Sửa luật để phù hợp với cuộc sống
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 khóa 13, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuế, bao gồm các nội dung của: Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Quản lý thuế.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi về một số vấn đề xung quanh dự án Luật trên.
Phóng viên: Một số ý kiến cho rằng, Luật thuế GTGT và Luật Quản lý thuế mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2015 và Luật thuế TTĐB sửa đổi hiện nay chưa đến thời điểm hiệu lực thi hành (1/1/2016), nay Chính phủ tiếp tục đề nghị sửa đổi là chưa thực sự hợp lý, chưa đủ thời gian để đánh giá thực hiện luật, dẫn đến thiếu ổn định trong chính sách về thu ngân sách, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính): Nội dung sửa đổi tại dự án luật là những nội dung hoàn toàn mới, mang tính cấp bách như: Một số chính sách về thuế chưa được sửa đổi theo kịp với thực tế và diễn biến của nền kinh tế, dẫn đến phức tạp, lợi dụng để gian lận trong thực hiện (như quy định về kê khai, nộp thuế, hoàn thuế GTGT, vấn đề gian lận trong hoàn thuế GTGT).
Một số nội dung chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và tiến trình hội nhập để bảo đảm sức cạnh tranh của DN trong nước (như thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô chở người dưới 24 chỗ, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu chưa đồng bộ với giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước). Do vậy theo tôi cần thiết phải sửa đổi.
Đối với thuế GTGT, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc bổ sung đối tượng không chịu thuế đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Quan điểm của Bộ Tài chính như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật thuế GTGT thì sản phẩm này của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu không chịu thuế GTGT. Theo Khoản 2 Điều 8 Luật thuế GTGT, nếu những sản phẩm này được bán ở khâu thương mại phải chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%.
Điều chỉnh chính sách thuế GTGT đối với hoạt động này, theo hướng chuyển từ mức thuế suất 5% sang thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, như vậy hạn chế việc DN lợi dụng quy định trên mua nông sản của nông dân (không chịu thuế GTGT) sau đó mua hóa đơn có thuế 5% để hợp thức đầu vào.
Nhằm mục đích vừa khuyến khích sản xuất kinh doanh, vừa khắc phục tình trạng gian lận nêu trên, các hiệp hội, các DN xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã kiến nghị quy định không chịu thuế GTGT đối với hàng hóa là nông, lâm, thủy sản ở khâu kinh doanh thương mại. Trong phạm vi nội dung Quốc hội cho phép, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013.
Việc thực hiện quy định này trên thực tế trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào. Để bảo đảm minh bạch và nâng cao cơ sở pháp lý, tiếp thu ý kiến trên, Bộ Tài chính đề nghị nâng quy định này (tại Nghị định 209) lên, đưa vào Luật.
Việc bỏ hoàn thuế GTGT đối với trường hợp cơ sở kinh doanh có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ lũy kế sau ít nhất 12 tháng hoặc ít nhất sau 4 quý sẽ gây khó khăn cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Ông lý giải như thế nào về dự thảo quy định này?
Theo Điều 2 Luật thuế GTGT thì thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Trường hợp có số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho dự án đầu tư thì DN đã được hoàn thuế theo diện dự án đầu tư. Do vậy việc quy định hoàn thuế GTGT sau ít nhất 12 tháng liên tục khi có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết có nghĩa là ngân sách nhà nước “bù lỗ” cho những DN trong sản xuất kinh doanh phát sinh giá trị gia tăng âm; và trong thực tế nhiều trường hợp DN chưa kịp được hoàn (thậm chí có trường hợp vừa lập hồ sơ hoàn thuế) nhưng đã phát sinh số thuế phải kê khai, tính nộp.
Quy định hoàn thuế này đã làm tăng thủ tục và lãng phí thời gian để tuân thủ chính sách đối với DN làm ăn chân chính, đồng thời làm tăng khối lượng công tác đối với cơ quan thuế, thanh tra, kiểm toán.
Vì vậy, Chính phủ đề nghị quy định việc DN thực hiện khấu trừ đối với số thuế GTGT đầu vào thay cho việc quy định hoàn thuế GTGT sau ít nhất 12 tháng hoặc 4 quý liên tục, để góp phần thúc đẩy tính hiệu quả, nâng cao GTGT trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, hạn chế khả năng lợi dụng để gian lận trong hoàn thuế GTGT.
Xin cảm ơn ông!