Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 14 - 18/3/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Hoa Kỳ:

+ Hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 xuống 2,2%, thấp hơn 0,2% so với dự báo đưa ra tháng 12/2015. (Theo FED ngày 16/3)

+ CPI cơ bản (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) của nước này trong tháng 02/2016 tăng 0,3% so với tháng 01/2016 và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2015, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2012. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày ngày 16/3)

- Indonesia: Hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2016

+ Từ 5,3% xuống còn 5,1%. (Theo WB ngày 16/3)

+ Từ 5,5% xuống 4,9%. (Theo IMF ngày 16/3)

- Singapore: Dự báo trong năm 2016

+ GDP tăng trưởng 1,9%, giảm so với dự báo 2,2% trước đó.

+ Lạm phát dao động trong khoảng từ âm 1 - 0% và lạm phát cơ bản dự kiến ​ở mức từ 0,5 - 1,5%.

(Theo Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore - MAS ngày 16/3)

Sự tăng trưởng của kinh tế thế giới đã không làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ ngành năng lượng trong năm 2015, do sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo. Trong năm 2015, năng lượng sạch chiếm tới 90% sản lượng điện tăng thêm của thế giới, trong đó, điện gió chiếm hơn 50% tổng sản lượng điện sạch. (Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA ngày 16/3)

Chứng khoán

Chứng khoán Hoa Kỳ: Tính chung cả tuần (14 - 18/3/2016), 3 chỉ số Dow Jones, S&P và Nasdaq đều ghi nhận tuần tăng thứ 5 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 1,8%; 1,3% và 1%.

Chốt phiên ngày 18/3, các chỉ số:

- Chỉ số Dow Jones tăng 120,81 điểm, tương ứng 0,69%, lên 17.602,3 điểm.

- Chỉ số S&P 500 tăng 8,97 điểm, tương ứng 0,44%, lên 2.049,56 điểm.

- Nasdaq Composite tăng 20,66 điểm, tương ứng 0,43%, lên 4.795,65 điểm.

Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1,7%, lên 128,86 điểm. Tại các thị trường chính:

- Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 0,18%, xuống 16.936,38 điểm;

- Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 4,52%, lên 2.904,83 điểm;

- Hang Seng (Hong Kong) tăng 2,66%, lên 20.503,81, điểm;

- Kospi (Hàn Quốc) tăng 1,54%, lên 1.987,99 điểm;

- S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,06%, lên 5.168,2 điểm.

Dầu mỏ

Tính chung tuần từ 14 - 18/3/2016, giá dầu WTI đã tăng 3,18% và Brent tăng 1,8%, do có thông in về việc các nước sản xuất dầu chủ chốt xác nhận kế hoạch nhóm họp tại Qatar để thảo luận việc giữ nguyên sản lượng; lượng dầu lưu kho của Hoa Kỳ không tăng mạnh như dự đoán và FED tuyên bố giữ nguyên lãi suất sau phiên họp chính sách kết thúc vào 16/3 và nhận định lãi suất có thể tăng 2 lần trong năm 2016 thay vì 4 lần như dự định trước đó.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/3:

- Giá dầu WTI giao tháng 4/2016 tại Hoa Kỳ giảm 76 cent, hay 1,9%, xuống 39,44 USD/thùng.

- Giá dầu Brent giao tháng 5/2016 tại London giảm 34 cent, hay 0,8%, xuống 41,20 USD/thùng.

Châu Á

Singapore

- Trong năm 2015, có 15.580 công nhân tại nước này đã bị sa thải, tăng 20% so với năm 2014 và làmức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Số lao động địa phương cũng gia tăng với tốc độ chậm nhất trong hơn một thập kỷ qua, chỉ tăng 700 người trong năm 2015, trong khi năm 2014 tăng 96.000 người.Số người lao động nước ngoài tại Singapore tính đến cuối năm 2015 là trên 3,6 triệu người, chỉ tăng 0,7% so với thời điểm đầu năm. Bên cạnh đó, các ngành định hướng xuất khẩu như sản xuất và thương mại tăng trưởng chậm cùng với các dịch vụ bất động sản và thương mại bán lẻ cũng giảm sút do suy thoái đã khiến cho tăng trưởng việc làm giảm.(Theo Bộ Nhân lực Singapore - MOM)

- Dự báo trong năm 2016:

+ Sản xuất trong nước giảm 2,7%, so với mức dự báo giảm 1,2% trước đó.

+ Lĩnh vực tài chính và bảo hiểm sẽ chỉ tăng 3,6%, giảm so với mức dự báo 5,9% trước đó.

+ Lĩnh vực xây dựng sẽ tăng 2,6%, tăng mạnh so với dự báo 1,2% trước đó.

(Theo Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore - MAS ngày 16/3)

Malaysia

Chính phủ Malaysia sẽ thành lập một Ủy ban quốc gia để giám sát, tạo điều kiện cho việc thực hiện tổng thể Hiệp định TPP, bao gồm đại diện các bộ và các cơ quan chính phủ có liên quan đến Hiệp định này. Bên cạnh đó, một ủy ban tư vấn riêng biệt cũng sẽ được thành lập để thu thập thông tin phản hồi và đánh giá tác động của việc thực hiện TPP theo từng giai đoạn, gồm các đại diện từ các ngành công nghiệp, các phòng thương mại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác ở các địa phương khác nhau. (Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mustapa Mohamed ngày 15/3)

Hàn Quốc

Trong tháng 02/2016, tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng cao, đạt mức 4,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2015, mức cao nhất trong vòng 6 năm qua. Bên cạnh đó, tổng số người có việc làm đạt 25.418.000 người, tăng 223.000 người so với cùng kỳ năm 2015 và là mức tăng theo tháng chậm nhất trong vòng 10 tháng qua. (Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc)

Ấn Độ

- Trong năm 2015, thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ với Trung Quốc là 51,86 tỷ USD, so với kim ngạch thương mại song phương là 71,22 tỷ USD. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc trong năm 2015 đạt 9,68 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc là 61,54 tỷ USD. (Theo Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Nirmala Sitharamanngày 17/3)

- Ấn Độ đang có kế hoạch đầu tư hơn 120 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng sân bay và dịch vụ hàng không trong thập niên tới. Ấn Độ đã đạt mức tăng trưởng 14% trong lĩnh vực hàng không dân dụng trong thập niên qua. (Theo Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee ngày 16/3)

Lào

- Kể từ năm 2000, đã có trên 500 doanh nghiệp tư nhân nước ngoài đầu tư vào 13 đặc khu kinh tế và khu đặc thù của Lào với tổng số vốn cam kết hơn 4 tỷ USD. Số vốn đã được giải ngân đạt hơn 1,2 tỷ USD và các đặc khu kinh tế này tạo công ăn việc làm cho 22.000 lao động.

Chính phủ Lào đã điều chỉnh các quy định và chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cũng như khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Lào, đặc biệt là việc ban hành quy định chi tiết liên quan đến việc thành lập đặc khu kinh tế và khu đặc thù nhằm đạt được mục tiêu thành lập 58 khu kinh tế vào năm 2020.

(Theo bà Buatha Khattiya, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia quản lý đặc khu kinh tế và khu đặc thù Lào)

- Tổng giá trị xuất khẩu của Lào sang EU từ tháng 01 - 10/2015 đã đạt 204,9 triệu euro, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, dệt may vẫn là mặt hàng chủ lực, chiếm tới 63% tổng giá trị xuất khẩu của Lào vào EU, tăng 8,1%; cà phê là mặt hàng đứng thứ hai, chiếm 10,6%, tăng 33,3%; đường chiếm 4,8%, đây là mặt hàng có mức tăng đột biến, lên tới 513,4% so với cùng kỳ năm 2014. (Theo Vientinane Times)

Châu Âu

Eurozone

Sản lượng công nghiệp của Eurozone trong tháng 01/2016 tăng 2,1%, mức tăng theo tháng mạnh nhất từ tháng 9/2009 (tăng 2,3%), chủ yếu nhờ sản lượng của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đã tăng 2,9%. Ireland là nước có mức tăng sản lượng công nghiệp lớn nhất trong khu vực với mức tăng trong tháng 01/2016 là 12,7%. (Theo Cơ quan Thống kê liên minh châu Âu - Eurostat ngày 14/3)

Anh

Trong giai đoạn từ tháng 11/2015 đến tháng 01/2016:

- Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,1%, mức thấp nhất trong gần 10 năm qua.

- Mức thu nhập trung bình hàng tuần của người lao động Anh tăng 2,1% (tính cả tiền thưởng) và 2,2% (không tính tiền thưởng) so với cùng kỳ năm 2015.

(Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh - ONS ngày 16/3)

Châu Mỹ

Venezuela

Chính phủ nước này dự định cấp 5,5 - 7 tỷ USD mỗi năm cho loại tỷ giá thả nổi trong hệ thống hối đoái mới. Từ ngày 10/3, Venezuela đã bắt đầu áp dụng hệ thống hối đoái mới chỉ bao gồm hai tỷ giá thay vì ba tỷ giá như trước đây, trong đó có tỷ giá cố định tương đương 10 bolivar/1 USD dành cho việc nhập khẩu các mặt hàng ưu tiên và một tỷ giá thả nổi với khởi điểm 206 bolivar/1 USD. (Theo Phó Tổng thống phụ trách Kinh tế của Venezuela Miguel Pérez Abad ngày 12/3)

Cu-ba

Hoa Kỳ đã nới lỏng thêm các biện pháp cấm vận Cu-ba về thương mại và đi lại; cho phép người dân Cu-ba mở tài khoản ngân hàng ở Hoa Kỳ và những người Cu-ba sống ở Hoa Kỳ được hưởng lương cũng như tiền bồi thường, trong bối cảnh hai bên có những động thái hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương. (Theo Reuters ngày 15/3)

Châu Phi

Ai Cập

Ngày 14/3, Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE) CBE đã bán đấu giá khoảng 200 triệu USD cho các ngân hàng địa phương ở mức tỷ giá 8,85 EGP/1 USD, so với tỷ giá 7,73 EGP/USD trong các phiên đấu giá trước đó. Quyết định phá giá đồng nội tệ của Ai Cập ở mức hơn 14%như một phần trong nỗ lực giải quyết tình trạng khan hiếm ngoại tệ hiện nay.

Thống đốc CBE Tarek Amer khẳng định, quyết định trên sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế Ai Cập và giúp thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó sẽ nâng dự trữ ngoại hối của nước này lên 25 tỷ USD vào cuối năm 2016, so với 16,53 tỷ USD tính đến cuối tháng 02/2016.

Hoa Kỳ

Trong tháng 02/2016, doanh số bán lẻ của nước này đã giảm 0,1% do giá xăng giảm mạnh và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, nếu loại bỏ những yếu tố nhiều biến động như giá xăng và ô tô thì hoạt động bán lẻ của Mỹ lại tăng 0,3% trong tháng 2.Báo cáo về hoạt động bán lẻ chỉ đo lường 1/3 hoạt động chi tiêu của Hoa Kỳ, 2/3 còn lại thuộc về các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như cắt tóc, mạng Internet, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 15/3)

Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 02/2016 giảm 0,2%, sau khi tăng 0,1% trong tháng 01/2016, do giá năng lượng giảm. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2015 thì chỉ số này gần như không đổi. (Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 15/3)

Sản lượng công nghiệp của Hoa Kỳ trong tháng 02/2016 giảm 0,5%, sau khi tăng 0,8% trong tháng 1. Tuy nhiên, sản lượng chế tạo tăng trong hai tháng đầu năm, ở các mức tương ứng là 0,2% trong tháng 1 và 0,5% trong tháng 2. (FED ngày 16/3)

Ngày 17/3, đồng USD đã giảm hơn 1% so với đồng euro, yên và franc Thụy Sỹ.

- Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, giảm 1,1% xuống 86,63 điểm, thấp nhất kể từ tháng 6/2015.

- Chỉ số Đôla ICE, theo dõi USD với 6 đồng tiền chủ chốt, giảm 1,1% xuống 94,8 điểm.

Đà giảm của USD diễn ra sau khi FED công bố số liệu ngày 16/3 cho thấy, nhiều khả năng FED sẽ chỉ tăng lãi suất 2 lần trong năm 2016 thay vì 4 lần như dự kiến vào tháng 12/2015.

Trung Quốc

Ngày 11/3, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng định lượng bằng việc thực hiện hợp đồng mua lại có kỳ hạn (repo) các trái phiếu từ các ngân hàng với thỏa thuận sẽ bán lại trong tương lai, trị giá 20 tỷ NDT (3 tỷ USD), repo thời hạn 7 ngày, lãi suất 2,25%.

Trong tháng 3/2016, PBoC đã có nhiều động thái tương tự, liên tiếp “bơm tiền” vào thị trường tài chính thông qua các giao dịch thị trưởng mở trị giá 10 tỷ NDT (ngày 10/3), 15 tỷ NDT (ngày 09/3) và 30 tỷ NDT (ngày 08/3); thấp hơn những đợt bơm tiền đã được thực hiện trong tháng 1 và 2 (có đợt đã bơm tới 340 tỷ NDT (52,31 tỷ USD)).

Tổng vốn đầu tư trên tất cả các lĩnh vực của doanh nghiệpTrung Quốcvào châu Âu trong năm 2015 lên tới 23 tỷ USD, tăng mạnh so với 18 tỷ USD năm 2014. Trong đó, các thương vụ mua bán, chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp Trung Quốc tại châu Âu trong năm 2015 tăng tới 27%. Các ngành chính thu hút tới 78% số vốn Trung Quốc vào châu Âu là công nghiệp ô tô (7,8 tỷ USD), bất động sản và khách sạn (6,4 tỷ USD), công nghệ thông tin và truyền thông (2,4 tỷ USD), số tiền này chủ yếu tập trung vào một số dự án lớn.

Từ năm 2000, đầu tư Trung Quốc ra nước ngoài đạt 205 tỷ USD, trong đó 108 tỷ USD vào Bắc Mỹ và 97 tỷ USD vào châu Âu. Các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào Bắc Mỹ nhiều hơn, trong khi các tập đoàn nhà nước lựa chọn châu Âu (chiếm 65% tổng vốn đầu tư năm 2015).

(Theo Công ty Luật Baker & McKenzie)

Ngày 17/3, đồng nhân dân tệ đã tăng 0,5% so với đồng USD, lên 6,4856 NDT = 1 USD, sau khi FED công bố giữ nguyên lãi suất (ngày 16/3). Đây là mức giá trị cao nhất của đồng NDT so với đồng USD kể từ đầu năm 2016.

Nhật Bản

Lượng đơn đặt hàng máy móc cơ bản của Nhật trong tháng 01/2016 tăng 15% so với tháng 12/2015 và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2015, với tổng giá trị đạt 934,7 tỷ yên (8,2 tỷ USD). Đây là tháng thứ hai liên tiếp lượng đơn đặt hàng máy móc cơ bản của Nhật Bản gia tăng, chủ yếu nhờ số đơn đặt hàng trong ngành sản xuất thép tăng mạnh. Mức tăng trên cao hơn mức dự báo tăng 3% của giới phân tích và đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2005. (Theo Reuters ngày 13/3)

Trong tháng 02/2016, nước này đạt thặng dư thương mại 242,77 tỷ yên (2,2 tỷ USD) so với mức thâm hụt 648,77 tỷ yên trong tháng 01/2016.

- Giá trị xuất khẩu là 5.700 tỷ yên, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2015, là tháng giảm thứ 5 liên tiếp.

- Giá trị nhập khẩu là 5.460 tỷ yên, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2015, là tháng giảm thứ 14 liên tiếp.

(Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 17/3)

Đàm phán - Ký kết

Philippines và Malaysia

Ngày 14/3, Ông Amando Tetangco Jr - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Philippines (Bangko Sentralng Pilipinas) và ông Zeti Akhatar Aziz - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Malaysia (Negara) đã ký kết một thỏa thuận song phương tạo điều kiện cho các ngân hàng 2 bên có cơ hội kinh doanh vào thị trường nội địa dựa trên khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN, thông qua việc cho phép 3 ngân hàng thuộc hạng tiêu chuẩn được phép tiếp cận và hoạt động một cách linh hoạt ở các nước đối tác. Điều này thể hiện một bước tiến quan trọng trong sự tiến bộ và phát triển của một thị trường ngân hàng hội nhập ASEAN, đồng thời hướng tới tăng cường thương mại và đầu tư nội hạt.

Australia và Indonesia

Ngày 16/3, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Australia Steven Ciobo và Bộ trưởng Thương mại Indonesia Thomas Lembong đã tuyên bố tái khởi động chương trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Australia-Indonesia (IA-CEPA).

Các cuộc đàm phán IA-CEPA đã được bắt đầu tại thủ đô Jakarta, Indonesia từ tháng 9/2012, với mục đích đẩy mạnh và mở rộng quan hệ hợp tác, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 12 và thị trường xuất khẩu thứ 11 của Australia.

Đức và Anh

Ngày 16/3, Sở Giao dịch chứng khoán Deutsche Boerse của Đức và London Stock Exchange Group (LSE) của Anh thông báo, hai bên đã đạt được sự thống nhất về các điều khoản cho thỏa thuận sáp nhập trị giá 20 tỷ bảng Anh (28,2 tỷ USD).

- Deutsche Boerse sẽ sở hữu 54,4% cổ phần, còn LSE sở hữu 45,6% trong một công ty cổ phần mới.

- 2 sở giao dịch chứng khoán có thể cắt giảm 450 triệu euro (499 triệu USD) chi phí mỗi năm sau khi sáp nhập, tương đương 20% chi phí hoạt động của cả hai sở trong năm 2015.

- Vụ sáp nhập có thể ngăn chặn ý định thâu tóm LSE của Intercontinental Exchange (ICE) - hiện sở hữu Sở Giao dịch chứng khoán New York.

Chính sách

Hoa Kỳ

Ngày 16/3, FED công bố giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25 - 0,5% như hiện nay, đồng thời đưa ra kế hoạch tăng lãi suất lên 0,9% vào cuối năm 2016.

Theo FED, hoạt động kinh tế của Mỹ vẫn mở rộng với tốc độ vừa phải mặc dù tình trạng kinh tế thế giới trong những tháng qua không lạc quan. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nguy cơ tồn tại có thể đe dọa nền kinh tế nước này.

Anh

Ngày 17/3, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,5% được duy trì từ tháng 3/2009, do lạm phát vẫn ở mức thấp và kinh tế Anh phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2016. Trước đó, Văn phòng Ngân sách Anh đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2016 từ 2,4% xuống 2% và năm 2017 từ 2,5% xuống còn 2,2%.

Nhật Bản

Ngày 15/3, NHTW Nhật Bản (BoJ) thông báo quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện hành, lãi suất cơ bản vẫn giữ ở mức -0,1% và không thay đổi chính sách tăng nguồn cung tiền ra nền kinh tế, khoảng 80.000 tỷ yên (705 tỷ USD)/năm. BoJ nhận định, kinh tế Nhật Bản tiếp tục xu hướng phục hồi chậm, lạm phát có thể vẫn ở mức khoảng 0% hiện nay nhưng sẽ hướng đến mức mục tiêu 2%.

Cu-ba

Ngày 17/3, Ngoại trưởng Cu-ba Bruno Rodríguez tuyên bố, Chính phủ Cuba sẽ xóa bỏ loại thuế 10% đánh vào đồng USD được đưa vào Cu-ba, do Hoa Kỳ đã nới lỏng các hạn chế về tài chính đối với Cu-ba. Thuế đánh vào đồng USD sử dụng tại Cu-ba được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2004 khi Hoa Kỳ tăng cường các lệnh cấm vận tài chính và kinh tế đối với Cu-ba.

Nhận định
chuyên gia

Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) David Lipton:

- Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, các quốc gia cần tiến hành cải cách cấu trúc kinh tế. Tiến hành cải cách là một thách thức về mặt chính trị tại nhiều quốc gia và cũng cần một khoảng thời gian nhất định để thấy kết quả. Tuy nhiên, cải cách đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

- Giảm bớt các rào cản ngăn chặn sức cạnh tranh, đơn giản thủ tục hành chính, tạo thêm công ăn việc làm, tăng cường đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu được cho là những chiếc chìa khóa để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.

- Các nước cũng cần cải cách doanh nghiệp quốc doanh, tăng cường tính minh bạch trong quản lý, nâng cao tính hiệu quả trong đầu tư công và giảm bớt những khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân trong quá trình đầu tư.

- Cách tiếp cận với “ba mũi tên” gồm chính sách cải cách cấu trúc, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ giúp các quốc gia giảm gánh nặng nợ nần, thúc đẩy tăng trưởng và tạo dựng sự ổn định của hệ thống tài chính.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF):

Các nước sản xuất dầu thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) cần phải thích ứng với vấn đề giá dầu thấp. Đồng thời, các nước này cần tiếp tục duy trì mức đầu tư công do giảm đầu tư sẽ có nguy cơ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của các nước sản xuất dầu khu vực MENA.

Ngoài ra, các nước sản xuất dầu trong khu vực MENA cần phải có những kế hoạch trung hạn để không chệch quỹ đạo giảm thâm hụt ngân sách, đề ra những giải pháp giảm thiểu tác động đến nền kinh tế, thực hiện cải cách trong dài hạn, thực hiện cải cách giá năng lượng và tìm ra các nguồn thu mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.

Trước đó, việc giá dầu giảm mạnh trong những năm 1980 xuống mức chỉ còn 10 USD/thùng đã dẫn tới một giai đoạn khó khăn, đầu tư công bị cắt giảm đã khiến các dự án lớn của các nước này phải dừng lại do thiếu vốn.