Bàn về năng lực cạnh tranh, chênh lệch thu nhập và phân cấp tài khóa

ThS. Nguyễn Thanh Hùng - Đại học Thủ Dầu Một

Cải thiện năng lực cạnh tranh chính là yếu tố quan trọng đưa một quốc gia đang phát triển, phát triển thành công và toàn diện hơn. Bài viết triển khai nghiên cứu mối quan hệ giữa năng lực cạnh tranh, chênh lệch thu nhập vùng và phân cấp tài khoá với dữ liệu 63 tỉnh/thành trong khoảng thời gian 2005-2014. Kết quả cho thấy, việc gia tăng năng lực cạnh tranh sẽ giúp giảm chênh lệch thu nhập vùng và làm tăng phân cấp tài khoá. Thu nhập bình quân đầu người tăng cũng sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh của mỗi tỉnh, tăng chênh lệch thu nhập vùng, làm giảm phân cấp tài khóa. Điều này cũng tương tự cho tự do hóa thương mại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cải thiện năng lực cạnh tranh chính là yếu tố quan trọng đưa một quốc gia đang phát triển, phát triển thành công và toàn diện hơn. Các dự án năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh nỗ lực thúc đẩy tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích chính quyền các địa phương cải thiện môi trường kinh doanh (Ted Osius, 2015).

Một yếu tố khác có thể giúp xác định sự thay đổi trong năng lực cạnh tranh cấp vùng là mức độ phân cấp tài khoá, tác động của phân cấp tài khoá đến năng lực cạnh tranh của từng địa phương. Mỗi hệ thống chính trị có thể phân cấp tài khoá với các lý do khác nhau (Ebel và Yilmaz, 2002). Đối với các nước phát triển chủ yếu là phân cấp để cung cấp dịch vụ công một cách hiệu quả hơn, trong khi các nước có thu nhập thấp theo đuổi phân cấp như là một cách để vượt qua bất ổn kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả quản trị và giảm chênh lệch thu nhập.

Khảo sát thực nghiệm ở Việt Nam cho thấy những kết quả sau:

1) Phân cấp tài khóa nâng cao vị thế của các tỉnh, vùng nghèo và khuyến khích các chính sách tăng trưởng kinh tế, làm giảm sự bất bình đẳng trong khu vực. Mức độ phân cấp tài khóa có thể làm tăng chênh lệch thu nhập giữa các tỉnh. Mức độ phân cấp tài khóa lại phụ thuộc vào sự bất bình đẳng thu nhập và phân cấp tài khoá sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương.

2) Năng lực cạnh tranh tăng làm giảm chênh lệch thu nhập bình quân trên đầu người của các tỉnh so với thu nhập bình quân trên đầu người của cả nước và tăng mức độ phân cấp tài khóa.

3) Chênh lệch thu nhập cũng tác động đến năng lực cạnh tranh và phân cấp tài khóa.

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, bài viết sử dụng phương pháp ước lượng 3SLS-GMM (Three Stage Leaast Squares – Generalized Method of Moments estimator) và GMM-HAC (Generalized Method of Moments – Heteroskedastic and Autocorrelation Consistent estimator) để tính toán và ước lượng.

Cơ sở lý thuyết và nghiên cứu trước đây

Theo quan điểm của Oates (1972), phân cấp tài khoá giúp cho địa phương có những thông tin cụ thể về nhu cầu của người dân, từ đó có thể điều chỉnh và đưa ra các chính sách riêng cho từng địa phương. Còn với Salmon (1987); Breton (1996), phân cấp tài khoá có thể thúc đẩy sự cạnh tranh thu hút các nguồn lực tài chính giữa các địa phương và giúp cho hoạt động cung cấp dịch vụ công của địa phương hiệu quả hơn. Như vậy, khi phân cấp tài khóa sẽ có được các chính sách hiệu quả trong việc phát triển kinh tế của địa phương, làm giảm chênh lệch thu nhập giữa các vùng trong dài hạn (Oates, 1993).

Mối quan hệ giữa phân cấp tài khóa, chênh lệch thu nhập trong khu vực và năng lực cạnh tranh, phần lớn được xem xét riêng lẻ 2 trong 3 biến trên và cho thấy: Ở các nước phát triển phân cấp tài khóa làm giảm chênh lệch thu nhập (Gil et al, 2014; Lessmann, 2009) và gia tăng chênh lệch thu nhập ở các quốc gia đang phát triển (Rodriguez - Pose and Ezcurra, 2010; Lessmann, 2012); Nâng cao năng lực cạnh tranh làm giảm chênh lệch thu nhập (Andreas P. K, 2013). Tương tự nghiên cứu của Kanbur và Zhang (2005) cũng xét thấy rằng, phân cấp chi tiêu tăng làm tăng chênh lệch thu nhập vùng.

Trong khi đó, Akai và Sakata (2005) lại cho rằng, phân cấp tài khóa về nguồn thu càng tăng thì làm giảm chênh lệch thu nhập trong khu vực, giảm sự phụ thuộc tài chính của chính quyền địa phương và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các vùng nghèo.

Mô hình và phương pháp nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Mối quan hệ đồng thời giữa năng lực cạnh tranh - phân cách tài khóa – chênh lệch thu nhập ở các tỉnh/thành phố trên cả nước được thể hiện qua hệ phương trình đồng thời (SEM- Simultationeous Equation Model), gồm 3 phương trình có dạng tổng quát như sau:

RIit = 0 + 1FDit +2 PCIit +3X1,it + u1,it      (1)
FDit = 0 + 1RIit +2 PCIit +3X2,it + u2,it      (2)
PCIit = 0 + 1RIit +2 FDit +3X3,it + u3,it       (3)

Trong đó:

- Các chỉ số dưới i đại diện cho các tỉnh/thành phố, t là thời gian.

- PCI là chỉ số năng lực cạnh cấp tỉnh. PCI là chỉ số điểm tổng hợp (có trọng số) của các chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

- FD là biến đại diện cho phân cấp tài khóa của tỉnh i ở thời điểm t. Cụ thể, phân cấp nguồn thu tự chủ của tỉnh (RD1) được tính bằng nguồn thu từ thuế tỉnh hưởng 100% và nguồn thu khác ngoài thuế bình quân trên đầu người của tỉnh so với tổng nguồn thu chung trên đầu người của cả nước (Gammell, 2013).

- RI là biến chênh lệc thu nhập của tỉnh, được đại diện bởi chỉ số;

- PW_CV là biến đại diện cho chênh lệc thu nhập bình quân trên đầu người của tỉnh i so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước ở thời điểm t (Cowell, 1995).

- X1 là tập hợp các biến kiểm soát được đưa vào phương trình bất bình đẳng dựa trên các lý thuyết tăng trưởng kinh tế như thu nhập bình quân đầu người, độ mở thương mại, chi đầu tư, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học và chương trình hỗ trợ 135 của chính phủ.

- X2 là tập hợp biến kiểm soát trong phương trình phân cấp tài khóa, bao gồm các biến như thu nhập bình quân đầu người, độ mở thương mại.

- X3 là tập hợp biến kiểm soát trong phương trình năng lực cạnh tranh, bao gồm các biến thu nhập bình quân đầu người, độ mở thương mại.
- u1, u2, u3 là thành phần sai số của các phương trình trong hệ thống phương trình đồng thời. Các sai số này bao gồm các yếu tố đặc trưng của từng tỉnh (không thay đổi theo thời gian).

Phương pháp ước lượng

Với sự tương tác lẫn nhau tiềm ẩn giữa các biến chính trong mô hình thì phải áp dụng một phương pháp ước lượng có thể xem xét tác động tương hỗ lẫn nhau để tránh các vấn đề thiên lệch trong quá trình phân tích. Ở đây, sự tác động tương hỗ có thể là sự tương quan của phần dư giữa các phương trình cũng như sự tương quan giữa các biến chính, đóng vai trò là biến giải thích trong các phương trình còn lại với sai số của chính phương trình đó (biến nội sinh).

Ngoài ra, trong trường hợp phương sai phần dư của các phương trình không đồng nhất giữa các tỉnh hay nói cách khác, hệ thống tồn tại phương sai thay đổi thì cần xét đến vấn đề này trong hệ phương trình đồng thời. Trong hệ thống phương trình đồng thời các vấn đề này có thể được thực hiện bằng ước lượng GMM theo 2 cách, đó là ước lượng hồi quy 3 bước (3SLS-GMM) và ước lượng GMM-HAC để khắc phục vấn đề phương sai thay đổi và tương quan đồng thời của các phần dư trong hệ thống (Andreas et. al, 2015).

So với cách tiếp cận riêng rẽ từng phương trình thì phương pháp tiếp cận ước lượng hệ thống có thể xét đến các tác tác động tương hỗ giữa các biến chính, đồng thời đạt được kết quả ước lượng tin cậy và hiệu quả hơn (Andreas et. al, 2015). Tùy vào đặc điểm cụ thể của các tác động tương hỗ mà có thể lựa chọn phương pháp ước lượng phù hợp trong số các ước lượng như hồi quy 2 bước (2SLS), ước lượng gần như không liên quan (SUR) hoặc ước lượng 3SLS-GMM. Trong đó, ước lượng 3SLS-GMM là sự kết hợp giữa phương pháp hồi quy 2 bước và phương pháp hồi quy SUR.

Zellner and Theil (1962) khẳng định phương pháp 3SLS-GMM được sử dụng để ước lượng hệ thống các phương trình cấu trúc, trong đó các phần dư của mỗi phương trình có sự tự tương quan lẫn nhau, cũng như một số phương trình tồn tại biến nội sinh.

Trong mô hình nghiên cứu, các biến nội sinh là các biến phụ thuộc đóng vai trò là biến giải thích của các phương trình còn lại. Cụ thể, đó là biến RI trong phương trình của FD và PCI, hoặc FD trong phương trình RI và PCI, cũng như biến PCI sẽ là biến nội sinh trong phương trình RI và FD. Sự tương quan của các sai số nhiễu với các biến nội sinh này sẽ vi phạm giả thiết OLS.

Hơn nữa, bởi vì một số biến giải thích là biến phụ thuộc của các phương trình khác trong hệ thống nên các sai số nhiễu giữa các phương trình có thể bị tương quan nhau. Phương pháp 3SLS-GMM sử dụng cách tiếp cận biến công cụ để tạo các ước lượng tin cậy và tiếp cận GLS trong ước lượng SUR để xét đến sự tương quan của các phần dư (Davidson and MacKinnon, 1993; Greene, 2012).
Như vậy, nghiên cứu sẽ sử dụng phương pháp 3SLS-GMM kết hợp với ước lượng GMM-HAC để kiểm soát vấn đề HAC để ước lượng mối quan hệ đồng thời giữa bất bình đẳng – phân cấp tài khóa và hiệu quả quản trị.

Dữ liệu và kết quả nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu của đề tài được thu thập theo năm trong giai đoạn 2005 - 2014, bao gồm dữ liệu của cả nước và 63 tỉnh/thành trực thuộc Trung ương ở Việt Nam có nguồn từ Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ngoại trừ dữ liệu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được tổng hợp từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì các nguồn dữ liệu còn lại được thu thập từ Tổng cục Thống kê (dữ liệu cấp tỉnh) và Ngân hàng thế giới (dữ liệu cấp quốc gia). Vì vậy, dữ liệu đảm bảo tính đồng nhất và đáng tin cậy để thực hiện kiểm định.

Trong quá trình xử lý dữ liệu cấp tỉnh, đối với trường hợp sát nhập giữa tỉnh Hà Tây vào TP. Hà Nội năm 2008, thì dữ liệu kinh tế của Hà Nội trong giai đoạn 2005 – 2007 sẽ được tính bằng tổng bình quân theo trọng số (dân số) giữa 2 tỉnh này. Từ nguồn dữ liệu trên, tác giả có được kết quả thống kê mô tả cho các biến trong mô hình được tổng hợp ở bảng 1.

Theo bảng 1, cho thấy dữ liệu bảng thu thập hoàn toàn cân bằng với số quan sát tối đa là 630 quan sát cho 63 tỉnh/thành trong thời gian khảo sát 10 năm từ 2005 đến năm 2014. Với thanh điểm tối đa là 100 cho trường hợp địa phương có năng lực cạnh tranh hoàn hảo thì trong giai đoạn 2005- 2014 nhìn chung các tỉnh trên cả nước có năng lực cạnh tranh trung bình, với số điểm cạnh tanh thấp nhất là 36.4 và cao nhất là 77.2.

Bàn về năng lực cạnh tranh, chênh lệch thu nhập và phân cấp tài khóa - Ảnh 1

Kết quả nghiên cứu

 Kết quả ước lượng theo phương pháp 3SLS-GMM và GMM-HAC trong trường hợp biến đại diện cho phân cấp tài khóa là FD là phân cấp nguồn thu tự chủ của địa phương được thể hiện ở bảng 2. Các kết quả cho thấy, tồn tại mối quan hệ hai chiều giữa phân cấp tài khóa, chênh lệch thu nhập và năng lực cạnh tranh. Theo đó, trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi thì phân cấp tài khóa có tác động cùng chiều với chênh lệch thu nhập và năng lực cạnh tranh.

Gia tăng RD1 sẽ gia tăng năng lực cạnh tranh, cũng như gia tăng chênh lệch thu nhập vùng. Ngược lại, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sẽ làm giảm chênh lệch thu nhập vùng, đồng thời làm gia tăng phân cấp tài khóa. Tương tự như vậy, chênh lệch thu nhập vùng tăng sẽ làm tăng phân cấp tài khóa và làm giảm năng lực cạnh tranh trong giai đoạn khảo sát.

Bàn về năng lực cạnh tranh, chênh lệch thu nhập và phân cấp tài khóa - Ảnh 2

Độ phù hợp của mỗi phương pháp ước lượng sẽ được kiểm tra thông qua thống kê J-Hansen. Với giá trị p đều lớn hơn 0.05, kết quả kiểm định ở cả 2 phương pháp 3SLS-GMM và GMM-HAC đều chấp nhận giả thiết H0. Điều đó có ý nghĩa rằng, các biến công cụ được sử dụng trong mô hình là phù hợp.

Khả năng tự chủ nguồn thu của địa phương càng cao thì năng lực cạnh tranh của tỉnh càng tăng.  Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các tỉnh, giảm chênh lệch thu nhập bình quân trên đầu người của các tỉnh so với thu nhập bình quân trên đầu người của quốc gia, cần đẩy mạnh việc phân cấp tài khoá để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Bên cạnh đó, kết quả phân tích cũng cho thấy, thu nhập bình quân đầu người tăng sẽ làm tăng bất bình đẳng vùng, làm giảm phân cấp tài khóa và cải thiện chất lượng chính phủ của mỗi tỉnh. Điều này cũng tương tự cho tự do hóa thương mại.

Kết luận và hàm ý chính sách

Kết luận

Từ việc ước lượng mô hình, bài viết phát hiện một số kết quả sau:
Thứ nhất, tồn tại mối quan hệ hai chiều giữa năng lực cạnh tranh, mức độ phân cấp tài khoá, và chênh lệch thu nhập vùng ở mức ý nghĩa 1%.

Thứ hai, khả năng tự chủ nguồn thu của địa phương càng cao thì năng lực cạnh tranh của tỉnh càng tăng. Ngược lại, năng lực cạnh tranh càng cao, làm cho độ phân cấp nguồn thu này của địa phương cao, điều này có ý nghĩa rằng những tỉnh có năng lực cạnh tranh càng cao, làm cho nguồn thu từ thuế hưởng 100% và các nguồn thu khác ngoài thuế của địa phương càng tăng.

Thứ ba, năng lực cạnh tranh có tác động ngược chiều với chênh lệch thu nhập và ngược; Điều này phản ánh những tỉnh có năng lực cạnh tranh và hiệu quả quả trị cao làm thu hẹp khoảng cách chênh lệch thu nhập bình quân trên đầu người của tỉnh so với thu nhập bình quân trên đầu người của quốc gia.

Thứ tư, phân cấp tài khóa có tác động đồng biến đến chênh lệch thu nhập, các khoản thu ngân sách từ thuế địa phương hưởng 100% và các khoản thu khác ngoài thuế của địa phương so với tổng nguồn thu chung cả nước theo tỷ trọng dân số càng tăng, thì chênh lệch thu nhập của địa phương đó càng tăng. Đồng thời, chênh lệch thu nhập tác động tích cực đến việc phân cấp nguồn thu tự chủ của các tỉnh.
Hàm ý về chính sách

Qua kết quả nghiên cứu cùng với tình hình thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các tỉnh, giảm chênh lệch thu nhập bình quân trên đầu người của các tỉnh so với thu nhập bình quân trên đầu người của quốc gia, cần quan tâm đến những vấn đề sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh việc phân cấp tài khoá để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; nâng cao hiệu quả quản trị của các cấp chính quyền địa phương; nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh, thông qua phát triển các nguồn lực tài chính; lựa chọn và tham gia các chính sách tự do thương mại và đưa ra các chính sách khuyến khích xuất khẩu nhằm tăng nguồn thu tự chủ của địa phương. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản trị, gián tiếp làm giảm chênh lệch thu nhập giữa các tỉnh.

Thứ hai, tăng tỷ lệ chi trong chi tiêu công từ trung ương, cụ thể như chi cho hoạt động thường xuyên (giáo dục và chăm sóc sức khỏe), đẩy mạnh các hoạt động dự án như chương trình 135...

Tài liệu tham khảo:

1. Gemmell, N (2013). Fiscal decentralization and economic growth: spending versus revenue decentralization. Economic Inquiry Vol.51, No.4,1915-1931;

2. Kuznets, S (1955), Economic growth and income inequality.The American Economic Review., Vol.XLV, 1955;

3. Stegarescu, D. (2005). Public sector decentralisation: Measurement concepts and recent international trends. Fiscal Studies 26(3), 301-333.