Năm 2013 Việt Nam sẽ cắt giảm 214 dòng thuế nhập khẩu

Theo Tạp chí Thuế

(Tài chính) Những nhóm mặt hàng nào được giảm thuế, mức giảm cụ thể ra sao, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi gì và việc giảm thuế nhập khẩu tác động như thế nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong nước? Phần trả lời cho những câu hỏi này sẽ được bà Nguyễn Thị Bích - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính cho biết.

Theo cam kết gia nhập WTO, lộ trình giảm thuế sẽ được cập nhật liên tục hàng năm, vậy trong năm 2013 những nhóm, ngành hàng nhập khẩu chủ yếu nào sẽ được giảm thuế, thưa bà?
 
Năm 2013, Việt Nam phải tiếp tục cắt giảm 214 dòng thuế nhập khẩu phù hợp với cam kết WTO. Theo đó, việc cắt giảm sẽ được thực hiện đối với các nhóm, ngành hàng bao gồm: cá hồi tươi sống, cá trích đông lạnh;
Năm 2013 Việt Nam sẽ cắt giảm 214 dòng thuế nhập khẩu - Ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Bích
- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế
rượu mạnh; chế phẩm trang điểm và vệ sinh; hạt nhựa, tấm, phiến nhựa và một số sản phẩm nhựa khác; giấy cuộn; máy ly tâm hoạt động bằng điện có công suất trên 500lít/giờ; micro và loa; băng đĩa đã và chưa ghi; camera ghi hình; rơ le; cáp điện thoại; ôtô các loại, các xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người thuộc nhóm 8703; một số bộ phận khung gầm và thân xe ôtô.
 
Việc tiếp tục cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu thể hiện sự nghiêm túc thực hiện các cam kết của Việt Nam đối với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2013, các nhóm ngành hàng được giảm thuế chủ yếu trong phạm vi từ 0-5%. Thuế suất thuế nhập khẩu giảm sẽ giúp người tiêu dùng trong nước có thêm nhiều cơ hội được tiếp cận, sử dụng các mặt hàng có chất lượng cao với mức giá rẻ hơn. Đối với các ngành sản suất phải nhập khẩu nguyên liệu, thuế suất thuế nhập khẩu giảm sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, qua đó người tiêu dùng sẽ gián tiếp được hưởng lợi từ các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu.
 
Với mặt hàng nhạy cảm với đời sống kinh tế xã hội là ôtô, lộ trình giảm thuế được điều chỉnh như thế nào?
 
Theo cam kết WTO, nhiều dòng thuế của nhóm hàng ôtô đã và sẽ được cắt giảm thuế theo lộ trình từ 7 - 12 năm.  Cụ thể, các loại xe ô tô thuộc nhóm 8702, 8703 phải cắt giảm mức thuế từ 100% xuống 70% sau 7 năm (năm 2014). Các loại xe thuộc nhóm 8703 dùng để chở người có dung tích xi lanh từ 2.5 trở lên sẽ phải giảm thuế suất từ 90% xuống 52% sau 12 năm (2019); và xe 2 cầu sẽ giảm từ 90% xuống 47% sau 10 năm (2017); linh phụ kiện thuộc nhóm 8706-8707 sẽ cắt giảm từ 35-45% xuống 25-28% sau 7 năm (2014).
 
Với cam kết đó, năm 2013, mức thuế suất của các loại xe ôtô thuộc nhóm 8702, 8703 giảm xuống còn 74%; xe bốn bánh thuộc nhóm 8703 có dung tích xi lanh trên 3000cc giảm xuống còn 64%; linh phụ kiện thuộc nhóm 8706-8707 sẽ có mức thuế suất từ 16-30%.
 
Việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số loại ôtô năm 2013 là không nhiều so với năm 2012 và mức thuế trên 50% vẫn khá cao, không ảnh hưởng lớn đối với ngành sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước. Quan trọng hơn, việc thực hiện cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu ôtô đi kèm với các chính sách thuế khác như việc giảm thuế trước bạ xuống 10% đối với lần đăng ký đầu tiên và 2% đối với lần chuyển nhượng sau đó, sẽ là yếu tố kích thích người tiêu dùng cân nhắc quyết định mua xe trong năm nay.

Để cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, nhất là khi hàng rào thuế quan giảm dần thì DN trong nước cần phải làm gì?
 
Thực tế, lộ trình giảm thuế theo WTO đã được công bố từ đầu năm 2007, hoặc là lộ trình xoá bỏ thuế nhập khẩu trong khuôn khổ ASEAN đã được báo trước từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN 1995. Nghĩa là các DN đã biết trước thách thức của việc gỡ bỏ hàng rào bảo hộ từ khá lâu, vì thế đến nay, hầu hết đã có sự chuẩn bị để đối phó với thực tế giảm dần thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết. 
 
Để giúp các DN Việt Nam đứng vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế, VCCI đã tổ chức nhiều diễn đàn, cung cấp các thông tin để giúp DN xây dựng chiến lược đầu tư, khai thác các thế mạnh, nâng cao năng lực quản trị. Đồng thời, các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tài chính đã tận dụng không gian cam kết, liên tục ban hành các chính sách, các gói giải pháp để hỗ trợ DN, nhất là các DNVVN, cũng như việc tiếp cận, quảng bá sản phẩm, thị trường mới trong thời gian qua. Vấn đề còn lại là, từng DN, từng ngành hàng, lĩnh vực cần có sự chuẩn bị chu đáo về chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, mẫu mã, chất lượng sản phẩm một cách tốt nhất, để cạnh tranh hiệu quả với các sản phẩm, dịch vụ nhập ngoại, tránh tình trạng hàng nội, DN trong nước “thua trên sân nhà”.

Xin cảm ơn bà!