Hướng đến tiêu chuẩn hóa quốc gia phù hợp xu thế quốc tế
Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tuân thủ cam kết hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế phát triển tiêu chuẩn quốc tế và các nước tiên tiến trong khu vực.
Nhiều cảnh báo về hàng hóa
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, cũng như từ kinh nghiệm của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế cho thấy, việc xây dựng tiêu chuẩn phải tôn trọng, ưu tiên nhu cầu thị trường, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về quản lý, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu không tập trung vào thị trường, thì các tiêu chuẩn được công bố, áp dụng sẽ không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài đã nhận được những cảnh báo do không đáp ứng đủ quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật thương mại.
Thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong 6 tháng của năm 2022, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, bao gồm biện pháp thay đổi mức dư lượng, phương pháp kiểm dịch. Như vậy, nếu so với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%. Nhật Bản hiện là quốc gia có nhiều thông báo nhất với 83 thông báo, chiếm 16,47%. Tiếp sau là Brazil, EU, Canada, Mỹ.
Theo SPS, hiện nay, mỗi thị trường sẽ có một bộ tiêu chuẩn cũng như đối tượng quan tâm khác nhau. Ví dụ, Nhật Bản có 5 bộ luật, 3 quy định về chất lượng an toàn thực phẩm, Mỹ có 4 quy định khung, còn ASEAN lại chủ yếu quan tâm đến các vấn đề kiểm dịch động vật...
Việc chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở khiến việc tra cứu, áp dụng tiêu chuẩn đối với các đối tượng có nhu cầu như doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn.
Để nắm được thông tin về các tiêu chuẩn cho các sản phẩm, hàng hóa, quy trình… các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần thường xuyên phải liên hệ với cơ quan nhà nước về tiêu chuẩn để được đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam thời gian qua chưa được hoạch định và thực hiện một cách tổng thể đủ tầm chiến lược. Các bộ, ngành hiện nay xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) chưa có định hướng dài hạn.
Ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng từng nhấn mạnh, nếu Việt Nam không có chiến lược, định hướng rõ ràng để phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia làm nền tảng cho sản xuất, kinh doanh thì các doanh nghiệp khó tồn tại cũng như giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế.
Đưa hoạt động tiêu chuẩn có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân, chuyên gia và hiệp hội liên quan, Bộ Khoa học và Công nghệ đã rà soát, xây dựng, hoàn thiện dự thảo “Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030”.
Theo đó, Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia được dựa trên nguyên tắc thống nhất, tự nguyện và chia sẻ, đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý để bảo đảm hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam.
Tại Dự thảo chiến lược tiêu chuẩn hoá đến năm 2030, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề ra mục tiêu tổng quát của chiến lược là đưa tiêu chuẩn hóa trở thành một biện pháp kỹ thuật là công cụ đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
Theo đó, chiến lược sẽ hỗ trợ các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước gắn với phát triển bền vững. Đồng thời, tập trung nguồn lực để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao vị thế của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.
Dự thảo chiến lược cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện khung kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ; tối thiểu 3-5 bộ, ngành hoàn thành việc lập kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; tối thiểu 5% các tiêu chuẩn quốc gia mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai của các nhiệm vụ khoa học - công nghệ các cấp… Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với quốc tế, khu vực đạt tối thiểu 70-75%...