa trong bối cảnh có những định hướng phát triển kinh tế – xã hội mới, nỗ lực chung tay thực hiện mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc đã đặt ra, cũng như thích ứng với quá trình chuyển đổi số đang lan rất nhanh chóng hiện nay. Hoạt động tiêu chuẩn hóa cần có cách thức để đưa ra những tiêu chuẩn có chất lượng, tiêu chuẩn làm định hướng nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Hoạt động tiêu chuẩn hóa được lan tỏa, không chỉ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu mà còn là tiêu chuẩn, cơ sở để tạo sự công bằng trong xã hội.

Thứ hai, cần định hướng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn hóa trong thời gian tới đáp ứng và phục vụ một cách tốt nhất cho hoạt động phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Trong đó, chú trọng đến việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học để đưa ra những tiêu chuẩn mới, thúc đẩy sản phẩm hàng hóa chủ lực của Việt Nam. Tương lai đưa tiêu chuẩn Việt Nam được xem xét để chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt.

Thứ ba, Việt Nam cần có cách tiếp cận mới trong việc đầu tư, xây dựng nguồn lực để thúc đẩy hoạt tiêu chuẩn hóa. Chúng ta cần có chiến lược để có đội ngũ chuyên gia tiêu chuẩn hóa mạnh, giỏi trong các lĩnh vực mà Việt Nam cần ưu tiên để tạo ra các tiêu chuẩn có giá trị, có ưu thế, tiến tới việc đưa đội ngũ chuyên gia này tham gia sâu, rộng trong các Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế.