Tác động từ rủi ro thanh khoản và kiệt quệ tài chính đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Mai Huỳnh Phương Thảo, Nguyễn Duy Sữu, Võ Thị Thức

Bài viết này xem xét tác động của thanh khoản và kiệt quệ tài chính đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Dữ liệu được thu thập từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2022. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khả năng thanh khoản có tác động ngược chiều đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Kiệt quệ tài chính có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Kết quả này góp phần đưa ra các khuyến nghị cho nhà quản trị doanh nghiệp và các bên liên quan.

Đặt vấn đề

Hoạt động sản xuất kinh doanh luôn phải đề ra các mục tiêu tài chính quan trọng. Bên cạnh các mục tiêu cụ thể như khả năng sinh lời, hiệu quả hoạt động và giá trị doanh nghiệp thì mục tiêu quản trị thanh khoản và mối quan hệ giữa thanh khoản và hiệu quả hoạt động cũng là mục tiêu trung gian và quan trọng không kém.

Theo Johnson và Soenen (2003), quản trị thanh khoản tốt có thể gia tăng giá trị cho cổ đông. Khả năng thanh khoản tốt giúp cho công ty có thể nhận được những lợi ích từ bên ngoài như chính sách chiết khấu tốt hoặc nhận lợi ích vô hình như được cổ đông, nhà đầu tư đánh giá cao (Main và Smith, 1992).

Tuy nhiên, theo lý thuyết đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận, kết quả nghiên cứu của Arshad và Gondal (2013) cho rằng, quản trị khả năng thanh khoản tốt có thể làm giảm lợi nhuận. Với các kết quả không đống nhất giữa các nghiên cứu theo từng quốc gia và thời gian khác nhau cho thấy, việc quản trị thanh khoản vẫn phù hợp lý thuyết đánh đổi.

Tuy nhiên, điều quan trong là lợi ích cho cổ đông và rủi ro cho các bên liên quan thì quản trị thanh khoản tốt vẫn được khuyến khích hơn (Abuzayed, 2012; Ameliana và Octafian, 2024). Vì chưa thống nhất về kết quả nghiên cứu, cho nên trong bài viết này, nhóm tác giả muốn kiểm tra xem tính thanh khoản tác động như thế nào đến hiệu quả hoạt động công ty.

Bên cạnh rủi ro thanh khoản, rủi ro về kiệt quệ tài chính cũng tác động không kém đến hiệu quả hoạt động. Rủi ro thanh khoản cũng là một phần trong rủi ro kiệt quệ tài chính, tuy nhiên, chỉ số đo lường rủi ro kiệt quệ tài chính bao gồm nhiều thành phần khác như lợi nhuận và mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro, giá trị thị trường và đòn bẩy tài chính. Opler và Titman (1994) cho rằng, kiệt quệ tài chính có tác động đến hiệu quả công ty thông qua đòn bẩy tài chính và quản trị chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển.

Việt Nam có nền kinh tế mới nổi, do vậy mục tiêu quản trị công ty cũng chưa rõ ràng. Công ty cần quản trị nhiều mục tiêu, trong đó, tính thanh khoản, rủi ro kiệt quệ tài chính vẫn được các nhà nghiên cứu và nhà quản trị quan tâm. Chính vì vậy, nhóm tác giả mong muốn xem xét liệu tính thanh khoản, rủi ro kiệt quệ tài chính tác động như thế nào đến hiệu quả hoạt động công ty để làm bằng chứng cho các quyết định trong ngắn và dài hạn của công ty.

Cơ sở lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu

Thanh khoản và hiệu quả hoạt động

Khả năng thanh khoản là khả năng mà tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thanh toán nợ ngắn hạn. Doanh nghiệp có khả năng thanh khoản cao sẽ góp phần gia tăng uy tín của doanh nghiệp và có thể mang lại giá trị tốt cho cổ đông (Johnson và Soenen, 2003). Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp gia tăng khả năng thanh khoản quá cao có thể làm giảm lợi nhuận (Ugwu và cộng sự, 2021). Trong khi đó, Ameliana và Octafian (2024) cho rằng, doanh nghiệp nên quan tâm đến quản trị tốt khả năng thanh khoản. Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán còn non trẻ, doanh nghiệp thường đặt mục tiêu lợi nhuận lên trước các mục tiêu khác, theo lý thuyết đánh đổi gia tăng thanh khoản sẽ góp phần làm giảm mục tiêu gia tăng lợi nhuận. Do vậy, giả thuyết được đưa ra như sau:

H1: Gia tăng khả năng thanh khoản sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Kiệt quệ tài chính và hiệu quả hoạt động

Theo Opler và Titman (1994), kiệt quệ tài chính là kết quả của một quá trình thua lỗ kéo dài và có tác động mạnh đến mối quan hệ giữa chủ nợ và các bên liên quan. Theo Altman và Hotchkiss (2006), Tinoco và Nick Wilson (2013), thuật ngữ kiệt quệ tài chính của công ty hay doanh nghiệp được nói đến như một giai đoạn khó khăn về mặt tài chính. Tương tự, Whitaker (1999) cho rằng, kiệt quệ tài chính là hiện tượng dòng tiền của doanh nghiệp không đủ đáp ứng chi trả nợ dài hạn.

Gestel và cộng sự (2006) cho rằng, kiệt quệ tài chính là kết quả của việc làm ăn thua lỗ dẫn đến suy giảm tài sản đồng thời tăng quá mức các khoản nợ phải trả. Như vậy, khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính, các chi phí khắc phục tình trạng kiệt quệ sẽ cao lên và từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động. Do vậy, giả thuyết nghiên cứu đưa ra là:

H2: Kiệt quệ tài chính tăng làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Phương pháp nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu được tham khảo từ các nghiên cứu trước Yasin Mahmood (2018), Tan (2008), Yung-Jang Wang (2001) về sự tác động của tính thanh khoản và kiệt quệ tài chính đến hiệu quả hoạt động.

Firm performance = β0 + β1Liquidity + β2Financial Distress + β3Variable Control + εit

ROAit = β0 + β1CRit + β2Zscoreit +β3LEVit + β4CTAit + β5LACit+ β6SIZEit + β7GDPit + εit (1)

ROEit = β0 + β1CRit + β2Zscoreit +β3LEVit + β4CTAit + β5LACit+ β6SIZEit + β7GDPit + εit (2)

TobinQit = β0 + β1CRit + β2Zscoreit +β3LEVit + β4CTAit + β5LACit+β6SIZEit + β7GDPit + εit (3)

Biến phụ thuộc: Biến đại diện hiệu quả hoạt động (Firm performance) bao gồm: Khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA), khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), giá trị thị trường của nợ và vốn chủ sở hữu (TobinQ).

Biến giải thích: Khả năng thanh khoản (Liquidity): Khả năng thanh toán ngắn hạn (CR), khả năng thanh toán nhanh (QR), đòn bẩy tài chính (LEV), tài sản ngắn hạn trên tổng tài sản (CTA), tài sản dài hạn trên tổng vốn dài hạn (LAC). Kiệt quệ tài chính (Financial Distress): Bài viết sử dụng chỉ số Zscore để đo lường tình trạng kiệt quệ tài chính của công ty.

Biến kiểm soát (Variable Control): Quy mô công ty (SIZE), tăng trưởng kinh tế (GDP).

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Phân tích thống kê mô tả

Phân tích thống kê mô tả cho thấy các kết quả như Bảng 1.

Bảng 1: Thống kê mô tả

Biến

Trung bình

Trung vị

Giá trị lớn nhất

Giá trị nhỏ nhất

Độ lệch chuẩn

Số quan sát

ROA

0.069

0.052

0.993

-0.988

0.089

4192

ROE

0.120

0.116

5.159

-25.051

0.467

4192

TOBINQ

1.145

0.909

14.992

0.001

0.935

4192

CR

2.915

1.568

982.486

0.113

16.288

4192

QR

2.139

1.043

612.688

0.042

10.982

4192

ZSCORE

1.084

0.850

13.864

0.004

1.018

4192

LEV

0.479

0.491

1.173

0.001

0.227

4192

CTA

4.087

1.415

1,627.512

0.001

28.550

4192

LAC

0.657

0.638

12.337

0.000

0.440

4192

SIZE

27.268

27.137

32.814

22.939

1.647

4192

GDP

0.059

0.062

0.080

0.026

0.016

4192

Ghi chú: ROA= Lợi nhuận sau thuế (EAT)/ Tài sản; ROE =EAT/Vốn chủ sở hữu; TobinQ = Giá trị thị trường của nợ và vốn chủ sở hữu/Tài sản; CR = Tài sản ngắn hạn (TSNH)/ Nợ ngắn hạn; QR = (Tài sản ngắn hạn- Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn; ZSCORE; LEV= Tổng nợ/Tổng tài sản; CTA= TSNH/Tài sản; LAC= Tài sản dài hạn /(Nợ dài hạn+ Vốn chủ sở hữu); SIZE= LN (Tài sản); GDP=(GDPt – GDPt-1)/GDPt-1.

 Nguồn: Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả

 

Phân tích tương quan

Phân tích tương quan giữa các biến độc lập trong mô hình cho thấy, có cặp biến CR và QR có tương quan cao (>0.8). Với kết quả tương quan này thì hiện tượng tự tương quan xảy ra trong mô hình là khá cao. Do vậy, mô hình nghiên cứu của nhóm tác giả không xem xét đồng thời giữa các biến này.

Ngoài ra, các cặp biến có tương quan khá thấp (< 0.4) và cao nhất là cặp biến LEV và SIZE (0.3092). Như vậy, hiện tượng tự tương quan giữa các biến trên là hầu như không xảy ra. Kiểm định đa cộng tuyến bằng VIF cho thấy, VIF khá thấp (VIF<2) đồng nghĩa với việc không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra trong mô hình.

Kết quả nghiên cứu

Bảng 2: Phân tích tương quan

 

CR

QR

LEV

CTA

LAC

ZSCORE

SIZE

GDP

VIF

CR

1

 

 

 

 

 

 

 

1.03

QR

0.9835

1

 

 

 

 

 

 

1.04

LEV

-0.1520

-0.1832

1

 

 

 

 

 

1.27

CTA

-0.0004

0.0003

-0.0013

1

 

 

 

 

1.08

LAC

-0.0786

-0.0853

0.3391

-0.0113

1

 

 

 

1.01

ZSCORE

-0.0267

-0.0424

0.0305

0.0024

-0.0715

1

 

 

1.14

SIZE

-0.0643

-0.0776

0.3092

-0.0188

0.1562

-0.2198

1

 

1.20

GDP

0.0053

0.0042

0.0060

-0.0028

0.0129

0.0352

-0.0302

1

1.05

Nguồn: Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả

 

Bảng 3: Kết quả hồi quy

Biến

ROA

ROE

TOBINQ

Hệ số

Xác suất

Hệ số

Mức xác suất

Hệ số

Xác suất

CR

-0.00004

0.5134

-0.00008

0.6208

-0.00163**

0.0184

LEV

-0.14296***

0.0000

-0.00747

0.6061

-0.16954***

0.0000

CTA

0.00001

0.8145

0.00005

0.7357

0.00008

0.6837

LAC

-0.02427***

0.0000

-0.12356***

0.0000

-0.04079*

0.0682

ZSCORE

0.01946***

0.0000

0.03587***

0.0000

0.06220***

0.0000

SIZE

0.00796***

0.0000

0.01862***

0.0000

0.07572***

0.0000

GDP

0.27763**

0.0125

-1.99766

0.5518

2.84445

0.8280

C

-0.10089

0.0000

-0.22399

0.2722

-1.04176

0.1844

Số quan sát

4192

4192

4192

     

R2

0.21

0.128

0.178

     

F-statistic

61.98

32.25

47.67

     

DW

0.654

1.143

0.455

     

Fixed year

Yes

Yes

Yes

     

Ghi chú: (***,**,*) tương ứng mức ý nghĩa thống kê 1%, 5% và 10%, DW: Durbin-Watson

Nguồn: Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả

 

Bảng 4: Kiểm định lựa chọn mô hình- Hausman Test

(FEM-REM)

Mô hình

ROA

ROE

TobinQ

Chi-Sq. Statistic

78.970410

24.155877

73.307989

Prob.

0.0000

0.0011

0.0000

Nguồn: Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả

 

Bảng 5: Kết quả hồi quy (Kiểm tra tính bền vững của mô hình)

Biến

ROA

ROE

TOBINQ

Hệ số

Xác suất

Hệ số

Xác suất

Hệ số

Xác suất

QR

-0.000003

0.9979

-0.00004

0.8727

-0.00177*

0.0542

LEV

-0.14355***

0.0000

-0.00699

0.6308

-0.16864***

0.0001

CTA

0.00001

0.7743

0.00005

0.7358

0.00008

0.6810

LAC

-0.02455***

0.0000

-0.12350***

0.0000

-0.03991*

0.0744

ZSCORE

0.01928***

0.0000

0.03588***

0.0000

0.06218***

0.0000

SIZE

0.00874***

0.0000

0.01863***

0.0000

0.07567***

0.0000

GDP

0.25909

0.8221

-1.99797

0.5517

2.85797

0.8271

C

-0.12113

0.0879

-0.22470

0.2707

-1.04326

0.1837

Số quan sát

4192

4192

4192

     

R2

1.217

0.124

0.174

     

F-statistic

62.378

32.25

47.56

     

DW

0.654

1.872

0.453

     

Ghi chú: (***,**,*) tương ứng mức ý nghĩa thống kê 1%, 5% và 10%

Nguồn: Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả

 

Để có kết quả cuối cùng trước khi phân tích thảo luận, nhóm tác giả tiến hành thực hiện hồi quy các mô hình bằng các phương pháp ước lượng như Pool-OLS, FEM và REM, đồng thời, cũng đã kiểm định lựa chọn phương pháp ước lượng cuối cùng thông qua một số kiểm định. Kiểm định lựa chọn Pool OLS hoặc FEM sử dụng Redundant test, kết quả là lựa chọn FEM. Kiểm định lựa chọn FEM hoặc REM bằng phương pháp Hausman Test, kết quả lựa chọn FEM.

Sau đó, nhóm tác giả tiến hành kiểm tra phương sai sai số thay đổi và kết quả cho thấy, mô hình có hiện tượng phương sai sai số thay đổi. Chính vì vậy, nhóm tác giả tiến hành thực hiện phương pháp ước lượng GLS để khắc phục. Kếtt quả cuối cùng để phân tích và thảo luận là kết quả từ phương pháp ước lượng GLS.

Ngoài ra, để kiểm tra tính bền vững của mô hình, nghiên cứu này đã thay biến khả năng thanh toán ngắn hạn (CR) thành biến khả năng thanh toán nhanh (QR), kết quả cho thấy các biến độc lập trong mô hình không đổi dấu và ý nghĩa thống kê. Kết quả này cho thấy mô hình có tính bền vững cao.

Kiểm tra tính bền vững của mô hình

Để kiểm tra xem mô hình ban đầu có tính bền vững hay không, nhóm tác giả tiến hành thực hiện kiểm tra tính bền vững (Robustness check). Nhóm tác giả tiến hành thay biến khả năng thanh toán ngắn hạn (CR) thành khả năng thanh toán nhanh (QR). Sự khác biệt 2 biến này ở khoản mục hàng tồn kho. Hàng tồn kho có tác động lớn đến khả năng thanh khoản của công ty. Cụ thể, hàng tồn kho cao dẫn đến tính thanh khoản thấp. Tuy nhiên, theo lý thuyết đánh đổi, hàng tồn kho cao có khả gia tăng hiệu quả hoạt động. Do vậy, để xem mô hình có thay đổi hay không sau khi thay thế khả năng thanh khoản bằng biến số có liên quan đến hàng tồn kho, kết quả không có sự khác biệt về chiều hướng, ý nghĩa thống kê có khác biệt không đáng kể.

Thảo luận kết quả nghiên cứu

Khả năng thanh khoản được đại diện bằng khả năng thanh toán ngắn hạn (CR): Kết quả nghiên cứu cho thấy, khả năng thanh khoản (CR) có tác động ngược chiều đến hiệu quả hoạt động thông qua biến TobinQ. Có nghĩa là khi công ty tăng tính thanh khoản bằng cách nắm giữ các loại tài sản có tính thanh khoản cao có thể tác động không tốt đến khả năng nhận định của cổ đông, cổ đông luôn quan niệm rằng công ty nên khai thác tốt tài sản của mình bằng cách hạn chế lưu giữ tài sản tài chính. Kết quả này phù hợp với phát hiện của García‐Teruel và Martínez‐Solano (2007). Ngoài ra, bài viết cũng chưa phát hiện ra rõ ràng mối quan hệ giữa khả năng thanh khoản với hiệu quả hoạt động được đo lường bằng giá trị số sách.

Khả năng thanh khoản đo lường bằng đòn bẩy tài chính (LEV): Đòn bẩy tài chính cao thì khả năng tự chủ thấp có thể dẫn đến khả năng thanh khoản thấp. Theo kết quả nghiên cứu, biến LEV có tác động ngược chiều lên cả 3 biến (ROA, ROE và TobinQ). Điều này cho thấy, doanh nghiệp càng gia tăng đòn bẩy tài chính, áp lực trả lãi cao dẫn đến hiệu quả thấp. Mặc dù lý thuyết trật tự phân hạng cho thấy, doanh nghiệp nên đi vay để tài trợ cho các dự án nhằm tăng hiệu quả hoạt động, tuy nhiên khi vay nhiều không làm tăng ROA và ROE thì thị trường cũng không đánh giá cao đối với chiến lược trên. Kết quả này cũng tương thích với nhiều nghiên cứu trong đó có Ilyukhin (2015), Abu-Abbas và cộng sự (2019).

Kiệt quệ tài chính đại diện bằng chỉ số (Zscore): Kết quả nghiên cứu cho thấy, kiệt quệ tài chính có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động được đo lường bằng 3 biến (ROA, ROE và TobinQ). Theo kết quả này, khi chỉ số Zscore cao đồng nghĩa với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là tốt, các rủi ro thấp và do vậy làm tăng hiệu quả hoạt động của công ty cả giá trị sổ sách và giá trị thị trường. Kết quả này tương đồng với nhiều nghiên cứu trong đó có Opler và Timan (1994), Tan (2012).

Tác động của cơ cấu đầu tư đại diện biến (LAC) lên hiệu quả hoạt động: Kết quả cho thấy, LAC tác động âm đến hiệu quả hoạt động được đo lường bằng cả 3 biến (ROA, ROE và TobinQ). Kết quả cho thấy, tỷ trọng tài sản dài hạn trên vốn dài hạn tăng có thể dẫn đến rủi ro tăng cao và đo đó làm giảm hiệu quả hoạt động. Kết quả này cho thấy, có sự trái ngược với lý thuyết đánh đổi khi cho rằng tăng đầu tư vào tài sản dài hạn sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động.

Quy mô công ty (SIZE): Quy mô doanh nghiệp có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Kết quả này ngụ ý rằng khi quy mô doanh nghiệp tăng, doanh nghiệp dễ dàng tổ chức các hoạt động kinh doanh như tăng doanh thu từ gia tăng nhiều dự án và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Kết quả này tương thích với Malik và Ahmed (2013), Abu-Abbas và cộng sự (2019).

Kết luận và hàm ý chính sách

Bài viết xem xét tác động của thanh khoản và kiệt quệ tài chính đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Dữ liệu là báo cáo tài chính được kiểm toán của công ty niêm yết trên sán chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2010 đến 2022. Bài viết sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính đa biến, sử dụng phương pháp Pool OLS, Phương pháp FEM, REM và cuối cùng là GLS để ước lượng mô hình. Kết quả cho thấy, khả năng thanh khoản tác động ngược chiều đến hiệu quả hoạt động đo lường bằng giá trị thị trường TobinQ. Kiệt quệ tài chính có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động đo lường bằng ROA, ROE và TobinQ. Cơ cấu đầu tư có tác động đến hiệu quả hoạt động đo lường cả 3 biến (ROA, ROE và TobinQ). Kết quả này góp phần đưa ra các khuyến nghị cho nhà quản trị công ty và các bên liên quan. Đặc biệt, quản trị khả năng thanh khoản cần chú trọng đến hiệu quả công ty đo bằng giá trị thị trường. Mặt khác, công ty cần quản trị các hoạt động kinh doanh để tránh lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính.

Nghiên cứu này đã cho thấy các kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn hạn chế cần nghiên cứu thêm trong tương lai như cần bổ sung biến khả năng thanh khoản bằng tỷ số vốn lưu động ròng hoặc khả năng thanh toán bằng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Abu-Abbas, B. M., Alhmoud, T., Algazo, F. A. (2019). Financial leverage and firm performance evidence from Amman stock exchange. The European Journal of Comparative Economics, 16(2), 207-237.
  2. Ameliana, H., Octafian, R. (2024). The Financial Performance Reviewed Through Liquidity and Market Ratio. Journal of International Multidisciplinary Research, 2(5), 565-571;
  3. García‐Teruel, P. J., Martínez‐Solano, P. (2007). Effects of working capital management on SME profitability. International Journal of managerial finance, 3(2), 164-177;
  4. Ilyukhin, E. (2015). The impact of financial leverage on firm performance: Evidence from Russia. Корпоративные финансы, 9(2), 24-36;
  5. Mahmood, Y., Rizwan, M. F., Rashid, A. (2018). Exploring the relationship between financial distress, financial flexibility, and firm performance: empirical evidence from Pakistan stock exchange. NICE Research Journal, 1-16.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2024