Sử dụng cơ chế tư nhân để giải quyết vấn đề xã hội

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa nội dung “doanh nghiệp xã hội” (DNXH) vào dự thảo Luật DN (sửa đổi) thể hiện tính dự đoán sự phát triển của loại hình DN này, khi cùng với Nhà nước giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường.

Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với bà Phạm Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm sáng kiến hỗ trợ cộng đồng (CSIP) về quy định mới trên trong dự thảo Luật DN (sửa đổi) đang được xã hội góp ý  xây dựng.

Nói là mới mẻ khi mô hình DNXH ở nước ta cũng chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây với khoảng hơn 300 DN. “Kết quả chưa phải là ấn tượng nhưng sẽ là hướng đi tiềm năng. Luật đang đi trước để mở lối cho sự phát triển của DNXH”, bà Phạm Kim Oanh nói.

Chính danh

Phóng viên: Tại sao DNXH có thể giải quyết tốt những vấn đề xã hội, môi trường trong khi có nhiều lựa chọn ở các mô hình, tổ chức xã hội khác?

 Sử dụng cơ chế tư nhân để giải quyết vấn đề xã hội - Ảnh 1
Bà Phạm Kim Oanh,
Giám đốc Trung tâm CSIP
Bà Phạm Kim Oanh: Với một số điều quy định về DNXH trong dự án Luật, tôi cho rằng cơ quan soạn thảo đang quan sát xem DNXH là cái gì? Đây là khái niệm mới và còn phải xem kết quả đến đâu.

Chúng tôi có điều kiện tìm hiểu DNXH trên thế giới và theo sát sự phát triển DNXH tại Việt Nam thì đây là một phương thức giải quyết khá hiệu quả bằng việc cung cấp các dịch vụ công theo đúng bản chất của nó.

Đơn giản tôi sử dụng cơ chế tư nhân để giải quyết vấn đề xã hội.

Bản thân DNXH đã kết hợp được tinh thần và giá trị xã hội với tinh thần doanh nhân. DNXH là cơ chế hiệu quả khi cung cấp dịch vụ công.

Nếu có thể khuyến khích, phát triển DNXH thì có thể xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong việc xóa đói nghèo và các vấn đề khác.

Hiện giờ ta đang dùng cơ chế hành chính của Nhà nước để giải quyết các vấn đề của xã hội, nhưng sẽ không thể bao phủ hết được vì bộ máy này sẽ cồng kềnh. Cách thứ hai là khuyến khích các tổ chức xã hội thuần tuý, nhưng có nhược điểm là không bền vững về mặt tài chính, khó có thể tạo ra giá trị gia tăng (để đầu tư lại cho mục đích xã hội) trong quá trình hoạt động. Cách thứ ba là khuyến khích hình thành các DN sử dụng vốn xã hội hóa để giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, nhưng với mô hình này thì lợi nhuận vẫn là điều quan trọng với họ.

Nhưng với DNXH thì có đặc điểm đối tượng phục vụ là các đối tượng khó khăn nên bản thân chuyện hỗ trợ đã là sứ mạng của họ rồi, nên DNXH không bị đánh đổi sứ mạng của mình (giá trị phi lợi nhuận) với lợi nhuận.

Vì thế tôi nghĩ việc đưa DNXH vào Luật DN mới chứng tỏ nhà soạn thảo đã nhìn thấy tiềm năng của DNXH. Hiện tiềm năng đó đang ở mức độ khiêm tốn nhưng kinh nghiệm ở các nước Anh, Pháp đã chỉ ra rằng, bài học tiềm năng đó có thể phát huy tốt.

DNXH là giải pháp khắc phục những vấn đề về xã hội, môi trường… Nhưng bản thân những DN hoạt động theo mô hình DNXH ở Việt Nam thời gian qua có khó khăn gì không?

Khó khăn rất nhiều, ở đây tôi muốn nói đến tính “chính danh” của loại hình này. Hiện dự thảo Luật DN (sửa đổi) có dành những ưu đãi cho DNXH, nhưng hiện tại ưu đãi là con số 0 và xã hội cũng mấy ai biết bản chất DNXH là gì. Vấn đề là ở chỗ này.

Khi anh là một DNXH đi làm việc với chính quyền địa phương, khách hàng, cơ quan quản lý Nhà nước thì họ luôn nhìn anh là một DN có lợi nhuận nên cách ứng xử của họ cũng như đối với 1 DN bình thường. Thậm chí anh giải thích DNXH của anh không vì lợi nhuận và vì mục tiêu cộng đồng thì có trường hợp họ cho rằng anh lừa đảo hoặc chỉ đi “đánh bóng tên tuổi”. May mắn hơn thì họ coi anh là một tổ chức từ thiện. Dù là thế nào thì đều dẫn đến khó khăn trong việc hợp tác để huy động nguồn lực xã hội một cách bền vững.

Các DNXH ở Việt Nam hiện không được lợi gì khi phải chứng minh họ là DNXH, nhưng họ vẫn phải làm công việc của họ. Nhiều khi DNXH còn không dám nhận mình là DN giải quyết những khó khăn cho những người yếu thế, những vấn đề của chung cộng đồng nữa. Nhiều DNXH vẫn đăng ký dưới hình thức Hợp tác xã hay một danh xưng nào đó tùy thuộc vào mức độ hiểu biết của đối tượng-đối tác mà họ phải tiếp xúc.

Phải chứng minh

Hiện nay dự thảo Luật đã quy định về DNXH và nếu được thông qua nội dung này thì việc chứng minh một DN là DNXH sẽ như thế nào, hay chỉ là dành 51% lợi nhuận để tái đầu tư cho hoạt động của mình như dự thảo Luật quy định?

Kinh nghiệm của các nước khác là DN phải chứng minh mình là DNXH, tức là DN được hưởng những ưu đãi như vậy thì sẽ mang lại lợi ích cho xã hội như thế nào. Làm được điều này thì phải có cơ chế đo đếm lợi ích xã hội và cái này thuộc về trách nhiệm quan trọng của Nhà nước. Đây cũng là cách để phân biệt đâu là DNXH, đâu là DN thông thường.

Nếu không có cơ chế định lượng ý nghĩa của DNXH thì rất khó thuyết phục người khác tin và ủng hộ. Khi cộng đồng chưa công nhận thì rõ ràng thị trường của DNXH rất nhỏ bé. Ngược lại, cộng đồng công nhận nhiều hơn thì DNXH sẽ có đầu ra tốt hơn, đồng nghĩa với việc giải quyết các vấn đề xã hội tốt hơn.

Căn cứ để xét DNXH nên được xây dựng như thế nào?

Tôi cho rằng đối với lĩnh vực rất mới mẻ với Việt Nam như thế này thì đưa ra một khuôn khổ pháp luật trọn vẹn là khó khăn. Tôi cho rằng cơ quan soạn thảo rất dũng cảm, họ không chờ tới khi đầy đủ các yếu tố về DNXH mới đưa vào văn bản luật. Luật đang đi trước để thúc đẩy DNXH phát triển.

Căn cứ để xác định DNXH một cách cụ thể thì mỗi nước một cách khác nhau. Ở Thái Lan họ có tiêu chí đánh giá ở nhiều mức độ khác nhau, tùy theo mức độ đóng góp cho cộng đồng. Ở Anh chỉ có 1 loại hình đặc thù là công ty phục vụ cộng đồng, đa phần các DNXH khác vẫn khoác tư cách pháp nhân như từ trước đến nay, là một DN hoặc một tổ chức xã hội.

Ở các nước đều có một cơ quan quản lý DNXH và danh sách DNXH được công bố rộng rãi. Chính quyền địa phương có trách nhiệm thường xuyên giám sát DN đó có còn là DNXH không. Nếu DNXH nào không đáp ứng đủ các yêu cầu cần phải có sẽ bị đưa ra ngoài danh sách.