Hướng tới mục tiêu tiết kiệm hơn 2 tỷ kWh điện

Thái Hằng

(Tài chính) “Phấn đấu trong năm 2014, cả nước tiết kiệm được hơn 2 tỷ kWh điện”, Phó Tổng Giám đốc EVN Dương Quang Thành đặt mục tiêu tại buổi họp báo công bố Chiến dịch Giờ Trái đất 2014 tại Việt Nam, ngày 6/3.

Hãy thể hiện sự cam kết của mình bằng một hành động đơn giản là tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong Giờ Trái đất, từ 20h30 đến 21h30 tối thứ 7 ngày 29/3/2014. Nguồn: Hải Yến.
Hãy thể hiện sự cam kết của mình bằng một hành động đơn giản là tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong Giờ Trái đất, từ 20h30 đến 21h30 tối thứ 7 ngày 29/3/2014. Nguồn: Hải Yến.

Chung tay bảo vệ “mái nhà chung”

Nhấn mạnh điều này, ông Dương Quang Thành cho biết, cùng với nhiệm vụ nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân, EVN luôn ý thức rất rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội và đang đi đầu trong thực hiện các giải pháp và tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tổ chức hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất, từ năm 2009 đến nay, đã 6 năm EVN tham gia chương trình Giờ Trái đất và đóng vai trò tích cực thực hiện chương trình. Năm 2014, EVN tiếp tục tham gia chiến dịch với tư cách là nhà tài trợ chính, là đối tác song hành cùng mọi hoạt động của chương trình, đồng thời đây cũng là hoạt động có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2014).

Với tinh thần đó, EVN tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện và các hoạt động tuyên truyền nhằm phổ biến kiến thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu đặt ra cụ thể cho năm 2014 sẽ gồm: Khu vực miền Bắc, miền Trung và thủ đô Hà Nội sản lượng tiết kiệm tối thiểu đạt 1,5% điện thương phẩm (tương đương 925 triệu kWh), đối với TP. HCM và khu vực miền Nam phấn đấu tiết kiệm 2% điện thương phẩm (tương đương 1.262 triệu kWh). Phấn đấu trong năm 2014 cả nước tiết kiệm được hơn 2 tỷ kWh điện.

Hướng tới mục tiêu tiết kiệm hơn 2 tỷ kWh điện - Ảnh 1Tôi đánh giá rất cao việc Bộ Công thương đứng ra chủ trì Chiến dịch Giờ Trái đất ở Việt Nam. Điều này thể hiện sự ủng hộ chính trị quan trọng của Chính phủ Việt Nam và đưa ra một thông điệp mạnh mẽ rằng Việt Nam đang nỗ lực chung tay với thế giới để tìm kiếm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và xanh hơn.
Đại sứ Đan Mạch John Nielsen.

“Tập đoàn tích cực tham gia, tự giác thực hiện tắt các đèn chiếu sáng và thiết bị điện không cần thiết tại trụ sở đơn vị và tại gia đình trong thời gian diễn ra sự kiện Giờ Trái đất 2014”, nhấn mạnh điều này, ông Thành thông tin thêm: Để tích cực tham gia chiến dịch Giờ Trái đất 2014, EVN đã chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực trên toàn quốc cùng hỗ trợ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho chương trình. “Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội sẽ hỗ trợ phối hợp triển khai công tác chuẩn bị đảm bảo cho tổ chức sự kiện Giờ Trái đất 2014 diễn ra tại Hà Nội. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia theo dõi cập nhật báo cáo Tập đoàn kết quả giảm công suất, sản lượng tiêu thụ trên hệ thống ngay sau khi kết thúc sự kiện chính…

“Hãy hành động để trái đất thêm xanh”

Đó chính là thông điệp chính mà Chiến dịch Giờ trái đất năm 2014 đặt ra nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Được biết, trong năm 2013, chiến dịch Giờ Trái đất  tại Việt Nam đã thu hút sự tham gia của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố thể hiện quyết tâm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam về hành động chống biến đổi khí hậu, tiết kiệm điện.

Theo thống kê Giờ trái đất 2013 Việt Nam tiết kiệm được 401.000 kWh, riêng tại Thành phố Hà Nội đã tiết kiệm được 219.000 kWh. Trước đó, năm 2009, tuy là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào chiến dịch Giờ Trái đất nhưng cũng đã thực hiện tiết kiệm được 140.000 kWh; Năm 2010, tiết kiệm được 500.000 kWh vào Giờ Trái đất; Năm 2011, tiết kiệm được 400.000 kWh; Năm 2012, tiết kiệm được 546.000 kWh. 

“Năm nay, hưởng ứng Giờ Trái Đất TP. Hà Nội sẽ tổ chức hàng loạt các hoạt động như: Chương trình điểm đến Xanh, Chương trình trường học Xanh, vẽ tranh tập thể với chủ đề tiết kiệm năng lượng, chống biến đổi khí hậu; Hoạt động đạp xe cổ động; Tiêu điểm của Chiến dịch là nghi thức tắt đèn 1 giờ từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 tại Quảng trường Cách mạng tháng 8 vào tối ngày 29/3/2014…. cùng chia sẻ hành động, bảo vệ môi trường”, ông Phạm Đức Tiến, Phó Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, năm nay Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hưởng ứng Chiến dịch này, đồng thời kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân, gia đình, doanh nghiệp hãy góp sức trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể và thiết thực. Cụ thể: Hãy thể hiện sự cam kết của mình bằng một hành động đơn giản là tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong Giờ Trái đất, từ 20h30 đến 21h30 tối thứ 7 ngày 29/3/2014. "Chúng ta hãy cùng khẳng định với thế giới, người dân Việt Nam có trách nhiệm và cam kết bảo vệ môi trường toàn cầu, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng cho hiện tại và tương lai", ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tháng 10/2012, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 – 2015 với mục tiêu giảm từ 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước trong giai đoạn 2012 – 2015. Cùng với đó là hàng loạt các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến đại bộ phận người dân, các cơ quan, công sở; Xây dựng ý thức thực hiện thường xuyên sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, thiên tai làm chết và mất tích khoảng 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP mỗi năm. Theo các kịch bản BĐKH, đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng cao thêm 1m, ước tính khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập, riêng Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ bị ngập đến 20% diện tích; Khoảng 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất có thể lên tới 10% GDP.