Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và những vấn đề đặt ra


Đầu tư công có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và là "đòn bẩy" cho phát triển đối với một số ngành và vùng trọng điểm. Năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đầu tư công đóng vai trò không chỉ là “vốn mồi" mà còn là nguồn vốn quan trọng, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng. Trong bối cảnh “bình thường mới” như hiện nay, nhằm tiếp tục phát huy vai trò vốn đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế cần triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài đều sụt giảm, đầu tư công (ĐTC) đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp kinh tế tránh nguy cơ suy thoái.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ĐTC, kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất nội địa, tạo việc làm và duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Với quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC từ đầu năm của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương, kết quả giải ngân vốn ĐTC năm 2020 đạt cao nhất giai đoạn 2016–2020, tăng 14,5% so với năm 2019, với số tiền giải ngân ước đạt 466.6 nghìn tỷ đồng.

ĐTC đã góp phần ổn định tâm lý của doanh nghiệp (DN), mang đến cơ hội đầu tư, tạo công ăn việc và tạo ra sức cầu của nền kinh tế, giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”. Bên cạnh đó, hiệu ứng từ kết quả của các dự án ĐTC đã tạo ra nền tảng cho sự phát triển bứt phá của DN trong những năm tiếp theo.

Thành quả phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020 với dấu ấn của ĐTC là rất rõ nét, tuy nhiên, trong trạng thái “bình thường mới” hiện này cùng với bối cảnh kinh tế quốc tế đã, đang thay đổi mạnh mẽ, việc phân tích, đánh giá kết quả của ĐTC năm 2020, qua đó, rút ra một số nhận định và bài học cho công tác này trong thời gian tới là cần thiết.

Đầu tư công

ĐTC là đầu tư của Nhà nước, là hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn do nhà nước quản lý. ĐTC đóng vai trò quan trọng với tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững ở các quốc gia. ĐTC được đầu tư tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội giúp cải thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng phúc lợi xã hội.

Tại Việt Nam, Luật ĐTC năm 2019 quy định: ĐTC là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng ĐTC là cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động ĐTC, quản lý và sử dụng vốn ĐTC. Vốn ĐTC bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước (NSNN); vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. Như vậy, tại Việt Nam, vốn ĐTC bao gồm: Vốn đầu tư thuộc NSNN; vốn trái phiếu chính phủ; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước; vốn vay từ các nguồn khác (của khu vực nhà nước) và vốn đầu tư của DN nhà nước (vốn tự có). Trong đó, vốn đầu tư thuộc NSNN chiếm tỷ trọng lớn và quan trọng nhất.

Kết quả tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kế, năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 2.159,51 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm trước và bằng 34,4% GDP, bao gồm: vốn khu vực nhà nước đạt 729 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng vốn và tăng 14,5% so với năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 972,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,9% và tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 463,3 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4% và giảm 1,3%.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2020 tăng 5,7% so với năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn 2011-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn NSNN năm 2020 đạt 14,50%, mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Kết quả đạt được là nhờ đẩy mạnh triển khai giải ngân vốn ĐTC nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Năm 2020, với sự vào cuộc quyết liệt, của các bộ, ngành, địa phương đã mang lại những kết quả tích cực trong giải ngân vốn ĐTC, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Đây là một “điểm sáng hiếm hoi” trong bối cảnh suy thoái của kinh tế toàn cầu (năm 2020, Việt Nam tăng trưởng GDP đạt 2,91%, trong nhóm tăng trưởng dẫn đầu thế giới). Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trên cả nước, làm cho hoạt động kinh tế bị đình trệ, đẩy tổng cầu giảm sút nghiêm trọng.

Chính vì vậy, thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC năm 2020 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, thường xuyên chỉ đạo với nhiều giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ. Nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tập trung chủ yếu vào ba nhóm: (1) Rà soát hệ thống pháp luật về ngân sách, đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án ĐTC; (2) Khẩn trương hoàn thiện công việc giao chi tiết kế hoạch vốn ĐTC năm 2020 cho các dự án; (3) Tổ chức thực hiện dự án nhằm giải ngân 100% vốn ĐTC năm 2020. ĐTC năm 2020 đã từ nguồn vốn “mồi” chuyển thành nguồn lực chính để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong đại dịch Covid -19. Đẩy nhanh giải ngân ĐTC là giải pháp hết sức cần thiết, trước mắt, góp phần kích cầu thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp để đáp ứng những nhu cầu cho hoạt động ĐTC, và tiếp theo là tạo sự lan tỏa “niềm tin” trong toàn bộ nền kinh tế.

Trong năm 2020, nhiều dự án đầu tư hạ tầng quy mô lớn, được tập trung giải ngân được và thực hiện không chỉ làm tăng tổng cầu xã hội mà còn tạo nền tảng cho tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn theo hình thức xã hội hóa hoặc hợp tác công – tư (PPP), đã được chuyển đổi sang hình thức ĐTC hoặc tăng cường tỷ lệ vốn ĐTC. Thúc đẩy ĐTC không chỉ đóng vai trò kích cầu trong ngắn hạn, mà còn giúp cải thiện nhịp độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia; thúc đẩy tốc độ hồi phục kinh tế thời “hậu đại dịch Covid-19”.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn ĐTC tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06 phần trăm. Do đó, việc quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC đã góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế năm 2020.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hết niên độ giải ngân vốn NSNN năm 2020 (đến 31/1/2021), giải ngân vốn ĐTC năm 2020 ước đạt trên 90% so với kế hoạch. Đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong giai đoạn 2016-2020 (năm 2017 đạt 73,3%, năm 2018 đạt 66,87% và năm 2019 đạt 67,46%). Theo đó, có 17 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đến 31/12/2020 ước đạt trên 80%; trong đó 10 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90%.

Như  vậy, vốn ĐTC đã phát huy vai trò trong giai đoạn kinh tế khó khăn và là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, có tác động lan tỏa lớn, nhất là đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Cơ cấu ĐTC đã có những chuyển biến tích cực, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề đặt ra đối với đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công

ĐTC và giải ngân vốn ĐTC thời gian qua và nhất là trong năm 2020 tuy đã đạt những kết quả tích cực, song thực tiễn, hiện vẫn còn vướng mắc một số vấn đề như:

Thứ nhất, đầu tư từ nguồn NSNN còn dàn trải, dẫn đến tình trạng kéo dài, chậm tiến độ, làm gia tăng chi phí đầu tư, hiệu quả đầu tư thấp.

Thứ hai, tốc độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm do công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương chưa sát với thực tế, dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân. Công tác liên quan đến giải phóng mặt bằng như: Lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, di dời các công trình tiện ích… tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ ba, đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, thủ tục thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký kết Hiệp định và điều chỉnh các dự án ODA còn phức tạp, kéo dài dẫn đến nhiều dự án khi được triển khai không còn phù hợp, phải điều chỉnh, gia hạn.

Để nâng cao hiệu quả ĐTC trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tăng cường quản lý ĐTC, thông qua việc nâng cao năng lực và hiệu lực hoạt động của các cơ quan quản lý; tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả quản lý và sử dụng ĐTC ngay từ khâu lập kế hoạch.

Hai là, tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện, nhất là công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch ĐTC nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, nhất là trong khâu trong giải phóng mặt bằng.

Ba là, có cơ chế và chính sách phù hợp trong huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, trong đó, đối với vốn ĐTC cần tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu và dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Kết luận

Thúc đẩy ĐTC không những góp phần quan trọng đối với ổn định kinh tế, tăng trưởng kinh tế mà còn giúp cải thiện nhịp độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy tốc độ hồi phục kinh tế thời hậu Covid -19. Đây là kết quả cần ghi nhận đối với nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ cũng như các bộ, ngành và địa phương về thực hiện và giải ngân vốn ĐTC trong năm 2020.

Trong thời gian tới, với việc triển khai Luật ĐTC số 39 cùng với loạt giải pháp đôn đốc bộ ngành, địa phương, ĐTC và hiệu ứng từ kết quả của ĐTC sẽ giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, làm tiền đề cho giai đoạn phát triển mới với nhiều niềm tin và kỳ vọng.        

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2019), Luật số 39/2019/QH14, ngày 13/6/2019, Luật Đầu tư công;

2. Quốc hội (2014), Luật số 49/2014/QH13, ngày 18/6/2014, Luật Đầu tư công;

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, (2020), Báo cáo số 7907/BC-BKHĐT, tình hình triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công 11 tháng, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong tháng còn lại của năm 2020;

4. Bộ Tài chính, (2021), Báo cáo số 1023/BC-ĐT về tình hình thanh toán kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 luỹ kế 12 tháng, ước 13 tháng và tình hình triển khai, thanh toán tháng 01 kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021;

5. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo số: 245/BC-TCTK, ngày 27/12/2020,  Báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội quý IV/2020 và năm 2020;

6. Nguyễn Thường Lạng (2020), Đầu tư công giai đoạn 2010-2019 và những vấn đề đặt ra cho giai đoạn mới, Tạp chí Tàichinh.

(*) Nguyễn Thế Bính - Khoa Tài chính - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2021