Thực tiễn triển khai cơ chế, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 10/2020

Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy triển khai cơ chế, chính sách xã hội hóa trong lĩnh lực giáo dục, góp phần nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Khuyến khích xã hội hóa dịch vụ giáo dục không đồng nghĩa với việc giảm đi trách nhiệm của Nhà nước trong cung ứng dịch vụ công, thay vì trực tiếp cung cấp các dịch vụ công, Nhà nước đóng vai trò điều tiết bảo đảm về chất lượng của dịch vụ giáo dục. Nghiên cứu thực tiễn triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục hiện nay, bài viết khuyến nghị các giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục.

Thúc đẩy triển khai cơ chế, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục

Thời gian qua, Nhà nước chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) đầu tư phát triển giáo dục với nhiều chính sách thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng hơn vào lĩnh vực này. Hành lang pháp lý về XHH đầu tư phát triển giáo dục cũng từng bước được hoàn thiện, nhằm tạo thuận lợi, ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển giáo dục.

Nghị quyết số 90/1997/NQ-CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương XHH các hoạt động giáo dục, y tế và văn hóa ban hành được coi là cơ sở đầu tiên mở ra chặng đường XHH trong lĩnh vực giáo dục hiện nay. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản góp phần tạo hành lang pháp lý khuyến khích đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục Việt Nam.  Điển hình có thể điểm tới một số cơ chế, chính sách nền tảng như: Nghị quyết số 90/1997/NQ-CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương XHH các hoạt động giáo dục; Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh XHH các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao.

Nối tiếp đó, ngày 30/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 hướng dẫn triển khai Nghị định số 69/2008/NĐ-CP. Qua đó, tạo bước đột phá, thu hút nhiều nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực Nhà nước khuyến khích XHH.

Đặc biệt, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với chủ trương XHH giáo dục. Nghị quyết không chỉ góp phần giảm sức ép ngân sách nhà nước đối với nhu cầu phát triển giáo dục, mà còn mở rộng các chủ thể trong xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục,  tạo điều kiện để người dân được tiếp cận, thụ hưởng các sản phẩm dịch vụ..

Quán triệt chủ trương của Đảng, ngày 16/6/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP.

Ngày 10/5/2017, Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án "Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh XHH một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công" (tại Nghị quyết số 40/NQ-CP). Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, trong đó có điều khoản riêng về thực hiện cơ chế XHH lĩnh vực giáo dục. Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động sự tham gia đóng góp của xã hội đối với công tác giáo dục.

Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường các nguồn lực xã hội cho đầu tư cho giáo dục giai đoạn 2019-2025 đặt mục tiêu phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% và 8,9% người học đến năm 2020 và tỷ lệ 13,5% và 16% người học vào năm 2025. Nghị quyết này nhấn mạnh, các nguồn lực xã hội là rất quan trọng, cần được thu hút. Theo đó, việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo không để thay thế mà là nguồn bổ sung quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần làm tăng tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Do đó, XHH giáo dục và đào tạo cần được coi là một chỉ tiêu trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội.

Để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, Chính phủ đã đồng bộ triển khai một số giải pháp bao gồm: (i) Hoàn thiện thể chế theo hướng chuyển từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng; (ii)  Cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục trong quá trình thành lập, hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập; (iii) Đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch, không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập; (iv) Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập, khuyến khích cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính.

Một số tồn tại, vướng mắc và những vấn đề đặt ra

Tồn tại, vướng mắc

Thời gian qua, cơ chế chính sách khuyến khích XHH trong lĩnh vực giáo dục đã được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, XHH giáo dục – đào tạo đã đóng góp khoảng 4.700 tỷ đồng cho phát triển lĩnh vực giáo dục hàng năm (tương đương 2% ngân sách chi cho giáo dục). Mặc dù vậy, quá trình triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích XHH trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn tồn tại một số vướng mắc sau: Hệ thống các trường ngoài công lập không ngừng phát triển, nhưng chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều trường đứng trước nguy cơ phá sản vì không tuyển sinh được, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, điều này gây ra nhiều bất cập trong xã hội. Trong khi đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này dù có cải thiện, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trong hơn một năm, từ thời điểm Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục được ban hành và có hiệu lực, nguồn vốn FDI vào giáo dục đã đạt 97 triệu USD. Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực kém hấp dẫn nhất với nhà đầu tư ngoại hiện nay.

Một trong những vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm, khi đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đó là quỹ đất để đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp. Trên thực tế, lợi thế thu hút này tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các đô thị lớn chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Nhiều địa phương hiện còn thiếu quy hoạch sử dụng đất cho mục đích XHH cũng như việc công khai thông tin quỹ đất kêu gọi đầu tư chưa đầy đủ, rõ ràng, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu.

Việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục còn gặp trở ngại bởi tâm lý e dè của nhà đầu tư. Chẳng hạn, để thu hồi vốn nhanh cần phải tăng quy mô đầu tư dự án để có thể tăng số học sinh. Thế nhưng, phần lớn đều bị khống chế bởi các quy định trong điều lệ và tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành cũng như các chỉ tiêu về quy hoạch xây dựng. Mặt khác, mức đầu tư bỏ ra ban đầu cho việc xây dựng một trường học khá lớn, do đó, để thu hồi vốn nhanh, nhà đầu tư phải đưa ra mức thu cao.

Ngoài nguyên nhân đầu tư vào giáo dục cần vốn lớn trong thời gian dài nhưng chậm sinh lời, thu hút đầu tư vào giáo dục sẽ khó cải thiện tình hình khi cách nghĩ, cách làm của cơ quan quản lý nhà nước, xã hội còn mang nặng tư duy bao cấp. Bên cạnh đó, tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục quá đặt nặng vấn đề lợi ích, coi đầu tư vào giáo dục để sinh lời hoặc thiếu tầm nhìn dẫn đến chất lượng giáo dục và đào tạo thấp, gây ảnh hưởng không tốt trong xã hội.

Ngoài ra, nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm đến chính sách thu hút đầu tư cho giáo dục, do vậy, việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thu hút các nhà đầu tư quan tâm thực hiện các dự án đầu tư cho lĩnh vực giáo dục là điều cần được quan tâm, xúc tiến để đáp ứng nhu cầu, chất lượng dạy và học hiện nay.

Một số vấn đề đặt ra

Triển khai chính sách ưu đãi về đất đai: Cơ chế khuyến khích XHH về đất đai còn tràn lan, còn xảy ra hiện tượng lợi dụng quỹ đất, nhất là ở địa bàn các đô thị trong lĩnh vực XHH giáo dục. Tình hình này đòi hỏi cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 69/2008/NĐ-CP đồng bộ với các quy định hiện hành của chính sách pháp luật chuyên ngành, cụ thể:

Một là, thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai, mà theo đó chỉ được miễn, giảm theo lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư - theo quy định tại Điểm a Điều 110 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội; đồng thời quy định rõ diện tích sử dụng vào đúng mục đích XHH thì được miễn, còn diện tích sử dụng để cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết liên quan đến XHH thì không được miễn, tương tự như đối với đơn vị sự nghiệp công lập - theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

Hai là, việc xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai. Theo đó, cần thiết sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP như sau:

- Cơ sở thực hiện XHH được miễn, giảm tiền thuê đất khi sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

- Diện tích đất sử dụng vào mục đích XHH được miễn, giảm tiền thuê đất. Trường hợp sử dụng tài sản gắn liền với đất để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thì phải nộp tiền thuê đất tương ứng với thời gian sử dụng, tỷ lệ diện tích nhà, công trình sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ thời điểm có quyết định sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh hoặc kể từ thời điểm ký hợp đồng cho thuê, hợp đồng liên doanh, liên kết.

- Việc xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình XHH theo quy định của pháp luật đất đai.

Ba là, Triển khai chính sách ưu đãi về thuế: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã thực hiện ưu đãi miễn, giảm cho các dự án XHH giai đoạn 2011 - 2015 là khoảng 159 tỷ đồng. Giai đoạn tiếp theo, ưu đãi về thuế doanh nghiệp kích thích doanh nghiệp đầu tư vào XHH giáo dục.

Qua nghiên cứu về chính sách ưu đãi về thuế trong thực hiện XHH lĩnh vực giáo dục cho thấy các tồn tại, vướng mắc chủ yếu hiện nay là: Đối với lệ phí trước bạ, theo Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP quy định: “Cơ sở thực hiện XHH được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn với đất; được miễn các khoản phí, lệ phí khác liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn với đất. UBND cấp tỉnh xem xét quyết định miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng theo quy định của pháp luật đối với cơ sở thực hiện XHH.”

Thời gian qua, cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đã được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xã hội hóa giáo dục – đào tạo đã đóng góp khoảng 4.700 tỷ đồng cho phát triển lĩnh vực giáo dục hàng năm (tương đương 2% ngân sách chi cho giáo dục).

Như vậy, để đảm bảo thực hiện hiệu quả cơ chế XHH lĩnh vực giáo dục, cần sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP như sau: “Nhà, đất của các cơ sở thực hiện XHH trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà phục vụ cho các hoạt động này được miễn lệ phí trước bạ”.

Triển khai chính sách ưu đãi về tín dụng: Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, tính đến ngày 30/9/2016 đã triển khai cho vay đối với 94 dự án thuộc lĩnh vực XHH với tổng số vốn giải ngân là khoảng 7.022 tỷ đồng/9.652 tỷ đồng được Ngân hàng  Phát triển Việt Nam đã duyệt cho vay.

Nghị định số 69/2008/NĐ-CP quy định như sau: Cơ sở thực hiện XHH thuộc phạm vi, đối tượng quy định tại Điều 1, Điều 2 Nghị định này được vay vốn tín dụng đần tư hoặc hỗ trợ sau đầu tư theo quy định về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Thực tiễn triển khai cho thấy, cần tiếp tục nguyên cứu sửa đổi, bổ sung như sau: “Cơ sở thực hiện XHH thuộc phạm vi, đối tượng quy định tại Nghị định này thuộc danh mục vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước được vay vốn tín dụng đần tư hoặc hỗ trợ sau đầu tư theo quy định về tín dụng đầu tư của Nhà nước“.

Nghị định số 69/2008/NĐ-CP quy định: Cơ sở thực hiện XHH thuộc phạm vi, đối tượng quy định tại Điều 1, Điều 2 Nghị định này được vay vốn tín dụng đần tư hoặc hỗ trợ sau đầu tư theo quy định về tín dụng đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng tài chính và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ nợ xấu tăng cao, ngân sách nhà nước còn nợ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam lớn (đến hết năm 2018 là khoảng 14.289 tỷ đồng). Trong giai đoạn tới, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định hiện hành; quyết liệt thực hiện các giải pháp thu hồi nợ xấu; tập trung nhân lực, nguồn lực và thực hiện tái cơ cấu tổng thể hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo mục tiêu phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Điều này cũng đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung vào Nghị định số 69/2008/NĐ-CP như sau: “Cơ sở thực hiện XHH được phép huy động vốn phù hợp với loại hình thành lập theo quy định của pháp luật bao gồm: Vốn góp thành phần ban đầu; Huy động vốn từ lợi nhuận không chia; Huy động vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu; Huy động vốn từ việc hợp tác, liên kết liên doanh với các doanh nghiệp; Huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, tài chính, các tổ chức kinh tế và cá nhân và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật".

Kết luận

Nghiên cứu này đã khái quát hệ thống cơ chế chính sách và đánh giá những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện cơ chế chính sách XHH giáo dục và đề xuất giải pháp điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng đến thực hiện thành công chính sách XHH giáo dục.

Đến nay, hệ thống chính sách khá đầy đủ tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP XHH dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục ở nước ta tạo ra bước đột phá, thu hút nhiều nguồn lực nhằm thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh XHH giáo dục; Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 làm rõ nội dung xã hội hóa giáo dục và nhà đầu tư giáo dục; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/06/2919 về tăng cường các nguồn lực xã hội cho đầu tư cho giáo dục giai đoạn 2019-2025 với mục tiêu phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động sự tham gia đóng góp của xã hội đối với công tác giáo dục.

Trong quá trình thực hiện cơ chế chính sách XHH lĩnh vực giáo dục, các chính sách ưu đãi về đất đai còn tràn lan, xảy ra hiện tượng lợi dụng, nhất là ở địa bàn các đô thị trong lĩnh vực XHH giáo dục đặt ra yêu cầu cần phải điều chỉnh chính sách để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi về thuế còn có tồn tại, vướng mắc thực hiện mục tiêu ưu đãi về thuế doanh nghiệp kích thích doanh nghiệp đầu tư vào XHH giáo dục, cần thiết điều chỉnh cơ sở thực hiện XHH có thu nhập từ hoạt động XHH được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

Cần có ưu đãi tín dụng khuyến khích đầu tư cho xã hội, như là cơ sở thực hiện XHH được phép huy động vốn phù hợp với loại hình thành lập theo quy định của pháp luật bao gồm huy động vốn từ lợi nhuận không chia, huy động vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu, huy động vốn từ việc hợp tác, liên kết liên doanh với các doanh nghiệp, huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, tài chính, các tổ chức kinh tế và cá nhân và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, còn hạn chế chậm trễ khâu triển khai chính sách xã hội hóa lĩnh vực giáo dục.  Do đó, cần nâng cao nhận thức với cán bộ công chức các bộ, ngành, tăng cường khâu truyền thông chính sách XHH giáo dục.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2014), Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

2. Đỗ Anh Đức và Lê Hùng Sơn (2019), “Xã hội hóa dịch vụ công ở Việt Nam”. Tạp chí Cộng sản 4/2019;

3. Trần Ngọc Hiên (2017), “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Xã hội hóa dịch vụ công: Quan điểm tiếp cận và kinh nghiệm từ một số nước”;

4. Lê Ngọc Khánh (2019), “Đổi mới dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục”. Hội thảo Khoa học : Khoa Luật – Đại học Quốc Gia Hà Nội - Viện Nghiên cứu lập pháp và Khoa Luật (Trường Đại học Vinh);
5. Nghi Kiều (2019), “Đổi mới chính sách tài chính đất đai khuyến khích xã hội hóa”;

6. Nguyễn Lộc (2009), Thu hút đầu tư cho giáo dục chưa như mong đợi; Báo Thời nay.