Cục Thuế Bắc Ninh triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022

PV.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong năm 2021, Cục Thuế Bắc Ninh đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Để đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mới, ngay từ đầu năm 2022, Cục Thuế Bắc Ninh đã vào cuộc triển khai 8 giải pháp trọng tâm trên phạm vị toàn Cục.

Cục trưởng Ngô Xuân Tòng nhận Bằng khen do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang trao tặng cho Cục Thuế Bắc Ninh
Cục trưởng Ngô Xuân Tòng nhận Bằng khen do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang trao tặng cho Cục Thuế Bắc Ninh

Thu ngân sách đạt 113,4% dự toán

Năm 2021, mặc dù đại dịch COVID-19 tác động đến mọi thành phần kinh tế, gây ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, song với những giải pháp đồng bộ, Cục Thuế Bắc Ninh đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Theo đó, tổng thu nội địa đạt 25.316 tỷ đồng, đạt 113,4% dự toán, tăng 4% so với năm 2020; trong đó, thu từ thuế, phí là 21.161 tỷ đồng, đạt 112,6% dự toán, tăng 14%; tiền sử dụng đất là 4.114 tỷ đồng, đạt 117,6 % dự toán.

Năm 2021, Cục đã tiếp nhận và xử lý 170.368 lượt tờ khai các loại, tăng 55% lượt hồ sơ khai thuế so với cùng kỳ, hồ sơ khai thuế  đã nộp là 169.528 lượt tờ khai đạt tỷ lệ 99,5 % trên số tờ khai phải nộp, trong đó số HSKT nộp đúng hạn là 167.722 lượt tờ khai đạt 98,4%, tăng 1,1% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế cũng được Cục Thuế triển khai mạnh mẽ, đa dạng các hình thức tuyên truyền thích ứng với điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền hỗ trợ. Trong năm 2021, Cục đã tổ chức thành công 05 hội nghị đối thoại và giải đáp vướng mắc cho NNT theo hình thức trực tuyến trên Website của Cục Thuế Bắc Ninh với với 443 câu hỏi và trả lời đã được thực hiện với 25.600 lượt truy cập.

Công tác ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý thuế luôn là nhiệm vụ quan trọng được Ban lãnh đạo Cục quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo đó, trong năm 2021, Cục đã đẩy mạnh triển khai, vận hành và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế. Đặc biệt là triển khai các giao dịch thuế điện tử trực tuyến đến mức độ 3,4 tới người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện Chính phủ điện tử với những nội như: Tổng số người nộp thuế đăng ký nộp thuế điện tử đạt trên 95%; thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tự triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đạt tỷ lệ khoảng 60%.

Trong năm 2021, Cục Thuế Bắc Ninh đã thu được của khoản nợ có khả năng thu năm 2020 chuyển sang ước là 650 tỷ đồng đạt 102% (650 tỷ/637tỷ) so với kế hoạch Tổng cục Thuế giao thu năm 2021; Tổng số tiền thuế nợ so với tổng số dự toán thu thời điểm 31/12/2021 tỷ lệ nợ ước 4% (898 tỷ/22.319 tỷ).

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra thuế cũng là điểm nhấn tích cực được Cục Thuế Bắc Ninh thực hiện tại 1.091 doanh nghiệp, đạt 100% so với kế hoạch năm (1.091/1.091 doanh nghiệp), đạt 113% so cùng kỳ (1.091/961); kết quả thanh tra, kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế ước thực hiện kiểm tra tổng số 15.082 hồ sơ khai thuế bằng 87% so với năm 2020...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang trao Bằng khen cho tập thể, cá nhân Cục Thuế Bắc Ninh đạt thành tính xuất sắc
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang trao Bằng khen cho tập thể, cá nhân Cục Thuế Bắc Ninh đạt thành tính xuất sắc

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong năm 2022

Năm 2022 được dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, ảnh hưởng tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Để hoàn thành thắng lợi nhiệ, vụ năm 2022, Cục Thuế Bắc Ninh tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tập trung, phấn đấu quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng  đầu năm để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được Bộ Tài chính, HĐND và UBND tỉnh giao 23.267 tỷ đồng; Trong đó, tổng thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác 19.230 tỷ đồng; tiền sử dụng đất 4.000 tỷ đồng; thu từ hoạt động xổ số 19 tỷ đồng; thu cổ tức lợi nhuận 18 tỷ đồng.

Hai là, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, phấn đấu hoàn thành dự toán thu năm 2022.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác phân tích dự báo, đảm bảo cho công tác phân tích dự báo phải chủ động và tích cực hơn nữa; rà soát và đánh giá kịp thời những yếu tố tác động làm ảnh hưởng tăng, giảm đến nguồn thu trên địa bàn nhất là những dự án đầu tư mới, mở rộng năng lực sản xuất mới phát sinh, gắn với việc đánh giá tăng trưởng kinh tế, đảm bảo công tác dự báo, phân tích thực sự là căn cứ quan trọng để tham mưu cho lãnh đạo các cấp chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn.

Bốn là, chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, UBND các cấp những giải pháp về cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư hỗ trợ người nộp thuế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, tạo lập nguồn thu cho NSNN đảm bảo tính bền vững.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Tiếp tuc  đổi mới công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đảm bảo thực hiện có hiệu quả, đồng bộ, thống nhất bằng các phương tiện truyền thông thích hợp, tăng cường áp dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo nhanh, đúng, kịp thời, hiệu quả, tập trung triển khai thực hiện các chính sách thuế mới được sửa đổi, bổ sung.

Sáu là, đẩy mạnh công tác kê khai và cải cách thủ tục hành chính thuế. Đẩy mạnh tiến trình thực hiện kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021- 2030 với mục tiêu “Ngành Thuế trở thành đối tác tin cậy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật thuế” khi được Thủ tướng Chính phê duyệt; Triển khai thành công 100% người nộp thuế áp dụng hóa đơn điện tử; Tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuế theo yêu cầu của Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Duy trì tỷ lệ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử ở mức cao hơn năm 2021 nhằm góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI).

Bẩy là, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Thực hiện cơ chế quản lý rủi ro, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích, đánh giá rủi ro từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, tăng cường kiểm tra, giám sát hồ sơ khai thuế tại trụ sở Cơ quan thuế, giảm dần số lượng các cuộc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế…

Tám là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Thực hiện các biện pháp quản lý thu nợ, cưỡng chế nợ thuế có hiệu quả; phân công trách nhiệm thu nợ đến từng công chức từ Cục trưởng, phó Cục trưởng, trưởng các đơn vị, đến cán bộ quản lý nợ. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh về công tác quản lý nợ thuế trên địa bàn.