Tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động xuất nhập khẩu tại tỉnh Hà Giang

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 03/2021

Trong những năm qua, với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả tích cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Bài viết đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian qua, từ đó kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thực trạng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Hà Giang là tỉnh miền núi nằm giữa khu vực Đông Bắc và Tây Bắc của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 320 km, giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Với đường biên giới trên 277 km; có hai cửa khẩu quốc tế và song phương cùng nhiều lối mở thông quan hàng hóa với Trung Quốc… tỉnh Hà Giang có tiềm năng rất lớn để phát triển thương mại biên giới, đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của doanh nghiệp (DN) giữa 2 nước.

Trong 5 năm qua, cơ sở hạ tầng, dịch vụ vùng biên giới, cửa khẩu cơ bản được đầu tư theo quy hoạch. Các cặp cửa khẩu được mở và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế thương mại qua biên giới. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa phát triển, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tăng thu ngân sách địa phương.

Thủ tục hành chính tích cực được cải cách, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo vận hành thông suốt 24/24 giờ/tuần, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch, giảm thời gian thông quan hàng hóa và tiết kiệm chi phí cho DN, phù hợp với sự phát triển và hội nhập quốc tế.

Nhờ đó, trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân của tỉnh Hà Giang đạt mức 6,8%, mức khá so với các tỉnh trong khu vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông-lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, thương mại - dịch vụ. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 ước đạt hơn 44.694  tỷ đồng, tăng 71,3% so với giai đoạn 2010-2015. Tổng thu NSNN giai đoạn 2016-2020 ước đạt 10.665 tỷ đồng, bình quân hàng năm thu NSNN đạt 2.133 tỷ đồng, trong đó, năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 51,2% so với năm 2015...

Trong năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn thử thách do tác động của đại dịch bệnh Covid-19, tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện nghiêm túc phương châm của Đảng, Chính phủ: “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Nhờ đó, tỉnh Hà Giang đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế.

Tác động của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Tỉnh

Thời gian qua các cấp, ngành của tỉnh Hà Giang nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính và chủ động ban hành các chính sách khuyến khích DN đẩy mạnh hoạt động XNK. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 tác động đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam, trong bối cảnh chung, hoạt động XNK của các DN XNK trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã chịu những tác động tiêu cực.

Theo đánh giá chung của các chuyên gia và cộng đồng DN, cùng với sự tác động của dịch Covid-19, có thể thấy một số vấn đề tồn tại đã và đang tác động đến hoạt động XNK của DN như sau:

Thứ nhất, thời gian qua, do tập trung công tác phòng, chống dịch Covid-19, thời gian thông quan hàng hóa kéo dài gây ùn ứ sản phẩm. Tình trạng đơn thư, phản ánh về hoạt động XNK đã diễn ra. Việc cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin về dịch bệnh vẫn chưa triển khai vẫn còn chậm đã tác động trực tiếp đến hoạt động XNK...

Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, song các hình thức thương mại điện tử vẫn chưa được tận dụng. Các mô hình kinh doanh xuất nhập của DN chưa có sự đổi mới, chưa tiếp cận được thị trường tiêu thụ trực tiếp...

Thứ ba, giá trị kim ngạch XNK hàng hóa tăng cao nhưng chưa bền vững qua từng năm (năm 2016 đạt gần 1,4 tỷ USD, 2017 đạt trên 3,9 USD, đến năm 2018, 2019 lần lượt chỉ đạt 385 và 393 triệu USD). Trong khi đó, chính sách thương mại biên giới thường xuyên chịu ảnh hưởng từ phía Trung Quốc. Hàng xuất khẩu bị giới hạn số lượng, chi phí cao; hàng nhập khẩu vướng nhiều thủ tục, lưu lượng thấp; hạ tầng thương mại chưa đáp ứng lượng hàng hóa XNK số lượng lớn... khiến DN chưa mạnh dạn đầu tư, khó mở rộng quy mô.

Thứ tư, XNK biên mậu đối với hàng nông sản chưa khai thông, chủ yếu XNK chính ngạch, lượng hàng ít. Hoạt động xuất khẩu hiện nay chủ yếu diễn ra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, cửa khẩu Xín Mần và các cửa khẩu phụ phát sinh giải quyết thủ tục tái xuất hàng hóa tạm nhập tái xuất và hàng hóa cư dân biên giới...

Đề xuất giải pháp

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Dự báo kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; căng thẳng thương mại vẫn leo thang. Trong bối cảnh đó, kinh tế tỉnh Hà Giang nói chung và hoạt động XNK của DN nói riêng cũng sẽ chịu những tác động tiêu cực.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: “Xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước”.

Trong đó, cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân 5 năm đạt 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.000 tỷ đồng...

Riêng năm 2021, UBND Tỉnh giao chỉ tiêu thu từ hoạt động XNK là 270 tỷ đồng. Để thực hiện nhiệm vụ mục tiêu đề ra trong năm 2021 và giai đoạn 2020-2025, góp phần thúc đẩy hoạt động XNK tăng tốc, trong thời gian tới, cần tập trung một số nhiệm vụ sau:

Đối với cơ quan chức năng địa phương

- Tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh, XNK và đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

- Phát triển cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa và đi lại của DN và người dân; hoàn thiện hệ thống pháp luật điều hành thương mại biên giới đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tế và bối cảnh hội nhập thương mại quốc tế; xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan để hoàn thiện phát triển thương mại biên giới; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hợp lý, thuận tiện với hạ tầng thương mại cửa khẩu.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại khu vực biên giới và các cặp cửa khẩu quốc tế quan trọng. Tích cực tăng cường các hoạt động giao lưu phối hợp với tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) để tạo điều kiện cho DN tìm hiểu thị trường, tạo điều kiện cho cư dân biên giới trao đổi hàng hóa.

- Xây dựng các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho DN tham gia thương mại biên giới nói chung và DN xuất khẩu nói riêng... Đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm bảo hiểm rủi ro cho DN xuất khẩu; tạo sự thuận lợi trong việc đi vay từ các tổ chức tín dụng để tăng lượng hàng hóa xuất khẩu, tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh của những nhóm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Có kế hoạch và quy hoạch phát triển nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, nghiên cứu về hàng hóa các nước thứ ba thông qua tỉnh Hà Giang.

- Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; thực hiện triệt để công tác cải cách hành chính tạo điều kiện cho XNK, đầu tư thương mại, công khai minh bạch các hoạt động dịch vụ liên quan; Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia hoạt động XNK, đảm bảo thông quan hàng hóa cho các DN...

- Tiến hành rà soát lại các đơn vị, DN, tư thương đang hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu. Đồng thời, cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các DN làm dịch vụ hỗ trợ XNK, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các DN. 

- Cần nắm bắt thông tin, thường xuyên trao đổi phía bạn để giải quyết các nội dung hoạt động XNK. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về những quy định thương mại biên mậu liên quan để DN nhanh chóng nắm bắt, tránh những rủi ro không đáng có, tạo điều kiện cho DN hai bên thanh toán ngoại hối thuận lợi, thông thoáng và nhanh chóng...

- Tổ chức triển khai thực hiện việc giải quyết thủ tục hải quan cho hàng hoá XNK, phương tiện vận tải XNK theo đúng quy định, đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho DN XNK, không để hàng hoá lưu lại tại các cửa khẩu. Đẩy nhanh việc đưa lối mở, đường vận chuyển hàng hóa XNK và chợ biên mậu Nà La – Hoa Long tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy – Thiên Bảo đi vào hoạt động; bổ sung danh mục hàng hóa được phép XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh, tăng lưu lượng hàng hóa XNK…

- Tăng cường công tác quản lý thuế, thu hồi nợ thuế và chống thất thu thuế: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, không để người nộp thuế lợi dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước để trốn thuế, gian lận thuế, đặc biệt là chính sách đối với hàng tạm nhập - tái xuất, hoàn thuế GTGT. Tập trung chống thất thu thuế qua công tác phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế, trị giá tính thuế, xuất xứ hàng hóa (C/O)...

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan: Thực hiện phân tích xác định trọng điểm trong hoạt động XNK trên địa bàn; tiến hành thu thập thông tin hồ sơ DN có hoạt động XNK trên địa bàn; thực hiện kiểm soát rủi ro theo kế hoạch...

Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu

- Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký Hiệp định Thương mại tự do - FTA. Cụ thể, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, các DN cần đẩy mạnh sang các thị trường mới như Anh, châu Âu...

- Tăng cường công tác quản lý lao động, khó khăn trong hoạt động xuất nhập cảnh, XNK...  nhất là đối với người nước ngoài vào địa bàn nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

- Tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động các ngành sản xuất có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn, chú trọng đẩy mạnh triển khai XNK các mặt hàng nông sản có thể mạnh. Chẳng hạn, DN trong và ngoài Tỉnh xuất khẩu trực tiếp các mặt hàng chè, cam, mật ong, hàng thủ công mỹ nghệ, gạo, hạt điều, hoa quả các loại, nông lâm sản đã qua chế biến, thủy sản các loại có nguồn gốc xuất xứ tại tỉnh Hà Giang.

- Đẩy mạnh hàng hóa XNK qua thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và xu thế bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.         

Tài liệu tham khảo:

Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 phê duyệt chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030;

Đảng bộ tỉnh Hà Giang (2020), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang (2020), Phát triển kinh tế biên mậu tầm nhìn chiến lược, http://hagiang.gov.vn/pages/propagandanews.aspx?CateID=38&ItemID=2218;

Kim Duyên (2021), Cục Hải quan tỉnh Hà Giang triển khai đồng bộ các giải pháp thu ngân sách nhà nước năm 2021, Cổng thông tin điện tử Cục Hải quan tỉnh Hà Giang;

Minh Phương (2020), Hà Giang kỳ vọng bứt phá phát triển khá trong khu vực, Báo Đảng Cộng sản.