Nợ công năm 2018 dự kiến khoảng 61,4% GDP, giảm dần xuống mức an toàn

PV.

Dự kiến nợ công năm 2018 của Việt Nam vào khoảng 61,4% GDP, xa dần mức trần 65% và tiến dần tới mức an toàn là 60%.

Nợ công giảm dần xuống mức an toàn. Nguồn: internet
Nợ công giảm dần xuống mức an toàn. Nguồn: internet

Nợ công giảm dần xuống mức an toàn

Tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 28/9/2018, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm nay có nhiều điểm tích cực.

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 9/2018 ước đạt 86,2 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu ngân sách 9 tháng năm 2018 ước đạt 962,5 nghìn tỷ đồng, bằng 73% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua và nhiều khả năng ngành Tài chính sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018.

Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 9 ước đạt 114,1 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 989,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,9% dự toán; Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 203,6 nghìn tỷ đồng, bằng 50,9% dự toán.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thu ngân sách năm 2018 dự kiến vượt dự toán 40.000 tỷ đồng, tương đương 3% theo đúng nghị quyết của Quốc hội và yêu cầu của Chính phủ; Tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt trên 20,7% GDP; Tỷ lệ bội chi năm 2018 ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (3,7%). Trong cơ cấu chi, chi đầu tư phát triển năm 2018 dự kiến đạt 26,2% tổng chi ngân sách, cao hơn so với tỷ lệ các năm trước. 

Đặc biệt, nợ công ước tính đến ngày 31/12/2018 dự kiến đạt khoảng 61,4% GDP, xa dần mức trần 65% GDP và tiến gần đến mức an toàn là 60% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia cũng dưới ngưỡng 50% (ở mức 49,7% GDP).

Tăng chi cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường

Năm 2019, Chính phủ vẫn tiếp tục trình đề án bám sát yêu cầu Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Theo đó, đảm bảo vừa động viên đúng và đủ cho ngân sách, vừa đảm bảo khuyến khích nền kinh tế phát triển với mức huy động vào ngân sách khoảng 23,5% GDP, tỷ lệ thu từ thuế và phí khoảng 20,5% GDP, đảm bảo bội chi ở mức 3,6% GDP; Nợ công đến 31/12/2019 còn 61,3% GDP; Nợ quốc gia với nước ngoài tiếp tục ở mức 49% GDP, trong giới hạn cho phép.

Về chi ngân sách, theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, vấn đề trọng tâm là tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư công, phấn đấu đạt 26 – 27% tổng chi ngân sách. Trong chi đầu tư, phấn đấu giảm dần mức vay để đầu tư, tăng dần thặng dư thu chi trong nước cho đầu tư phát triển.

Đồng thời, bố trí kinh phí thực hiện tinh giản biên chế, thúc đẩy xã hội hóa, tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công, với mục tiêu hàng năm giảm 2,5% - 3% số người ở đơn vị sự nghiệp công hưởng ngân sách theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Ngân sách năm 2019 tiếp tục thực hiện tăng chi cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phòng chống tác hại của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi tăng thuế bảo vệ môi trường với một số hàng hóa từ ngày 1/1/2019.