Ưu đãi thuế để thúc đẩy, phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin
Để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra là có các chính sách ưu đãi thuế. Trên cơ sở đó, sẽ thúc đẩy được doanh nghiệp phát triển và động viên được người lao động làm việc.
Đây cũng chính là một trong những nội dung của Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp đang được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân.
Mở rộng ưu đãi thuế thêm đối với dịch vụ phần mềm
Không thể phủ nhận rằng, công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, là yếu tố không thể thiếu trong thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Do vậy, việc dành nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin là điều tất yếu, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Cùng với việc chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội để Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp.
Nghị quyết cũng có những giải pháp cụ thể đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Cụ thể, đối với dịch vụ gia công phần mềm, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới cung cấp dịch vụ gia công phần mềm được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Thống nhất phương án, áp dụng từ ngày 1/1/2017 nhưng không phải đến năm 2020 mà cho đến khi nhà nước có chính sách mới về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dịch vụ này.
Nhìn nhận về việc giảm thuế này, bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, việc mở rộng ưu đãi này phù hợp với Nghị quyết số 41/NQ-CP: “Bổ sung thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án: sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm, sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm, dịch vụ khắc phục sự cố an toàn thông tin, bảo vệ an toàn thông tin được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như mức đang áp dụng đối với dự án sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp”.
Cần thiết có chính sách ưu đãi thuế TNCN trong lĩnh vực công nghệ cao
Về việc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao, bà Cúc cho rằng, thực tế cho thấy, Luật Thuế TNCN chưa có quy định về giảm thuế TNCN cho người lao động làm việc tại các lĩnh vực cần khuyến khích, thu hút nhân lực như, làm việc ở khu kinh tế, làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao...
Tuy nhiên, căn cứ Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng về việc ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với Khu kinh tế cửa khẩu;Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 128/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 hướng dẫn việc giảm 50% thuế TNCN đối với cá nhân làm việc tại khu kinh tế.
Để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ thông tin, đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển công nghệ thông tin theo các mục tiêu đã đặt ra trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần thiết phải có thêm các chính sách ưu đãi thuế TNCN nhằm thúc đẩy hơn nữa ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Do vậy, việc đề xuất cho giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin là hoàn toàn phù hợp, bà Cúc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay chưa có chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế TNCN đối với cá nhân là nhân lực công nghệ cao; Bên cạnh đó, Đảng và nhà nước đã xác định phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu KH&CN; bảo đảm quyền nghiên cứu KH&CN...
Ông Thi nhấn mạnh, để phát triển hơn nữa lĩnh vực KH&CN thì cần thiết phải có những chính sách tập trung thu hút các cá nhân có trình độ cao tham gia thực hiện trong các lĩnh vực KH&CN, cung cấp các dịch vụ công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực đang ưu tiên phát triển.
Vì vậy, để thu hút được các cá nhân có trình độ chuyên môn cao vào làm việc trong ngành KH&CN thì cần có nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, kể cả giải pháp về giảm thuế TNCN.
Lý giải về việc Bộ Tài chính đề xuất mức giảm là 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao, ông Thi cho rằng, qua nghiên cứu, thu thập thông tin về thu nhập của lực lượng lao động về CNTT của Việt Nam và cũng là so sánh với các nước trong khu vực cho thấy, nếu chính sách có lực hút không đủ lớn thì lao động trong ngành này sẽ bị thu hút ngay sang các nước bên cạnh, chứ chưa nói tới việc chúng ta thu hút được nguồn lực chất lượng cao của quốc tế trong lĩnh vực này đến Việt Nam.