Tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế - xã hội của Việt Nam
Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chính phủ đã và đang tổ chức, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau đối với người lao động và doanh nghiệp để vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Trên cơ sở đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế - xã hội, bài viết này đề xuất một số định hướng chính sách để đưa nền kinh tế Việt Nam trở về quỹ đạo bình thường.
Kết luận số 07-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội khẳng định: “Đến nay, dịch bệnh tuy còn diễn biến phức tạp song cơ bản được kiểm soát, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trên thế giới. Kinh tế - xã hội tiếp tục đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm...”.
Kết luận hàm ý dù phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cần có những biện pháp hữu hiệu để kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trên cơ sở đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế nước ta, bài viết đề xuất một số giải pháp, chính sách lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian tới, đóng góp vào tiến trình hoàn thành “mục tiêu kép” Chính phủ đã đề ra.
Tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế - xã hội của Việt Nam
Bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đã trải qua một giai đoạn đầy biến động với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID- 19 (từ cuối năm 2019 đến nay). Tháng 12/2020, sự ra đời của vắc-xin phòng ngừa dịch COVID-19 đã giúp thế giới kiểm soát phần nào đại dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế. Nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021 của Ngân hàng Thế giới dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 là 4% và của Việt Nam dự kiến đạt 6,8%. Đối với nền kinh tế Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã có nhiều tác động (Trong giới hạn khuôn khổ của bài báo, không thể liệt kê được hết các tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam, chỉ điểm qua một số tác động lớn), bao gồm:
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhưng đang trong giai đoạn phục hồi.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng với những chính sách hỗ trợ hợp lý và kịp thời từ Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã sớm phục hồi trong năm 2021 và đang quay trở lại đà tăng trưởng của thời điểm trước khi đại dịch xảy ra (Hình 1).
Trong bức tranh tăng trưởng, có thể thấy, tăng trưởng của ngành công nghiệp có ảnh hưởng lớn đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là sự “đứt gãy” chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp giảm xuống dưới 2% trong quý II/2020; và sự sụt giảm trong ngành công nghiệp thời điểm này đã làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế giảm xuống dưới mức tiềm năng khá xa. Chính vì vậy, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp mà các cơ quan bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai trên cơ sở cụ thể hóa những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước thực sự đúng hướng. Doanh nghiệp công nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh và quay trở về quỹ đạo tăng trưởng bình thường sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế được phục hồi nhanh hơn.
Thứ hai, thị trường lao động Việt Nam, có khoảng 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19.
Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý I/2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước có 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19 (Ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch bệnh COVID-19 bao gồm: Mất việc, tạm nghỉ, tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập). Trong đó, lao động nam chiếm 51,0% và số người trong độ tuổi từ 25 đến 54 chiếm gần 67%. Trong tổng số 9,1 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 có: (i) 540 nghìn người bị mất việc làm; (ii) 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; (iii) 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghĩ giãn việc, nghỉ luân phiên; (iv) 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.
Theo kết quả khảo sát của VCCI, 48% doanh nghiệp được khảo sát đã phải cắt giảm số lao động do ảnh hưởng bởi dịch, có đến 60% doanh nghiệp phải thực hiện tạm thời cho lao động nghỉ việc không hưởng lương. Gần 35% doanh nghiệp phải tạm hoãn hợp đồng với người lao động; khoảng 27% thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và 12% doanh nghiệp cho lao động ngừng việc (Hình 2).
Khảo sát trên cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, phần lớn doanh nghiệp vẫn ưu tiên các biện pháp để giữ lại lực lượng lao động của mình (chỉ tạm thời cho nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng hoặc ngừng việc) để có thể sử dụng lại lao động khi điều kiện kinh doanh đã trở nên tốt hơn. Hơn nữa, điều đó cũng thể hiện được phần nào trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.
Xét theo khu vực kinh tế thì lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch là ít nhất (7,5% lực lượng lao động); đứng thứ 2 là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng (16,5% lực lượng lao động); lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (20,4% lực lượng lao động).
Như vậy, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam khá nặng nề khi số lượng lao động bị ảnh hưởng tiêu cực chiếm khoảng 16,5% lực lượng lao động của cả nước. Điều đó cũng hàm ý sự gia tăng số lượng hàng hóa và dịch vụ sản xuất ra cho nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và đặt áp lực cho các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước trong điều kiện nguồn thu sẽ còn bị ảnh hưởng dự kiến đến hết năm 2021.
Thứ ba, doanh nghiệp trong nước bị thu hẹp sản xuất.
Báo cáo Kết quả khảo sát tác động của dịch COVID- 19 đến doanh nghiệp và người lao động của VCCI cho thấy, khi làn sóng COVID-19 thứ 2 và thứ 3 liên tiếp ập đến đã làm cho những nỗ lực của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi từ ảnh hưởng của làn sóng COVID- 19 thứ nhất trở nên ảm đạm hơn.
Cụ thể, kết quả khảo sát các tác động của dịch COVID-19 tới doanh nghiệp bao gồm: (i) 57,4% doanh nghiệp cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đã làm cho thị trường trong nước bị thu hẹp; (ii) 54,5% doanh nghiệp cho rằng, dịch bệnh đã làm cho khả năng giao tiếp để tìm kiếm khách hàng giảm xuống; (iii) 45,5% doanh nghiệp cho rằng, thị trường nước ngoài bị thu hẹp; (iv) 31,6% doanh nghiệp khẳng định gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp để chăm sóc khách hàng hiện tại; (v) 30,9% doanh nghiệp cho rằng, họ bị thiếu vốn/dòng tiền trong kinh doanh; (vi) 26,2% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, họ gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào; (vii) 24,3% doanh nghiệp bị tác động tiêu cực tới năng lực sản xuất do các biện pháp hạn chế hoạt động di chuyển của người lao động; (viii) 12,5% doanh nghiệp trả lời đại dịch COVID-19 đã làm cho họ thiếu hụt lực lượng lao động phù hợp. Các tác động trên cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế được thể hiện ở Bảng 1.
Số liệu thống kê cho thấy, các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau bị tác động mạnh mẽ đến thị trường của họ và khả năng tìm kiếm khách hàng mới là chủ yếu. Tuy nhiên, tùy theo đặc thù của ngành, lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động mà các tác động này có thể khác nhau. Những thông tin thống kê về tác động này tới doanh nghiệp là những chỉ báo cụ thể đối với các nhà hoạch định và thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, do đại dịch COVID-19 đem lại.
Thứ tư, đại dịch COVID-19 có tác động mạnh đến hoạt động của khu vực doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn và số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2021. Đây là kết quả tác động từ đợt bùng phát thứ 2 và thứ 3 của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn và doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong tháng 1/2021 đạt mức kỷ lục kể từ tháng 1/2019 với số lượng lần lượt là 25.752 và 18.055 doanh nghiệp (Hình 3).
Thứ năm, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của Việt Nam được cải thiện tốt hơn.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2021 về xu hướng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, bất bình đăng thu nhập trong các tầng lớp dân cư ngày càng giảm khi hệ số GINI giảm từ 0,431 năm 2016 xuống còn 0,373 năm 2020 (Hệ số GI N I dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước). Bất bình đẳng trong phân phối thu nhập đã giảm ở cả nông thôn và thành thị. Có thể thấy, dù không đại dịch COVID- 19 xảy ra thì xu hướng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam sẽ giảm xuống, nhưng dưới ảnh hưởng của đại dịch thì dường như sự sụt giảm của hệ số GINI trở nên nhanh hơn. Chênh lệch của hệ số GINI giữa năm 2019 và 2018 là 0,002 điểm nhưng chênh lệch giữa năm 2020 và 2019 là 0,05 điểm (tăng gấp 25 lần). Tương tự, với khu vực thành thị, giữa năm 2019 và 2018 hệ số GINI của khu vực này không thay đổi, nhưng giữa năm 2020 và 2019, thì hệ số GINI giảm 0,048 điểm. Đối với khu vực nông thôn, giữa năm 2019 và 2018 hệ số GINI giảm được 0,007 điểm thì giữa năm 2020 và 2019 hệ số GINI giảm 0,042 điểm.
Chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất và thấp nhất đã được thu hẹp từ 10,2 lần trong năm 2019 xuống còn 8,0 lần trong năm 2020. Khoảng cách giàu-nghèo của khu vực thành thị giảm từ 7,2 lần năm 2019 xuống còn 5,3 lần trong năm 2020. Đối với khu vực nông thôn thì khoảng cách này giảm từ 9,6 lần trong năm 2019 xuống còn 8,0 lần trong năm 2020.
Tác động của dịch COVID-19 đến bất bình đẳng trong phân phối thu nhập và khoảng cách thu nhập giữa các nhóm thu nhập sẽ cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để tìm hiểu. Tuy nhiên, qua phân tích các dữ liệu thống kê cơ bản của Tổng cục Thống kê có thể thấy được những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm phục hồi nền kinh tế
Ngay từ thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19. Tiếp đó, Chính phủ ban hành thêm nhiều văn bản quan trọng như: (i) Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; (ii) Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; (iii) Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg...
Theo báo cáo của VCCI và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương Việt Nam đã nhanh chóng triển khai thành những chính sách cụ thể. Theo đó, có khoảng 95 văn bản về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tập trung vào những nhóm chính sau:
(i) Chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, với quy mô 180 nghìn tỷ đồng;
(ii) Chính sách tiền tệ với trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng có quy mô lên đến 250 nghìn tỷ đồng;
(iii) Chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội với quy mô 62 nghìn tỷ đồng;
(iv) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động với quy mô 16 nghìn tỷ đồng;
(v) Chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm thông qua việc thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 42/NQ-CP và qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí xấp xỉ 33 nghìn tỷ đồng;
(vi) Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã hỗ trợ 245 chủ sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho khoảng 11,2 nghìn người lao động với tổng kinh phí là 41,82 tỷ đồng.
Đề xuất một số định hướng chính sách trong tương lai
Trên cơ sở đánh giá tác động của đại dịch COVID- 19 đến kinh tế-xã hội, bài viết đề xuất một số định hướng chính sách chính để phục hồi và đưa nền kinh tế Việt Nam trở về quỹ đạo bình thường gồm:
Thứ nhất, ưu tiên và tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là biện pháp căn cơ và tiết kiệm nhất của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Giải pháp chính sách quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay làtập trung, quyết liệt, nghiêm túc thực hiện các chỉthị, chỉđạo của Ban Bíthư, Thủtướng Chính phủ, Ban Chỉđạo phòng, chống dịch COVID-19, BộY tếtrong theo dõi, khoanh vùng vàngăn ngừa dịch bệnh COVID-19. Từng bộ, ngành, địa phương vàdoanh nghiệp chủđộng, có trách nhiệm theo dõi, đánh giávàchủđộng triển khai các biện pháp phùhợp vàhiệu quả. Duy trìvàtiếp tục nâng cao sựphối hợp giữa các cơ quan. Công tác truyền thông vềdịch bệnh kịp thời, chính xác, minh bạch; xử lý nghiêm các trường hợp tung tin sai lệch vềdịch bệnh.
Xét về ý nghĩa của giải pháp này đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm tới có thể khẳng định, ngăn chặn được sự phát triển của dịch COVID-19 là giải pháp tiết kiệm nhất đối với nước ta hiện nay.
Thứ hai, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hiện nay, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác nhau để phục hồi trước ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19. Theo đó, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp biết và sử dụng các lợi ích từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Theo báo cáo khảo sát của VCCI năm 2020, có bốn nhóm khó khăn lớn đối với doanh nghiệp trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước bao gồm: (i) Tiếp cận các thông tin cụ thể về quy trình, thủ tục đăng ký hỗ trợ (36,5%); (ii) Thỏa mãn các điều kiện để được tiếp cận các chính sách hỗ trợ (54,6%); (iii) Thủ tục kê khai hồ sơ đăng ký hỗ trợ (26,5%); (iv) Thời gian chờ xác minh và phê duyệt hồ sơ hỗ trợ (32,5%).
Thứ ba, đối với các chính sách đã ban hành, các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường nắm bắt thông tin liên quan đến các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Trong quá trình thực hiện chính sách, các cơ quan chủ trì thực hiện chính sách cần phải nghiêm túc kiểm tra và kiểm soát quá trình thực hiện. Các cơ quan quản lý nhà nước có thể thiết lập cơ chế trao đổi thông tin giữa đơn vị với những đối tượng thuộc diện thụ hưởng của chính sách để kịp thời nắm bắt các vướng mắc, bất cập để có phương án tháo gỡ kịp thời. Trong đó, cần chú trọng đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, bởi vì khả năng chống chịu của nhóm doanh nghiệp này đối với cú sốc kinh tế từ đại dịch COVID-19 sẽ khó khăn hơn so với các nhóm doanh nghiệp khác.
Thứ tư, tiếp tục giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Tiếp tục, quyết liệt và đồng lòng giữa trung ương và địa phương, các bộ, ban ngành triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội năm 2021 theo tinh thần Nghị quyết số 01 và 02 năm 2021 của Chính phủ. Trong đó, có thể tập trung vào các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong ngắn hạn, chi tiêu ngân sách nhà nước sẽ chịu áp lực của các chi phí phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 và thu ngân sách nhà nước cũng đứng trước thách thức lớn từ việc suy giảm của các hoạt động kinh tế. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới đầu tư công khi nguồn ngân sách cần được huy động để ưu tiên phòng ngừa sự mở rộng của dịch. Trong bối cảnh này, Chính phủ nên cân nhắc thực hiện kết hợp giữa chính sách tài khóa "thắt lưng buộc bụng" và chính sách tiền tệ nới lỏng; Thắt chặt các khoản chi thường xuyên để ưu tiên nguồn lực cho phòng ngừa dịch COVID-19 và thúc đẩy đầu tư công. Ngân hàng Nhà nước theo dõi và điều chỉnh chính sách tiền tệ nới lỏng một cách ổn định và nhất quán nhằm tạo tâm lý tự tin cho các nhà đầu tư trên thị trường tài chính và hệ thống tín dụng trong nền kinh tế.
Đểtạo ra cú hích cho nền kinh tế trong điều kiện cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không đem lại tác dụng như mong đợi, Chính phủ nên cân nhắc đến việc xây dựng kế hoạch dự phòng cho một chương trình kích cầu có trọng tâm, trọng điểm trong trung hạn thay vì một chương trình kích cầu toàn diện. Các lĩnh vực trọng tâm, liều lượng của gói kích cầu cũng phải được thảo luận và lên kế hoạch ngay từ bây giờ. Chưa nên đặt ra các giải pháp có hiệu quả trong dài hạn, dịch bệnh COVID-19 còn tiếp tục diễn biến khó lường và chưa thể tiên lượng được phạm vi ảnh hưởng của nó.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương (2021), Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế xã hội;
2. GSO (01/2019-06/2021), Báo cáo kinh tế xã hội hằng tháng từ tháng 01/2019 đến tháng 06/2021;
3. VCCI (09/2020), Báo cáo kết quả khảo sát sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam Quý II/2020 và đánh giá tác động của giai đoạn 2 dịch bệnh COVID-19 đến doanh nghiệp và người lao động;
4. VCCI (2020), Báo cáo kết quả khảo sát tác động của dịch bệnh COVID-19 đến doanh nghiệp và người lao động;
5. VCCI – Ngân hàng Thế giới (2020), Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020.
(*) PGS., TS. Bùi Văn Huyền - Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Đỗ Tất Cường - Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.