Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Vững tin để bước tới

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Năm 2013 với nỗ lực vượt bậc và sự đoàn kết, đồng lòng của toàn ngành Tài chính, sự hỗ trợ vào cuộc thực sự của các ngành và các địa phương, ngành Tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2013. "Thống nhất từ ý chí đến hành động" là bài học của sự thành công đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Vững tin để bước tới. Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời phỏng vấn của phóng viên. Bộ trưởng chuyển tới cán bộ công chức (CBCC) toàn ngành Tài chính thông điệp đầu năm với niềm tin tưởng CBCC, viên chức toàn ngành Tài chính đồng lòng, đồng sức quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Nguồn: internet
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Nguồn: internet

Phóng viên: Năm 2014 kinh tế trong nước dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng có thể cho biết những định hướng ưu tiên của ngành Tài chính trong năm 2014, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Năm 2014 nền kinh tế trong nước dự báo có chuyển biến tích cực hơn, với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 5,8%, tốc độ lạm phát khoảng 7%, xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức như sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn; yêu cầu tái cơ cấu đầu tư công, DNNN, hệ thống ngân hàng thương mại, yêu câu điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ công phù hợp với cơ chế thị trường ngày càng lớn...

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát của Chính phủ đề ra cho năm 2014: "Tiếp tục củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi nhịp độ tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược", Bộ Tài chính xác định các mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014.

Theo đó, chính sách tài khoá sẽ tiếp tục được thực hiện linh hoạt, phối hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn so chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2014 Quốc hội đã quyết định, đồng thời tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2014, toàn ngành Tài chính cần triển khai thực hiện tốt trên tất cả các mặt công tác, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn an ninh tiền tệ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.

Hai là, triển khai thực hiện thu NSNN quyết liệt ngay từ đầu năm; tăng cường quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng, chống thất thoát, gian lận thương mại, góp phần tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Tổ chức triển khai thu vào NSNN kịp thời đối với cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Từ đó, phấn đấu thu vượt dự toán được Quốc hội quyết định.

Ba là, quản lý chi tiêu chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, gắn với hiệu quả công việc; đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ chi cho các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác, không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định); hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án. Giữ bội chi NSNN trong phạm vi mức Quốc hội quyết định (5,3% GDP). Cùng với đó là phải quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Bốn là, về tái cấu trúc nền kinh tế, ngành Tài chính cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, từ đó nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là yêu cầu rất quan trọng, mang tính chiến lược cần tập trung thực hiện quyết liệt trong năm 2014.

Năm là, về hoàn thiện thể chế tài chính, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, trước hết là hệ thống pháp luật về thuế, hải quan, ngân sách, quản lý tài chính doanh nghiệp, với mục tiêu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong xây dựng các phương án đàm phán về thuế, hải quan, thương mại.

Sáu là, quản lý và điều hành giá các mặt thiết yếu (như xăng dầu, than, điện, gas...) phải thực hiện theo quy định tại Luật Giá và phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công; thực hiện cơ chế, chính sách thích hợp để giá các dịch vụ giáo dục, y tế từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường, đồng thời hỗ trợ hợp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách.

Bảy là, tăng cường về kỷ luật, kỷ cương tài chính; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hải quan, thuế để tạo môi trường thể chế minh bạch, hiệu quả, giúp cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Thưa Bộ trưởng, trong năm 2014 nhiệm vụ đảm bảo thu- chi NSNN theo dự toán được giao trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời phải thực hiện nhiều giải pháp về thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu... là áp lực không nhỏ đối với ngành Tài chính, Bộ trưởng có thể chia sẻ một số giải pháp chủ yếu về NSNN sẽ được bộ Tài chính triển khai thực hiện trong năm nay?

Trên cơ sở  kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và dự báo bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, đồng thời xét đến yếu tố tác động do điều chỉnh chính sách thu, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng. Trong đó: thu nội địa là 539.000 tỷ đồng; thu dầu thô là 85.200 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 154.000 tỷ đồng (trên cơ sở số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 224.000 tỷ đồng, số chi hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) 70.000 tỷ đồng) và thu viện trợ là 4.500 tỷ đồng. Bộ Tài chính đặt mục tiêu phấn đấu thu nội địa tăng tối thiểu 5%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng tối thiểu 3% so với dự toán Quốc hội, Chính phủ đã giao, số hoàn thuế GTGT không quá 70 nghìn tỷ đồng.

Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2014, cùng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Tỉnh ủy/Thành ủy và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đảm bảo phấn đấu thực hiện được các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã đề ra, là cơ sở tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước; Bộ Tài chính tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp quản lý thu, trong đó tập trung ưu tiên vào một số nhóm giải pháp trọng tâm như: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thuế theo hướng công bằng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện đúng pháp luật về thuế; tăng cường quản lý, theo dõi sát sao, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế theo hướng thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật;  tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chống buôn lậu và gian lận trong hoàn thuế GTGT; tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu hồi tiền nợ thuế, đảm bảo thực hiện đúng, đủ các biện pháp quản lý nợ đối với người nộp thuế...

Về chi NSNN, dự toán chi NSNN năm 2014 là 1.006.700 tỷ đồng, tăng 28.700 tỷ đồng (2,9%) so dự toán năm 2013, trong đó phải dành khoảng 54.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ tăng chi (chi trả nợ 15.000 tỷ đồng, chi tiền lương tăng thêm 20.000 tỷ đồng,...). Như vậy, thực chất dự toán chi NSNN năm 2014 giảm 25.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2013, rất thấp so với nhu cầu chi của năm 2014, chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên còn lại (sau khi đảm bảo tiền lương, chính sách chế độ cho con người) đều thấp hơn so với dự toán năm 2013, nên đòi hỏi phải bố trí chi hết sức chặt chẽ, triệt để tiết kiệm.

Về bội chi NSNN, Quốc hội đã thông qua mức bội chi NSNN năm 2014 là 5,3% GDP. Với tỷ lệ bội chi này cùng với việc tăng mức phát hành trái phiếu Chính phủ, dự kiến đến 31/12/2014 dư nợ công khoảng 59,8% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 46,2% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,4% GDP. Các chỉ số nợ mặc dù vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng cũng tạo nên sức ép khá lớn trong việc bố trí và cân đối nguồn trả nợ, nên cần được quản lý và giám sát chặt chẽ, đồng thời trong quá trình điều hành NSNN nếu có tăng thu ngân sách trung ương so dự toán sẽ dành ưu tiên để tăng chi trả nợ.

Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ, Bộ trưởng có thông điệp gì gửi đến CBCC, viên chức trong toàn ngành Tài chính?

Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan phấn đấu thu NSNN năm 2014 vượt dự toán đã được giao như trên đã nêu, nhiệm vụ của các lĩnh vực công tác khác cũng rất lớn và nhiều thách thức. Tôi cho rằng, để đạt được các chỉ tiêu phấn đấu này không dễ dàng, do kinh tế trong nước đã bước đầu phục hồi đà tăng trưởng nhưng vẫn mức độ còn chậm, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, việc điều chỉnh chính sách thu theo hướng giảm mức nghĩa vụ đóng cho cho doanh nghiệp và người dân, cũng như thực hiện cam kết hội nhập quốc tế; mặt khác, kinh tế thế giới vẫn còn những áp lực nhất định và ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Do đó, ngành Tài chính sẽ phải tiếp tục triển khai tốt các giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền các địa phương, phấn đấu nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Tôi mong muốn và tin tưởng rằng CBCC, viên chức, toàn ngành Tài chính sẽ đồng lòng, đồng sức; làm việc nhiệt tình và sáng tạo; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; thực hiện tốt trách nhiệm công chức và công vụ; đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.