Tác động của mô hình ngân hàng đa năng đến tỷ suất sinh lời của ngân hàng thương mại
Bài viết đánh giá tính hiệu quả của việc áp dụng mô hình đa năng thông qua tỷ suất sinh lợi của 32 ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn từ 2007 - 2015. Bằng phương pháp lượng hóa thông qua mô hình định lượng Panel Data. Bài viết hướng tới làm rõ có hay không và mức độ ảnh hưởng (nếu có) của nhân tố mô hình hoạt động đến tỷ suất sinh lời của các ngân hàng. Kết quả nghiên cứu là cơ sở góp ý cho Ngân hàng Nhà nước trong quá trình tái cơ cấu ngành Ngân hàng hiện nay.
Những năm gần đây, hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tín dụng giảm, nguồn vốn nhàn rỗi gia tăng, dịch vụ ngân hàng bị thu hẹp, nợ xấu gia tăng, lợi nhuận sụt giảm mạnh. Ngoài nguyên nhân khách quan do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, thì có một số ý kiến cho rằng, việc áp dụng mô hình hoạt động ngân hàng không phù hợp cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động ngân hàng.
Do vậy, nghiên cứu chính thức về tác động của mô hình đa năng đến hiệu quả sinh lời trong hoạt động của các NHTM Việt Nam là cần thiết.
Trên thế giới, Colleen W. Cameron (1995) đã nghiên cứu trên 44 ngân hàng ở Mỹ, 43 ngân hàng ở Nhật đại diện cho ngân hàng không đa năng và 26 ngân hàng ở Đức, 12 ngân hàng ở Thụy Sĩ đại diện cho ngân hàng đa năng (NHĐN).
Theo tính toán của Colleen W. Cameron, tỷ suất sinh lời (ROE) của các NHĐN không tốt hơn so với các ngân hàng không đa năng, thậm chí với độ tin cậy 5% bài nghiên cứu cũng cho rằng, ROE của các ngân hàng không đa năng cao hơn NHĐN là 1,60%.
Ở Việt Nam, nghiên cứu của Trần Thanh Bình và Vũ Chí Dương (2013) cho ra kết quả là ROE của các công ty con của NHĐN không tốt hơn so với ROE của công ty mẹ.
Nhìn chung, hai nghiên cứu trên đều đưa ra mô hình mối quan hệ giữa giá cổ phiếu IPO của các công ty do công ty con của ngân hàng bảo lãnh phát hành và của các công ty độc lập phát hành để xem xét mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và mô hình NHĐN.
Tổng quan về ngân hàng đa năng
Theo Luật Các tổ chức tín dụng Việt Nam (2010), NHTM là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật nhằm mục tiêu lợi nhuận. Các hoạt động ngân hàng còn được gọi là hoạt động truyền thống như: Nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản; các hoạt động kinh doanh khác mà Luật cho phép chính là nghiệp vụ của ngân hàng đầu tư (NHĐT). NHĐT là một trung gian tài chính cung cấp nhiều dịch vụ tài chính lớn và phức tạp như: Bảo hiểm, bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng; tư vấn sáp nhập và tái cơ cấu công ty và hoạt động như là một nhà môi giới và/hoặc tư vấn tài chính cho các khách hàng tổ chức.
Trong lịch sử tồn tại của mình, hoạt động NHĐT được thực hiện dưới nhiều hình thức, do nhiều loại hình doanh nghiệp (DN) cung cấp, từ công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ, NHTM... Trước đây tại Mỹ và Tây Âu, mô hình phổ biến thực hiện các hoạt động này là NHĐT chuyên biệt (chỉ thực hiện các hoạt động chứng khoán hóa) như Goldman Sachs, Merrill Lynch, Bear Stearn... và hoạt động này được tách biệt khỏi các nghiệp vụ NHTM truyền thống.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là sau khi Đạo Luật Gramm Leach Bliley được ban hành năm 1999 tại Mỹ nhằm dỡ bỏ rào cản giữa NHTM và NHĐT, các hoạt động NHĐT trên thế giới đang có xu hướng hợp nhất với các hoạt động tín dụng, khi các NHTM nỗ lực bán chéo sản phẩm để tận dụng lợi thế kinh tế về quy mô và đặc thù; từ đó, hình thành mô hình các “ngân hàng tổng hợp” hay còn gọi là mô hình NHĐN.
Như vậy, ngân hàng đa năng là một hệ thống ngân hàng cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính rộng lớn, bao gồm dịch vụ NHTM và dịch vụ ngân hàng đầu tư (George J.Benston, 1994). Ngân hàng đa năng là sự kết hợp của NHTM hoạt động trên thị trường tiền tệ và NHĐT hoạt động trên thị trường vốn và các hoạt động kinh doanh khác như: bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ…
Mô hình ngân hàng đa năng tại Việt Nam
Tính đến cuối năm 2015, theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam có tổng cộng 35 NHTM, trong đó có 4 ngân hàng hoạt động với tư cách ngân hàng TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, 31 NHTM cổ phần.
“Việt Nam hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định riêng về hoạt động của NHĐT và NHĐN”. Tuy nhiên, trong quy định các hoạt động kinh doanh của NHTM vẫn tồn tại các dịch vụ sau: Tư vấn ngân hàng, tài chính; tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư; mua, bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN; lưu ký chứng khoán, kinh doanh vàng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hoạt động ngân hàng sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.
Đây thực chất là một số nghiệp vụ của NHĐT. NHTM buộc phải thành lập công ty con, công ty liên kết khi kinh doanh các nghiệp vụ NHĐT khác như: Bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán; quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và mua, bán cổ phiếu; cho thuê tài chính; bảo hiểm; quản lý tài sản bảo đảm; kiều hối; kinh doanh ngoại hối, vàng…
Theo Tạ Hoàng Hà (2014), mô hình NHTM ở Việt Nam là mô hình “NHTM đa năng hạn chế”. Nghĩa là các NHTM được thực hiện các hoạt động ngân hàng truyền thống như: Nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ thanh toán) và tùy theo mức độ rủi ro thị trường của từng nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, các NHTM được phép trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua công ty con, công ty liên kết) thực hiện các nghiệp vụ NHĐT.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tồn tại mô hình tập đoàn đa năng sở hữu các công ty kinh doanh ở các lĩnh vực NHTM, chứng khoán, bất động sản, sản xuất kinh doanh… Tuy vậy, mô hình này đã bộc lộ nhiều hạn chế trong môi trường quản lý chưa được minh bạch và kiểm soát lỏng lẻo. Thực tế cho thấy, các NHTM Đại Dương (Ocean Bank), NHTM Xây Dựng (VNCB) là công ty con trong các tập đoàn đã quốc hữu hóa và trở về dưới dạng kinh doanh đơn thuần không còn chức năng NHTM.
Nếu căn cứ theo phân loại của Trần Thanh Bình, Vũ Chí Dương (2013): “NHĐN ở Việt Nam là ngân hàng có từ 2 công ty con, công ty liên kết hoạt động ngoài nghiệp vụ ngân hàng. Nếu tính theo phân loại trên thì đến thời điểm cuối năm 2015, Việt Nam có 17 NHĐN và 15 ngân hàng không đa năng trong tổng số 32 NHTM mà tác giả chọn mẫu.
Mô hình định lượng sử dụng trong nghiên cứu
Theo Hun Myoung Park về lý thuyết mô hình định lượng dạng dữ liệu bảng (Panel data), có 3 dạng mô hình chính với biến X độc lập: Pooled OLS (Bình phương nhỏ nhất gộp), Fixed effect model (Mô hình tác động cố định), Random effect model (Mô hình tác động ngẫu nhiên). Trên cơ sở phần mềm Stata, từ các dữ liệu quan sát không đồng nhất, tác giả sử dụng kiểm định Hausman Test để chọn lựa mô hình phù hợp nhất trong đánh giá hồi quy tương quan.
Dữ liệu, định nghĩa biến và mô hình định lượng
- id: NHTM: Dữ liệu nghiên cứu được tác giả dựa trên số liệu thu thập trên báo cáo tài chính hợp nhất của 32 trong tổng số 35 NHTM Việt Nam.
- t: Giai đoạn nghiên cứu từ năm 2007 đến 2015, ở một số năm tại một vài ngân hàng tác giả không thu thập được thông tin báo cáo tài chính. Tuy nhiên, số mẫu quan sát tương đối lớn, kết quả đánh giá độc lập theo năm nên thiếu sót này không ảnh hưởng nhiều đến mô hình hồi quy.
- Chỉ tiêu tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROEi,t) là tỷ lệ lợi nhuận sau thuế năm t trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng i, được tác giả tính toán dựa trên báo cáo tài chính hàng năm của 32 NHTM.
ROEi,t= [(Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng i năm t) / (Vốn chủ sở hữu ngân hàng i cuối năm (t-1) + Vốn chủ sở hữu ngân hàng i năm t)] * 100%
- Yếu tố đa năng (Di,t), chúng tôi phân loại NHĐN dựa trên thông tin thu thập được từ các công bố công khai, NHTM i là đa năng ở năm t nếu có từ 2 công ty con, công ty liên kết (góp vốn từ 10% trở lên) hoạt động ngoài nghiệp vụ ngân hàng. Biến đa năng là biến nhị phân, Di,t = 1 nếu là NHĐN ; Di,t = 0 nếu ngân hàng không hoạt động đa năng.
- Tốc độ tăng trưởng tổng tài sản (Gi, t): Kiểm chứng mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản của ngân hàng và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu.
Tốc độ tăng trưởng tổng tài sản (Gi,t) =
ROEi,t = α + β1Di,t +β2Gi,t + (ui + vi)
Trong đó:
- α: Hệ số tung độ gốc của đường hồi quy.
- Hệ số β1, β2: Mức độ biến động của biến độc lập đến ROE
- Sai số ngẫu nhiên (ui + vi).
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Kết quả nghiên cứu
Mô hình được thực hiện bằng phần mềm Stata. Bài viết dùng kiểm định Hausman Test đánh giá mức độ phù hợp cho thấy, không có nhiều khác biệt trong tính toán hồi quy bằng phương pháp hồi quy Pooles OLS, Fixed Effect và Random Effect. Tuy vậy, phương pháp hồi quy Random Effect cho kết quả cả hai biến độc lập đều được chấp nhận với mức ý nghĩa 5%.
Phương trình biểu diễn mối quan hệ mô hình NHĐN đến tỷ suất sinh lời:
ROE = 0.830917 + 0.0403479D + 0.029489G + (ui + vi)
Chỉ số Chi2 và F đều rất nhỏ (0.0000~) chứng tỏ các biến của mô hình là phù hợp. Mô hình hồi quy tính toán kết quả cho thấy rằng, với p < 5% cả biến đa năng (D) và tốc độ tăng trưởng tổng tài sản (G) đều có ý nghĩa tác động đến ROE của các ngân hàng. Mô hình NHĐN (D=1) ảnh hưởng đến 4.035% ROE của NHTM. Tốc độ tăng tổng tài sản ảnh hưởng làm tăng 2.95% ROE cho các NHTM. Mô hình có R-squared = 0.2991, chứng tỏ các biến độc lập có thể giải thích được 29.91% sự biến thiên của ROE ở các NHTM.
Dữ liệu hồi quy các năm biểu thị mức độ thay đổi của ROE qua các năm so với năm 2007. Năm 2007, ROE bình quân của các ngân hàng là 0.830917. Theo đó, không kể đa năng hay không đa năng, ROE năm 2009 - 2010 tiếp tục tăng, tuy nhiên đến giai đoạn 2011-2015 ROE lại chứng kiến suy giảm lớn so với năm 2007.
Thảo luận kết quả
Phân tích trên cho thấy, mô hình hoạt động NHĐN có tác động đến khả năng sinh lời ROE của các NHTM Việt Nam. Ngân hàng đa năng với các lợi thế về liên kết chéo, khả năng về vốn, uy tín lớn, mối quan hệ rộng tác động đến các công ty con, công ty liên kết kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Ngoài ra, mức độ thay đổi của ROE qua các năm có xu hướng bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế vĩ mô. Giai đoạn 2011-2015 nền kinh tế Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ của khủng hoảng tài chính thế giới. Điều này làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng, thậm chí là thua lỗ. Như vậy, không tính đến yếu tố đa năng, các NHTM đều có xu hướng thay đổi lợi nhuận cùng chiều, khi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.
Kết luận và giải pháp
Kết quả nghiên cứu của Trần Thanh Bình và Vũ Chí Dương (2013) cho thấy, ROE của các công ty con của NHĐN không tốt hơn so với ROE của ngân hàng mẹ. Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này lại chỉ ra rằng, về tổng thể ngân hàng hoạt động đa năng tại Việt Nam có ROE cao hơn các ngân hàng không đa năng. Kết quả này cũng trái ngược so với nghiên cứu của Colleen W. Cameron (1995) các ngân hàng tại Mỹ, Nhật, Đức và Thụy Sĩ. Như vậy có thể hiểu rằng, tùy vào tình trạng của nền kinh tế mà mô hình NHĐN có thể phát huy tính hiệu quả. Giai đoạn hiện tại, phát triển mô hình NHĐN là phù hợp với Việt Nam.
Phát triển NHĐN là xu thế phát triển tất yếu của hệ thống các ngân hàng, do vậy Ngân hàng Nhà nước cần định hướng các NHTM hoạt động tốt, phát triển thành các tập đoàn tài chính đa năng hùng mạnh như ở các nước trên thế giới. Các ngân hàng hoạt động kém, hoặc có nguy cơ thua lỗ nên được tái cơ cấu, sáp nhập với các ngân hàng lớn hơn để tăng quy mô, tạo ra các thể chế tài chính đủ mạnh để nâng cao sức cạnh tranh trong AEC.
Mặc khác, khi nền kinh tế vĩ mô suy giảm, lợi nhuận ngân hàng hoạt động đa năng theo đó cũng bị suy giảm. Nghĩa là mô hình NHĐN không phòng ngừa được rủi ro khi môi trường bên ngoài xấu đi. Về lâu dài, Chính phủ cần xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh riêng hoạt động ngân hàng đầu tư, tách bạch quản lý và giám sát hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư. Phát triển đa năng cũng đòi hỏi các NHTM phải đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn hoạt động.
Gần đây trên thị trường tài chính xảy ra nhiều vụ bê bối. Điều này chứng tỏ rằng hệ thống giám sát tài chính còn lỏng lẻo. Các cơ quan giám sát riêng lẻ, các trung gian tài chính không còn phù hợp với mô hình NHĐN hoạt động trên nhiều lĩnh vực tài chính. Châu Âu đang chia hệ thống giám sát làm 2 cấp độ. Cấp độ thứ nhất, là cấp vi mô thực hiện giám sát các định chế tài chính trên cơ sở từng cá nhân. Cấp độ thứ hai, là cấp vĩ mô thực hiện ổn định hệ thống tài chính giảm thiểu các rủi ro tài chính dựa trên các chỉ số kinh tế.
Do vậy, bài viết đề xuất cần cải cách mạnh mẽ tổ chức và cơ cấu bộ máy của hệ thống thanh tra giám sát ngân hàng Việt Nam theo hướng mô hình giám sát tổng hợp cho phù hợp với mô hình NHĐN. Điều này cũng phù hợp với Thông báo Kết luận số 191 – TB/TW của Bộ Chính trị về mục tiêu, giải pháp phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Và để có được một hệ thống NHĐN phát triển bền vững, tác động tích cực đến nền kinh tế thì Việt Nam phải xây dựng được hệ thống pháp luật vững chắc, thể chế hỗ trợ thị trường vững mạnh và có một hệ thống giám sát chặt chẽ tất cả mọi hoạt động trên thị trường tài chính.(Nghiên cứu này được sự tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (NTTU) trong đề tài mã số 2016.01.03).
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tài chính hàng năm của 32 NHTM (2007 -2015);
2. Đinh Xuân Hạ (2005). Góp bàn về xây dựng NHTM đa năng ở Việt Nam. Tạp chí ngân hàng, số 6, trang 34-37;
3. Tạ Hoàng Hà (2014). Bàn về mô hình tổ chức các hoạt động NHĐT tại Việt Nam. Tạp chí Thị trường - Tài chính - Tiền tệ số 16.8.2014;
4. Trần Thanh Bình, Vũ Chí Dương (2013). Một số bất cập khi phát triển mô hình NHĐN tại Việt Nam. Tạp chí Công nghệ ngân hàng, số 2+3, trang 76-86;
5. Colleen W. Cameron (1995). Universal banking and US banking in the 1990s. International Journal of Social Economics, Vol.22, No.4, PP.12-19;
6. George J. Benston (1994). Universal Banking. The Jounarl of Economic Perspectives, vol.8, No.3, pp.121-143;
7. Hun Myoung Park (2011), Practice Guide to Panel Data Modeling, International University of Japan;
8. Điều 103, 107 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010;
9. Krisha Chaitanya, “Universal Banking. The Indian perpective”, Regionaland Sectoral economy studies, AEEDE - vol.5-1 (2015).