Sự trưởng thành của chứng khoán Việt

Theo Huy Ngọc/nhadautu.vn

Thị trường đã không còn tâm lý bầy đàn, FOMO thái quá như trước đây. Dòng tiền thông minh luân chuyển giữa các nhóm ngành, trình độ nhà đầu tư được cải thiện đáng kể giúp thị trường có sức chống chịu tốt trước các cú shock bất ngờ.

 Thị trường chứng khoán Việt Nam đang từng bước trưởng thành. Ảnh: Trọng Hiếu.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang từng bước trưởng thành. Ảnh: Trọng Hiếu.

Kết thúc phiên 30/3, chỉ số chính VN-Index giảm 7,25 điểm, tương đương 0,48% về 1.490,51 điểm, trong khi VN30-Index giảm nhẹ 0,34 điểm (0,02%) về 1.500,23 điểm.

Đây là phiên giao dịch nhận được nhiều sự chú ý, sau khi Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam vào chiều tối 29/3 với cáo buộc Thao túng thị trường chứng khoán.

Không ít người lo ngại thị trường sẽ giảm sâu trước thông tin này. Tuy nhiên thực tế diễn ra êm đềm hơn đáng kể. VN-Index có thời điểm trong phiên còn tăng hơn 6 điểm, vượt ngưỡng tâm lý 1.500 điểm.

Trước đó, trong phiên 29/3, VN-Index cũng đã bật tăng tới 14,58 điểm, lấy lại phần lớn những gì đã mất (15,32 điểm) trong phiên đầu tuần 28/3, cũng bởi thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị cấm xuất cảnh.

Như vậy, so với cuối tuần trước, VN-Index sau 3 phiên chịu nhiều ảnh hưởng từ vụ việc FLC chỉ giảm 7,99 điểm, tương đương 0,5%. Thú vị là, VN30-Index thậm chí không giảm, mà còn tăng nhẹ 1,87 điểm kể từ đầu tuần. 

Diễn biến này có thể mang tới sự bất ngờ với không ít nhà đầu tư, khi nhìn lại các đợt sập rất sâu của thị trường trong quá khứ liên quan đến bắt ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), sự kiện giàn khoan HD981 hay tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà.

Tâm lý bầy đàn, thiếu ổn định được cho là một đặc tính cố hữu của thị trường chứng khoán Việt Nam. Các cú shock bất ngờ trước đây luôn dễ dàng khiến thị trường điều chỉnh mạnh, khi các nhà đầu tư mang hàng ra bán không cần biết lý do.

Chỉ mới đầu năm ngoái, trong phiên 28/1/2021, thông tin xuất hiện các ca bệnh COVID-19 mới cùng tình trạng nghẽn lệnh đã kích hoạt phiên giảm điểm sâu nhất lịch sử; VN-Index có thời điểm giảm tới 71 điểm, tương đương 6,46%. Cổ phiếu, bất kể tốt hay xấu, penny hay bluechip, đều bị mang ra bán với lệnh MP. Thị trường rơi vào không khí hoảng loạn chưa từng thấy.

VN-Index sau đó có nhịp điều chỉnh từ 1.200 về dưới 1.000 điểm, nhưng như đã biết, chỉ số chính tới nay đã tăng 50% từ mốc này.

Nhà đầu tư, đặc biệt lớp nhà đầu tư mới bắt đầu hiểu được "cuộc chơi" của thị trường: giảm rồi lại lên, đặt trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô vẫn ủng hộ chứng khoán trong trung, dài hạn. Đây có chăng là một nguyên nhân khiến từ cuối tháng 1 năm ngoái đã không còn các đợt giảm sâu toàn thị trường. 

Không chỉ về vụ việc bắt ông Trịnh Văn Quyết, mà sự trưởng thành của thị trường đã bắt đầu rõ nét từ giữa năm ngoái. Đợt điều chỉnh sâu của nhóm vốn hoá lớn, đặc biệt là ngân hàng và thép từ đầu tháng 7/2021 tưởng chừng sẽ "nhấn chìm" toàn thị trường. Thực tế hoàn toàn trái ngược. Ngay cả trong những phiên giảm điểm mạnh nhất, dòng tiền bất ngờ chảy vào 2 nhóm hoá chất - phân bón và logistics - cảng biển, đẩy thị giá các nhóm này tăng bằng lần cho tới cuối năm ngoái.

Dòng tiền thông minh sau đó tiếp tục luân chuyển qua các nhóm ngành bất động sản, xây dựng, đầu tư công, bảo hiểm...Quá trình đó giúp chênh lệch giữa VN-Index và VN30-Index dần được nới hẹp, từ có lúc lên hơn 200 điểm, nay gần như ngang bằng nhau.

Nhóm vốn hoá lớn, chủ yếu là ngân hàng, thép, sau thời gian tích luỹ khoảng 9 tháng đang ở nền giá vững chắc, điều này cũng giúp thị trường chống đỡ các phiên giảm sâu trước những thông tin bất lợi.

Một nguyên nhân quan trọng hỗ trợ thị trường là dòng vốn mới vẫn liên tục gia nhập, với lớp nhà đầu tư F0 không ngừng tham gia thị trường. Lớp nhà đầu tư mới chủ yếu là thế hệ thanh niên và trung niên, là những người có nền tảng kiến thức và sẵn sàng học hỏi, tích luỹ kiến thức về chứng khoán.

Đây hứa hẹn sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng của thị trường trong dài hạn. Những lo ngại về dòng tiền rút đi do lạm phát, lãi suất tăng lên, hay quay về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, bởi vậy sẽ không còn quá lớn như các giai đoạn trước đây.

Với riêng vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, nhà đầu tư chân chính kỳ vọng đây mới chỉ là sự mở đầu trong một công cuộc làm sạch mạnh mẽ thị trường chứng khoán, nhằm hướng tới một môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, tăng trưởng bền vững. Cùng với đó, quá trình này nếu thực hiện liêm chính và hiệu quả, chắc hẳn cũng sẽ thu hút trở lại dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán trong nước.