Cải cách thủ tục hành chính thuế: Sửa đổi, đơn giản nhiều chính sách, thủ tục về thuế
Để chính sách, pháp luật về thuế ngày càng đơn giản, dễ thực hiện, mang lại sự thuận lợi cho người nộp thuế, Tổng cục Thuế đang tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách; đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế để hạn chế việc người nộp thuế tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thuế, tránh phát sinh tiêu cực.
Sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017 do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017; trình Bộ Tài chính ban hành 7 thông tư liên quan đến các chính sách, pháp luật về thuế.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục nghiên cứu để trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế với 19 nhóm vấn đề cần sửa đổi, bổ sung sau khi tiếp thu ý kiến của các đơn vị và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính. Ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện Tổng cục Thuế đang phối hợp với Vụ Pháp chế của Bộ Tài chính khảo sát, kiểm tra tình hình thực hiện và đánh giá thi hành các quy định tại Luật Quản lý thuế, Luật Quản lý thuế sửa đổi. Đồng thời, Tổng cục Thuế đã có báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) để phục vụ dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật thuế BVMT.
Bên cạnh việc phối hợp với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) thực hiện các nội dung liên quan đến dự án sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Tổng cục Thuế cũng đã trình Bộ Tài chính ban hành công văn về việc xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho phù hợp với tình hình mới.
Để đánh giá tính hiệu quả của các chính sách, pháp luật thuế, Tổng cục Thuế đang tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp; tiếp tục triển khai đề án nâng cao thứ hạng của Việt Nam đối với chỉ tiêu nộp thuế; xây dựng cơ chế cung cấp dịch vụ “một cửa điện tử” và hỗ trợ trực tuyến cho người nộp thuế của cơ quan thuế. “Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi, đôn đốc toàn ngành triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch cải cách quản lý thuế trung hạn (giai đoạn 2016 - 2018) nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý thuế, cũng như góp phần cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế”, ông Nam cho biết.
Đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính
Để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ, từ đầu năm 2017 đến nay, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính các phương án như: Thủ tục đặt in, tự in hóa đơn được rút ngắn từ 10 ngày còn 4 ngày làm việc (Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC); hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng với nội dung hoàn trả các khoản do doanh nghiệp nộp thừa, bổ sung nội dung cục trưởng cục thuế phải ban hành quyết định gửi người nộp thuế trong ngày ký quyết định hoàn thuế, cơ quan Kho bạc Nhà nước thực hiện việc chi trả tiền hoàn thuế trong thời hạn 1 ngày kể từ khi nhận được quyết định hoàn thuế (Thông tư 31/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 99/2016/TT-BTC)…
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đang rà soát để ban hành mới và sửa đổi các quy trình nghiệp vụ của Tổng cục Thuế liên quan đến người nộp thuế, như: Quy trình bán lẻ, cấp lẻ hóa đơn; Quy trình kế toán thuế nội địa; Quy trình Đăng ký thuế; Quy trình Kê khai và nộp thuế; Quy trình hoàn thuế; Quy trình thanh tra, kiểm tra thuế…
Cùng với công tác cải cách TTHC, Tổng cục Thuế cũng đang từng bước hiện đại hóa công tác quản lý thuế thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt đã đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện khai thuế và nộp thuế điện tử; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cấp mã tự động cho doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp sau thành lập; xây dựng dự thảo quy chế trao đổi thông tin về thu nộp và quản lý chi hoàn thuế giá trị gia tăng giữa cơ quan thuế - KBNN - hải quan...
“Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, trong 7 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Thuế đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến với số lượng TTHC được cung cấp trực tuyến đạt mức 3 trở lên là 127/336 TTHC. 63 cục thuế và Tổng cục Thuế đều đã có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin thuế; cung cấp 8 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, gồm: Kê khai hóa đơn qua mạng, kê khai sử dụng biên lai phí, lệ phí qua mạng; khai thuế qua mạng; nộp thuế điện tử; website hỏi đáp chính sách thuế; hoàn thuế điện tử; hệ thống cấp mã chống giả hóa đơn”, ông Nam cho biết./.