Sự tương quan giữa chính sách tiền tệ và VN-Index

Minh Lâm

Các dữ liệu trong quá khứ cho thấy, chu kỳ tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam thường song hành với chính sách nới lỏng tiền tệ. Ngược lại, chính sách tiền tệ không ổn định khiến VN-Index biến động xấu.

Thị trường chứng khoán thường tăng tốt khi chính sách tiền tệ nới lỏng và ổn định.
Thị trường chứng khoán thường tăng tốt khi chính sách tiền tệ nới lỏng và ổn định.

Trong Báo cáo chiến lược cho nhà đầu tư chứng khoán nửa cuối năm 2023, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, mặc dù có tuổi đời còn “trẻ” so với các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới nhưng VN-Index cũng không nằm ngoài sự vận động theo một chu kỳ kinh tế.

Điều cần quan tâm là chu kỳ này thường bắt đầu khi thị trường bước vào giai đoạn nới lỏng tiền tệ, lãi suất điều hành giảm, tỷ giá ổn định, thanh khoản thị trường gia tăng khi nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chạm đáy.

Nhìn lại diễn biến của thị trường trong quá khứ, từ năm 2008 đến nay, luôn có mối tương quan giữa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và VN-Index.

Điểm lại giai đoạn 2008-2011, chính sách tiền tệ không ổn định, VN-Index biến động mạnh. Đây là giai đoạn khó khăn khi lạm phát liên tục đạt các mức cao 19,9% (năm 2008); 11,8% (năm 2010) và 18,1% (năm 2011).

Cùng lúc này, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Do đó, NHNN đã không thể duy trì một chính sách nhất quán, gây bất ổn cho mặt bằng lãi suất huy động và khiến VN-Index tăng giảm thất thường. Cụ thể, chỉ số lao dốc hơn 65% trong năm 2008 trước khi bật tăng 160% trong giai đoạn tháng 2-10/2009, sau đó điều chỉnh về mức 350 điểm ở năm 2011.

Bước sang năm 2012-2014, lạm phát giảm dần đã tạo điều kiện để NHNN giảm mạnh lãi suất tái cấp vốn từ mức 8,5% về 6,5%/năm và duy trì điều này trong thời gian dài, qua đó kéo mặt bằng lãi suất huy động về 6,8%/năm từ 14%/năm giúp thúc đẩy sự đi lên của thị trường chứng khoán. Cụ thể, VN-Index lần lượt tăng mạnh 41,3% (năm 2012); 20,6% (năm 2013) trước khi tạo đỉnh 640,75 điểm (năm 2014).

Giai đoạn 2015-2018, NHNN tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng, VN-Index tạo đỉnh lần nữa. Trong giai đoạn này, lãi suất tái cấp vốn tiếp tục lùi về mức 6,25%/năm, lãi suất huy động cũng giảm từ 6,8%/năm về 6,5%/năm. Mặc dù lãi suất điều hành chỉ giảm nhẹ nhưng việc duy trì ổn định trong phần lớn thời gian đã giữ lãi suất huy động ở mức thấp trong thời gian dài, thúc đẩy VN-Index bùng nổ từ năm 2017 đến tháng 4/2018.

Trong những năm 2019-2021, NHNN thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, VN-Index thiết lập mức cao kỷ lục. Trong thời gian này, dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu suy giảm và buộc NHNN thực hiện chính sách nới lỏng kết hợp bơm tiền với giảm lãi suất, lãi suất tái cấp vốn về 4%/năm từ 6,25%/năm. Lãi huy động cũng giảm về mức 5,7%/năm từ 6,5%/năm.

Với chính sách “siêu nới lỏng”, VN-Index tăng kỷ lục hơn 200% từ tháng 4/2020 đến hết năm 2021 và lập đỉnh quanh mốc 1.500 điểm. Đến năm 2022, chính sách tiền tệ đảo chiều cũng là giai đoạn VN-Index lao dốc, đánh mất hơn 30% số điểm. Việc thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch đã khiến nhu cầu hàng hóa tăng cao. Xung đột Nga - Ukraine diễn ra cùng việc Trung Quốc duy trì "Zero COVID" lại khiến chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên căng thẳng, giá hàng hóa tăng vọt gây ra trình trạng lạm phát khắp nơi.

Để kiềm chế lạm phát, ngân hàng trung ương các nước đều đồng loạt chuyển sang thắt chặt, gây áp lực lên tỷ giá VND và buộc NHNN cùng thực hiện chính sách tương tự. Điều này đã kéo lãi tiền gửi tăng cao khiến dòng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán, làm VN-Index mất 32,2% giá trị sau đó.

Hiện tại, sau năm 2022 thắt chặt, chính sách tiền tệ đang bắt đầu được nới lỏng trong bối cảnh tỷ giá ổn định. Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp dường như đã rơi về đáy trong  quý I/2023. Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, kết thúc chu kỳ giảm.