Tác động từ cấu trúc sở hữu đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại tại Việt Nam
Nghiên cứu này xác định tác động của cấu trúc sở hữu đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại tại Việt Nam giai đoạn 2010 - 2022. Dữ liệu được thu thập từ 26 ngân hàng thương mại và kiểm định bởi mô hình hồi quy đa biến. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tăng tỷ lệ sở hữu nhà nước làm giảm hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, ngược lại, việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài và sở hữu tư nhân làm tăng hiệu quả hoạt động ngân hàng thương mại. Từ kết quả nghiên cứu này, tác giả đưa ra một số khuyến nghị cho các nhà quản trị nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động ngân hàng.
Giới thiệu
Trong những năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những bước phát triển rõ rệt mà một trong những điểm đáng chú ý nhất đó là sự đa dạng hóa trong cấu trúc sở hữu như: Ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, NHTM cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng có vốn nước ngoài. Sự đa dạng trong hình thức sở hữu đặt ra yêu cầu phải quản lý nghiêm ngặt hơn từ phía các cơ quan quản lý để đảm bảo vận hành ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng; đồng thời, mỗi NHTM cũng đối mặt với những thách thức trong thực thi các biện pháp quản trị hiệu quả.
Qua nghiên cứu thực trạng của các NHTM, bài viết này làm rõ tác động của cấu trúc sở hữu đối với hiệu quả hoạt động trong hệ thống ngân hàng Việt Nam bằng việc sử dụng phần mềm STATA làm công cụ tính toán. Dựa trên kết quả nghiên cứu, các nhà quản lý NHTM sẽ có những giải pháp phù hợp với tình hình hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Cơ sở lý thuyết
Theo lý thuyết chi phí người đại diện (Jensen và Meckling, 1976), chủ thể hay chủ sở hữu vốn và người đại diện hay nhà quản trị luôn có sự đối nghịch về lợi ích. Người sở hữu vốn quan tâm đến giá trị công ty, giá cổ phiếu (cũng là lợi ích của chính họ). Trong khi đó, nhà quản trị chưa quan tâm nhiều đến lợi ích cổ đông mà chỉ quan tâm đến lợi ích của mình là chính (lương, thưởng, phụ cấp, nguồn thu khác dựa trên vị trí công tác của mình).
Đối với hoạt động ngân hàng, việc sở hữu cổ phần nhà nước được cho là chưa hiệu quả về bản chất vì vấn đề đại diện (Williams và Nguyen, 2005). Vấn đề người đại diện - người đứng đầu trở nên quan trọng hơn dưới quyền sở hữu của Chính phủ và quyền sở hữu của Chính phủ trong các ngân hàng có khả năng gây rủi ro đạo đức do các nhà quản trị ngân hàng luôn kỳ vọng vào các gói cứu trợ của Chính phủ trong điều kiện sức khoẻ tài chính giảm (Ashraf, 2017).
Để giảm bớt các vấn đề về chi phí người đại diện và nâng cao hiệu quả hoạt động, việc tăng tỷ lệ sở hữu tư nhân và gói thù lao hấp dẫn được xem là biện pháp hữu ích. Các nhà đầu tư có xu hướng lấy lợi nhuận vốn cổ phần tối đa làm mục tiêu đầu tư chính của họ. Do đó, họ thường chỉ gắn bó với công ty bằng cổ phần sở hữu của mình và hầu hết hoạt động trong tầm tay với các nhà quản lý.
Nghiên cứu của Jiang và cộng sự (2013) cho thấy, việc tư nhân hóa các ngân hàng đã cải thiện hiệu suất xét về dòng doanh thu và tăng hiệu quả trong ngắn hạn hoặc dài hạn ở Trung Quốc. Saghi-Zedek (2016) cũng nhận thấy rằng, ngân hàng có nhiều cổ đông trong nước có khả năng sinh lời cao hơn, vì những cổ đông này có thêm kỹ năng quản lý đa dạng hóa hoạt động và mang lại hiệu quả kinh tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa tài chính được mở rộng hơn nữa trong lĩnh vực ngân hàng vốn trước đây bị hạn chế đối với đầu tư quốc tế, sự cởi mở ngày càng tăng đối với các nhà đầu tư cổ phần nước ngoài ở các nước đang phát triển được kỳ vọng sẽ cải thiện môi trường thông tin như tăng phạm vi phân tích của các nhà phân tích và giảm quản lý thu nhập.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần nước ngoài sẽ tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động ngân hàng. Thứ nhất, các cổ đông nước ngoài ít chịu áp lực chính trị hơn và có nhiều khả năng tham gia vào các cuộc đàm phán và giám sát lâu dài trong các công ty (Huang và Zhu, 2015). Thứ hai, các cổ đông nước ngoài có khả năng mang lại công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại và kỹ năng quản lý hiệu quả vì các nhà đầu tư nước ngoài thường đầu tư vào các công ty tương tự ở các khu vực pháp lý khác nhau nên họ có kinh nghiệm và bí quyết liên quan để đặt ra các tiêu chuẩn phù hợp cho hiệu quả hoạt động (Gillan và Starks, 2003).
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm (Berger và cộng sự, 2009; Lin và Zhang, 2009) ủng hộ quan điểm các nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp các ngân hàng trong nước áp dụng các công nghệ tiên tiến và chuyên môn cho các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng với phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất (Pooled OLS), hồi quy tác động cố định (FEM) và hồi quy tác động ngẫu nhiên (REM). Dữ liệu thứ cấp được sử dụng thu thập từ báo cáo tài chính (BCTC) đã kiểm toán của 26 NHTM giai đoạn 2010 - 2022 trên các sản giao dịch HNX, HOSE và UPCOM được đưa về thành dạng bảng và chạy hồi quy trên phần mềm Stata 16. Dựa trên kết quả của Lin và Zhang (2009); Lensink và Naaborg (2007) mô hình hồi quy được tác giả đề xuất như sau:
ROA=β0+β1×OWNit+β2×SIZEit+β3×DEPit+β4×LOAit+β5×EQUit+Ei
Trong đó:
- Efficiency: Là nhóm gồm biến phụ thuộc (ROA) đo lường hiệu quả hoạt động của ngân hàng i tại năm t (%);
- OWNit: Cấu trúc sở hữu đo lường tỷ lệ sở hữu bao gồm sở hữu nhà nước (SO), sở hữu nước ngoài (FO), sở hữu tư nhân (DO);
- SIZEit: Quy mô của ngân hàng i vào năm thứ t;
- DEPit: Tỷ lệ tiền gửi của ngân hàng i vào năm thứ t (%);
- LOAit: Tỷ lệ cho vay của ngân hàng i vào năm thứ t (%);
- EQUit: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của ngân hàng i vào năm thứ t (%);
- Eit: sai số của mô hình đại diện cho những yếu tố không quan sát được kháu nhau giữa các đối tượng và thay đổi theo thời gian.
Kết quả nghiên cứu
Phân tích thống kê mô tả
Bảng 1 cho thấy, có 338 quan sát trong 12 năm giai đoạn 2010 - 2022. Biến phụ thuộc (ROA) có gía trị trung bình là 0.009, giá trị tối thiểu -0.059, giá trị tối đa 0.059, độ lệch chuẩn 0.0086. Tỷ lệ sở hữu nhà nước (SO) bình quân của 26 ngân hàng là 23,34%, tỷ lệ sở hữu nhà nước lớn nhất là 100% và thấp nhất là 0%.
Tỷ lệ sở hữu tư nhân bình quân của 26 ngân hàng là 65,66%, tỷ lệ sở hữu tư nhân lớn nhất là 100% và thấp nhất là 0%. Bảng 1 cho thấy, giá trị độ lệch chuẩn/giá trị trung bình của phần lớn các biến có giá trị nhỏ hơn 1, độ lệch chuẩn nhờ hơn trung bình, dữ liệu giao động yếu, dữ liệu thống kê quan sát của mẫu chênh lệch thấp.
Kiểm tra kết quả đa cộng tuyến
Nghiên cứu sử dụng hệ số phóng đại phương sai VIF để kiểm tra đa cộng tuyến. Nếu hệ số VIF không vượt quá 10 thì có dấu hiệu đa cộng tuyến trong mô hình nghiên cứu. Bảng 2 cho thấy, hệ số VIF của các biến trong mô hình có giá trị nhỏ hơn 10. Điều này cho thấy, mô hình nghiên cứu không có hiện tượng đa cộng tuyến, các biến độc lập không ảnh hưởng đến kết quả giải thích của mô hình.
Lựa chọn mô hình ước lượng
Để thực hiện hồi quy dữ liệu bảng, bài viết sử dụng phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất (Pool-OLS), phương pháp hồi quy tác động cố định và (FEM) và hồi quy tác động ngẫu nhiên (REM). Nghiên cứu sử dụng kiểm định Hausman để lựa chọn giữa mô hình hồi quy (FEM) và (REM) cho dữ liệu bảng của mẫu nghiên cứu.
Kiểm định Hausman có các giả thuyết như sau:
H0: không có tương quan giữa các biến giải thích và thành phần ngẫu nhiên, có nghĩa là mô hình REM là phù hợp.
H1: Có tương quan giữa biến giải thích và thành phần ngẫu nhiên (tức là mô hình FEM) là phù hợp.
Kết quả kiểm định Hausman Bảng 3 cho thấy, với p – value = 0.0032 < 5%(0.05). Như vậy, giả thuyết H0 bị bác bỏ, phương pháp phù hợp đưuojc lựa chọn là ảnh hưởng cố định (FEM). Vì vậy, nghiên cứu sẽ sử dụng mô hình (FEM) để hồi quy tác động của các trúc sở hữu đến hiệu quả hoạt động của NHTM.
Kiểm tra tính phù hợp của mô hình
Để kiểm định phương sai sai số thay đổi, mô hình sử dụng kiểm định White Bảng 4.
BẢNG 1: KẾT QUẢ THỐNG KÊ MÔ TẢ |
|||||
Biến quan sát |
Số quan sát |
Giá trị trung bình |
Sai số chuẩn |
Giá trị nhỏ nhất |
Giá trị lớn nhất |
ROA |
338 |
0.0097951 |
0.0086729 |
-0.0599291 |
0.0595185 |
SO |
338 |
0.2334408 |
0.3076117 |
0 |
1 |
FO |
338 |
0.1098879 |
0.1142743 |
0 |
0.3 |
DO |
338 |
0.6566713 |
0.3048308 |
0 |
1 |
SIZE |
338 |
32.17963 |
1.327242 |
28.51423 |
34.98866 |
DEP |
338 |
0.7029434 |
0.1375709 |
0.2689155 |
0.9668182 |
EQU |
338 |
0.1005396 |
0.0568103 |
0.0400355 |
0.4624462 |
LOA |
338 |
0.5569014 |
0.1396358 |
0.1139039 |
0.8516832 |
Nguồn: Tính toán bằng phần mềm STATA
BẢNG 2: KẾT QUẢ KIỂM TRA ĐA CỘNG TUYẾN TRONG MÔ HÌNH |
||
Biến số |
VIF |
1/VIF |
SIZE |
2.62 |
0.381961 |
EQU |
2.09 |
0.477783 |
LOA |
1.86 |
0.538931 |
DEP |
1.79 |
0.558809 |
SO |
1.53 |
0.655559 |
FO |
1.22 |
0.816376 |
DO |
1.65 |
0.605640 |
VIF trung bình |
1.68 |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
BẢNG 3: KẾT QUẢ KIỂM ĐỊNH HAUSMAN TEST CHO MÔ HÌNH |
|
Giả thuyết H0 |
Không có tương quan giữa các biến giải thích và thành phần ngẫu nhiên |
chi2 |
23.10 |
Prob > chi2 |
0.0032 |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
BẢNG 4: KIỂM ĐỊNH TỰ TƯƠNG QUAN |
|
Giả thuyết H0 |
Mô hình không xảy ra hiện tượng tự tương quan |
F(1,25) |
10.996 |
Prob > F |
0.0028 |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
BẢNG 5: KIỂM ĐỊNH PHƯƠNG SAI SAI SỐ THAY ĐỔI |
|
Giả thuyết Ho |
Mô hình không xảy ra hiện tượng phương sai sai số thay đổi |
chi2 |
161.36 |
Prob > chi2 |
0.0000 |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Dựa vào kết quả từ Bảng 4, p – value = 0.0028 và 0.0000 nhỏ hơn mức ý nghĩa 0.05, tức là giả thuyết H0 bị bác bỏ hay mô hình có hiện tượng tự tương quan. Để kiểm định hiện tượng tự tương quan, kiểm định Wooldridge được sử dụng (Bảng 5). Với p - value = 0.0000, giá trị nhỏ hơn 0.05 giả thuyết H0 bị bác bỏ, tức là phương sai qua các thực thể là thay đổi.
Để khắc phục khuyết tật tự tương quan, phương sai sai số thay đổi, nghiên cứu sử dụng mô hình bình phương tổng quát khả thi (FGLS-Feasible Generalized Least Square) để thu được ước lượng vững và hiệu quả.
Căn cứu kết quả hồi quy cho thấy, 7 biến độc lập giải thích được 54% sự biến thiên của biến phục thuộc là hiệu quả hoạt động doanh nghiệp vào mô hình. Cụ thể, kết quả tác động như sau:
Tỷ lệ sở hữu nhà nước (SO) có tác động ngược chiều đến tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA). Điều này có nghĩa rằng đối với các NHTM có sở hữu nhà nước càng cao, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) sẽ càng giảm.
Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, với mức ý nghĩa 5%, khi tỷ lệ sở hữu nhà nước tăng 1%, thì tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản giảm trung bình 0.271%. Kết quả này cũng phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam khi các NHTM có tỷ lệ sở hữu nhà nước cao thường theo đuổi nhiều mục tiêu khác chẳng hạn như mục tiêu chính sách, chứ không hẳn là tối đa hóa lợi nhuận. Kết quả này hỗ trợ cho lý thuyết chi phí đại diện của Jensen và Meckling (1976).
Biến tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FO) có tương quan dương với tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức ý nghĩa 5%, có nghĩa sự xuất hiện của sở hữu nước ngoài làm gia tăng mức sinh lời cho các ngân hàng và làm tăng hiệu quả hoạt động cho ngân hàng. Kết quả này cũng phù hợp với điều kiện thị trường mới nổi như Việt Nam khi các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển giao công nghệ, cải tiến chất lượng sản phẩm, tăng cường giám sát làm giảm cả chi phí hoạt động và chi phí đại diện và cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Biến tỷ lệ sở hữu tư nhân (DO) có tương quan dương với tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức ý nghĩa 5%. NHTM có nhiều nhà đầu tư trong nước sẽ có thể giảm đáng kể chi phí đại diện, và cơ chế quản trị công ty trong các NHTM sở hữu tư nhân cũng tốt hơn, do đó, có thể gia tăng khả năng sinh lời. Kết quả này ủng hộ giả thuyết nghiên cứu và đồng nhất với các kết quả của Saghi-Zedek (2016), Rosalina (2018).
Các nhân tố quy mô vốn, tỷ lệ vốn chủ sở hữu có tác động tích cực đến ROA. Nhân tố tỷ lệ tiền gửi của ngân hàng tác động tiêu cực đến ROA. Ngoài ra ở mô hình, không có bằng chứng thống kê về tác động của tỷ lệ cho vay đến ROA.
Kết luận và khuyến nghị
Kết quả kiểm định cho thấy, sở hữu nhà nước có tác động tiêu cực tới hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, ngược lại, sở hữu nước ngoài và sở hữu tư nhân có tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Một số nguyên nhân giải thích cho tác động tiêu cực của sở hữu nhà nước và tác động tích cực sở hữu nước ngoài như chưa tách bạch vai trò quản lý doanh nghiệp và quản lý nhà nước, năng lực quản trị công ty của các ngân hàng có vốn nhà nước nói riêng còn hạn chế, giới hạn tỷ lệ sở hữu được phép của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam còn thấp.
Sau khi kiểm định tác động của cấu trúc sở hữu đến hiệu quả hoạt động của NHTM, tác giả đưa ra một số khuyến nghị, nhằm thay đổi cấu trúc sở hữu bất hợp lý, tăng hiệu quả hoạt động của các NHTM như:
Thứ nhất, cần khẩn trương giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước đặc biệt đối với nhóm ngân hàng có sở hữu nhà nước đang chiếm 100% vốn điều lệ. Bên cạnh việc tập trung giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước của các ngân hàng một cách nhanh chóng, cần có các giải pháp nâng cao vai trò của sở hữu nhà nước trong các ngân hàng như thay đổi cách thức quản trị, nâng cao tính minh bạch, cải thiện năng lực và hiệu lực của hoạt động thanh tra, giám sát.
Thứ hai, phát huy vai trò của sở hữu nhà nước thông qua người đại diện. Người đại diện cho phần vốn nhà nước trong các ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò quan trọng bởi giá trị nắm giữ cổ phần lớn, từ đó ảnh hưởng lớn tới các quyết định của ngân hàng. Người đại diện có quyền lực lớn trong hội đồng quản trị của ngân hàng, dẫn đến họ có thể có những quyết định mang tính chủ quan chưa thực sự mang lại lợi ích của các cổ đông còn lại.
Thêm vào đó, rủi ro đạo đức có thể xảy ra nếu người đại diện có động cơ sử dụng quyền đại diện của họ tại các NHTM nhà nước để có những quyết định mang lại lợi ích cho bản thân họ. Vì vậy, giải pháp tạo cơ chế vừa khuyến khích động lực làm việc vì lợi ích chung của ngân hàng, vừa hạn chế rủi ro sử dụng quá nhiều quyền lực của người đại diện trong việc ảnh hưởng tới các quyết định của ngân hàng là cần thiết.
Thứ ba, việc nới “room” giới hạn sở hữu cổ phần cũng như nới lỏng các quy định về nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần, trở thành nhà đầu tư và nhà đầu tư chiến lược tại các NHTM Việt Nam có sở hữu nhà nước chi phối là cần thiết, vì điều này không chỉ hỗ trợ cho quá trình thoái vốn nhà nước trong ngắn hạn, mà còn giúp tăng nội lực của các ngân hàng trong dài hạn thông qua chuyển giao công nghệ tiên tiến, chia sẻ kinh nghiệm quản trị và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tài liệu tham khảo:
- Lin, X., và Zhang, Y. (2009), Bank ownership reform and bank performance in China. Journal of Banking & Finance, 33(1), 20-29;
- Lensink, R., và Naaborg, I. (2007), Does foreign ownership foster bank performance?, Applied Financial Economics, 17(11), 881-885;
- Rosalina, D.A. and Nugraha, N.(2019b), The effects of ownership structure on bank profitability. Proceedings of the 1st international conference on Economics, Business, Entrepreneurship, and Finance (ICEBEF 2018);
- Jensen, M. C., Meckling, W. H., (1976), Theory of the Firm: Managerial Behavior, Agency Costs and Ownership Structure. Journal of Financial Economics 3, 305-360;
- Williams, J., Nguyen, N., (2005), Financial liberalisation, crisis, and restructuring: A comparative study of bank performance and bank governance in South East Asia. Journal of Banking and Finance 29, 2119-2154.