Tác động của thuế và bảo hiểm xã hội đến tăng trưởng kinh tế
Bài nghiên cứu được phát triển từ nghiên cứu của Lee và Gordon (2005) về mối quan hệ giữa cấu trúc thuế và tăng trưởng kinh tế, bổ sung thêm biến đại diện cho chính sách bảo hiểm xã hội (tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và của người lao động) trên mẫu 35 quốc gia châu Á, giai đoạn nghiên cứu từ 2006 - 2015 cho cấu trúc thuế và từ 2009-2015 cho chính sách bảo hiểm xã hội. Kết quả nghiên cứu một mặt bổ sung các bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ giữa cấu trúc thuế và bảo hiểm xã hội với tăng trưởng, mặt khác là cơ sở cho các gợi ý chính sách tài khóa.
Thuế và tích lũy nhân tố
Theo trường phái Tân cổ điển, tăng trưởng chỉ phụ thuộc vào tích lũy vốn vật chất và vốn nhân lực. Trong dài hạn, bất cứ cấu trúc thuế nào cũng tạo ra một tỷ số cân bằng giữa lao động và vốn và một mức độ cân bằng về giáo dục trên một lao động.
Những thay đổi nào trong chính sách thuế sẽ tạo ra những gia tăng trong đầu tư vào vốn vật chất và vốn nhân lực? Theo Hall và Jorgenson (1967) và nhiều nghiên cứu sau đó về thuế và tỷ lệ vốn đầu tư, thuế suất hiệu lực thấp hiện hành trên đầu tư mới sẽ tạo ra tăng trưởng nhanh hơn trong ngắn hạn, do bùng nổ đầu tư đáp ứng với thuế suất thấp tạm thời. Biến đo lường cho hiệu ứng này là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Tác động của thuế lên đầu tư vào vốn nhân lực thì phức tạp hơn. Trostel (1993) chứng minh rằng thuế suất thu nhập cá nhân (TNCN) cố định không ảnh hưởng đến động cơ học tập tự thân, bởi vì chính phủ sẽ phân phối đồng đều những thu nhập quá khứ và tương lai từ giáo dục. Tuy nhiên, như Heckman và ctg (1998) nhấn mạnh, một thuế suất lũy tiến sẽ không khuyến khích giáo dục, bởi vì tiết kiệm từ thuế khi đi học không cân đối được với hiện giá của thuế phải trả trong tương lai từ thu nhập tăng thêm. Tác động dự báo của thuế TNCN lên giáo dục vì vậy không rõ ràng.
Thuế và chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp
Nghiên cứu của Cullen và Gordon (2002) chỉ ra nhiều khả năng khác nhau, qua đó thuế ảnh hưởng đến chấp nhận rủi ro của DN. Bắt đầu là hỗ trợ thuế cho tự thuê mướn khi thuế suất TNDN nhỏ hơn thuế suất TNCN biên.
Chấp nhận rủi ro tự thân bị ảnh hưởng bởi cấu trúc thuế trong chừng mực lãi và lỗ chịu các thuế suất khác nhau. Nếu DN có thể chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh của mình, hay ít nhất là chuyển đổi lãi hoặc lỗ giữa cơ sở thuế TNDN và TNCN, khi đó sự khác biệt trong thuế suất TNDN và TNCN sẽ hỗ trợ cho việc chấp nhận rủi ro. Cụ thể, khi thuế suất TNCN cao hơn thuế suất TNDN, DN sẽ báo cáo lỗ cho các hoạt động chịu thuế TNCN, và báo lãi cho hoạt động chịu thuế TNDN.
Cho đến nay, thuế giá trị gia tăng (GTGT) chưa được đề cập nhiều.
Về mặt lý thuyết, thuế GTGT là thuế tỷ lệ trên đầu ra thuần, vì vậy sẽ trung lập theo các tranh luận bên trên. Tuy nhiên, trong thực tế một DN với GTGT âm do các dự án không hiệu quả sẽ rất khó khăn trong việc nhận hoàn thuế từ chính phủ. Trong chừng mực không có thực tế bù lỗ theo thuế GTGT, nghĩa là đầu ra thuận lợi sẽ bị đánh thuế, còn đầu ra không thuận lợi sẽ không được tiết kiệm bởi thuế, một thuế suất GTGT cao sẽ không khuyến khích chấp nhận rủi ro.
Ảnh hưởng của một số chính sách khác
Nhiều chính sách khác của chính phủ có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ hoạt động DN. Chính phủ có thể sử dụng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan để bảo hộ các ngành hiệu hữu được ưu đãi, qua đó đặt các ngành khác vào mất lợi thế cạnh tranh. Các rào cản gia nhập nêu trên càng lớn, số lượng hoạt động DN càng thấp và giả định sẽ làm chậm tỷ lệ tăng trưởng.
Một chính sách quan trọng của các chính phủ là BHXH. Trong những năm gần đây, BHXH bị chỉ trích rất nhiều do làm giảm năng lực cạnh tranh quốc tế, giảm sáng kiến và giảm tăng trưởng kinh tế (Hans-Werner Sinn, 1996). Marx (2001) đã chỉ ra việc gia tăng tỷ lệ BHXH do DN đóng là chính sách của chính phủ nhằm giảm rủi ro cho người lao động trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhưng lại làm giảm số việc làm được tạo ra trong các ngành, đặc biệt là những ngành thâm dụng lao động.
Phương pháp nghiên cứu
Mô hình nghiên cứu
Nhóm tác giả sử dụng 2 mô hình nghiên cứu để: (1) đánh giá tác động của cấu trúc thuế đến tăng trưởng kinh tế; (2) đánh giá tác động của 2 biến độc lập BHXH do DN (SSER) và người lao động đóng (SSEE) đến tăng trưởng kinh tế.
Mô hình 1:
GROWTHit = b0 + b1.CORPTAXit + b2.INDTAXit + b3.SALESTAXit + b4.TARIFFit + b5.CORRUPTit + b6. INFit+ b7.POPGROWit + b8. INVESTMENT it + uit
Mô hình 2:
GROWTHit = b0 + b1.SSEEit + b2.SSERit + b3.CORRUPTit + b4. INFit+ b5.POPGROWit + b6. INVESTMENT it + uit
Mẫu dữ liệu
Nhóm tác giả thu thập dữ liệu từ 35 quốc gia châu Á: Afghanistan, Armenia, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Cyprus, Georgia, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Israel, Nhật Bản, Jordan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Kuwait, Lebanon, Macau, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Saudi Arabia, Singapore, Sri Lanka, Syria, Thái Lan, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Việt Nam, Yemen.
Khung thời gian: Đối với mô hình 1: 2006 – 2015; Đối với mô hình 2: 2009 – 2015.
Dữ liệu thuế suất thuế TNDN phổ biến (CORPTAX), thuế suất thuế TNCN cao nhất (INDTAX), thuế suất thuế GTGT (SALESTAX), BHXH do DN đóng (SSEE) và BHXH do người lao động đóng (SSER) được thu thập từ bảng thuế suất thế giới của Hiệp hội KPMG Quốc tế (KPMG International).
Dữ liệu GDP bình quân đầu người (GROWTH), thuế nhập khẩu bình quân hàng năm (TARIFF), tỷ lệ lạm phát bình quân hàng năm (INF), tỷ lệ tăng trưởng dân số hàng năm (POPGROW) và tổng hình thành vốn cố định so với GDP (INVESTMENT) được thu thập từ Chỉ số Phát triển Thế giới (World Development Indicators) của tổ chức Ngân Hàng Thế giới (World Bank).
Dữ liệu chỉ số tham nhũng được đo lường bằng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (Corruption Perceptions Index) được thu thập từ Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International). Thang đo từ 0-10; 0: độ tham nhũng cao nhất; 10: trong sạch nhất.
Phương pháp xử lý
Xử lý theo trình tự đối với dữ liệu bảng động (Dynamic panel-data). Đây là trường hợp mô hình IVs có số biến công cụ lớn hơn biến nội sinh (over-identification). Trong trường hợp phương sai độc lập nhưng xảy ra hiện tượng phương sai thay đổi (heteroskedastic) và mẫu lớn nên nhóm tác giả sẽ sử dụng phương pháp ước lượng one-step GMM.
Trong quá trình chạy mô hình, nhóm tác giả đã loại các biến EDU, OPEN ra khỏi mô hình vì thiếu dữ liệu.
Các tác giả xử lý 2 mô hình trên toàn bộ mẫu (full sample), sau đó xử lý trên hai mẫu con (sub-sample) dựa vào trung vị của GDP đầu người để khảo sát tác động của thuế và BHXH đối với nhóm quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập cao.
Thảo luận kết quả nghiên cứu
Kết quả hồi quy Mô hình 1
Bảng 3 tập trung vào mối quan hệ giữa cấu trúc thuế và tăng trưởng kinh tế. Kết quả hồi quy cho thấy thuế suất thuế TNDN có tương quan dương với tăng trưởng GDP đầu người (mức ý nghĩa 1%) cho cả 3 mẫu dữ liệu, trái ngược với kết quả nghiên cứu của Lee và Gordon (2005). Tuy nhiên, kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Phạm Quốc Việt và ctg (2016) trên mẫu các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.
Kết quả này có thể được luận giải bằng việc hạ thấp thuế suất thuế TNDN của các quốc gia trong mẫu nghiên cứu trong giai đoạn 2006-2015, qua đó khuyến khích việc chấp nhận rủi ro kinh doanh, mặt khác có thể giảm tác động của định giá chuyển giao, cuối cùng ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng GDP đầu người.
Ngoài ra, biến thuế TNCN có tương quan âm với tăng trưởng kinh tế trên toàn bộ mẫu và nhóm quốc gia có thu nhập cao (mặc dù mức ý nghĩa 10%), có tương quan dương với tăng trưởng kinh tế, nhưng không có ý nghĩa thống kê trên nhóm quốc gia có thu nhập thấp.
Tương tự như vậy, thuế GTGT có tương quan dương với tăng trưởng kinh tế trên toàn bộ mẫu (mức ý nghĩa 1%) và nhóm quốc gia có thu nhập cao (mức ý nghĩa 10%), có tương quan dương với tăng trưởng kinh tế, nhưng không có ý nghĩa thống kê trên nhóm quốc gia có thu nhập thấp. Kết quả này cho thấy tại các nền kinh tế phát triển, đóng góp của thuế GTGT mang ý nghĩa tích cực, còn thuế TNCN có đóng góp tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế; còn tại các quốc gia có thu nhập thấp, tác động của 2 loại thuế này là không rõ rệt.
Tác động của hàng rào thuế quan đến tăng trưởng kinh tế chủ yếu là tiêu cực (trên toàn bộ mẫu và nhóm quốc gia thu nhập thấp), nhưng không có ý nghĩa thống kê. Kết quả này được lý giải bởi một mặt bởi xu thế chuyển dịch từ hàng rào thuế quan sang các hàng rào kỹ thuật trong thương mại khu vực và quốc tế, mặt khác bởi tác động tích cực của thuế GTGT (trong đó có thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu).
Kết quả hồi quy Mô hình 2
Kết quả từ Bảng 4 cho thấy tỷ lệ BHXH do cá nhân đóng có tương quan dương với tăng trưởng kinh tế (mức ý nghĩa 1% đối với toàn bộ mẫu, các quốc gia có thu nhập cao, và mức ý nghĩa 5% đối với nhóm quốc gia có thu nhập thấp). Ngược lại, tỷ lệ BHXH do DN đóng có tương quan âm với tăng trưởng kinh tế đối với toàn bộ mẫu (mức ý nghĩa 10%) và nhóm quốc gia có thu nhập thấp (mức ý nghĩa 1%), nhưng lại có tương quan dương với tăng trưởng kinh tế đối với nhóm quốc gia có thu nhập cao (mặc dù không có ý nghĩa thống kê).
Kết quả này phù hợp với lập luận của Marx (2001) vốn cho rằng khi giảm tỷ lệ BHXH do DN đóng giúp tạo ra nhiều việc làm hơn, đặc biệt trong những ngành thâm dụng lao động, và bằng chứng thực nghiệm do Phạm Quốc Việt và ctg (2016) cung cấp, nhưng lại trái ngược với kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Zhang và Zhang (2004).
Kết quả này có thể được luận giải bằng việc gia tăng tỷ lệ đóng BHXH của DN của các quốc gia trong mẫu nghiên cứu trong giai đoạn 2009-2015, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc chấp nhận rủi ro của DN và tạo việc làm mới, qua đó ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP đầu người.
Kết luận và gợi ý chính sách
Kết quả nghiên cứu nêu trên đưa đến một số gợi ý chính sách sau:
- Các quốc gia châu Á không nhất thiết phải giảm thuế TNDN để thúc đẩy chấp nhận rủi ro của DN, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thay vào đó, cần nghiên cứu điều chỉnh cấu trúc thuế thông qua đánh đổi giữa thuế TNCN (thuế trực thu) và tăng thuế GTGT (thuế gián thu).
- Các quốc gia châu Á, đặc biệt là nhóm quốc gia có thu nhập thấp, cần điều chỉnh cấu trúc thu BHXH theo hướng giảm tỷ lệ BHXH huy động từ DN và/hoặc tăng tỷ lệ BHXH huy động từ người lao động.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Quốc Việt, Cao Tấn Huy, Nguyễn Thành Châu, 2016. Nghiên cứu mối quan hệ giữa cấu trúc thuế và tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Kinh tế và Dự báo. Số 14 tháng 6/2016 (622), trang 7-10;
2. Clemens, M.A., Williamson, J.G., 2004. Why Did the Tariff-Growth Correlation Change after 1950? Journal of Economic Growth, 9 (1): 5–46;
3. Cullen, Julie Berry, Roger H. Gordon. Taxes and Entrepreneurial Activity: Theory and Evidence for the U.S. NBER Working Paper No. 9015, 2002;
4. Lee, Young & Gordon, Roger H., 2004. Tax structure and economic growth. Journal of Public Economics 89, 1027-1043;
5. Jing Xing, 2012. Tax structure and growth: How robust is the empirical evidence? Economics Letters 117, 379–382;
6. Jie Zhang, Junsen Zhang, 2004. How does social security affect economic growth? Evidence from cross-country data. Journal of Popolation Economics, 17:473–500.