Sửa luật để khuyến khích, nuôi dưỡng nguồn lực từ khu vực doanh nghiệp quy mô nhỏ
Hiện nay, ở Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đây là lực lượng có vị thế quan trọng, đóng góp vai trò trong khai thác các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy vậy, các doanh nghiệp này có số lượng lao động và nguồn vốn hạn chế, trình độ công nghệ và quản lý chưa cao, rất dễ bị tổn thương bởi những yếu tố ngoại cảnh. Trong những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ đã được thực thi và có tác động quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp này, trong đó có chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng để nuôi dưỡng, khuyến khích nguồn lực từ khu vực doanh nghiệp này.
Hoạt động của doanh nghiệp quy mô nhỏ ở Việt Nam
Ở Việt Nam, theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), các doanh nghiệp được chia thành các nhóm: doanh nghiệp quy mô nhỏ (doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), doanh nghiệp quy mô trung bình (doanh nghiệp vừa) và doanh nghiệp có quy mô lớn (doanh nghiệp lớn).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay Việt Nam có khoảng 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp quy mô nhỏ (siêu nhỏ và nhỏ) chiếm khoảng 94%. Mặc dù có số lượng lớn như vậy, nhưng khu vực này còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Bảng 1 cho thấy, năm 2022, tổng số doanh nghiệp quy mô nhỏ ở Việt Nam chiếm 93,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 4 triệu lao động (chiếm 26,5% tổng số lao động), có tổng số vốn 12 triệu tỷ đồng (chiếm 20,4% tổng số vốn sử dụng của các doanh nghiệp), tạo ra hơn 5,7 triệu tỷ đồng (chiếm 15,9% tổng doanh thu). Về kết quả kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ có 34,5% có lãi và 53,4% lỗ; doanh nghiệp nhỏ có 63,2% có lãi và 35,8% lỗ.
Bảng 1: Tình hình hoạt động của doanh nghiệp quy mô nhỏ ở Việt Nam năm 2022 |
|||||||||||
Loại doanh nghiệp |
Nguồn vốn thu hút |
Lực lượng lao động |
Doanh thu |
Kết quả kinh doanh |
|||||||
Tổng vốn |
Tỷ lệ |
Bình quân 1 DN |
Tổng lao động |
Bình quân 1 DN |
Tổng |
Tỷ lệ |
Bình quân 1 DN |
Lãi |
Hòa vốn |
Lỗ |
|
Siêu nhỏ |
5,2 triệu tỷ đồng |
8,9% |
10,6 tỷ đồng |
1,4 triệu người |
2,9 người |
837,7 nghìn tỷ |
2,3% |
1,7 tỷ đồng |
34,5% |
13,1% |
53,4% |
Nhỏ |
6,8 triệu tỷ đồng |
11,5% |
35,1 tỷ đồng |
2,6 triệu người |
13,6 người |
4,9 triệu tỷ |
13,6% |
25,2 tỷ đồng |
63,2% |
1% |
35,8% |
Nguồn: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2024
Bảng 2: Chính sách thuế TNDN hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ ở một số quốc gia ASEAN |
||
Quốc gia |
Mức thuế suất phổ thông |
Mức thuế suất đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ |
Thái Lan |
20% |
- DN có thu nhập chịu thuế ≤ 300.000 bạt: Miễn thuế - DN có thu nhập chịu thuế từ 300.001 bạt đến 3.000.000 bạt: 15% |
Indonesia |
22% |
- DN có doanh thu < 4,8 tỷ Rupi: 0,5% trên doanh thu - DN có doanh thu từ 4,8 tỷ Rupi đến 50 tỷ Rupi: 11% |
Singapore |
17% |
- DN có thu nhập tính thuế không quá 100.000 S$: 0% - DN có thu nhập tính thuế trên 100.000 S$ đến không quá 300.000S$: 8,5% |
Malaysia |
24% |
DN có vốn góp từ 2,5 triệu ring-git trở xuống được áp dụng mức thuế suất 19% đối với 500.000 ring-git thu nhập chịu thuế đầu tiên, 24% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 500.000 ring-git. |
Nguồn: Nguyễn Thị Ngát (2019)
Như vậy, ở Việt Nam, khu vực doanh nghiệp quy mô nhỏ đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển và đóng góp cho nền kinh tế nói chung, ngân sách nhà nước (NSNN) nói riêng. Lý do cơ bản là các doanh nghiệp khu vực này đều có quy mô nhỏ, vốn sản xuất, kinh doanh thấp, chủ yếu dựa vào vốn tự có, lực lượng lao động phần lớn chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, trình độ quản lý, công nghệ cũng còn hạn chế nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp và sức cạnh tranh kém.
Với tình hình, đặc điểm đó, để phát huy tối đa vai trò của các doanh nghiệp quy mô nhỏ, Nhà nước cần có những biện pháp thiết thực và hiệu quả để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này thông qua các chính sách hỗ trợ chung và chính sách thuế, trong đó có chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ ở Việt Nam
Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển, nhất là đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ. Nhiều văn bản được ban hành để hỗ trợ và phát triển khu vực doanh nghiệp này như: Luật hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 của Quốc hội, hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 và các Nghị định quy định chi tiết; Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 về việc thành lập Quỹ phát triển DNNVV; Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019, Nghị định số 45/2024/NĐ-CP ngày 26/4/2024 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV...
Trong đó, Luật hỗ trợ DNNVV đã đưa ra nhiều nội dung hỗ trợ như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; Hỗ trợ thuế, kế toán; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; Hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; Hỗ trợ mở rộng thị trường; Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Về hỗ trợ thuế, kế toán, Điều 10, Luật Hỗ trợ DNNVV quy định: DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế TNDN. Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, Điều 16, Luật này quy định nếu DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh đáp ứng các điều kiện cụ thể sẽ được hỗ trợ 5 nội dung. Trong đó có nội dung hỗ trợ về thuế TNDN là “Miễn, giảm thuế TNDN có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế TNDN”.
Về chính sách thuế TNDN, tại Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 3/6/2008, thuế suất thuế TNDN là 25% áp dụng cho tất cả doanh nghiệp (trừ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quí hiếm khác), không áp dụng mức thuế suất thấp hơn hay ưu đãi về thuế suất đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2008-2015, trước những diễn biến phức tạp, khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng đến sự phát triển sản xuất kinh doanh nói chung, của các doanh nghiệp quy mô nhỏ nói riêng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó có giảm, gia hạn thuế TNDN cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Đến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013, thuế suất phổ thông đã giảm từ 25% xuống còn 22%. Riêng đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn. Cụ thể, doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 nhưng quy định trên được áp dụng từ ngày 01/7/2013, trước khi luật có hiệu lực 6 tháng. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2016, các doanh nghiệp đang áp dụng mức thuế suất 22% chuyển sang áp dụng thuế suất 20%. Như vậy, mức thuế suất 20% áp dụng riêng cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ (doanh thu năm trước liền kề từ 20 tỷ đồng trở xuống) chỉ áp dụng trong giai đoạn từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 31/12/2015.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết giảm thuế cho các doanh nghiệp gặp khó khăn. Cụ thể, Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 đã giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 có quy định giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 với các doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.
Như vậy, ngoài những quy định giảm thuế TNDN mang tính chất tình thế giải quyết khó khăn cho người nộp thuế trước tác động của dịch bệnh COVID-19, từ ngày 1/1/2016 đến nay, chính sách thuế TNDN chưa có những ưu đãi, hỗ trợ riêng đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV.
Kinh nghiệm sử dụng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, DNNVV vẫn luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế ở những quốc gia đang phát triển. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển DNNVV, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng.
Ngoài các quốc gia ASEAN nói trên, các quốc gia khác đều có chính sách thuế TNDN ưu đãi đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ như Pháp, Đức, Hàn Quốc, Hà Lan, Brazin, Trung Quốc... (Bảng 2).
Như vậy, có thể thấy, phần lớn các quốc gia đều có những ưu đãi về thuế TNDN đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Trong đó, việc ưu đãi thuế TNDN có thể được áp dụng thông qua việc áp dụng mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông, áp dụng phương pháp tính thuế đơn giản theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu... Các tiêu chí xem xét doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể dựa trên doanh thu hoặc thu nhập chịu thuế hoặc số vốn góp hoặc kết hợp nhiều tiêu chí khác nhau.
Để khuyến khích, nuôi dưỡng nguồn lực từ khu vực doanh nghiệp có quy mô nhỏ
Trên cơ sở thực trạng sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp quy mô nhỏ ở Việt Nam cũng như các quy định của pháp luật về hỗ trợ DNNVV và kinh nghiệm một số quốc gia trong áp dụng chính sách thuế TNDN đối với khu vực doanh nghiệp này, việc đưa các quy định cụ thể vào Luật thuế TNDN (sửa đổi) nhằm khuyến khích, nuôi dưỡng nguồn lực từ các doanh nghiệp này là cần thiết.
Một số nội dung cụ thể được đề xuất trong chính sách thuế TNDN đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ bao gồm:
Thứ nhất, về xác định doanh nghiệp quy mô nhỏ được áp dụng ưu đãi và các nội dung ưu đãi phù hợp với Luật hỗ trợ DNNVV.
Kinh nghiệm các nước cho thấy, tiêu chí để xem xét, xác định doanh nghiệp quy mô nhỏ được áp dụng ưu đãi thuế có thể dựa trên doanh thu hoặc thu nhập chịu thuế hoặc số vốn góp, lao động hoặc kết hợp nhiều tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam, việc lựa chọn tiêu chí là doanh thu theo đề xuất của Dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi) sẽ phù hợp hơn. Bởi vì các lý do sau:
- Việc xác định doanh nghiệp quy mô nhỏ để áp dụng thuế suất ưu đãi là dựa trên doanh thu (không quá 20 tỷ đồng) thực tế đã được thực hiện tốt trong giai đoạn ngày 1/7/2013 đến ngày 31/12/2015.
- Tại Luật hỗ trợ DNNVV, tiêu chí xác định bao gồm doanh thu và số lượng lao động sử dụng theo từng lĩnh vực. Trên thực tế, việc áp dụng các tiêu chí này sẽ gây khó khăn, phức tạp trong quá trình thực hiện. Bởi vì hiện nay, việc quản lý lượng lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội bình quân sẽ rất khó khăn do các doanh nghiệp quy mô nhỏ thường sử dụng lao động chủ yếu không có hợp đồng hoặc ngắn hạn. Bênh cạnh đó, các tiêu chí khác như nguồn vốn hay thu nhập chịu thuế cũng không dễ dàng nắm bắt chính xác.
Về quy mô doanh thu, nếu áp dụng theo tiêu chí doanh thu trong Luật Hỗ trợ DNNVV (áp dụng cho cả doanh nghiệp quy mô nhỏ và quy mô vừa) thì có đến gần 98% số doanh nghiệp ở nước ta được áp dụng thuế suất ưu đãi. Điều này sẽ dẫn đến ưu đãi quá rộng, dàn trải, làm mất hiệu quả của chính sách ưu đãi này. Do vậy, việc xác định quy mô doanh thu không quá 50 tỷ đồng là phù hợp với điều kiện hiện nay cũng như công tác quản lý thuế ở nước ta và cũng đã mở rộng hơn so với giai đoạn 2013-2015.
Về hỗ trợ, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, Dự thảo luật sửa đổi cũng xác định là một nội dung ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp này. Điều này là cần thiết và cũng là một nội dung cần thực hiện của Luật Hỗ trợ DNNVV.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp siêu nhỏ chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, không xác định được thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế TNDN cũng cần được hỗ trợ về phương pháp tính thuế đảm bảo sự đơn giản, hiệu quả trong quản lý thuế của cơ quan thuế cũng như trong quá trình tuân thủ thuế của doanh nghiệp.
Thứ hai, về mức ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ.
- Mức thuế suất đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ có doanh thu hàng năm không quá 50 tỷ đồng:
Tương tự như một số quốc gia, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (gồm nhỏ và siêu nhỏ) thường được chia làm 2 mức để áp dụng các mức thuế suất khác nhau. Dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi) đã đưa ra hai mức cụ thể để áp dụng thuế suất ưu đãi: Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 15%; doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 17%. Ngoài ra, để tránh các trường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, dự thảo cũng đề nghị quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với công ty con, công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các trường hợp không áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật thuế TNDN. Có thể nói, quy định này đã góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, cải thiện quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng hàng hóa, khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
- Về ưu đãi đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ thành lập mới từ hộ kinh doanh: Dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi) đề xuất việc miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Sau thời gian miễn thuế này, trường hợp doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thành lập mới từ hộ kinh doanh thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi (thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tương ứng theo quy định của thuế TNDN. Hết thời gian miễn thuế và thời gian hưởng ưu đãi thuế (nếu có), doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thực hiện mức thuế suất thuế TNDN tương ứng với điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Như vậy, quy định này sẽ góp phần khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp này dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, với các kênh huy động vốn chính thức, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng toàn cầu; tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
- Về phương pháp tính thuế đối với doanh nghiệp siêu nhỏ: Để tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ, cần có các giải pháp để khuyến khích thành lập doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí tuân thủ về thuế cho doanh nghiệp. Do đó, Dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi) đề xuất việc quy định và áp dụng thêm phương pháp tính thuế đối với doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo đề xuất, doanh nghiệp siêu nhỏ có doanh thu hàng năm không quá 3 tỷ đồng, nếu không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ theo các mức: Phân phối, cung cấp hàng hóa: 0,3%; Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,2%; Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%; riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp 4%; Hoạt động khác: 0,8%.
Quy định trên đã góp phần đảm bảo tính pháp lý cao trong triển khai thực hiện, tính rõ ràng, minh bạch của chính sách, đồng thời thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đơn giản thủ tục cho người nộp thuế cũng như giảm bớt nhân lực cho cơ quan thuế, qua đó tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ, chi phí hành thu.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Tài chính, 2024, Tờ trình Dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2024,“Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2024”, NXB. Thống kê;
- Nguyễn Thị Ngát, 2019, “Chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa-Một số kinh nghiệm quốc tế”, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán, Số 09 (194).