Đại biểu Quốc hội kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

PV.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh phiên thảo luận. Nguồn: quochoi.vn
Toàn cảnh phiên thảo luận. Nguồn: quochoi.vn

Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 chiều nay, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) kiến nghị, Chính phủ cần hết sức quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Hiện nay, rất nhiều hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất ra nhưng không xuất khẩu được do chưa mở cửa lại thị trường, chưa mở cửa cho khách hàng, chưa tìm kiếm các đầu ra một cách đa dạng cho thị trường hàng hóa...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận cũng cho rằng, trong năm 2022, Chính phủ cũng cần tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số bao gồm cả chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp và trong khu vực hành chính sự nghiệp. Trong các giải pháp về chuyển đổi số cũng cần tính toán bố trí nguồn lực phù hợp. “Thực tế nếu như có công cụ số, công nghệ thông tin, có nền tảng cơ sở dữ liệu đã được chuẩn hóa và số hóa sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho các địa phương cũng như cho Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như điều hành phát triển kinh tế - xã hội”, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận phân tích...

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhấn mạnh, lộ trình mở cửa kinh tế bên trong và bên ngoài chính là kim chỉ nam cho doanh nghiệp. Nhà nước cần tạo thuận lợi tốt nhất để doanh nghiệp tự phục hồi, người dân tìm lại sinh kế. Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 như hiện nay, việc quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 không thể tách rời với các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là lộ trình mở cửa nền kinh tế và quy mô, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, các gói an sinh xã hội.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, trước mắt, từ nay đến hết năm 2021, cần triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ một cách đồng bộ, quyết liệt trên phạm vi cả nước; xử lý triệt để những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng quốc gia, mạng lưới logistics; tạo thuận lợi tốt nhất để doanh nghiệp tự phục hồi, người dân tìm lại sinh kế. Cần đưa ra lộ trình mở cửa các hoạt động kinh tế nhất quán với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Phát biểu về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, hai năm qua, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của nước ta. Tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn còn đang diễn biến phức tạp, rất đáng quan ngại, tuy nhiên, nhìn về tương lai có thể thấy Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển cao và tăng tốc. Quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế đã giúp nước ta có được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các thị trường lớn về xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ và châu Âu hiện nay đang phục hồi rất mạnh. Nước ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại FTA và đã có 14 FTA đã có hiệu lực, mở ra nhiều cơ hội phát triển...

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đề ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, trước tiên là kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Chính phủ cần quan tâm thêm vấn đề tự chủ vắc xin, tạo điều kiện chủ động nguồn vắc xin để cung cấp và bảo đảm an toàn sức khỏe của nhân dân. Cần tăng cường công tác dự báo vì đây được coi là yếu tố rất quan trọng, giúp có thể xây dựng các kịch bản phòng thủ từ xa, tránh bị động như biến thể Delta thời gian vừa qua và chú ý thêm về nguồn thuốc điều trị COVID-19.

Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, lũng đoạn giá, làm cho lạm phát cao tăng trở lại vì nếu để lạm phát cao sẽ phá vỡ việc thực hiện các kế hoạch phát triển của Việt Nam. Cùng với đó, tập trung giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch và hiệu quả. Năm 2022, kế hoạch đầu tư công lên đến 526.100 tỷ đồng, vừa là cơ hội, vừa là thử thách lớn. Trong trường hợp cần tăng đầu tư công lên nữa thì cần phải chú ý đến yếu tố giải ngân và xem xét ưu tiên đầu tư các khu vực trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa để góp phần tăng nguồn thu ngân sách trong giai đoạn tới...

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, để nền kinh tế nước ta tăng trưởng từ 6-6,5% cần phải huy động được vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân là gần 2 triệu tỷ đồng. Muốn vậy, cần phải có gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp và có thể hỗ trợ từ 2-3% cho khoản dư nợ từ 1-2 triệu tỷ đồng và nếu chúng ta hỗ trợ trong 2 năm, cần nguồn lực là 40-60 nghìn tỷ đồng. Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị khoản này có thể lấy từ nguồn vốn đầu tư công chưa phân bổ.