Sự hài lòng đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp công nghệ thông tin

Nguyễn Ngọc Trang, Bùi Thị Thu Hương

Thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH) của DN là một trong những vấn đề được DN công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam quan tâm, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Phân tích bức tranh toàn cảnh về thực trạng người lao động đang làm việc toàn thời gian tại 50 các DN CNTT Việt Nam, bài viết nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của người lao động qua việc thực hiện TNXH của DN. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp nâng cao sự hài lòng của người lao động qua việc thực hiện TNXH của DN CNTT trong bối cảnh chuyển đổi số.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

TNXH của DN là một trong những yêu cầu quan trọng cho sự phát triển và hội nhập quốc tế của một DN nhằm gia tăng cam kết tổ chức, sự gắn kết của người lao động và từ sự hài lòng đó thu hút nguồn nhân lực giỏi và tài năng. Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong DN được hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật điện toán đám mây… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc và văn hóa DN.

Ngành CNTT và truyền thông ở Việt Nam hình thành vào năm 1977, đến nay có khoảng hơn 64.000 DN CNTT, tăng thêm gần 19.403 DN so với năm 2020. Qua bức tranh toàn cảnh từ tổng quan các công trình nghiên cứu cho thấy, việc thực hiện trách nhiệm xã hội DN đối với người lao động được đề cập ở nhiều khía cạnh và khái niệm khác nhau. Việc nghiên cứu xác định các yếu tố ảnh hưởng sự hài lòng của người lao động từ việc thực hiện trách nhiệm xã hội DN CNTT Việt Nam là cần thiết để từ đó đề xuất các nhóm giải pháp phù hợp trong bối cảnh quốc gia chuyển đổi số hiện nay.

Thực trạng hoạt động của các DN công nghệ thông tin Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Thông tin và truyền thông, năm 2021, Việt Nam hiện có 64.000 DN CNTT, mục tiêu kế hoạch đặt ra cuối năm 2022 Việt Nam đạt 70.000 DN. Tuy nhiên, việc phát triển DN CNTT Việt Nam tại các địa phương không đồng đều mà tập trung chủ yếu vào 3 địa phương gồm: TP. Hồ Chí Minh (3,19), Hà Nội (2,29), Đà Nẵng (2,24) với tỷ lệ DN CNTT/1000. Tổng số DN CNTT của 3 tỉnh này chiếm hơn 70% tổng số DN CNTT của cả nước. Trong khi đó, có nhiều tỉnh tỷ lệ này chỉ ở mức 0,07 so với tỷ lệ trung bình chung nên nhìn chung cũng ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số của địa phương.

Tổng số nhân lực đang làm việc trong các DN CNTT cả nước là hơn 1,03 triệu người, năng suất lao động của ngành CNTT và truyền thông gấp 7,6 lần năng suất lao động bình quân của cả nước. Bên cạnh đó, trong tổng 1,03 triệu người lao động trong ngành CNTT và TT thì có 69% người làm việc tại các DN thuộc lĩnh vực phần cứng, 16% người làm việc tại các DN thuộc lĩnh vực phần mềm, 7% người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ CNTT, 8% còn lại làm trong lĩnh vực nội dung số và các sản phẩm khác liên quan đến CNTT. Các DN CNTT Việt Nam đến thời điểm hiện tại chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và phát triển mở rộng quy mô hoạt động.

Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid-19 các DN CNTT Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ), tạo việc làm ổn định, thường xuyên bị giảm sút đáng kể trong năm 2020 - 2021. Theo báo cáo thị trường của nền tảng tuyển dụng IT hàng đầu tại Việt Nam TopDev, năm 2022, Việt Nam khoảng 150.000 lao động CNTT. Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu đổi mới trong kinh doanh. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của lao động trong các DN CNTT Việt Nam so với các ngành khác vẫn khá cao, đạt khoảng 5.000USD/người/năm. Mức lương trả cho người lao động (NLĐ) trong các DN CNTT Việt Nam phần lớn dựa trên quy mô, tình hình hoạt động của DN, rất ít dựa vào mức lương tối thiểu của nhà nước và thông qua sự thỏa thuận của NLĐ.

Phương pháp nghiên cứu

Trách nhiệm xã hội DN là một cơ chế trong đó các công ty gánh vác các trách nhiệm kinh tế, pháp luật, đạo đức và các trách nhiệm khác mà các bên liên quan đã áp đặt lên các hoạt động của công ty (Maignan, Ferrell và Hult, 1999). Mô hình lý thuyết về sự hài lòng công việc của người lao động gồm có 4 nhóm yếu tố ảnh hưởng có những trách nhiệm khác nhau, bao gồm kinh tế, luật phát, đạo đức và từ thiện. Vì thế, hoạt động trách nhiệm xã hội của DN đối với người lao động cũng sẽ được đánh giá theo 4 yếu tố đó (Carroll, 1991) như sau:

(1) Trách nhiệm kinh tế (Y1), được đo lường bằng 3 biến quan sát từ KT1 đến KT3;

(2) Trách nhiệm pháp lý (Y2), được đo lường bằng 7 biến quan sát từ PL1 đến PL7;

(3) Trách nhiệm đạo đức (Y3), được đo lường bằng 4 biến quan sát từ DD1 đến DD4;

(4) Trách nhiệm từ thiện (Y4), được đo lường bằng 3 biến quan sát từ TT1 đến TT3.

Về sự hài lòng công việc của người lao động (biến phụ thuộc Y) được đo lường bằng 3 biến quan sát từ HL1 đến HL3.

Nghiên cứu này sử dụng thang đo Likert cho điểm từ 1 đến 5 để đo lường các biến quan sát.

Bên cạnh đó, ISO 26000 là một bộ tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội của DN với người lao động. Hệ thống tiêu chuẩn ISO 26000 này được tổ chức ISO ban hành có thể áp dụng cho mọi loại tổ chức với mọi loại hình, quy mô và lĩnh vực khác nhau.

Theo yêu cầu của bộ tiêu chuẩn ISO 26000, nội hàm trách nhiệm xã hội của DN đối với người lao động bao gồm các nội dung: việc làm và phát triển quan hệ lao động, chế độ đãi ngộ và bảo trợ xã hội, đối thoại xã hội, sức khoẻ và an toàn nơi làm việc, đào tạo và phát triển năng lực nhân viên được nêu chi tiết ở chủ đề cốt lõi “Thực hành lao động” - Điều mục 6.4 của bộ tiêu chuẩn. Nhóm tác giả cũng sử dụng cách tiếp cận này của bộ tiêu chuẩn ISO 26000 làm cơ sở phân tích, lý giải, xây dựng và kiểm định mô hình nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới sự hài lòng của người lao động về việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN trong các DN CNTT Việt Nam.

Theo niên giám thống kê, Sách trắng CNTT và truyền thông năm 2021 cùng với tình hình thực tiễn, nhóm tác giả đã chọn ra 60 DN CNTT hàng đầu Việt Nam thỏa mãn các điều kiện sau: (1) Phân bổ vùng miền; (2) Phân bổ theo tỷ lệ các mảng: phần cứng, phần mềm, dịch vụ, nội dung số và các sản phẩm liên quan CNTT; (3) Thời gian hoạt động trên 3 năm; (4) Quy mô lao động trên 50 người; (5) Các DN này có cơ cấu tổ chức gồm: 100% vốn nước ngoài, liên doanh, tư nhân, cổ phần nhà nước, trách nhiệm hữu hạn. Sau đó chọn lọc 50 DN đáp ứng để tham gia khảo sát.

Các DN tập trung tại 3 thành phố lớn của 3 miền Bắc, Trung, Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh theo phương pháp chọn phân loại theo vùng không gian và vùng tập trung nhiều DN CNTT nhất. Khảo sát được tiến hành từ tháng 09/2022 đến tháng 10/2022 để thu thập ý kiến nhà quản lý và người lao động.

Kích thước mẫu được xác định dựa vào công thức N=k x V, trong đó k là hệ số kinh nghiệm thường có giá trị là 5 đến 30, V là tổng số biến và tham số ước lượng trong mô hình nghiên cứu. Bảng 1 cho biết cách thức phân bổ phiếu khảo sát.

Bảng 1: Các biến số trong mô hình

DN tạo việc làm cho người lao động

KT1

Ban hành chính sách đào tạo, phát triển nâng cao trình độ cho người lao động

DD1

DN có lợi nhuận để trích các quỹ cho người lao động

KT2

Tạo quan hệ lao động lành mạnh giữa nhà quản lý và người lao động

DD2

Quỹ lương, thưởng và phụ cấp được chi trả phù hợp

KT3

Tôn trọng quyền riêng tư của người lao động

DD3

Thực hiện ký kết hợp đồng lao động

PL1

Bảo mật người lao động báo cáo hành vi sai trái tại nơi làm việc

DD4

Đảm bảo thời gian lao động theo đúng quy định của pháp luật

PL2

DN cung cấp dịch vụ tài chính, dịch vụ xã hội cho người lao động

TT1

Đảm bảo trang bị bảo hộ lao động

PL3

DN phát triển nhân cách, đạo đức của người lao động

TT2

Đảm bảo cho người lao động được khám sức khỏe định kỳ

PL4

DN khuyến khích người lao động tham gia hoạt động cộng đồng

TT3

Đóng BHXH, BHYT cho người lao động theo đúng pháp luật

PL5

Hài lòng về trách nhiệm cộng đồng của DN

HL1

Không có lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử

PL6

Hài lòng về trách nhiệm kinh doanh trung thực của DN

HL2

Người lao động được tham gia tổ chức công đoàn, đoàn thể

PL7

Hài lòng về công việc của người lao động

HL3

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Để đáp ứng độ tin cậy, tác giả phát ra 1.000 mẫu phiếu điều tra khảo sát cho những nhân viên đang làm việc tại 50 DN CNTT ở 3 thành phố lớn của 3 miền Bắc, Trung, Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh qua email và qua công cụ Google form. Sau khi sàng lọc số phiếu trả lời, loại bỏ 37 phiếu trả lời không hợp lệ thì số mẫu thu về và hợp lệ là 963 phiếu. Nghiên cứu này sử dụng phần mềm SPSS22 để phân tích số liệu qua các chỉ số Cronbach’s Alpha, nhân tố khám phá EFA và các nhân tố ảnh hưởng theo mô hình hồi quy tuyến tính. Phương pháp thống kê mô tả với các chỉ tiêu như số trung bình, tỷ lệ, tần suất được sử dụng để phân tích thực trạng trách nhiệm xã hội của DN CNTT Việt Nam đối với người lao động trong bối cảnh quốc gia chuyển đổi số. Phân tích hồi quy tuyến tính đa biến được sử dụng để xác định các yếu tố ảnh hưởng của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN CNTT Việt Nam tới sự hài lòng của người lao động.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng của sự hài lòng công việc của người lao động đối với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN CNTT Việt Nam được thiết lập như sau: Sự hài lòng (Y) = f(Y_1,Y_2,Y_3,Y_4). Trong đó, Y là biến phụ thuộc và Y_1,Y_2,Y_3,Y_4 là các biến độc lập. Sau khi thực hiện phân tích hệ số Cronbach’s Alpha thang đo các yếu tố ảnh hưởng tới sự hài lòng công việc của người lao động, các chỉ số Cronbach’s Alpha đều lớn hơn 0,5 và chỉ số tương quan biến - tổng đều đạt trên 0,3, các thang đo này đảm bảo độ tin cậy, tiếp tục đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA. Trị số KMO là 0.877 với mức ý nghĩa Sig. = 0.000 cho thấy, việc sử dụng phân tích nhân tố trong thang đo này là phù hợp với dữ liệu. Kết quả phân tích EFA cho biến phụ thuộc đã khẳng định thang đo đạt yêu cầu với tổng phương sai trích là 65,2% (>50%) và nhân tố đều lớn 0.5; trích được 1 nhân tố có Eigenvalue > 1. Từ kết quả phân tích nhân tố, đã xác định có 4 nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của NLĐ. Đây chính là 4 biến giải thích được đưa vào mô hình hồi quy.

Bảng 2: Tỷ lệ phân bổ phiếu khảo sát

Tổng mẫu phát đi là 1.000

Hà Nội

Đà Nẵng

TP. Hồ Chí Minh

Tổng số DN CNTT

2.290

2.240

3.190

Tỷ lệ DN CNTT (%)

29,6

29

41,3

Số mẫu phiếu phát đi

300

290

410

Số mẫu phiếu thu về và hợp lệ

275

286

402

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Số liệu từ Bảng 3, phương trình hồi quy như sau: Y = 1,324+ 0,395Y1 + 0,215Y2 + 0,153Y3 + 0,135Y4

Bảng 3: Hệ số hồi quy

Tiêu chí

Hệ số (B)

Hệ số (Beta)

Mức ý nghĩa Sig.

Vif

1

Hằng số

1,324

 

0,001

 
 

Y1

0,268

0,395

0,002

1,082

 

Y2

0,227

0,215

0,000

1,304

 

Y3

0,163

0,153

0,000

1,697

 

Y4

0,151

0,135

0,003

1,047

Hệ số Sig.F

0.000

Hệ số R^2 hiệu chỉnh

0,557

Hệ số Durbin - Watson

1,878

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của nhóm tác giả

Phương trình hồi quy tuyến tính trên giúp rút ra kết luận từ mẫu nghiên cứu, sự hài lòng của người lao động phụ thuộc 4 yếu tố trách nhiệm xã hội DN đối với người lao động, đó là trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm từ thiện. Do tất cả các biến độc lập đều được đo lường bằng thang đo mức độ Likert (cùng một đơn vị tính) nên từ phương trình hồi quy này cũng thấy được mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố đối với sự hài lòng công việc. Trong đó, trách nhiệm kinh tế có ảnh hưởng cao nhất và trách nhiệm từ thiện có ảnh hưởng thấp nhất:

Biến Y1 (trách nhiệm kinh tế của DN) có ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng của người lao động, nếu Y1 tăng lên một bậc sẽ giúp cho sự hài lòng công việc tăng lên trung bình 0,395 bậc. Điều này cho thấy mức độ quan trọng của yếu tố trách nhiệm kinh tế của DN rất cao, điều này hoàn toàn phù hợp với giả thuyết ban đầu.

Biến Y2 (trách nhiệm pháp lý của DN) cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hượng thuận chiều đến sự hài lòng của người lao động, nếu Y2 tăng lên một bậc sẽ giúp cho sự hài lòng công việc tăng lên trung bình 0,215 bậc. DN hoạt động và chịu sự quản lý bởi pháp luật quốc gia nên DN phải tuân thủ đầy đủ nội dung pháp luật quy định.

Biến Y3 (trách nhiệm đạo đức) có tương quan thuận đến sự hài lòng của người lao động, nếu Y3 tăng lên một bậc sẽ giúp cho sự hài lòng công việc tăng lên trung bình 0,153 bậc. Trách nhiệm đạo đức của DN liên quan đến các hành vi hay hành động mà cộng đồng, xã hội mong đợi hay không mong đợi nhưng chưa được thể hiện rõ ràng thành luật và là những điều yêu cầu tất cả các thành viên trong DN thực hiện.

Biến Y4 (trách nhiệm từ thiện) có hệ số dương với sự hài lòng của người lao động. Nếu Y4 tăng lên một bậc sẽ giúp cho sự hài lòng công việc tăng lên trung bình 0,135 bậc. Những hành động nhân đạo đã trở thành một nội dung được các DN vận dụng, củng cố và phát triển lợi ích lâu dài của cả người lao động và sự phát triển bền vững DN. Tuy nhiên, DN thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình chung và thực hiện theo kế hoạch hàng năm, báo trước cho người lao động thông tin cùng chia sẻ với DN.

Nâng cao sự hài lòng của người lao động trong các DN công nghệ thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số

Để nâng cao sự hài lòng của người lao động trong các DN công nghệ thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số, cần chú trọng các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, nhóm giải pháp liên quan đến yếu tố trách nhiệm kinh tế của DN.

Thực hiện trách nhiệm kinh tế đối với người lao động như tạo việc làm cho người lao động, cơ chế lương, thưởng và phụ cấp hợp lý sẽ đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất trong công việc mà người lao động cần. Những DN thực hiện tốt trách nhiệm kinh tế đối với người lao động thì người lao động hài lòng với công việc và khích lệ người lao động yên tâm làm việc tại DN.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, nhiều loại hình, quy mô hoạt động được thay đổi và ứng dụng công nghệ mới, điều này cũng tác động đến việc làm, thu nhập của người lao động. Nhờ vào cải tiến công nghệ, với sự hỗ trợ của DN, những người lao động được cập nhật thêm năng lực số sẽ tăng năng suất lao động, từ đó thu nhập tăng trong môi trường làm việc số.

Thứ hai, nhóm giải pháp liên quan đến yếu tố trách nhiệm pháp lý của DN.

Khi các DN thực hiện trách nhiệm kinh tế đối với người lao động thì những trách nhiệm này cần phải nằm trong các quy phạm và khuôn khổ của pháp luật. DN phải tuân thủ theo các Công ước quốc tế liên quan đến người lao động cũng như các quy định pháp luật của Nhà nước hiện hành trong mọi hoạt động từ tuyển dụng, ký kết hợp đồng, sử dụng, đào tạo và phát triển năng lực nghề nghiệp cho người lao động nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đồng thời hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ thực hiện những nghĩa vụ mà pháp luật quy định.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, bảo đảm an toàn thông tin là yếu tố sống còn của DN CNTT. Mỗi một người dân cần được trang bị kỹ năng số cơ bản về an toàn thông tin, để tự bảo vệ mình, người thân của mình khỏi các nguy cơ tấn công, lừa đảo và các nguy cơ khác trên không gian mạng. Ngoài ra, tùy theo đặc trưng của từng loại hình DN CNTT đang kinh doanh, cần đầu tư mua sắm các trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ phù hợp với từng công việc và đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng.

Để hỗ trợ cho NLĐ môi trường làm việc nâng cao hiệu quả công việc và đổi mới sáng tạo, trong bối cảnh chuyển đổi số, DN (DN) cần đảm bảo các công cụ, ứng dụng, tiện ích luôn sẵn sàng để hỗ trợ nâng cao hiệu suất cho NLĐ và hỗ trợ đổi mới. Bên cạnh đó, DN ban hành các chính sách và quy trình làm việc hỗ trợ nâng cao năng suất cũng như các chính sách và quy trình làm việc hỗ trợ đổi mới cung cấp thông tin cho NLĐ an tâm làm việc trong môi trường số.

Thứ ba, nhóm giải pháp liên quan đến yếu tố trách nhiệm đạo đức.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, NLĐ được tham gia xây dựng chiến lược số và sẽ nhận thức được sự ảnh hưởng của họ đối với DN. Đối với NLĐ, DN cần quan tâm việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của NLĐ về lợi ích của chuyển đổi số trong doanh nghiêp để tăng động lực góp phần vào quá trình này.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho người lao động hòa nhập và thích ứng nhanh với môi trường làm việc số, DN phải ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng năng lực công nghệ số cho NLĐ phù hợp với chỉ số chuyển đổi số của DN. Cần quan tâm phối hợp với công đoàn tổ chức tập huấn kỹ năng vấn đề cốt lõi cho NLĐ làm việc trong môi trường số. DN phải chuẩn bị đội ngũ quản lý biết giải quyết các vấn đề phát sinh khi kết hợp công tác giữa các phòng ban trong môi trường làm việc số. DN cần đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin cá nhân của NLĐ, an ninh mạng dữ liệu cho NLĐ khi tham gia trong môi trường làm việc số. Xây dựng quy định và ban hành các mức độ bảo mật để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ khi có sự cố.

Thứ tư, nhóm giải pháp liên quan đến yếu tố trách nhiệm từ thiện.

Người lao động trong DN CNTT Việt Nam cần chú trọng kỹ năng làm việc theo nhóm, giao tiếp trong môi trường đa văn hóa và môi trường số. Việc hoàn thiện và phát triển văn hóa số cho NLĐ là rất cần thiết, điều đó thể hiện trách nhiệm từ thiện của DN đối với NLĐ. Để có được NLĐ có phong cách sống và kỹ năng lao động nghề nghiệp tốt, đáp ứng được yêu cầu của DN trong bối cảnh quốc gia đang chuyển đổi số, trước hết cần phát huy tốt những giá trị truyền thống, trong đó có giá trị đạo đức của con người Việt Nam.

DN cần xây dựng và phát triển văn hóa số bao gồm các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức cho người lao động trên môi trường số, bổ sung thêm vào Bộ Quy tắc ứng xử nơi công sở do Bộ Nội vụ ban hành. Bên cạnh đó, DN đảm bảo cung cấp dịch vụ tài chính, các dịch vụ xã hội số cho NLĐ phù hợp với kế hoạch chuyển đổi số của DN...

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2020), “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
  2. Chính phủ (2022), Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
  3. Chính phủ (2022), Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
  4. Niên giám thống kê (2021), Nhà xuất bản Thống kê.
  5. Maignan I. và Ferrell O. C (2004), “Corporate Social Responsibility and Marketing”, Journal of the Academy of Marketing Science, 32 (1), pp. 3-19.