Triển khai hệ thống VNACCS/VCIS: Một số thay đổi về thủ tục và tổ chức thực hiện

Hạnh Minh

(Tài chính) Từ ngày 1/4/2014 hệ thống thông quan tự động bắt đầu chính thức triển khai, đầu tiên là tại 2 chi cục thuộc Hải quan Hải Phòng và Hải quan Hà Nội sau đó VNACCS/VCIS tiếp tục được triển khai mở rộng ra các đơn vị khác. Hết tháng 6/2014, toàn ngành Hải quan sẽ hoàn thành áp dụng chính thức Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Trong quá trình triển khai Hệ thống, có một số thay đổi về thủ tục và tổ chức thực hiện cần lưu ý.

Hệ thống VNACCS/VCIS gộp các quy trình hiện tại thành một quy trình nhằm mục đích đơn giản hóa, chuẩn hóa. Nguồn: internet
Hệ thống VNACCS/VCIS gộp các quy trình hiện tại thành một quy trình nhằm mục đích đơn giản hóa, chuẩn hóa. Nguồn: internet

Hệ thống thông quan hàng hóa tự động Việt Nam (Vietnam Automated Cargo Clearance System - VNACCS) và hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tình báo (Vietnam Customs Intelligent Database System - VCIS) (gọi tắt là hệ thống VNACCS/VCIS) do Nhật Bản tài trợ cho Hải quan Việt Nam có nhiều điểm mới và thay đổi so với hệ thống thông quan điện tử hiện đang áp dụng như: Chức năng tính thuế tự động được hoàn thiện; Rút ngắn thời gian làm thủ tục bằng cơ chế phân luồng tự động do hệ thống thông quan điện tử được áp dụng ở nhiều khâu (quản lý hàng đi/đến tại cảng, chỉ tiêu nhập dữ liệu ở VNACCS/VCIS được tích hợp nhiều hơn các tiêu chí trên vận đơn, bản lược khai vào chỉ tiêu khai báo trên tờ khai); Tăng cường kết nối giữa các bộ, ngành thông qua cơ chế một cửa quốc gia (NSW); Lấy thông tin của dữ liệu đã đăng ký để khai báo xuất nhập khẩu; Thực hiện đăng ký khai báo trước; Quản lý hàng tạm nhập tái xuất…

Tháng 4/2014, hệ thống VNACCS/VCIS sẽ chính thức vận hành, do đó, việc vận hành hệ thống này sẽ dẫn tới những thay đổi lớn về thủ tục và tổ chức thực hiện nghiệp vụ hải quan.

Thay đổi quy trình, thủ tục hải quan

Đối với khai báo hải quan: So với khai báo hải quan hiện tại, tiêu chí khai báo hải quan trong hệ thống VNACCS/VCIS sẽ có tiêu chí khai báo đầy đủ hơn, vì các thông tin cơ bản về hợp đồng, hóa đơn, vận đơn… có thể khai trên tờ khai hải quan. Hệ thống VNACCS/VCIS sẽ xử lý hoàn toàn tự động từ việc tiếp nhận, xử lý và phân luồng với thời gian xử lý diễn ra rất nhanh (trong khoảng 3 giây) nhờ chức năng kết nối với các hệ thống khác (e-Manifest, e-Invoice, e-Payment…).

Pháp luật hải quan hiện tại cho phép khai báo trước 15 ngày kể từ ngày đăng ký. Quá thời hạn này thì tờ khai không còn giá trị làm thủ tục hải quan và phải hủy. Khi thực hiện hệ thống VNACCS/VCIS, người khai hải quan được phép khai tạm trên hệ thống, chỉ đến khi có hàng thì khai hải quan chính thức. Hệ thống VNACCS/VCIS được thiết kế theo hướng phải có hàng mới được đăng ký tờ khai chính thức. Trong trường hợp đặc biệt, việc hủy hồ sơ khai báo chỉ được phép sau khi được sự chấp nhận của hải quan. Hệ thống sẽ kiểm tra để không xảy ra khai báo trùng.

Thay đổi quy trình khai bổ sung sau thông quan: Hệ thống VNACCS/VCIS cho phép khai bổ sung sau thông quan. Việc đính chính nội dung khai báo sẽ do người khai thực hiện. Nếu hải quan phát hiện ra những sai sót trong nội dung khai báo thì thông báo cho người khai hải quan biết để hiệu chỉnh và khai bổ sung. Nếu người khai không chấp nhận khai bổ sung thì vẫn cho thông quan, nhưng những nghi vấn sẽ được thông báo cho bộ phận kiểm tra sau thông quan và điều tra. Khi đó, doanh nghiệp thực hiện thủ tục nộp thuế tăng thêm trên hệ thống VNACCS/VCIS. Tuy nhiên, việc xử lý tiền thuế nộp thừa không thực hiện trên hệ thống VNACCS/VCIS.

Tiếp nhận hồ sơ khai báo: Hiện tại, cán bộ hải quan tại khâu đăng ký sẽ tiến hành kiểm tra bộ hồ sơ hải quan (đối với thủ tục truyền thống) và tờ khai hải quan (đối với thủ tục điện tử). Khi áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS, hệ thống sẽ tự động kiểm tra và tiếp nhận, nếu không sẽ đánh lỗi.

Chuẩn hóa loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu: Loại hình xuất nhập khẩu, hệ thống VNACCS/VCIS đã thiết kế theo hướng chuẩn hóa các chế độ quản lý theo Công ước Kyoto như: xuất khẩu, nhập khẩu, chế độ tạm, chế xuất - gia công - sản xuất xuất khẩu, vận chuyển bảo thuế, phương tiện vận tải. Trong đó không phân việt giữa loại hình hàng hóa thương mại và phi thương mại. So với hiện hành của Việt Nam trong hệ thống thống kê có đến hơn 170 loại hình quản lý khác nhau, VNACCS chuẩn hóa còn hơn 40 loại hình cụ thể; hệ thống VNACCS hỗ trợ khai đơn giản đối với hàng hóa trị giá thấp.

Quản lý hàng tạm nhập tái xuất: Hệ thống hỗ trợ thông tin quản lý hàng hóa tạm nhập tái xuất, có chức năng kiểm tra thanh khoản và kết xuất báo cáo từ cấp chi cục, cấp cục, cấp tổng cục đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất.

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển bảo thuế: So với thủ tục hiện tại, quy trình đối với hàng vận chuyển bảo thuế trong hệ thống VNACCS/VCIS gộp các quy trình hiện tại thành một quy trình nhằm mục đích đơn giản hóa, chuẩn hóa để áp dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ tối đa công tác giám sát, quản lý của cơ quan hải quan, cụ thể: Cấp phép vận chuyển được thực hiện tại hải quan nơi quản lý hàng hóa đi; Dùng chung một thủ tục khai báo cấp phép vận chuyển cho khai báo đi, vận chuyển hàng hóa giữa các khu vực; Hàng hóa nhập khẩu đưa vào kho của nhà máy gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất: Khai cấp phép vận chuyển kết hợp khai báo nhập khẩu tại hải quan nơi đi; Khai cấp phép vận chuyển tại hải quan nơi đi, khai nhập khẩu tại hải quan nơi quản lý nhà máy; hàng hóa xuất khẩu đưa từ kho của nhà máy gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất: khai xuất khẩu kết hợp khai cấp phép vận chuyển.

Việc áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS sẽ làm tăng trách nhiệm của các bên tham gia: người xuất khẩu, nhập khẩu, người vận chuyển, kinh doanh dịch vụ kho, bãi cảng… Các bên tham gia thực hiện quản lý theo yêu cầu của cơ quan hải quan, cụ thể như sau: Nguyên tắc kiểm tra, giám sát: Doanh nghiệp vận chuyển tự quản lý, hoặc hải quan kiểm tra rồi giao cho doanh nghiệp vận chuyển tự quản lý, hoặc hải quan hoặc doanh nghiệp kiểm tra, giám sát đến khi hàng đến đích. Yêu cầu khai báo thời gian dự kiến đi, đến của hàng hóa khi khai cấp phép vận chuyển; khai báo hàng hóa đã khởi hành (khai BOA); khai báo hàng hóa được vận chuyển đến đích.

Theo dõi xử lý quy trình thủ tục hải quan: Trong quá trình xử lý thủ tục hải quan, quá trình phân công xử lý tờ khai, chỉ đạo thực hiện và kết quả xử lý của lãnh đạo và chuyên viên đều được hệ thống lưu vết tự động. Chức năng này của hệ thống giúp kiểm soát được quá trình xử lý công việc của cán bộ, công chức hải quan.

Thay đổi liên quan đến nội dung thuế, thanh toán

Trị giá tính thuế: Hệ thống VNACCS/VCIS cho phép gộp một số chỉ tiêu của tờ khai trị giá theo phương pháp trị giá giao dịch vào tờ khai nhập khẩu. Do đó, về cơ bản, đối với phương pháp trị giá giao dịch không cần phải khai riêng tờ khai trị giá như hiện nay, trừ các trường hợp tờ khai có nhiều hơn 7 khoản điều chỉnh (gồm cả I và F), vì trên màn hình khai báo có 7 ô khai báo khoản điều chỉnh gồm 2 khai báo cho I, F và 5 ô cho 5 khoản điều chỉnh khác. Hệ thống tự động phân bổ các khoản điều chỉnh theo tỷ lệ trị giá hóa đơn, từ đó tự động tính toán trị giá tính thuế cho từng dòng hàng.

Thuế và tính thuế: Hệ thống hiện tại không cho phép tính thuế tự động. Hệ thống VNACCS/VCIS hỗ trợ việc tính thuế tự động, tự động tìm thuế suất theo mã HS (đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu), theo mã phân loại thuế suất (đối với các loại thuế khác: thuế VAT, thuế tiệu thụ đặc biệt, thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp…). Tuy nhiên, hệ thống cũng có cơ chế linh hoạt để người khai có thể tự nhập thuế suất. Bên cạnh đó, hệ thống VNACCS/VCIS còn có chức năng tính toán các loại thuế khác khi phát sinh (như thế bảo vệ môi trường, thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống phân biệt đối xử…).

Kiểm tra, tham vấn giá: Hệ thống VNACCS/VCIS được thiết kế theo hướng đáp ứng chính sách quản lý trị giá tính thuế phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, cho phép kiểm tra giá trong quá trình thông quan đối với các mặt hàng có nguy cơ gian lận cao về trị giá; cho phép tham vấn trong hoặc sau thông quan (theo quy định của chính sách quản lý của từng thời kỳ).

Quản lý danh mục ưu đãi miễn thuế và danh mục thiết bị đồng bộ: Hệ thống VNACCS/VCIS cho phép xử lý hoàn toàn tự động đối với quản lý danh mục ưu đãi miễn thuế. Trong hệ thống VNACCS/VCIS cũng có chức năng hỗ trợ quản lý danh mục thiết bị đồng bộ thông quan việc chuyển thông tin từ VNACCS/VCIS sang hệ thống trung gian để xử lý tự động.

Ấn định thuế trong thông quan: Khi hải quan tiến hành kiểm tra thuế trong thông quan, sau thông quan nếu phát hiện sai sót thì yêu cầu doanh nghiệp khai bổ sung. Nếu doanh nghiệp không khai bổ sung theo yêu cầu của hải quan thì hải quan mới thực hiện việc ấn định thuế. Khi đó, hệ thống VNACCS/VCIS sẽ xuất thông báo ấn định thuế cho người nộp thuế. Quyết định ấn định thuế sẽ do cơ quan hải quan cấp theo đúng quy định.

Thanh toán thuế: So với quy định hiện hành, người khai hải quan phải xác định trước các hình thức sẽ thanh toán; Một lô hàng chỉ được sử dụng một hình thức thanh toán; Hình thức thanh toán được bổ sung thêm thanh toán bằng hạn mức qua ngân hàng, bảo lãnh chung tự động trừ lùi trên toàn quốc và được khôi phục tương ứng với số thuế đã nộp.

Thay đổi liên quan đến quản lý rủi ro

Phân luồng xử lý tờ khai: Trên cơ sở các tiêu chí rủi ro (tiêu chí lựa chọn) được thiết lập trên hệ thống VCIS, hệ thống VNACCS sẽ thực hiện phân luồng xử lý tờ khai, thông qua việc đối chiếu những thông tin khai báo trên tờ khai với những thông tin của tiêu chí lựa chọn. Ngoài việc thiết lập các tiêu chí đơn lẻ trên giao diện của VCIS, trường hợp thiết lập số lượng lớn tiêu chí sẽ được thiết lập thông qua bảng dữ liệu (CFS).

Nhằm đảm bảo tốc độ xử lý nhanh của hệ thống, chỉ một số tiêu chí trong trường hợp cần thiết mới được truyền dữ liệu tức thời từ VCIS sang VNACCS phục vụ cho việc phân luồng tờ khai. Tiêu chí lựa chọn được xây dựng dựa trên cơ sở các chính sách quy định của các cơ quan quản lý nhà nước, dựa trên việc xếp hạng đánh giá doanh nghiệp cũng như việc phân tích, đánh giá rủi ro của đơn vị chuyên trách quản lý rủi ro. Trong đó, hệ thống được thiết kế để tự động lựa chọn kiểm tra các đối tượng không đáp ứng các điều kiện cấp phép trên cơ sở trao đổi dữ liệu điện tử với các bộ, ngành khi triển khai cơ chế một cửa.

Các tờ khai luồng xanh không còn được hiển thị trên màn hình kiểm tra tại cửa khẩu, công chức hải quan chỉ có thể xử lý hoặc chuyển luồng các tờ khai luồng vàng và luồng đỏ.

Phân luồng cấp phép vận chuyển bảo thuế và sàng lọc thông tin manifest: Hệ thống VNACCS/VCIS cho phép thiết lập các tiêu chí sàng lọc thông tin manifest để lựa chọn có trọng điểm các thông tin trước thông quan, từ đó có cơ sở theo dõi và thiết lập các tiêu chí lựa chọn kiểm trong thông quan. Đối với cấp phép vận chuyển bảo thuế, hệ thống VNACCS cũng cho phép lựa chọn các đối tượng trọng điểm để kiểm tra chi tiết hồ sơ trước khi cấp phép. Nếu có dấu hiệu nghi vấn thì trong trường hợp cần thiết có thể kiểm tra thực tế hàng hóa.

Hồ sơ nhà nhập khẩu, xuất khẩu: Khi áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS sẽ có những thay đổi liên quan đến bộ tiêu chí hồ sơ doanh nghiệp như sau: Việc đánh giá, xếp hạng nhà nhập khẩu, xuất khẩu được tiến hành 2 lần/1năm, trên cơ sở tính điểm và tiến hành theo trình tự: Hệ thống tự động thực hiện đánh giá - hải quan xem xét, lấy ý kiến của các hải quan địa phương - Tổng cục đưa ra quyết định cuối cùng - cập nhật vào hệ thống để áp dụng. Xếp hạng được phân biệt giữa nhập khẩu và xuất khẩu . Các cá nhân, tổ chức cũng được đánh giá xếp hạng. Đối với mỗi hạng thì có các phương thức xử lý khác nhau và có thể được phân vào luồng xanh, vàng, đỏ theo tỷ lệ đã định trước.

Hồ sơ vi phạm: Khi áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS sẽ có những thay đổi liên quan hồ sơ vi phạm gồm: Bộ tiêu chí hồ sơ vi phạm; Các sai sót (bao gồm cả những vụ việc đã ra quyết định xử lý, tuy nhiên phải có liên quan đến khai báo hoặc phải xác định được doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức gây ra) do người khai gây ra trong quá trình thông quan hàng hóa để được ghi nhận trong VCIS phục vụ cho quá trình xếp hạng và quyết định kiểm tra.

Hồ sơ rủi ro: Hệ thống VCIS có phân hệ quản lý hồ sơ rủi ro bao gồm thông tin về tổ chức và cá nhân có dấu hiệu rủi ro cao. Thông tin được xây dựng, lưu trữ tập trung tại Tổng cục và được phân quyền khai thác cho những công chức có thẩm quyền liên quan, đồng thời hiển thị khi lô hàng xuất khẩu có liên quan làm thủ tục tại cửa khẩu, hệ thống sẽ cảnh báo cho công chức tiếp nhận biết và xử lý tờ khai.

Thông tin tham chiếu tổng hợp: Hệ thống VNACCS/VCIS cho phép hiển thị các thông tin tổng hợp về tình hình xuất nhập khẩu, vi phạm, phân luồng… của doanh nghiệp, cá nhân.

Hợp nhất, gắn liên kết doanh nghiệp, cá nhân xuất nhập khẩu: Đây là chức năng mới trong VCIS. Trường hợp nếu cơ quan hải quan xác định được một doanh nghiệp hoặc cá nhân nào đó đang thực hiện khai hải quan dưới các tên khác nhau hoặc có liên quan đến nhau thì chức năng hợp nhất, gắn liên kết doanh nghiệp, cá nhân xuất nhập khẩu cho phép thực hiện hợp nhất hoặc gắn liên kết để phục vụ hoạt động quản lý của hải quan.

Thay đổi về công nghệ thông tin

Hệ thống VNACCS/VCIS được triển khai tập trung tại Tổng cục Hải quan. Các hệ thống kế thừa của hải quan như: Kế toán thuế (KTT559), giá tính thuế (GTT01)… kết nối với VNACCS/VCIS để thực hiện việc trao đổi và xử lý thông tin. Cán bộ hải quan thông qua các máy trạm kết nối với hệ thống VNACCS/VCIS để xử lý và phản hồi thông tin cho người khai hải quan.

Chữ ký số sẽ được áp dụng trong các giao dịch điện tử giữa người khai với hệ thống VNACCS/VCIS của hải quan. Việc triển khai chữ ký số đảm bảo tuân thủ các quy định tại Nghị định 27/2005/NĐ-CP của Chính phủ về các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính (Điều 14 về sử dụng chữ ký số) và là sự phát triển tiếp theo của triển khai thủ tục hải quan điện tử (theo Nghị định 87/20102/NĐ-CP của Chính phủ) mang lại những lợi ích cơ bản sau: Nâng cao tính an ninh, an toàn trong quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan và các doanh nghiệp. Đảm bảo tính chính xác, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ của thông tin khai báo, góp phần nâng cao tính tự động của hệ thống.

Do hệ thống tập trung cấp Tổng cục nên việc quản trị và vận hành hệ thống cũng cơ bản thay đổi so với khi triển khai các hệ thống phân tán. Điều này đòi hỏi sự chuyên nghiệp và sẵn sàng cao của đội ngũ cán bộ nhằm đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, hạn chế tối đa các vướng mắc phát sinh.

Để triển khai hệ thống VNACCS/VCIS một cách hiệu quả tại các Chi cục thuộc trực thuộc Cục Hải quan Thừa Thiên Huế đã thành lập các bộ phận hỗ trợ người sử dụng để kịp thời xử lý các vướng mắc về kỹ thuật cũng như cung cấp các thông tin về chính sách, quy định pháp luật, quy trình thủ tục hải quan và các câu hỏi cần giải đáp liên quan tới nghiệp vụ.