Hy Lạp: Tương lai vẫn là dấu hỏi
Trong khi cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp chưa hoàn toàn chấm dứt do những bất đồng giữa Athens và các chủ nợ quốc tế về gói cứu trợ thứ ba, nước này lại đối mặt với nguy cơ khủng hoảng mới.
Chia rẽ nội bộ
Nguy cơ về cuộc khủng hoảng mới đã xuất hiện khi cuối tuần trước, Tổng thư ký Vụ Quan hệ kinh tế và Hợp tác phát triển Bộ Ngoại giao Hy Lạp, Yorgos Tsipras, đã tố cáo “bộ ba” chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) âm mưu lật đổ Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras, đồng thời cho rằng gói thỏa thuận giữa Hy Lạp với bộ ba này là “thất bại” của chính phủ theo đường lối cánh tả.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Tsipras, tại một phiên điều trần trước Quốc hội cuối tuần trước, cho biết Chính phủ đã lên kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ về gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (hơn 94 tỷ USD) và buộc phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Dù Hy Lạp đã chấp nhận những yêu cầu cải cách khắc nghiệt của các chủ nợ, nước này vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro. IMF dọa sẽ rút khỏi gói viện trợ thứ ba dành cho Hy Lạp nếu EU và ECB không nhất trí giảm nợ cho Athens. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu như Đức phản đối việc giảm nợ vì lo ngại sẽ đặt ra tiền lệ cho các nước nặng nợ khác trong Eurozone.
IMF khẳng định, chỉ có thể hỗ trợ “một chương trình tổng thể” chừng nào Hy Lạp và các đối tác châu Âu đạt được thỏa thuận, trong đó phải bảo đảm chắc chắn Athens có thể trả nợ. Để đưa ra quyết định như vậy, rõ ràng là châu Âu và Hy Lạp cần có thêm thời gian. Trước đó, IMF cho rằng tái cơ cấu nợ công Hy Lạp là cần thiết, nghĩa là các chủ nợ hoặc phải xóa nợ hoặc phải lùi thời gian trả nợ cho Hy Lạp. Nợ công của Hy Lạp hiện vào khoảng 320 tỷ euro, chiếm 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong khi đó, sức ép lên Thủ tướng Tsipras càng gia tăng sau khi phe đối lập cho biết, các cựu quan chức Hy Lạp như Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis và Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis đã lập kế hoạch rời khỏi Eurozone để quay trở lại sử dụng đồng tiền drachma (đồng nội tệ trước đây của Hy Lạp). Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh nội bộ đảng Syriza cầm quyền đang chia rẽ nghiêm trọng.
Theo các nhà phân tích, Thủ tướng Tsipras cần phải tập hợp đủ đa số phiếu để thúc đẩy Quốc hội thông qua những cải cách ngân sách “thắt lưng buộc bụng” theo yêu cầu của các chủ nợ. Điều này không đơn giản bởi ngay trong đảng Syriza, lực lượng cánh tả vẫn phản đối Hy Lạp đàm phán về gói cứu trợ mới, cũng như chống lại những biện pháp chi tiêu khắc khổ do ông Tsipras đề xuất. Không loại trừ khả năng Thủ tướng Tsipras sẽ tìm cách giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm do sức ép từ những thành viên chống đối trong Nội các.
Sự phá sản được báo trước?
Cách đây gần 20 năm, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp khi đó là Alekos Papadopoulos đã từng cảnh báo, Hy Lạp cần thực thi các biện pháp cải cách kinh tế khó khăn nếu muốn hòa nhập với nền kinh tế châu Âu. Cả EU và IMF từ lâu đã khuyến cáo Hy Lạp thúc đẩy các cải cách cơ cấu, gạt sang bên những lợi ích thiết thân để thay đổi mạnh mẽ nguyên tắc và thói quen cả bên trong bộ máy nhà nước, tương tác giữa nhà nước với công dân và khu vực kinh tế tư nhân. Nếu những cảnh báo và khuyến cáo trên không bị phớt lờ, có lẽ cuộc khủng hoảng nợ hiện nay đã không có cơ hội xuất hiện.
Trong một phần tư thế kỷ qua, các đề xuất cải cách của những chính trị gia như ông Papadopoulos đã vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ Quốc hội Hy Lạp cũng như giới truyền thông và các tổ chức công đoàn. Năm 2002, khi “cơn sốt” chi tiêu bằng đồng euro lan rộng trong xã hội Hy Lạp, Bộ trưởng Tài chính Papadopoulos - người có công lớn trong việc đưa Hy Lạp gia nhập Eurozone - đã báo cáo với Thủ tướng Konstantinos Simitis rằng tình hình tài chính đang vượt tầm kiểm soát. Tuy nhiên, lời cảnh báo này một lần nữa bị bỏ qua. Thay vì tiếp tục thúc đẩy cải cách sau khi gia nhập đồng euro, Chính phủ của ông Simitis đã dừng cải cách hoàn toàn.
Kể từ khi khủng hoảng nợ nổ ra ở Hy Lạp năm 2010, các Chính phủ nối tiếp nhau ở Hy Lạp đã ưu tiên chính sách tài khóa khắc khổ thông qua nỗ lực tăng thu ngân sách và cắt giảm chi tiêu, thay vì thực thi những cải cách sâu rộng trong hệ thống. Cách thức quản lý kiểu này, theo ông Papadopoulos sẽ đưa đất nước tới chỗ phá sản.
Những gì đang diễn ra hiện nay cho thấy “lời tiên tri” của ông Papadopoulos không sai. Thỏa thuận đạt được hồi giữa tháng 7 vừa qua giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế vẫn chưa thể khiến người ta yên tâm về cuộc khủng hoảng nợ công tại quốc gia Nam Âu này. Điều Hy Lạp cần lúc này không chỉ là một gói cứu trợ mới, mà còn cần được tái cơ cấu nợ, và trên hết Chính phủ phải tiến hành cải cách sâu rộng cơ cấu và cách thức quản lý nền kinh tế. Nhưng trước mắt, nếu tranh cãi giữa “bộ ba” chủ nợ không được giải quyết trong tháng này, tương lai của đất nước hơn 11 triệu dân bên bờ Địa Trung Hải vẫn chỉ là dấu hỏi lớn.