Đến năm 2025, phấn đấu 100% cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7


Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025, đạt tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, 100% cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đạt tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần; 100% cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; Tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước được cắt giảm so với hiện nay; Mỗi người dân đều có danh tính số kèm theo QR code, tiến tới đều có điện thoại thông minh...

Để hoàn thành các mục tiêu này, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn; Phát triển và vận hành hạ tầng mạng chuyên dùng ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối 04 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã trên cơ sở mạng truyền số liệu chuyên dùng; Phát triển, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc 

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số là chuyển đổi có tính căn bản, từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số; khái niệm hệ thống công nghệ thông tin được thay bằng nền tảng số; từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận theo hướng dữ liệu; từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước và người dân, doanh nghiệp; từ cải cách thủ tục hành chính thành thay đổi mô hình quản trị...

Tính đến hết năm 2020, hệ thống các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đã được hình thành trên quy mô quốc gia theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, bao gồm: nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của mỗi bộ, tỉnh và các nền tảng này được kết nối với nhau thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh đã được phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ của bộ, tỉnh và kết nối ra bên ngoài. Nếu như năm 2018 chỉ có 3 bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp và chia sẻ dùng chung, đạt tỷ lệ 3,2% thì đến năm 2020 đã có 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nền tảng tích hợp và chia sẻ dùng chung và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Điển hình như, cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai đã tạo ra những cải cách lớn về đăng ký kinh doanh: Đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế trên toàn quốc; giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tin học hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ về đăng ký doanh nghiệp.

Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp đã giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho xã hội. Rõ ràng, gần 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam với hàng triệu lần thực hiện thủ tục hành chính hàng ngày cho thấy việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp có thể giúp tiết kiệm cho xã hội một giá trị hữu hình và vô hình rất lớn...

Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý, có trách nhiệm phát triển hạ tầng mạng đáp ứng nhu cầu triển khai Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương theo hướng ưu tiên thuê dịch vụ, kết nối và sử dụng hiệu quả Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.