Chính sách tài khóa-tiền tệ ứng phó với dịch Covid-19: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 8/2020

Dịch Covid-19 bùng phát khắp toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Để ứng phó với tình hình này, hầu hết các quốc gia đều đưa ra các chính sách tài chính nhằm hỗ trợ nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tiếp tục giữ được đà tăng trưởng. Bài viết trao đổi về các công cụ chính sách tài chính được sử dụng trong thời gian qua ở một số quốc gia để ứng phó với dịch Covid-19, từ đó đề xuất hàm ý chính sách cho Việt Nam trong thời gian tới.

Chính sách tài khóa-tiền tệ ứng phó với dịch Covid-19 tại một số nước

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước trên thế giới đã bị ảnh hưởng, thậm chí nhiều nước có tốc độ tăng trưởng âm. Bối cảnh đó đòi hỏi chính phủ các nước phải tung ra các gói tài chính để hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Nhìn lại những công cụ chính sách tài chính được các nền kinh tế lớn trên thế giới sử dụng thời gian qua có thể thấy, Chính phủ các nước thường có xu hướng sử dụng kết hợp công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách hỗ trợ đầu tư hoặc sử dụng các công cụ chính sách tài chính đơn lẻ. 

Thống kê cho thấy, đã có hàng loạt gói giải cứu kinh tế thời dịch Covid-19 được chính phủ các quốc gia đưa ra, trong đó cao nhất là Hoa Kỳ (2000 tỷ USD), kế đến là các quốc gia châu Âu như Đức (500 tỷ Euro), Anh (330 tỷ Bảng), hay các quốc gia châu Á như: Singapore (59,9 tỷ SGD), Thái Lan (60 tỷ USD)...

Tuy vào cuộc có vẻ chậm hơn nhưng Chính phủ Nhật Bản dự kiến tăng gần gấp đôi gói hỗ trợ khẩn cấp từ mức 117,1 nghìn tỷ Yên hiện nay lên 200 nghìn tỷ Yên (khoảng 1,86 nghìn tỷ USD), nhằm giải quyết hậu quả kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Khoản ngân sách bổ sung cho tài khóa 2020 nhằm bơm tiền cho những biện pháp kích thích bổ sung dành cho các DN nhỏ và vừa (DNNVV), công nhân, sinh viên... Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) mới đây cho biết, sẽ tiếp tục xem xét kỹ lưỡng tỷ giá, diễn biến dịch bệnh và tốc độ hồi phục của nền kinh tế để tiến hành các động thái cần thiết...

Trong khi đó, là quốc gia đầu tiên khởi phát dịch Covid-19, để ứng phó với các tác động tiêu cực của dịch bệnh, trong nửa cuối tháng 2/2020, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các biện pháp chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa với quyết tâm duy trì các mục tiêu kinh tế trong năm 2020. Về chính sách tiền tệ, ngày 17/02/2020, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) thông báo cung cấp cho các ngân hàng khoản vay trung hạn một năm trị giá 200 tỷ CNY (28,6 tỷ USD) với mức lãi suất giảm 10 điểm cơ bản, xuống còn 3,15% - mức thấp nhất kể từ năm 2017. Gói cho vay này cho phép các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng của họ.

Ngoài ra, PBoC cũng bơm thêm 100 tỷ CNY vào hệ thống tài chính thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất 2,4%. Bên cạnh đó, 26 ngân hàng đã bắt đầu phát hành chứng chỉ tiền gửi chi phí thấp thông qua thị trường liên ngân hàng để hỗ trợ DN tham gia phòng chống và kiểm soát lây lan dịch Covid-19, với tổng giá trị huy động khoảng 17 tỷ CNY (2,43 tỷ USD). 

Về chính sách tài khóa, Trung Quốc chủ trương cắt giảm thuế có trọng điểm và theo từng giai đoạn để hỗ trợ tăng trưởng. Các sắc thuế được cân nhắc gồm có miễn thuế giá trị gia tăng cho những DN cung cấp hàng hóa thiết yếu và DN hoạt động trong ngành logistics. Bên cạnh đó, Trung Quốc cho biết sẽ công bố mức giảm thuế và giảm phí mới nhằm hỗ trợ các DNNVV vượt qua thời kỳ khó khăn vì là đối tượng bị tác động mạnh nhất trong đợt dịch Covid-19...

Bên cạnh chính sách tiền tệ và tài khóa, Trung Quốc cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài trong giai đoạn dịch Covid-19. Ngày 10/2/2020, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành Thông tư về “Tăng cường dịch vụ cho các DN nước ngoài và thu hút đầu tư trong thời gian dịch Covid-19”, trong đó phân định một loạt các nhiệm vụ cho chính quyền địa phương để hỗ trợ các DN có vốn đầu tư nước ngoài khôi phục sản xuất - kinh doanh bằng cách đảm bảo khả năng tiếp cận vốn, đất, nước…

Ngày 18/02/2020, Bộ Thương mại Trung Quốc tiếp tục ban hành Thông tư về “Ổn định thương mại và đầu tư nước ngoài và kích thích tiêu dùng để đáp ứng với bệnh viêm phổi do Coronavirus” với 20 giải pháp mà các chính quyền địa phương có thể áp dụng để thúc đẩy thương mại và đầu tư, từ tăng cường chất lượng dịch vụ pháp lý tới phát triển các cửa hàng địa phương (Viện Chiến lược Tài chính, 2020).

Như vậy, các phương án mà Trung Quốc đã, đang triển khai bao gồm: (i) Cắt giảm thêm lãi suất cho vay của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC); (ii) Bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính; (iii) Miễn giảm thuế cho những ngành bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất; (iv) Chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài. Trung Quốc hy vọng việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ toàn diện và gia tăng chi tiêu công có thể tạo đà cho kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh sau khi đã trải qua cú sốc ngắn hạn ở các lĩnh vực xuất khẩu, chuỗi cung ứng, du lịch do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, các biện pháp kích thích hiện nay của Trung Quốc không đủ mạnh để giúp quốc gia này giữ được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Các quốc gia Đông Nam Á cũng nằm trong danh sách những quốc gia nhanh chóng có các phản ứng chính sách để đối phó với kịch bản hạ tăng trưởng GDP do dịch Covid-19 gây ra. Có thể thấy, điểm chung trong động thái chính sách tài chính của các quốc gia ASEAN là lựa chọn chỉ sử dụng một trong hai chính sách tiền tệ nới lỏng hoặc gói hỗ trợ kích thích kinh tế trong giai đoạn này. Hiện nay, Chính phủ Singapore đưa ra hai gói kích thích kinh tế với tổng quy mô là 59,9 tỷ SGD nhằm hỗ trợ cho DN và người tiêu dùng. Gói hỗ trợ này cao gấp 24 lần gói kích thích kinh tế mà Singapore đã sử dụng khi xảy ra dịch SARS năm 2003.

Theo dự thảo ngân sách năm 2020 công bố ngày 18/02, Bộ Tài chính Singapore đặt mức thâm hụt ngân sách lên đến 1,5% GDP, đây là mức cao nhất trong gần hai thập kỷ nhằm thúc đẩy các biện pháp chi tiêu để giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19. Trong khi đó, tại Thái Lan, từ đầu tháng 02/2020, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã giảm lãi suất 25 điểm cơ bản về mức thấp kỷ lục 1%, nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế dưới áp lực hạn hán và dịch Covid-19. Dự kiến, BoT có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Không chỉ chính phủ các nước mà các tổ chức tài chính quốc tế cũng có nhiều động thái tích cực để hỗ trợ các nền kinh tế các nước trên thế giới phục hồi đà tăng trưởng. Ngày 03/3/2020, Ngân hàng Thế giới công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 12 tỷ USD để giúp các nước, đặc biệt là các quốc gia nghèo nhất trên thế giới có hành động nhanh chóng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của các quốc gia, chống chọi với sự lây lan của dịch Covid-19.

Gói cứu trợ trên sẽ được sử dụng để mua thiết bị y tế hoặc dịch vụ y tế, cũng như chi phí tư vấn về chuyên môn và chính sách. Ngày 19/6/2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế thông báo kế hoạch triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp cho 70 quốc gia với khoản tiền khoảng 25 tỷ USD. Đối với khu vực châu Á và Thái Bình Dương, đến nay đã có 7 quốc gia nhận được khoản tài trợ khẩn cấp với tổng trị giá khoảng 1,5 tỷ USD. Tại khu vực châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara, 28 quốc gia đã nhận được khoản tài trợ khẩn cấp với tổng trị giá gần 10 tỷ USD...

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Nhằm nhanh chóng ứng phó với dịch Covid-19, ngoài các biện pháp quyết liệt trong phòng chống dịch, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng DN. Cụ thể, về chính sách tiền tệ, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số giải pháp nới lỏng tiền tệ, tín dụng như: (i) Ban hành gói tín dụng trị giá 285.000 tỷ đồng; (ii) Cơ cấu lại nợ; (iii) Giảm lãi suất điều hành. Ngành ngân hàng đã cung cấp gói tín dụng áp dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, DNNVV, các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch; tiếp tục xem xét giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, với mức lãi suất giảm từ 1-3%; Giảm lãi suất cho vay mới, với mức giảm từ 0,5-1,5%/năm…

Về chính sách tài khoá, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp nhằm hồi phục kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19 như: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất; hỗ trợ DN tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngừng việc tạm thời... Ngoài ra, Chính phủ còn có gói hỗ trợ cho các đối tượng với tổng mức hỗ trợ của Chính phủ cho người lao động, DN khoảng 62.000 tỷ đồng...

Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp nhằm tài khóa hồi phục kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19 như: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất; hỗ trợ doanh nghiệp tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngừng việc tạm thời...

Dự báo, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Hiện nay, các tổ chức quốc tế đã dựa trên 2 biến số cơ bản là diễn biến tình hình dịch bệnh và năng lực ứng phó của chính phủ các quốc gia để đưa ra các mô hình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Riêng Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ sụt giảm ở mức 4,9%, trong trường hợp xấu có thể còn 1,5% thay vì 7% như dự báo ban đầu nếu không xuất hiện đại dịch. Nhiều khả năng, tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam khó đạt được mục tiêu của Chính phủ đã đề ra ở đầu năm là 6,8%. Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng trở lại, Chính phủ cần tiếp tục đưa ra các chính sách tài khóa tiền tệ phù hợp, hiệu quả.

Về chính sách tài khóa

- Nghiên cứu bổ sung thêm các giải pháp như giãn nợ, giãm lãi vay cho các DN bị ảnh hưởng gián tiếp, DNNVV. Nhiều DN thuộc các ngành không thuộc nhóm chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19, như cao su - nhựa nhưng sẽ đối mặt với khó khăn vì dòng tiền về chậm, không kịp để trả lãi đúng hạn cho ngân hàng, dẫn đến chi phí trả lãi vay ngân hàng tăng lên đáng kể.

- Sớm có chính sách miễn, giảm các loại thuế tiêu dùng và thu nhập, nhất là thu nhập cá nhân ở ngưỡng nộp thuế bậc 1, hay các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nhằm khơi dậy sức sản xuất và tiêu dùng (Hiện chỉ mới cho giãn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất).

- Chính phủ nên có chủ trương đẩy nhanh công tác giải ngân đối với các dự án trên toàn quốc, nhất là các dự án đã có trong dự toán, kế hoạch.

- Chú trọng tăng cường tính thiết thực và hiệu quả của gói kích thích kinh tế, ngăn chặn việc lợi dụng chính sách hỗ trợ, đảm bảo gói kích thích được sử dụng đúng đối tượng, khách quan và minh bạch.

Về chính sách tiền tệ

- Yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cụ thể về số lượng, hạn mức, lý do thực hiện gia hạn, chuyển nhóm với từng khoản vay cụ thể; tăng cường thanh tra từ Ngân hàng Nhà nước đối với việc cơ cấu nợ...

- Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách giảm lãi suất điều hành sâu hơn mức như hiện nay (chỉ mới giảm 0,5-1%). Ngoài ra, đẩy mạnh việc giảm lãi vay các món nợ cũ giảm áp lực trả nợ cho DN.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2020), Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020;
2. Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (2020), Các công cụ chính sách tài chính ứng phó với những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới kinh tế toàn cầu, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính;
3. Thông tấn xã Việt Nam (2020), IMF hỗ trợ khẩn cấp 70 quốc gia chịu tác động từ dịch Covid-19;
4. Nguyễn Anh Phong, Nguyễn Thị Nga Dung (2020), Chính sách tài chính cho phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2020;
5. Minh Anh (2020), Đã chi hơn 9,4 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân sau dịch Covid-19, Thời báo Tài chính Việt Nam.