Sức mua nhà sụt giảm
Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE chi nhánh Hà Nội cho biết, trong quý đầu của năm 2020, thị trường BĐS Hà Nội chứng kiến hoạt động mở bán thận trọng của các chủ đầu tư do sự gián đoạn từ dịch Covid-19. Nguồn cung mới mở bán trong quý chỉ giới hạn ở mức 1.600 căn, thấp hơn nhiều so với mức mở bán trung bình theo quý là 6.500 căn từ năm 2012 trở lại đây. Số này chủ yếu đến từ các đợt mở bán tiếp theo của các dự án đã chào bán trước đó.
Báo cáo mới nhất về tiêu điểm thị trường BĐS tại Hà Nội của CBRE Việt Nam cho thấy, có khoảng 2.100 căn hộ được ghi nhận bán trong quý I/2020. Các hoạt động bán hàng đã bị chậm lại ở tất cả các phân khúc. Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp trong quý I/2020 được ghi nhận ở mức 1.365USD/m2, tăng 4% theo năm. Một số dự án cao cấp tại các địa điểm như quận Từ Liêm và Thanh Xuân chưa được mở bán như dự kiến cũng như giá bán được duy trì ổn định tại các đợt mở bán tiếp theo của các dự án đã mở bán, khiến mức giá ổn định so với quý trước.
Các hoạt động hỗ trợ sau bán hàng, đặc biệt là quản lý dự án đang dần trở nên quan trọng hơn khi dịch Covid-19 bùng phát. Người mua để ở và các nhà đầu tư giờ đây sẽ kỳ vọng tiêu chuẩn quản lý dự án cao hơn, theo hướng tăng cường các hoạt động giữ gìn vệ sinh chung và các yếu tố liên quan đến sức khỏe khác.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, các vấn đề về chậm cấp phép, siết tín dụng cùng với dịch Covid-19 đã gây áp lực lên nguồn cung chào bán mới và nguồn cầu. Bà Nguyễn Hoài An cho rằng: “Tình hình thị trường sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ dịch bệnh được kiểm soát đến đâu. Cho đến thời điểm đó, khả năng đứng vững của thị trường sẽ được kiểm chứng khi các chủ đầu tư, nhà đầu tư và người mua để ở đều đang ở trạng thái chờ đợi. Nếu dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn vào quý II, Hà Nội dự kiến sẽ có khoảng 27.000 - 28.000 căn hộ chào bán mới trong năm 2020.
Về địa điểm, khu phía Tây dự kiến sẽ tiếp tục là trọng tâm phát triển của thành phố, khu phía Đông (huyện Gia Lâm hoặc Văn Giang, Hưng Yên) sẽ là khu vực tập trung nguồn cung lớn thứ hai trong năm. Đà phát triển chậm trong nửa đầu năm 2020 có thể làm giảm số lượng các căn hộ bán được xuống còn 24.000 căn tại Hà Nội từ mức dự kiến 31.000 căn trước dịch Covid-19”.
Trong tình huống xấu hơn, dịch bệnh không được kiểm soát trước khi kết thúc quý III/2020, số căn mở bán mới và doanh số bán dự kiến sẽ lần lượt giảm xuống khoảng 14.000 căn và 9.000 căn, chỉ bằng 30 – 40% lượng mở bán và doanh số của năm 2019. Giá bán sơ cấp dự kiến sẽ giảm xuống khoảng 1.300 USD/m2, giảm 6% theo năm khi mà các dự án cao cấp có thể trì hoãn thời điểm mở bán sang năm 2021 và các dự án hiện hữu phải đưa ra chính sách giá cạnh tranh hơn để thu hút người mua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trong quý I/2020, thị trường văn phòng vẫn duy trì hoạt động khả quan. Trong quý I/20200, tổng nguồn cung văn phòng tại Hà Nội vào khoảng 1.380.000 m2, không thay đổi so với quý IV/2019 do không có dự án mới hoàn thành. Giá chào thuê của cả hạng A và hạng B duy trì ổn định so với quý trước, lần lượt ở mức 26,2USD và 14,3USD/m2/tháng (không bao gồm VAT và phí dịch vụ).Về tỷ lệ trống, cả hai hạng đều duy trì ở mức tích cực dưới 10%. Tỷ lệ trống hạng A đạt 6,4%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với năm trước, trong khi tỷ lệ trống hạng B giảm xuống 8,8%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm trước.
Mặc dù chưa chịu ảnh hưởng mạnh như các mảng BĐS khác, thị trường văn phòng cũng đã chứng kiến những ảnh hưởng đầu tiên từ đại dịch. Các khách thuê hiện tại đang yêu cầu tòa nhà giảm giá thuê từ 20-50%. Mặc dù giá chào thuê vẫn chưa được điều chỉnh, một số tòa hạng B đã áp dụng chính sách chiết khấu từ 20-30% cho các khách thuê từ ba tháng cho đến cuối năm 2020. Một số hỗ trợ khác, như giãn tiến độ thanh toán, cũng được áp dụng.
Trong ba quý tới của năm 2020, thị trường sẽ tiếp tục bị phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh. Trong kịch bản Covid-19 được kiểm soát trong quý II/2020, hiệu quả hoạt động của mảng văn phòng sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể, do gần như toàn bộ các giao dịch tạm hoãn trong quý sẽ được tái khởi động. Tuy nhiên nếu điều này không diễn ra, giá thuê của cả hai hạng được dự báo có thể giảm từ 5 – 10%, trong khi tỷ lệ trống có thể tăng từ 5 - 15%.