Vai trò của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải pháp phát triển kinh tế Việt Nam
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xác định là một thành phần kinh tế quan trọng đối với Việt Nam. Làm thế nào để phát huy tốt hơn nữa vai trò của FDI trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội là vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu thỏa đáng. Bài viết này phân tích, đánh giá thực trạng thu hút FDI và hiệu quả của FDI đối với kinh tế Việt Nam, từ đó kiến nghị giải pháp phát huy vai trò của FDI đối với phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Công cuộc đổi mới của Việt Nam bắt đầu từ năm 1986. Từ thời điểm này, Việt Nam thực hiện chủ trương thu hút vốn FDI để phát triển kinh tế-xã hội. Thực tiễn cho thấy, với chính sách mở cửa, ưu đãi mạnh mẽ mà lượng vốn FDI vào Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam khởi sắc.
Hiện nay, Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nền kinh tế chậm phát triển và vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy vậy, vẫn còn có những quan điểm khác nhau khi đánh giá vai trò của FDI đối với nền kinh tế. Có ý kiến cho rằng, FDI đóng vai trò quan trọng, giúp phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng, càng thu hút FDI càng thua thiệt (thiệt hại từ ô nhiễm môi trường do FDI, thất thoát do chuyển giá, trả công lao động rẻ cho nhân lực Việt Nam…).
Tổng lợi ích do FDI mang lại và thất thoát giá trị do FDI gây ra cũng chưa được tính toán. Trong bối cảnh đó, tác giả tiến hành nghiên cứu vấn đề hiệu quả kinh tế của FDI, vai trò của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam và kiến nghị các giải pháp cần thực hiện để phát huy vai trò của FDI trong những năm tới.
Lý thuyết về vai trò và phân tích vai trò của FDI đối với nền kinh tế
Trên phạm vi thế giới, nhiều nghiên cứu cho thấy, FDI có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của quốc gia đang phát triển, thể hiện ở những điểm chủ yếu sau đây: Khỏa lấp thiếu hụt về vốn đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội; Góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa công nghệ của nền kinh tế; Tiếp thu kinh nghiệm quản lý tiên tiến để phát triển kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn; Tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao và tinh thần lao động sáng tạo, có kỷ cương, kỷ luật; Gia tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giải quyết đói nghèo, nâng cao đời sống người dân; Góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; Thúc đẩy phát triển của đội ngũ doanh nghiệp trong nước; Mở rộng giao thương quốc tế, phát triển thị trường và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh ảnh hưởng tích cực, quá trình thu hút và hoạt động của khu vực FDI cũng xuất hiện những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của nước thu hút FDI. Trong đó, có thể kể đến như: Gây ô nhiễm môi trường vì trốn tránh không xây dựng công trình xử lý chất thải; Trốn nộp thuế thông qua khai báo “lỗ giả lãi thật” làm thiệt hại cho nền kinh tế của quốc gia thu hút FDI; Thông qua việc chuyển giá để thực hiện “lỗ giả lãi thật”, làm thất thoát nguồn thu của quốc gia thu hút FDI; Có thể trốn tránh trách nhiệm đối với người lao động thông qua việc không thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội và bỏ qua những quyền lợi đáng có của người lao động theo pháp luật của nước thu hút FDI…
Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh tế FDI
Trong quá trình nghiên cứu hiệu quả kinh tế FDI ở tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời, tham khảo các nghiên cứu trong nước, tác giả xác định được các chỉ tiêu định lượng chủ yếu, phản ánh hiệu quả kinh tế FDI. Cụ thể:
Một là, các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế của bản thân khu vực FDI.
- Chỉ tiêu 1: Năng suất lao động của khu vực FDI (hay nói cách khác là hiệu suất sử dụng một lao động của khu vực FDI) hoặc thu nhập bình quân 1 lao động.
- Chỉ tiêu thứ 2: Tỷ suất lợi nhuận trước hoặc sau thuế.
Hai là, đóng góp của khu vực FDI cho nền kinh tế quốc gia.
- Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào tăng trưởng kinh tế.
- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào độ mở của nền kinh tế hay đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của quốc
- Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào ngân sách nhà nước.
- Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào tạo việc làm cho người lao động.
Ngoài những chỉ tiêu trên, nếu thu thập và tính toán được số liệu khác thì có thể tính thêm cả mức độ đóng góp vào hiện đại hóa nền kinh tế (thông qua chỉ tiêu tỷ trọng đóng góp vào hiện đại công nghệ của nền kinh tế), số người được nuôi sống do lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI…
Đánh giá hiệu quả FDI đối với phát triển kinh tế của Việt Nam
Thành tựu phát triển kinh tế và thu hút FDI
Trong những năm qua, Việt Nam liên tục đạt bước phát triển tích cực, luôn đứng trong nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển nhanh, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cao; đời sống người dân được nâng lên, thứ tự năng lực cạnh tranh quốc tế được cải thiện.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, khu vực FDI luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cả nước. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,9%/năm ở giai đoạn 2011-2015 và khoảng 6,75 %/năm ở giai đoạn 2016-2019. Trong khi đó, khu vực FDI có tốc độ tăng trưởng khoảng 8,4% năm 2010; khoảng 10,6% năm 2019. GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện thấp hơn so với nhóm các nước dẫn đầu ASEAN. Năm 2019, GDP/người của Việt Nam đạt khoảng 2.750 USD, bằng khoảng 4% của Singapore, 22,5% của Malaysia, 35,3% của Thái Lan.
Trong hơn 30 năm thu hút vốn FDI, Việt Nam đã thu hút trung bình hơn 7 tỷ USD/năm, bình quân khoảng 2,2 triệu USD/người dân.
Trong giai đoạn 1988-2019, vốn FDI thực hiện bằng khoảng 47% vốn đăng ký. Phần lớn vốn FDI đến từ các nước có công nghệ trung bình và không nắm giữ công nghệ cao chiếm tỷ trọng lớn. Thực tế này đặt ra vấn đề, Việt Nam cần có giải pháp thu hút
các nhà đầu tư FDI đến từ các quốc gia phát triển, nắm giữ công nghệ hàng đầu, có tiềm năng tài chính và có thị trường rộng lớn.
Vai trò và hiệu quả FDI đối với nền kinh tế Việt Nam
Với số liệu nghiên cứu, tổng hợp và theo các chỉ tiêu đã xác định, tác giả đánh giá hiệu quả khu vực FDI trong giai đoạn 2011-2019 như sau: Giai đoạn 2011-2019, khu vực FDI đóng góp khoảng 25,7% cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 13% GDP năm 2010 và 19,6% GDP năm 2019.
Đến năm 2019, lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn FDI vào khoảng 6,1 triệu người. Năng suất lao động của khu vực FDI đạt mức khoảng 118 triệu đồng (giá năm 2010), đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8,7%/năm (cao hơn rất nhiều so với năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp trong nước: 8,7/4,6). Theo Sách trắng doanh nghiệp năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, thu nhập trung bình 1 lao động của khu vực doanh nghiệp FDI đạt khoảng 11,2 triệu đồng/tháng, cao hơn mức trung bình của nền kinh tế khoảng 1,2 lần (11,2/9,6).
Đối với thu ngân sách nhà nước, thu trong nước chiếm tỷ trọng lớn. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách nhà nước trong những năm gần đây (tỷ lệ 10,8% năm 2010 tăng lên khoảng 13,6% năm 2019). Đây là tín hiệu tốt nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm lực thực tế của khu vực FDI.
Điều này cho thấy, đóng góp của FDI cho nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế. Khu vực FDI chiếm khoảng 23-24% vốn đầu tư xã hội nhưng chỉ đóng góp khoảng 19,6% vào tổng GDP của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực FDI đóng góp lớn và gia tăng độ mở của nền kinh tế do tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011- 2018, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp FDI đạt trung bình khoảng 6,2%, trong khi mức trung bình doanh nghiệp của cả nước chỉ đạt khoảng 3,85%. Tuy nhiên, do chưa tính toán được thất thoát do chuyển giá của nhiều doanh nghiệp FDI nên thực chất hiệu quả của khu vực FDI chưa thể khẳng định.
Việc đánh giá vai trò FDI đối với sự phát triển của nền kinh tế có thể tiến hành được, đây là công việc có cơ sở khoa học vững chắc. Đối với các chỉ tiêu mà tác giả đã xác định để đánh giá hiệu quả khu vực FDI thể hiện vai trò của FDI là khả thi và có thể tính toán được. Kết quả phân tích cho thấy, vai trò FDI đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, cả trong hiện tại và tương lai. Vì thế, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm thu hút được nhiều hơn và phát huy tốt vai trò của FDI đối với kinh tế-xã hội Việt Nam có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, tác giả đề xuất một số nhóm giải pháp gồm:
Thứ nhất, có những chủ trương, định hướng mới trong thu hút vốn FDI để tăng tốc nền kinh tế.
Gia tăng thu hút các dự án FDI có quy mô vốn lớn, nắm giữ công nghệ cao đến từ các nước phát triển hàng đầu trên thế giới là chủ trương xuyên suốt được đặt ra. Theo đó, để thực hiện tốt điều này, Việt Nam cần có chính sách đảm bảo thu hút vốn FDI chiếm khoảng 25-27% vốn đầu tư xã hội để nền kinh tế bứt tốc. Mỗi năm phấn đấu thu hút khoảng 20 tỷ USD và tỷ lệ vốn thực hiện khoảng 70-75% số vốn đăng ký. Cùng với đó, nâng tỷ lệ vốn FDI đến từ các nước phát triển hàng đầu thế giới để phát triển mạnh hơn nữa công nghiệp điện tử, chế tạo máy móc thiết bị với công nghệ cao, có nhiều giá trị gia tăng và có khả năng xuất khẩu lớn. Đồng thời, làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong nước, góp phần tạo nên các chuỗi giá trị trong nước.
Dự báo đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 120 triệu dân, tiếp tục ổn định về chính trị, kinh tế; Việt Nam cần phát triển mạnh các lĩnh vực tự động hóa, cơ điện tử, máy móc phục vụ sản xuất hàng hóa–điện– vận tải, viễn thông, thuốc chữa bệnh, vận tải biển, logistics, chữa bệnh, du lịch.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách thu hút vốn FDI, đảm bảo đồng bộ, nhất quán.
Từ Trung ương đến địa phương cần đưa ra các cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng nhà đầu tư FDI, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư làm ăn có hiệu quả,
lâu dài và ổn định. Theo lý thuyết, lợi nhuận là đòi hỏi hàng đầu đối với các nhà đầu tư nói chung. Tuy nhiên, cần có các chính sách hạn chế đến mức tối thiểu tình trạng chuyển giá và khai báo “lỗ giả lãi thật” gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, ban hành các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong môi trường đầu tư của Việt Nam như: hỗ trợ nhân lực chất lượng cao, giảm hoặc miễn tiền thuê đất, giảm thuế nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu và các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ khi vào Việt Nam làm ăn. Mặt khác, hạn chế những dự án chỉ có công nghệ trung bình, sử dụng nhiều đất và tiêu tốn nhiều điện lại có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển.
Việt Nam cần tập trung đào tạo nhân lực quản lý bậc trung và nhân lực làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi số. Chính phủ ưu tiên hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực cho những dự án sử dụng công nghệ cao, quy mô lớn phù hợp với hình thành các lĩnh vực mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực của Việt Nam.
Thứ tư, phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước nhằm hình thành chuỗi giá trị.
Phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng, quy mô và chất lượng có năng lực kết nối với doanh nghiệp FDI là yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập, thu hút FDI.
Theo đó, thời gian đầu nên phát triển mạnh hình thức liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước để hình thành đội ngũ đủ năng lực chế tạo thiết bị, linh kiện phục vụ lắp ráp cho các doanh nghiệp FDI lớn. Sau đó thực hiện từng bước mua lại doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của người nước ngoài.
Việt Nam là quốc gia vừa thiếu công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại, vừa thiếu nguyên liệu theo yêu cầu của các nhà lắp ráp lớn đã đầu tư vào Việt Nam nên Nhà nước cần có kế hoạch khả thi, thực tế để phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh.
Thứ năm, đánh giá hiệu quả kinh tế FDI trên phạm vi cả nước
Hàng năm tổ chức triển khai đánh giá hiệu quả kinh tế của FDI trên phạm vi cả nước. Để thực hiện nội dung này, Nhà nước nên có hướng dẫn đánh giá hiệu quả FDI thống nhất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, cần xây dựng các chỉ tiêu định lượng và cách đánh giá thiệt hại do chuyển giá của doanh nghiệp FDI; Nên hình thành cổng thông tin điện tử về FDI và công khai kết quả đánh giá hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân được biết một cách công khai, minh bạch.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020, NXB Thống kê;
- Lâm Thùy Dương (2019), Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam: Tư duy mới và một số kiến nghị, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1+2, tháng 02/2019 (698+699);
- Tổng cục Thống kê (2019), Niên giám thống kê Việt Nam 2019;
- Ngô Doãn Vịnh, (2005), Bàn về phát triển kinh tế: Nghiên cứu con đường dẫn tới giàu sang, NXB Chính trị quốc gia;
- Ngô Thúy Quỳnh (2019), Quản lý phát triển bền vững ở Việt Nam, Tạp chí khoa học, Trường Đại học Hùng Vương, số 2/2019;
- http://baochinhphu.vn/Thong-cao-bao-chi/Thu-tuong-chu-tri-Hoi-nghi- cai-thien-nang-suat-lao-dong-quoc-gia;
- https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/lao-dong-viec-lam-trong-xu-the-moi- cua-von-fdi.