Quốc hội, Chính phủ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, ngăn đà suy giảm kinh tế
Đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng, báo cáo và giải trình của Chính phủ cũng như các báo cáo thẩm tra của Quốc hội đánh giá tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính – ngân sách đã phán ánh đúng, khách quan thực tế của đất nước. Các vị đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao nỗ lực Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an toàn sức khỏe tính mạng nhân dân.
Ngày 9/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đại biểu Quốc hội tiếp tục ngày thảo luận tập trung thứ hai tại hội trường về các vấn kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Cũng trong ngày 9/11, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương). Trong quá trình Quốc hội thảo luận, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tại phiên thảo luận ngày 8/11, đã có 60 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, trong đó đa số ý kiến tán thành với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo và giải trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra đã đánh giá tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính – ngân sách, phán ánh sát đúng, khách quan thực tế của đất nước.
Các vị đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao nỗ lực Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương nhằm kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an toàn sức khỏe tính mạng nhân dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều giải pháp cần ghi nhận và bổ sung.
Phát biểu giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về chính sách hỗ trợ người khó khăn do COVID-19, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua, Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh, ban hành nhiều chủ trương, ngân sách với các gói ngân sách lớn và hàng triệu túi dân sinh để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo người dân an tâm ở nhà tham gia phòng chống dịch, cũng như thực hiện phương châm an sinh xã hội là trọng yếu, là nhiệm vụ thường xuyên.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trong bối cảnh đó, chúng ta ban hành 3 gói chính sách lớn, nhiều chính sách chưa có tiền lệ và các chính sách tình thế trong bối cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách. Tuy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhưng đến nay 3 gói chính sách trên đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Bộ trưởng cho biết, đã có có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42; qua 4 tháng triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, đã phê duyệt 25.900 tỷ đồng, hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng thụ hưởng; đối với gói hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã rà soát hỗ trợ 363.000 người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền từ kết dư Quỹ bảo hiểm cho trên 8 triệu người lao động (đạt 85%) với 20.644 tỷ đồng.
Đối với vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về vấn đề y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm trong thời gian qua. Tại Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã xác định, y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.
Trước đó, ngày 05/12/2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới; các đề án 47, 930 đã đầu tư cho tuyến huyện trước năm 2011 và hiện nay đang huy động một số dự án ODA đầu tư các trạm y tế tuyến xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở. Tuy nhiên, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.
Về vấn đề vắc xin, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai chiến lược vắc xin rất hiệu quả, trên tất cả lĩnh vực từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng... Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Chúng ta đang đẩy nhanh tốc độ đưa vắc xin về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin cũng đang được triển khai rất thành công.
Tính đến hết ngày 07/11/2021, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều vắc xin với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vắc xin. Số lượng vắc xin hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.
Theo thống kê, hiện Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc xin tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 02 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần.
Ngoài ra, chúng ta cũng đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin trong nước với 2 vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 3; 1 vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới để từng bước chủ động vắc xin trong nước...