Tác động của lãnh đạo số đến đổi mới tổ chức
Lãnh đạo số là chủ đề nhận được sự quan tâm của các học giả trong các nghiên cứu về hành vi tổ chức vài năm gần đây. Bài viết này tổng hợp các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về tác động của lãnh đạo số đến đổi mới của tổ chức. Kết quả của các nghiên cứu trước cho thấy tác động đáng kể và tích cực của lãnh đạo số đến đổi mới của tổ chức với nhiều góc độ như: Đổi mới hành vi làm việc của nhân viên, đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình… Từ kết quả nghiên cứu này, các thảo luận và khuyến nghị hướng nghiên cứu tiếp theo đã được đề xuất nhằm phát triển các định hướng nghiên cứu về ảnh hưởng của lãnh đạo số đến đổi mới của tổ chức.

Đặt vấn đề
Thuật ngữ "lãnh đạo số" (digital leadership) xuất hiện vài năm gần đây trong các nghiên cứu học thuật. Lãnh đạo số là phong cách lãnh đạo nhằm mục đích dẫn dắt chuyển đổi số, tạo ra nền văn hóa thay đổi bền vững trong tổ chức với tầm nhìn đổi mới bằng cách hỗ trợ và yêu cầu nhân viên thực hiện chuyển đổi số, cũng như quản lý để dẫn dắt tổ chức trong môi trường kinh doanh số (Klein, 2020).
Ảnh hưởng của lãnh đạo số đến đổi mới của tổ chức là hướng nghiên cứu được quan tâm trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, còn nhiều tranh cãi về kết quả nghiên cứu. Một số học giả đã chứng minh tác động trực tiếp và gián tiếp của lãnh đạo số đến các khía cạnh của đổi mới như đổi mới quản trị, đổi mới sản phẩm xanh, đổi mới khám phá... Ngược lại, một số nghiên cứu lại cho rằng lãnh đạo số không ảnh hưởng trực tiếp đến sự đổi mới của tổ chức, tác động cần được thực hiện thông qua trung gian. Ngoài ra, các nghiên cứu về ảnh hưởng của lãnh đạo số đến đổi mới của tổ chức vẫn còn nhiều biến số chưa được đưa vào mô hình nghiên cứu. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu là tổng quan tài liệu, từ đó gợi mở hướng nghiên cứu về ảnh hưởng của lãnh đạo số đến đổi mới của tổ chức.
Phương pháp nghiên cứu
Bài viết tổng hợp, phân tích toàn bộ các tài liệu và công trình nghiên cứu liên quan. Do số lượng bài nghiên cứu về lãnh đạo số ở Việt Nam còn rất hạn chế, nên tác giả tập trung tổng hợp các nghiên cứu nước ngoài về lĩnh vực này. Tác giả đã tiến hành thu thập dữ liệu thứ cấp tin cậy từ các nghiên cứu trên Tạp chí Scopus và cơ sở dữ liệu của ISI Web of Science thuộc các nhà xuất bản như: Emerald, Taylor và Francis, Springer và Willey... Đây là các nguồn tạp chí học thuật có uy tín cao liên quan đến lĩnh vực kinh tế và kinh doanh. Các từ khóa được sử dụng để tìm kiếm tài liệu là “digital leadership”, “teachnology leadership”, “innovation”, “innovation behavior”, “product/process innovation”, “organizational innovation”, “the impact of digital leadership on innovation”…
Trong số hàng trăm nghiên cứu tìm được theo những từ khóa trên, tác giả đã lược khảo phần tóm lược và xác định các nghiên cứu phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của bài viết. Tiếp đó, bằng cách so sánh và tổng hợp các nghiên cứu, tác giả tóm tắt lý thuyết, mô hình nghiên cứu liên quan và gợi mở hướng nghiên cứu trong tương lai về ảnh hưởng của lãnh đạo số đến đổi mới của tổ chức.
Tổng quan tài liệu nghiên cứu
Lãnh đạo số
Thuật ngữ lãnh đạo số đã được phát triển cho quá trình chuyển đổi số hiện nay, tuy nhiên chưa có định nghĩa tiêu chuẩn cho lãnh đạo số. Hướng tiếp cận khá phổ biến trong các nghiên cứu học thuật vài năm gần đây cho rằng lãnh đạo số là một phong cách lãnh đạo, là khả năng của nhà lãnh đạo để tối ưu hóa lợi ích của công nghệ kỹ thuật số nhằm tăng hiệu quả kinh doanh. Trong đó, Zhu (2015) đã định nghĩa lãnh đạo số là khả năng quản lý tính không ổn định, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ (volatility, uncertainty, complexity, ambiguity – VUCA) nhằm tạo ra thách thức chung và năng động trong quá trình chuyển đổi số. Niu và cộng sự (2022) cho rằng lãnh đạo số là khả năng của một nhà lãnh đạo trong việc tạo ra một tầm nhìn rõ ràng, có ý nghĩa cho quá trình số hóa và khả năng xây dựng các chiến lược để hiện thực hóa tầm nhìn này là những thành phần cốt lõi của lãnh đạo số.
Sagbas và cộng sự (2022) khẳng định, lãnh đạo số là một phong cách lãnh đạo tập trung vào việc thực hiện chuyển đổi số trong một tổ chức. Nhà lãnh đạo số là được định nghĩa là một nhà lãnh đạo có ý tưởng đổi mới ở cấp độ kỹ thuật số, thúc đẩy nhân viên trong môi trường số, có khả năng thiết lập giao tiếp bền vững với nhân viên của mình trong một môi trường kỹ thuật số và phát triển các chiến lược kỹ thuật số. Bản chất của lãnh đạo số là năng động và là trung tâm của việc tích hợp văn hóa và năng lực trong việc tối ưu hóa công nghệ kỹ thuật số để tạo ra giá trị và do đó, với lãnh đạo số phù hợp, những chuyển đổi này sẽ thành công và dẫn đến tăng trưởng (Magesa và Jonathan, 2022). Lãnh đạo số được mô tả là kiểu lãnh đạo tồn tại trong thế giới kỹ thuật số bằng cách kết hợp các hành động như quản lý, tổ chức và tư duy chiến lược với các kỹ năng như biết, sử dụng và phổ biến các công cụ thời đại kỹ thuật số một cách hiệu quả (Oktaysoy và cộng sự, 2023).
Một số nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm cũng đã đề xuất thang đo lãnh đạo số, trong đó, các học giả tập trung nghiên cứu đối với nhà quản trị cấp cao ở các loại hình tổ chức/doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Mặc dù chưa có sự thống nhất do các nghiên cứu được thực hiện với các phương pháp, phạm vi và khách thể nghiên cứu khác nhau, nhưng các nghiên cứu mô tả lãnh đạo số thường thể hiện thông qua hành vi, kiến thức, kỹ năng, tố chất lãnh đạo trong môi trường số:
Quan điểm của Zhu (2015) là tiêu biểu và có ảnh hưởng nhất đến hiện tại đối với nhiều nghiên cứu về lãnh đạo số. Theo đó, lãnh đạo số được đo lường thông qua 5 đặc điểm: (1) Là nhà lãnh đạo tư duy (Thought leaders), các nhà lãnh đạo số phải có khả năng tư duy để học hỏi và thay đổi; (2) Là nhà lãnh đạo sáng tạo (Creative Leadersr), nhà lãnh đạo số phải sáng tạo và tư duy đổi mới để có thể biến ý tưởng cho tương lai thành hiện thực trong kinh doanh; (3) Là nhà lãnh đạo có tầm nhìn toàn cầu (Global Visionary Leader), các nhà lãnh đạo số có thể đưa ra định hướng và trở thành người điều phối, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số; (4) Là nhà lãnh đạo ham học hỏi (Inquisitive Leader), các nhà lãnh đạo số phải có khả năng học tập công nghệ kỹ thuật số; (5) Là nhà lãnh đạo sâu sắc (Profound Leader), các nhà lãnh đạo số có nhiều kiến thức và hiểu biết sâu sắc về công nghệ số, từ đó nâng cao kiến thức để đưa ra quyết định.
Mihardjo và cộng sự (2019a, 2019b) cũng có phát hiện tương tự với các thang đo trong nghiên cứu trước đó của Zhu (2015), cụ thể hơn, tác giả cho rằng các khía cạnh quan trọng nhất của lãnh đạo số là tầm nhìn và sự hợp tác toàn cầu (global vision and collaboration), tiếp theo là khả năng phản xạ (reflectiveness) và kiến thức chuyên sâu (in-depth knowledge). Tính phản xạ và tính ham học hỏi (inquisitiveness) có liên quan đến việc sở hữu trí tò mò và khả năng cảm nhận những thay đổi của thị trường, nắm bắt cơ hội, giảm thiểu các mối đe dọa. Kiến thức chuyên sâu liên quan đến việc ra quyết định được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật số. Cuối cùng, tính sáng tạo (creativity) là rất quan trọng trong kỷ nguyên kỹ thuật số để đề xuất nhiều mô hình kinh doanh sáng tạo.
Promsri C. (2019) đã đề xuất mô hình “Sáu đặc điểm của một nhà lãnh đạo số để thành công trong chuyển đổi số”: (i) Kiến thức và hiểu biết về kỹ thuật số (Digital knowledge and literacy), một nhà lãnh đạo số cần hiểu môi trường thay đổi liên quan đến các công nghệ kỹ thuật số có ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số trong một tổ chức; (ii) Tầm nhìn (Vision), nhà lãnh đạo số cần có tầm nhìn và mục đích rõ ràng liên quan đến chuyển đổi số và truyền đạt tầm nhìn đó đến tất cả các cấp nhân viên trong tổ chức; (iii) Thấu hiểu khách hàng (Customer focus), nhà lãnh đạo số cần cân nhắc nhu cầu và thay đổi của khách hàng khi thực hiện chuyển đổi số; (iv) Nhanh nhẹn (Agility), một nhà lãnh đạo số cần phải nhanh nhẹn, linh hoạt và thích ứng để đối phó với môi trường thay đổi nhanh chóng trong thế giới kỹ thuật số; (v) Chấp nhận rủi ro (Risk-taking), nhà lãnh đạo số cần tìm kiếm những cơ hội mới và chấp nhận những sai lầm xảy ra trong quá trình thử nghiệm ý tưởng của nhân viên, tạo ra bầu không khí thử nghiệm và ủng hộ nhân viên thử nghiệm những điều mới ngay cả khi họ sẽ thất bại; (vi) Hợp tác (Collaboration), nhà lãnh đạo số cần khuyến khích nhân viên và các nhóm hợp tác, đảm bảo rằng mọi người cố gắng làm việc cùng nhau để chuyển đổi số thành công.
Đổi mới của tổ chức
Khái niệm về đổi mới được phát triển trong nhiều thập kỷ qua, khái niệm về đổi mới trong các nghiên cứu nhấn mạnh một số khía cạnh như sau:
Thứ nhất, đổi mới gắn liền với sáng tạo, các ý tưởng. Schumpeter là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của tính đổi mới trong quy trình kinh doanh và định nghĩa định nghĩa về đổi mới đã được ông giới thiệu vào khoảng năm 1934, theo đó tính đổi mới là làm những điều mới hoặc làm những điều hiện có theo những cách mới (Schumpeter và Swedberg, 2021). Calantone và cộng sự (2002) định nghĩa đổi mới là việc tạo ra, chấp nhận và thực hiện các ý tưởng, quy trình, sản phẩm hoặc dịch vụ mới.
Thứ hai, đổi mới liên quan tới tri thức, Drucker P.F. (1993) định nghĩa đổi mới là việc ứng dụng tri thức để tạo ra những tri thức mới. Ramadani V. và cộng sự (2016) định nghĩa đổi mới là việc biến các ý tưởng mới và tri thức mới trở thành những sản phẩm, quy trình và dịch vụ mới để nâng cao lợi thế cạnh tranh và đáp ứng những nhu cầu đang thay đổi của khách hàng.
Thứ ba, đổi mới liên quan đến việc sử dụng các nguồn lực của tổ chức để tạo ra sự thay đổi, và mang lại giá trị dựa trên kết quả của sự thay đổi. Hill, C.W.L. (1998) khẳng định rằng, đổi mới là quá trình mà các tổ chức sử dụng các kỹ năng và nguồn lực của họ để tạo ra công nghệ hoặc hàng hóa và dịch vụ mới để họ có thể thay đổi và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, một số học giả đã đề cập đến các loại đổi mới trong tổ chức. Theo độ sâu của đổi mới, có hai loại đổi mới được đề cập đó là đổi mới gia tăng/đổi mới nâng cao (Incremental innovation) và đổi mới triệt để/đổi mới đột phá (Radical innovation). Trong đó, đổi mới gia tăng đề cập đến những thay đổi nhỏ của công nghệ hiện có về thiết kế, chức năng, giá cả, số lượng và tính năng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện tại (Propris, 2002). Đổi mới triệt để được định nghĩa là việc áp dụng các công nghệ mới để tạo ra nhu cầu chưa được khách hàng và thị trường công nhận (Jansen và cộng sự, 2006).
Theo các lĩnh vực đổi mới, một số loại đổi mới được đề cập theo OECD (2005) như: Đổi mới sản phẩm hoặc dịch vụ (Product innovation) là việc giới thiệu một hàng hóa hoặc dịch vụ mới được cải thiện đáng kể về các đặc tính hoặc mục đích sử dụng của nó, bao gồm những cải tiến đáng kể về thông số kỹ thuật, thành phần và vật liệu, phần mềm tích hợp, thân thiện với người dùng hoặc các đặc điểm chức năng khác.
Đổi mới quy trình (Process innovation) là việc thực hiện một phương pháp sản xuất hoặc phân phối mới hoặc được cải thiện, điều này bao gồm những thay đổi đáng kể về kỹ thuật, thiết bị hoặc phần mềm và đổi mới quy trình có thể làm giảm chi phí đơn vị sản xuất hoặc giao hàng để tăng chất lượng hoặc sản xuất hoặc cung cấp các sản phẩm mới hoặc được cải thiện đáng kể.
Đổi mới tiếp thị (Marketing innovation) là việc thực hiện một phương pháp tiếp thị mới liên quan đến những thay đổi quan trọng trong thiết kế hoặc đóng gói sản phẩm, định vị sản phẩm, quảng bá sản phẩm hoặc giá cả.
Đổi mới về tổ chức (Organizational innovation) là việc thực hiện một phương pháp tổ chức mới trong các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức lại nơi làm việc hoặc các mối quan hệ bên ngoài, đổi mới tổ chức có xu hướng tăng hiệu quả của doanh nghiệp bằng cách giảm chi phí hành chính và giao dịch, cải thiện sự hài lòng tại nơi làm việc (tăng năng suất lao động), tiếp cận với các tài sản không thể giao dịch hoặc giảm chi phí.
Ảnh hưởng của lãnh đạo số đến đổi mới của tổ chức
Cùng với sự ra đời của thuật ngữ lãnh đạo số trong những nghiên cứu học thuật vài năm gần đây, nghiên cứu về ảnh hưởng của lãnh đạo số đến các khía cạnh đổi mới của tổ chức đã bắt đầu được một số học giả nước ngoài quan tâm với các nghiên cứu thực nghiệm đã được công bố. Các nghiên cứu đã chỉ ra tác động trực tiếp và gián tiếp của lãnh đạo số đến quản trị sự đổi mới, hiệu suất làm việc của nhân viên, đổi mới sản phẩm xanh, đổi mới khám phá, đổi mới mô hình kinh doanh... (Mihardjoa và cộng sự, 2019b; Muniroh và cộng sự, 2022; Wang và cộng sự, 2022; Salamzadeh và cộng sự, 2022).
Một số biến trung gian được sử dụng như năng lực động, xu hướng thị trường, năng lực số hóa nền tảng, văn hóa số, định hướng kinh doanh, định hướng trải nghiệm khách hàng. Các biến kiểm soát được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu về đổi mới của tổ chức nói chung, ảnh hưởng của lãnh đạo số đến đổi mới của tổ chức nói riêng như quy mô lao động, thời gian và lĩnh vực hoạt động của tổ chức. Tuy nhiên, kết quả trong các nghiên cứu trước có sự mâu thuẫn khi một số nghiên cứu lại cho rằng lãnh đạo số không ảnh hưởng trực tiếp đến sự đổi mới của tổ chức, tác động cần được thực hiện thông qua biến trung gian (Benitez J. và cộng sự, 2022; Prajogo, Ahmed, 2006).
Mihardjo L.W.W. và cộng sự (2019) đã khảo sát 88 lãnh đạo cấp cao tại các công ty viễn thông của Indonesia. Mô hình nghiên cứu được xây dựng để đánh giá tác động của lãnh đạo số và đổi mới mô hình kinh doanh với trung gian là định hướng trải nghiệm khách hàng. Kết quả nghiên cứu ủng hộ tất cả các giả thuyết trong mô hình. Phát hiện này có ý nghĩa đối với mô hình chuyển đổi số trong đó nhà lãnh đạo số đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chuyển đổi dựa trên tầm nhìn và tham vọng của họ.
Salamzadeh, Y. và cộng sự (2022) khảo sát 132 người làm việc tại các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp sản xuất tại Malaysia. Kết quả cho thấy lãnh đạo số có mối quan hệ tích cực với năng lực của tổ chức (năng lực liên minh, khả năng đổi mới và năng lực động) và đóng một vai trò rất quan trọng trong bối cảnh của Malaysia. Các phát hiện cho thấy nhu cầu số hóa trong đổi mới và lãnh đạo số đánh giá cao các hành động đổi mới, thúc đẩy tổ chức gia tăng kết quả hoạt động bằng cách tạo ra các ý tưởng mới, xác định các cơ hội thị trường mới và thực hiện các đổi mới thông qua việc tận dụng các nguồn lực và khả năng hiện có. Do đó, lãnh đạo số là một biến số quan trọng để tạo ra và tăng cường sự đổi mới trong một tổ chức.
Wang và cộng sự (2022) đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng với mẫu khảo sát là 88 lãnh đạo cấp cao và 401 người lao động làm việc tại các công ty đã triển khai quá trình số hóa, các doanh nghiệp có trụ sở hoạt động tại Cát Lâm, Sơn Đông, các tỉnh Quảng Đông và Bắc Kinh, Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy lãnh đạo số có tác động tích cực đến đổi mới khám phá của tổ chức, định hướng kinh doanh kỹ thuật số và văn hóa số của tổ chức làm trung gian cho mối quan hệ tích cực giữa lãnh đạo số và đổi mới khám phá. Nghiên cứu không chỉ đề cập đến việc tăng cường nghiên cứu số hóa trong các tổ chức mà giúp hiểu sâu hơn về con đường từ lãnh đạo số đến đổi mới khám phá của tổ chức.
Benitez và cộng sự (2022) đã thực hiện 16 cuộc phỏng vấn bán cấu trúc với các nhà quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp ở Tây Ban Nha và khảo sát qua bản hỏi từ 117 doanh nghiệp ở Châu Âu. Nghiên cứu cung cấp bằng chứng lý thuyết và thực nghiệm về cách mà lãnh đạo số có thể tạo ra hiệu suất đổi mới. Mô hình nghiên cứu được xây dựng năng lực lãnh đạo số tác động đến hiệu suất đổi mới thông qua biến trung gian là năng lực số hóa nền tảng.
Các biến kiểm soát được sử dụng là: Quy mô (Firm size), lĩnh vực (industry), thời gian hoạt động (firm age), sự đầu tư vào công nghệ thông tin (IT investment). Kết quả nghiên cứu cho thấy, lãnh đạo số là năng lực bậc thấp ảnh hưởng gián tiếp đến hiệu suất đổi mới vì nó cần năng lực bậc cao hơn để tác động đến hiệu suất đổi mới. Như vậy kết quả nghiên cứu có mâu thuẫn với nhiều nghiên cứu khác khi cho rằng lãnh đạo số không có tác động trực tiếp đến hiệu suất đổi mới.
Thảo luận và khuyến nghị
Từ tổng quan nghiên cứu có thể rút ra một số nhận định về khoảng trống nghiên cứu như sau:
Thứ nhất, lãnh đạo số là một chủ đề mới được nghiên cứu trong vài năm gần đây, kiểm định mô hình mối quan hệ giữa lãnh đạo số và đổi mới của tổ chức mới nhận được sự quan tâm của một số học giả nước ngoài, tồn tại khoảng trống nghiên cứu cần được khỏa lấp bởi các nghiên cứu trong nước, gắn liền với đặc thù của từng loại hình tổ chức trong bối cảnh kinh tế, khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, kết quả nghiên cứu về mối quan hệ của lãnh đạo số và đổi mới hiện có sự khác biệt, do vậy cần có các nghiên cứu trong tương lai để lý giải những mâu thuẫn này.
Thứ ba, nghiên cứu ảnh hưởng của lãnh đạo số đến đổi mới ở cấp độ tổ chức hiện được các học giả quan tâm nhiều hơn. Vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu về ảnh hưởng của lãnh đạo số đến đổi mới ở cấp độ cá nhân, bởi đổi mới ở cấp độ cá nhân có thể đóng góp vào đổi mới ở cấp độ tổ chức.
Thứ tư, để có được góc nhìn toàn diện về mối quan hệ giữa lãnh đạo số đến đổi mới ở cấp độ cá nhân hay tổ chức, các nghiên cứu cần bổ sung thêm biến trung gian, biến điều tiết, biến kiểm soát phù hợp, từ đó lý giải rõ hơn mối quan hệ này.
Từ các nhận định trên, tác giả đưa ra một số gợi mở về các hướng nghiên cứu trong tương lai. Theo đó, Lý thuyết cấp trên (The Upper Echelon Theory) được đề xuất bởi Hambrick & Mason (1984) cho rằng kết quả của tổ chức được dự đoán một phần bởi các đặc điểm nền tảng quản lý của nhóm quản lý cấp cao nhất. Lãnh đạo số được dự đoán là có những đặc điểm ảnh hưởng đến hành vi và quyết định của nhà lãnh đạo, do đó có tác động trên các biến cấp độ cá nhân người lao động và cấp công ty.
Bên cạnh đó, Lý thuyết dựa trên nguồn lực (Resource-based view) của Barney (2001) có thể lý giải rằng các nhà lãnh đạo đóng vai trò cung cấp các nguồn lực đổi mới, chủ động, chấp nhận rủi ro, nắm bắt các tác động từ môi trường bên ngoài để kích thích hành vi đổi mới.
Đây là hai lý thuyết nền cơ bản có thể lý giải cho giả thuyết về mối quan hệ giữa lãnh đạo số và đổi mới của tổ chức. Do vậy, xuất phát từ các lý thuyết nền và khoảng trống nghiên cứu, mô hình nghiên cứu đề xuất về ảnh hưởng của lãnh đạo số đến đổi mới ở cấp độ cá nhân và tổ chức, giả thuyết đổi mới ở cấp độ cá nhân có tác động tích cực đến đổi mới của tổ chức, bao gồm các lĩnh vực đổi mới (Hình 1) và độ sâu của đổi mới (Hình 2).
Hình 1: Mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của lãnh đạo số đến các lĩnh vực đổi mới của tổ chức thông qua vai trò trung gian của hành vi làm việc đổi mới

Nguồn: Đề xuất của tác giả
Hình 2: Mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của lãnh đạo số đến độ sâu của đổi mới trong tổ chức thông qua vai trò trung gian của hành vi làm việc đổi mới

Nguồn: Đề xuất của tác giả
Tại Việt Nam, mô hình nghiên cứu đề xuất có thể được áp dụng phù hợp tại các tổ chức cần thực hiện đổi mới thông qua chuyển đổi số trong bối cảnh nền kinh tế số hiện nay. Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước bao gồm: Y tế; Giáo dục; Tài chính - Ngân hàng; Nông nghiệp; Giao thông vận tải và logistics; Năng lượng; Tài nguyên và Môi trường; Sản xuất công nghiệp. Đây là những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày đến người dân. Vì vậy, các nghiên cứu trong tương lai có thể lựa chọn kiểm định mô hình ảnh hưởng của lãnh đạo số đến đổi mới tại các tổ chức thuộc những lĩnh vực này, từ đó có những đóng góp cả về mặt lý luận và thực tiễn trong giải quyết vất đề nghiên cứu.
Tài liệu tham khảo:
- Barney, J. (1991). Firm resources and sustained competitive advantage. Journal of management, 17(1), 99-120;
- Benitez, J., Arenas, A., Castillo, A., & Esteves, J. (2022). Impact of digital leadership capability on innovation performance: The role of platform digitization capability. Information & Management, 59(2), 103590;
- Calantone, R.J., Cavusgil, S.T. and Zhao, Y. (2002). Learning orientation, firm innovation capability, and firm performance’. Industrial Marketing Management, Vol. 31, pp.515–524;
- Hambrick, D. C., & Mason, P. A. (1984). Upper echelons: The organization as a reflection of its top managers. Academy of management review, 9(2), 193-206.
- Hill, C.W.L. and Jones, G.R. (1998). Strategic Management Theory: A Integrated Approach (4th ed.). Boston: Houghton Mifflin;
- Jansen, J. J., Van Den Bosch, F. A., & Volberda, H. W. (2006). Exploratory innovation, exploitative innovation, and performance: Effects of organizational antecedents and environmental moderators. Management science, 52(11), 1661-1674;
- Klein, M. (2020). Leadership characteristics in the era of digital transformation. Business & management studies: An international journal, 8(1), 883–902;
- Magesa, M. M., & Jonathan, J. (2022). Conceptualizing digital leadership characteristics for successful digital transformation: The case of Tanzania. Information Technology for Development, 28(4), 777–796;
- Mihardjo, L. W. W., Sasmoko, S., Alamsjah, F., & Elidjen, E. (2019a). Digital leadership impacts on developing dynamic capability and strategic alliance based on market orientation. Polish Journal of Management Studies, 19(2), 285-297;
- Niu, S., Park, B. I., & Jung, J. S. (2022). The effects of digital leadership and ESG management on organizational innovation and sustainability. Sustainability, 14(23), 15639.