Sức ép hội nhập và bài toán cấp thiết áp dụng ISO 14001 của doanh nghiệp

Tĩnh Đồng

Mặc dù không bắt buộc phải tuân thủ trong giao thương quốc tế, song doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO 14001 sẽ có lợi thế trong chiến lược cạnh tranh.

ISO 14001 tập trung vào việc giảm tác động đến môi trường nhưng chứng nhận ISO 14001 cũng mang lại lợi ích tài chính.
ISO 14001 tập trung vào việc giảm tác động đến môi trường nhưng chứng nhận ISO 14001 cũng mang lại lợi ích tài chính.

ISO 14001 là hệ thống quản lý môi trường được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Dù tập trung vào việc giảm tác động đến môi trường nhưng chứng nhận ISO 14001 cũng mang lại nhiều lợi ích tài chính. Đó là lý do tại sao hơn 250.000 tổ chức trên toàn thế giới đã nỗ lực để nhận được chứng nhận này.

Cùng với xu thế toàn cầu hóa, hiện có nhiều công ty đa quốc gia đã có mặt tại Việt Nam và Việt Nam được coi là nơi đầu tư hấp dẫn trong khu vực dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài. Việc số lượng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam ngày càng nhiều cũng kéo theo các yêu cầu cao hơn về tay nghề công nhân, trình độ chuyên môn hóa, yêu cầu về chất lượng, môi trường và trách nhiệm xã hội. Đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp trong nước cần tự hoàn thiện mình để có thể hòa nhập được vào sân chơi chung.

Đối với các công ty đa quốc gia, đặc biệt là trong ngành Công nghiệp nặng, vấn đề về môi trường được xem trọng và quan tâm sâu sắc. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng hệ thống quy định pháp luật về việc bảo vệ môi trường cũng như tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường và thay đổi khí hậu.

Hiện có những tập đoàn đa quốc gia yêu cầu các nhà cung cấp, nhà thầu của mình phải đảm bảo vấn đề môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, chứng chỉ ISO 14001 như sự bảo đảm cho các yếu tố đó.

Toyota, Honda Việt Nam, Yamaha, Suzuki, Panasonic là những công ty của Nhật Bản đã áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001. Tiếp sau đó, một loạt các nhà cung cấp phụ kiện như Goshi Thăng Long, Nissin Brake, Tsukuba, Stanley… cũng áp dụng ISO 14001, đã tạo ra một trào lưu giúp nhân rộng mô hình này.

Trào lưu này bắt đầu xuất hiện phần lớn từ các công ty nước ngoài, liên doanh với nước ngoài, sau đó mở rộng ra các tổ chức, doanh nghiệp lớn, nhỏ tại Việt Nam như: Công ty Dệt Phong Phú Quận 9, Công ty Việt Tiến, Công ty Hải sản Bình An, Cần Thơ, Nhà máy sản xuất xi măng Hà Tiên 2, Cần Thơ…  Các doanh nghiệp này đã áp dụng hệ chuẩn ISO 14001 và có những kết quả khả quan trong sự cạnh tranh ở các thị trường quốc tế.

Các chuẩn trong hệ chuẩn ISO 14001 mà doanh nghiệp lớn và nhỏ có thể áp dụng chủ yếu liên quan đến thiết lập hệ thống quản lý môi trường, thanh lý môi trường, nhãn hiệu thân thiện với môi trường trên sản phẩm ISO 14001, đánh giá hiệu suất về môi trường, đánh giá vòng đời sản phẩm.

Nhiều chuyên gia năng suất, chất lượng khuyến cáo, mặc dù không bắt buộc phải tuân thủ bộ tiêu chuẩn này trong giao thương quốc tế, song một doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO 14.001 sẽ có lợi thế trong chiến lược cạnh tranh không chỉ tạo sự bền vững lâu dài mà còn là nhu cầu cấp thiết trong kinh doanh.