Nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát


Ngày 19/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Theo đó, Chính phủ tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quyết liệt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tình hình đại dịch Covid-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng từ cuối tháng 01/2021 và lây lan nhanh trên diện rộng do biến thể mới của vi-rút tại một số địa phương.

Với tinh thần thần tốc “chống dịch như chống giặc”, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đặc biệt là ngành y tế và các địa phương đã chủ động triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, mạnh mẽ, sáng tạo, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; quyết tâm nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh lây lan và dập sớm các ổ dịch coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị...

Chính phủ tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quyết liệt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh.

Trước những thách thức trong năm 2021, phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra theo Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt nghiêm túc, tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quyết liệt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể, các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung nghiên cứu, xử lý hài hòa, có hiệu quả các cân đối lớn trong phát triển đất nước để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Đặc biệt, chú trọng việc mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; phát triển nhanh nền kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; phát huy cả nội lực và ngoại lực; vừa xác định mục tiêu ngắn hạn, vừa tính đến mục tiêu dài hạn, bền vững; bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia và các cân đối vĩ mô khác.

Song song với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành đánh giá kết quả thực hiện các chính sách hiện hành hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; kịp thời đề xuất điều chỉnh hoặc ban hành chính sách hỗ trợ mới và kiến nghị bố trí nguồn kinh phí để triển khai có hiệu quả, khả thi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tập trung triển khai ngay việc tháo gỡ khó khăn của các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp vướng mắc, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; các giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và các dự án ODA nói riêng tại các Nghị quyết của Chính phủ; triển khai nhanh công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công, bảo đảm chất lượng, tiến độ giải ngân thực hiện các dự án ngay từ đầu năm.

Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng hợp lý; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp, dịch vụ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2021 và tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.

Chinh phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục duy trì ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu, tạo đà cho khôi phục kinh tế trong bối cảnh diễn biến mới của dịch Covid-19; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng mới, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính...