Xuất khẩu ước đạt hơn 331 tỉ USD, tăng hơn 17% so với năm 2020

Theo Khánh Trung/Báo Cần Thơ

Qua 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm nay của nước ta ước đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Cán cân thương mại năm 2021 ước xuất siêu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: Khánh Trung
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: Khánh Trung

Theo Bộ Công Thương, do tác động nặng nề của dịch COVID-19, năm 2021 là thời gian đầy khó khăn của nền kinh tế, trong đó có hoạt động xúc tiến xuất khẩu và xuất khẩu. Hầu như tất cả các hoạt động xúc tiến cơ bản nhất và hiệu quả nhất như hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm… đều đã bị gián đoạn một cách nghiêm trọng bởi dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội.

Trong bối cảnh hết sức khó khăn đó, hoạt động xúc tiến xuất khẩu đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng với tình hình, từ đó góp phần giúp duy trì sản xuất và xuất khẩu, đóng góp không nhỏ vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất khẩu năm nay.

Qua 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm nay của nước ta ước đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Cán cân thương mại năm 2021 ước xuất siêu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020…

Tại diễn đàn, bên cạnh việc cập nhật, cung cấp các thông tin về tình hình thực hiện XTTM và hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta, các diễn giả và đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ các xu thế thị trường, khả năng phục hồi và phát triển của kinh tế thế giới trong bối cảnh còn ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đồng thời, nhận diện các cơ hội thị trường, trao đổi về nhu cầu hỗ trợ XTTM của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương, cũng như các giải pháp xúc tiến xuất khẩu hiệu quả trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Qua đó, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, duy trì, phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh mới của thương mại toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh lưu ý Cục XTTM tiếp thu các ý kiến của đại biểu để xây dựng các định hướng, chương trình XTTM phù hợp, thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 trong năm 2022, khắc phục được những vướng mắc, nhất là trong chuyến đổi số. Trong đó, cần quan tâm hoàn thiện môi trường pháp lý cho chuyển đổi số để đẩy mạnh chuyển đổi số và có các phương tiện, mô hình chuyển đổi số phù hợp.

Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền đến doanh nghiệp cần có sản phẩm xanh, sạch và phải coi lợi ích của người tiêu dùng là tối thượng để đẩy mạnh xuất khẩu. Trong mọi chương trình XTTM, mục tiêu đầu tiên là định hướng người sản xuất làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng…