Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 9-14/5/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính


KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Sản xuất công nghiệp


Trong 4 tháng đầu năm 2016:

- Cả nước có 310 khu công nghệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích hơn 85,6 nghìn ha và 16 khu kinh tế (KKT) được thành lập với tổng diện tích 814.792 ha. Trong đó có 217 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 58,6 nghìn ha và 93 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với diện tích hơn 27 nghìn ha.

- Các KCN, KKT đã thu hút 6.678 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 146 tỷ USD và 6.957 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 1.175 nghìn tỷ đồng.

(Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Quỹ bình ổn giá


Tổng số tiền tríchquỹ bình ổngiá xăng dầu trong quý 1/2016 là hơn 1.289 tỷ đồng; số tiền đã sử dụng là hơn 1.478 tỷ đồng. Trước đó, số dư quỹ tại thời điểm ngày 01/01/2016 là hơn 3.970 tỷ đồng. Cùng với các khoản lãi phát sinh, số dư quỹ bình ổn giá tính đến hết quý 1 là trên 3.387 tỷ đồng.

Trong số 21 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu hiện tại, có 14 doanh nghiệp có số dư quỹ. Petrolimex có số dư quỹ lớn nhất trong nhóm với xấp xỉ 2.355 tỷ đồng. Tổng công ty Xăng dầu quân đội đứng thứ 2 với trên 366 tỷ đồng. Ngược lại, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Nam Việt là đơn vị dẫn đầu với số tiền âm gần 24,7 tỷ đồng.

(Theo Bộ Tài chínhchiều ngày 09/5)

Doanh nghiệp


Lũy kế từ năm 2011 đến ngày 30/11/2015, đã cổ phần hóa được 422/538 doanh nghiệp (đạt 78% kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015); riêng 2 năm 2014 - 2015, đã cổ phần hóa được 353 doanh nghiệp, còn 79 doanh nghiệp được chuyển sang cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020.

Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lũy kế từ đầu năm 2015 đến cuối tháng 11/2015, các đơn vị đã thoái được 4.975,1 tỷ đồng, thu về 4.636,1 tỷ đồng. Số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp là 15.678,5 tỷ đồng. Nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là cổ phần hóa khoảng 250 - 280 doanh nghiệp.

(Theo Bộ Tài chính)

Tính đến hết tháng 4/2016, cả nước đã cổ phần hóa được 34 DNNN, thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa của 60 doanh nghiệp, đang xác định giá trị doanh nghiệp của 79 doanh nghiệp. Phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp đã bán được với giá trị gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách như: Công ty CP Du lịch Kim Liên (gấp 32 lần), Công ty CP Nước khoáng Vĩnh Hảo (gấp 6,8 lần), Công ty CP Du lịch Đồ Sơn (gấp 34 lần), Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (gấp 4,4 lần)...

(Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp)

Tính đến hết kỳ hạn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, đã có 372/378 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính, trong đó có 354 doanh nghiệp đúng hạn, đạt tỷ lệ 93,7% (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước); trên thị trường UpCom có 237/275 doanh nghiệp đăng ký giao dịch công bố báo cáo tài chính đúng hạn.

- Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết đạt 14.120 tỷ đồng, tăng 19,93% so với mức lợi nhuận cùng kỳ năm 2014. Trong đó, 347 doanh nghiệp kinh doanh có lãi (chiếm 93,3%) với tổng giá trị lãi đạt 14.783 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2014; 25 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ (chiếm 6,7%), tổng giá trị lỗ là 663 tỷ đồng và giảm 50,2% so với cùng kỳ năm 2014.

- Trên thị trường UpCom, 193 doanh nghiệp có lãi, tổng giá trị lãi là 5.986 tỷ đồng và 44 doanh nghiệp thua lỗ với giá trị lỗ là 2.325 tỷ đồng.

(Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX)

Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) sẽ giải ngân các khoản vay từ tháng 7/2016. Hồ sơ đăng ký vay vốn gồm: Giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp; điều lệ hoạt động của doanh nghiệp và giấy đăng ký tham gia nhận nguồn vốn hỗ trợ từ SMEDF. Hiện tại, SMEDF chỉ cho vay với các mục đích xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị, dây chuyền, công nghệ, ô tô tải; chưa cho vay với mục đích làm vốn lưu động. 3 NHTM được Quỹ ủy quyền cho vay vốn là: Vietcombank, BIDV và HDbank. (Theo Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa - SMEDF)

Tổng cầu


Đầu tư

Tính đến ngày 06/5, có gần 111.791 tỷ đồng TPCP được phát hành nhằm bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển, đạt xấp xỉ 50,8% nhiệm vụ năm 2016. Bên cạnh đó, bội chi NSNN trong 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 53.600 tỷ đồng, đạt hơn 21% dự toán cả năm. (Theo Bộ Tài chính ngày 09/5)

4 tháng đầu năm 2016, Hàn Quốc vẫn là quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với số vốn FDI cam kết chiếm 41,2% tổng vốn FDI. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, năm 2015, các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc đã tạo ra 25% tổng giá trị xuất khẩu, trong đó, riêng Công ty Samsung Electronics Việt Nam ở Thái Nguyên và Bắc Ninh đã chiếm khoảng 27% kim ngạch xuất khẩu của khối FDI và khoảng 19% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG - là những sản phẩm được bán nhanh và có giá thành thấp, thời gian sử dụng ngắn, chẳng hạn như nước giải khát, giấy vệ sinh, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến...) của Việt Nam năm 2016 được dự báo tăng khoảng 5 - 6%, ít thay đổi so với năm 2015 là 5,6%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của thị trường FMCG tại khu vực thành thị sẽ cải thiện hơn so với 2 năm qua trong khi tốc độ ở khu vực nông thôn chậm lại. (Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel)

Xuất nhập khẩu

4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu dệt may và da giầy đã thu về 10,5 tỷ USD. Trong đó:

- Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc tháng 4/2016 đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, tổngkim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc đạt khoảng 6,82 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

- Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại tháng 4 đạt khoảng 900 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại đạt khoảng 3,68 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

(Theo Bộ Công Thương)

4 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 1,97 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đều tăng lần lượt 8% và 2,4%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc và cá ngừ giảm 6,2% và 5,5%, trong khi xuất khẩu cá biển tăng 19,5% và các mặt hàng hải sản khác đều tăng. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Trong tháng 4/2016, cả nước xuất khẩu được 453.275 tấn gạo, trị giá FOB 211,925 triệu USD, trị giá CIF 212,857 triệu USD. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu trong tháng 4 thấp hơn khá nhiều so với tháng 3, nhưng đơn giá xuất khẩu bình quân đạt 467,54 USD/tấn FOB, cao hơn nhiều mức 402,50 USD/tấn của tháng 3. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 1,880 triệu tấn, trị giá FOB 788,768 triệu USD, trị giá CIF 824,471 triệu USD. (Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam)

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2016, tổng sản lượng sản xuất các sản phẩm thép đạt 5.259.408 tấn, tăng 34,5% (tương ứng với 1.348.424 tấn) so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng xuất khẩu sản phẩm thép các loại đạt 751.294 tấn, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Hiệp hội Thép Việt Nam - VSA)

Cân đối vĩ mô


Tăng trưởng tín dụng/huy động

Theo Báo cáo tài chính quý 1/2016 của 9 NHTM cổ phần lớn nhất (gồm: BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SHB, MBB, Sacombank, ACB, VIB, Techcombank), chỉ có 2/9 ngân hàng có kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ năm 2015. Tăng trưởng tín dụng bình quân của 9 ngân hàng đạt 4,1% so với cuối năm 2015. Nợ xấu đến cuối tháng 3/2016 là 38.345 tỷ đồng, chiếm 1,63% tổng dư nợ, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2015. Lợi nhuận thuần tăng bình quân 10,4% và lợi nhuận trước thuế tăng 15,6%.

Du lịch

Năm 2015, tổng đóng góp của du lịch vào GDP Việt Nam (bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công) là 584.884 tỷ đồng (tương đương 13,9% GDP); trong đó, đóng góp trực tiếp là 279.287 tỷ đồng (tương đương 6,6% GDP). Ngoài ra, trong năm 2015, du lịch tạo ra 6,035 triệu việc làm (gồm cả việc làm gián tiếp), chiếm 11,2% tổng số việc làm toàn quốc, trong đó tạo ra 2,783 triệu việc làm trực tiếp (chiếm 5,2% tổng số việc làm toàn quốc).

Du lịch Việt Nam xếp thứ 40/184 nước về quy mô đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP và xếp thứ 55/184 nước về quy mô tổng đóng góp (trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công) của du lịch vào GDP quốc gia.

(Theo Báo cáo thường niên - WTTC của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới)

Giá vàng

Trong tuần qua, vàng SJC đã tăng từ 200 - 230 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (14/5) so với sáng ngày 13/5:

- Giá vàng của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh: 33,87 - 34,1 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội: 33,87 - 34,12 triệu đồng/lượng, tăng 70 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng chiều bán ra tại cả 2 thị trường.

- Tập đoàn DOJI: 33,94 - 34,04 triệu đồng/lượng, tăng 70 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 90 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

- Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu: 33,95 - 34,03 triệu đồng/lượng, tăng 70 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 90 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung cả tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 20 đồng với 4 ngày tăng giá, 1 ngày giảm giá và 1 ngày giá không thay đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (14/5/2016), tỷ giá mua - bán tại các NHTM có diễn biến trái chiều so với sáng ngày 13/5:

- Vietcombank: 22.270 - 22.340 đồng, không thay đổi.

- Vietinbank: 22.272 - 22.342, giảm 3 đồng ở mỗi chiều.

- BIDV: 22.280 - 22.350 đồng, tăng 10 đồng mỗi chiều.

- ACB và DongABank: 22.270 - 22.330 đồng, giảm 20 đồng ở cả hai chiều.

- Eximbank: 22.280 - 22.340 đồng, không thay đổi.

- Techcombank: 22.270 - 22.380 đồng, tăng 20 đồng ở mỗi chiều.

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Trong tuần từ 9 - 13/5/2016, HNX đã tổ chức 1 phiên đấu thầu TPCP do KBNN phát hành ngày 11/5, với tổng khối lượng gọi thầu 8.000 tỷ đồng, gồm:

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 6.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,29%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 1.761 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,65%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 13/5/2016, KBNN đã huy động thành công 118.051,491 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Tháng 4/2016 có tổng cộng 496 nhà đầu tư nước ngoài (gồm 101 nhà đầu tư tổ chức và 395 nhà đầu tư cá nhân) được cấp mã số giao dịch chứng khoán, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2015. Đây cũng là con số cao nhất trong 4 tháng đầu năm 2016. Lũy kế hết tháng 4/2016, đã có tổng cộng 19.016 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, trong đó có 2.908 nhà đầu tư tổ chức và 16.108 nhà đầu tư cá nhân. (Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán - VSD)

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng (CTG, BID, ACB, STB) và dầu khí (GAS, PVD, PVS) tăng điểm mạnh đã giúp thị trường tăng điểm. Kết thúc tuần giao dịch:

- VN-Index tăng 4,3 điểm (0,71%) lên 610,82 điểm.

- HNX-Index tăng 0,9 điểm (1,12%) lên 80,94 điểm.

Trong tuần qua, mặc dù tích cực mua vào các mã ngân hàng, nhưng với việc bán ròng mạnh 2 cổ phiếu lớn là HPG và VIC, nhà đầu tư nước ngoài đã có tuần bán ròng trở lại. Tính chung trên 2 sàn,khối ngoại đã bán ròng 2,33 triệu đơn vị (tương ứng tổng giá trị bán ròng 167,29 tỷ đồng), trong khi tuần trước mua ròng 15,12 triệu đơn vị, trị giá 287,55 tỷ đồng.

- HOSE:Khối ngoại đã bán ròng 5,72 triệu đơn vị trị giá 231,99 tỷ đồng.

- HNX: Khối ngoại đã mua ròng 3,39 triệu đơn vị, gấp gần 173 lần so với tuần từ 04 - 08/5; tổng giá trị mua ròng tương ứng 64,7 tỷ đồng.

Đàm phán - Ký kết

Ngày 12/5, Ban Giám đốc điều hành WB đã phê chuẩn khoản vay trị giá 150 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ chính sách phát triển quản lý kinh tế và năng lực cạnh tranh lần 3, nhằm giúp tăng cường nguồn lực tài chính để thực hiện một số cải cách ưu tiên trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ thực hiện cải cách chính sách giúp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường quản trị ngành tài chính và quản lý tài khóa, bao gồm cả các chính sách giải quyết nợ xấu, cải cách ngân hàng, quản lý nợ và quản lý kho bạc. Khoản vay có thời hạn trả nợ 29,5 năm và 10 năm ân hạn.

Chính sách

Quyết định số 772/QĐ-TTg

Ngày 09/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 772/QĐ-TTg hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.

- Các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được NSNN hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày 05/5/2016 đến ngày 05/6/2016.

- Hải sản khai thác trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào bờ thuộc 4 tỉnh nêu trên cũng sẽ được hỗ trợ đến 70% giá trị.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 09/5/2016.


Thông tư số 67/2016/TT-BTC

Ngày 29/4/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 67/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 111/2007/TT-BTC ngày 12/9/2007 hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Theo đó, khi tính toán tổng nguồn vốn thực tế làm căn cứ tính cấp bù chênh lệch lãi suất, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được loại trừ: Số vốn thực tế đã sử dụng để đầu tư, mua sắm tài sản cố định (nguyên giá tài sản cố định trừ đi khấu hao); nguồn vốn ODA, vốn nhận ủy thác của địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn vốn nhà nước chuyển sang để thực hiện khoanh nợ, xóa nợ cho khách hàng theo quyết định của Chính phủ... Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2016.

Nhận định

chuyên gia

Tại buổi công bố báo cáo vĩ mô quý 1/2016 ngày 10/5, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng:

Những biến động của kinh tế thế giới kết hợp với những yếu tố nội tại của Việt Nam sẽ làm cho lạm phát trở thành một biến số khó lường trong những tháng còn lại của năm 2016. Những yếu tố khiến lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại là: Giá lương thực có thể tăng vì hạn hán kéo dài ở Việt Nam; Trung Quốc đang tích cực thu mua gạo; giá các dịch vụ công cũng có nhiều khả năng được điều chỉnh tăng.